Thắc mắc về tước hiệu Mẹ Thiên Chúa trong các anh em Tin lành

Lịch sử giáo Hội cho thấy tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria vẫn được mọi người chấp nhận. Tới năm 429, Giám mục Nestoriô dấy lên lạc thuyết nói rằng Chúa Giêsu có hai ngôi vị riêng biệt, và Đức Maria chỉ là Mẹ của ngôi vị loài người mà thôi. Năm 431, lạc thuyết này bị công đồng Ephêsô lên án và không còn thấy tái hiện trong Kitô giáo cho tới sau thời kỳ giáo phái Tin Lành ra đời. Sự kiện có những anh em Tin lành không nhìn nhận Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa là một sự xa rời căn bản của Kinh thánh và các Giáo phụ. Bởi vì điều ấy hàm ý rằng Chúa Giêsu chẳng phải là Thiên Chúa hoặc là nơi Ngài có hai ngôi vị riêng biệt.

1-Sự cần thiết nêu lên những lý chứng: Anh em Tin lành viện lẽ rằng Đức Maria chẳng có thể tạo ra Thiên tính của Chúa Giêsu, vậy Đức Mẹ không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Vì Chúa Giêsu là một ngôi vị duy nhất (Công đồng Ephêsô, x Denziger-Schonmetzer 250). Chúng ta nói một kẻ được sinh ra, mà không nói bản tính được sinh, hay thân xác được sinh. Chẳng hạn, cha mẹ không sinh ra linh hồn chúng ta, vì chúng ta lãnh nhận linh hồn trực tiếp từ Thiên Chúa, cha mẹ chỉ sinh chúng ta phần xác. Thế nhưng người ta không nói “mẹ tôi chỉ sinh ra thân xác tôi”, mà nói “mẹ tôi sinh ra tôi”.

2-Cần nêu chứng từ của Kinh thánh: Có rất nhiều đoạn cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Chúa. Phúc âm Matthew (Mat 1: 23) ( nhắc lời tiên tri Isaia) nói danh hiệu Đấng Cứu thế là Emmanuel, nghĩa là “Chúa ở với chúng tôi”. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata: “Đến thời gian viên mãn, Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, sinh dưới chế độ lề luật” (Gal 4,4). Luca cũng cho biết: “Con trẻ được sinh ra, sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa( Lc 1: 35). Bà Isave cũng nói: “Mẹ của Chúa tôi”. Chữ “Chúa tôi” đối với dân Do thái chỉ để quy về Thiên Chúa (Luc 1: 43).

3-Anh em Tin lành đồng ý Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu: mặc dù anh em Tin lành không nhìn nhận Đưc Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng họ đồng ý Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu: Chúng ta biết, Con Thiên Chúa nhập thể không có nghĩa một phần là Thiên Chúa, một phần là người. Nếu hiểu như vậy thì hoá ra một nửa Chúa Giêsu là Chúa, một nửa kia là người pha trộn với nhau. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải là sự pha trộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. (Sách GLCG số 464 a). Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật trong một ngôi duy nhất là ngôi thứ hai. Trong suốt những thế kỷ đầu tiên để chống lại các lạc thuyết, nhất là lạc thuyết Nestoriô, Hội Thánh đã phải bảo vệ và minh giải chân lý đức tin này: “Thiên Chúa làm người, đã làm người mà vẫn thật sự là Thiên Chúa” (Sách GLCG 464b và 468)

4-Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ: Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu là một ngôi vị duy nhất, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại không thể tách rời nhau, như công đồng Êphêsô đã tuyên xưng: “Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một thân xác do một linh hồn làm cho sống động. Nhân tính của Chúa Giêsu không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng từ lúc tượng thai đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình… vì thế chúng ta nói: “Ngôi Lời đã sinh ra làm người”. (Denzinger-Sconmetzer: Tuyển tập các tín biểu, các Định tín, Sách GLCG số 466 trích dẫn). Cuối cùng, công đồng Ephêsô năm 431 công bố rằng: “Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ

5- Học hỏi trong tương lai: Chúng ta sẽ có dịp đề cập tới các Giáo phụ và các nhà Sáng lập của Tin lành đã xác lập quả quyết rằng: Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa. Như vậy hy vọng chúng ta và anh em Tin lành càng có nhiều lý chứng rất đáng thuyết phục.

Oi Mẹ Thiên Chúa, “Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”(Lc 1: 28). Xin cho con được chia xẻ một phần phúc lộc của Mẹ, để con đáng được Chúa Giêsu thương đến! Amen.

LM Trần Xuân Lãm
VietCatholic News (12/11/2005)