Ngày 7 tháng 10

Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi

OurLadyRosary.jpg (34916 bytes)Thánh Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập ngày lễ này vào năm 1573. Mục đích là để cảm tạ Thiên Chúa vì người Kitô chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Lepanto - là một chiến thắng nhờ bởi việc lần chuỗi mai khôi. Vào năm 1716, Ðức Clement XI đã nới rộng ngày lễ này cho toàn thể Giáo Hội.

Sự hình thành chuỗi mai khôi có một lịch sử lâu dài. Ðầu tiên, người ta đọc 150 kinh Lạy Cha để phỏng theo 150 Thánh Vịnh. Sau đó người ta thêm vào tập tục đọc 150 kinh Kính Mừng. Và sau cùng các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu đã được thêm vào trước mỗi kinh Kính Mừng.

Mặc dù sự kiện Ðức Maria ban chuỗi mai khôi cho Thánh Ða Minh được coi là không có trong lịch sử, việc phát triển hình thức cầu nguyện này là nhờ những người theo Thánh Ða Minh. 

Một trong những người đó là Alan de la Roche, thường được gọi là "tông đồ mai khôi." Ngài thành lập hội Ái Hữu Mai Khôi đầu tiên trong thế kỷ 15. Vào thế kỷ 16, cách lần chuỗi mai khôi được phát triển như hình thức bây giờ - gồm 15 mầu nhiệm vui, thương và mừng.

 

Lời Bàn

Mục đích khi lần chuỗi mai khôi là để giúp chúng ta suy tư về các mầu nhiệm cứu chuộc. Ðức Piô XII gọi đó là bản tóm lược phúc âm. Ðích điểm nhắm đến là Chúa Giêsu - sự sinh hạ, cuộc đời, sự chết và sự sống lại của Ngài. Kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta rằng Cha của Ðức Giêsu là người khởi xướng sự cứu chuộc. Kinh Kính Mừng nhắc nhở chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria suy niệm về những mầu nhiệm này. Các mầu nhiệm đó cũng giúp chúng ta ý thức rằng Mẹ Maria đã và đang kết hợp mật thiết với Con của ngài trong tất cả những mầu nhiệm khi Chúa Giêsu ở trần gian cũng như ở trên thiên đàng. Kinh Sáng Danh nhắc nhở chúng ta về mục đích của mọi sự sống là để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chuỗi Mai Khôi được nhiều người ưa chuộng vì nó đơn giản. Việc lập đi lập lại những câu kinh quen thuộc tạo nên bầu khí thuận tiện cho việc suy niệm những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta cảm thấy như Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở với chúng ta trong các niềm vui cũng như sự đau khổ của đời sống. Chúng ta hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được chia sẻ sự vinh quang của Chúa Giêsu và Mẹ Maria nơi thiên đàng.

Lời Trích

"[Chuỗi mai khôi] đưa ra những mầu nhiệm của Ðức Kitô trong một phương cách độc đáo mà Thánh Phaolô đã diễn tả trong Thư gửi tín hữu Philípphê – tự hạ mình, chịu chết và được siêu tôn (2:6-11); Tự bản chất, việc lần chuỗi mai khôi đòi hỏi sự nhịp nhàng và đều đặn, giúp người tín hữu suy niệm về những mầu nhiệm cuộc đời của Ðức Kitô để gắn bó với Ngài như tâm hồn của Ðức Maria, là người gần với Ðức Kitô hơn ai hết" (Ðức Phaolô VI, Việc Sùng Kính Ðức Trinh Nữ Maria, 45, 47).

(*) Theo linh mục Trần Văn Kiệm, chữ Rosary được dịch là Mai Khôi thì đúng nhất, vì chữ Mai có nghĩa hoa hồng và chữ Khôi có nghĩa ngọc đẹp. Những chữ Mân Côi và Văn Côi không được xác thực.

(Trích Gương Thánh Nhân - ns Người Tín Hữu online)

BÀI ĐỌC THÊM:

NGÀY 7-10: LỄ ĐỨC MARIA CHIẾN THẮNG HỒI GIÁO

Đức thánh Giáo Hoàng Pio V (1566-1572) có tên thật là Michele-Antonio Ghislieri. Ngài sinh ngày 17-1-1504 tại Bosco Marengo thuộc Alessandria (Bắc Ý) và qua đời ngày 1-5-1572. 100 năm sau, Đức Pio V được tôn phong chân phước và 40 năm sau, ngày 22-5-1712, ngài được Đức Giáo Hoàng Clemente XI (1700-1721) nâng lên hàng hiển thánh.

Triều đại Đức thánh Giáo Hoàng Pio V chỉ kéo dài 6 năm, nhưng ghi dấu nhiều biến chuyển quan trọng.

Nguyên là tu sĩ Đa-Minh và là vị trưởng pháp tòa điều tra, khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Pio V tức khắc truyền cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo phải thi hành nghiêm chỉnh mọi chỉ thị và sắc lệnh của Công Đồng Chung Trento.

Công Đồng Trento diễn ra trước đó ba lần. Lần thứ nhất từ 1545-1549. Lần thứ hai từ 1551-1552 và lần thứ ba từ 1562-1563. Công Đồng Trento quyết liệt đối phó với các hệ phái Tin Lành, bằng cách, cho duyệt xét lại toàn bộ kỷ luật Hội Thánh cũng như long trọng tái khẳng định các tín điều nền tảng của Giáo Hội Công Giáo. Chính Đức thánh Giáo Hoàng Pio V cho xuất bản năm 1568 cuốn Kinh Nguyện Giáo Sĩ và năm 1570 Sách Lễ Roma.

Với các hoạt động mục vụ trên, Đức thánh Giáo Hoàng Pio V được kính nhớ như vị Giáo Hoàng có nhiều công nghiệp trong việc khẳng định Đức Tin Công Giáo vào thời điểm có nhiều giao động.

Thế nhưng, công nghiệp anh dũng nhất của Đức Pio V, được sử liệu ghi lại, là chủ xướng cuộc thủy chiến nơi kênh đào Lepanto vào ngày 7-10-1571.

Cuộc thủy chiến thay đổi hẳn lịch sử Âu Châu nơi mấy thế kỷ tiếp theo sau đó. 300 tàu chiến thuộc Liên Minh Thánh do Đức Pio V phối hợp từ các nước theo Kitô Giáo - chỉ nội trong vòng Chúa Nhật 7-10-1571 - đã đánh phá tan tành hạm đội Thổ-Nhĩ-Kỳ do Sélim II (1524-1574) chủ mưu dưới sự điều khiển của Mehmet Alì Pascià.

Cuộc chiến thắng trận đánh nơi kênh đào Lepanto (ngày nay là Naupaktos) bên Hy-Lạp đã giúp cho tất cả các nước Tây Âu theo Kitô Giáo thoát khỏi âm mưu thống trị của Hồi Giáo. Tây Âu tránh được thảm trạng xảy ra cho Kitô Giáo Đông Phương hơn một thế kỷ trước đó, khi Đông Phương bị quân hồi giáo Thổ-Nhĩ-Kỳ Constantinople đánh chiếm vào năm 1453.

7-10-1571 - Ngày Chiến Thắng Lepanto - trở thành biến cố biểu tượng đi vào lịch sử và ký ức, nói lên quyết tâm của Tây Phương sẵn sàng chiến đấu dành thắng lợi cho lý tưởng cao cả.

Hậu quả do Chiến Thắng Lepanto mang lại không nằm trong lãnh vực chính trị cho bằng nằm trong lãnh vực tinh thần và luân lý. Chiến Thắng củng cố sức mạnh Tây Phương trong hiệp nhất và hy sinh, mỗi khi có hiểm nguy xuất hiện.

Riêng Đức thánh Giáo Hoàng Pio V thâm tín sâu xa rằng:

- Chính quyền lực Kinh Mân Côi giúp cho trận chiến Lepanto chỉ diễn ra trong vòng một ngày và đánh tan tành quân hồi giáo Thổ-Nhĩ-Kỳ.

Với trọn lòng ghi ơn thảo hiếu, Đức thánh Giáo Hoàng Pio V thiết lập lễ kính ”Đức MARIA Chiến Thắng Hồi Giáo - Santa MARIA delle Vittorie sull'Islam” vào ngày 7-10 hàng năm, ngày ghi nhớ chiến thắng Lepanto 7-10-1571. Sau đó Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII (1572-1585) đổi thành ”Lễ Đức Mẹ Mân Côi”.

435 năm sau chiến thắng Lepanto, (1571-2006), hơn bao giờ hết, toàn thể Giáo Hội Công Giáo, Đông cũng như Tây, ý thức sâu xa rằng, chỉ với Kinh Mân Côi, chỉ nhờ Đức Mẹ Mân Côi, thế giới mới có thể thoát khỏi vòng tay bạo lực của nhóm hồi giáo cực đoan, dùng chiêu bài tôn giáo để gieo rắc oán thù và chết chóc.

Trong tháng 10, toàn thể tín hữu Công Giáo cùng nhau sốt sắng lần hạt van xin Đức Mẹ Mân Côi cứu thoát khỏi hiểm họa chiến tranh để sống trong an bình và niềm kính sợ THIÊN CHÚA.

... ”Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao .. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Rồng lớn, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất .. Bấy giờ có giao chiến trên Trời: Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và các Thiên Thần của Người giao chiến với con Mãng-Xà. Con Mãng-Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên Trời nữa. Con Mãng-Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên Trời:
”THIÊN CHÚA chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Chúa KITÔ của Người,
giờ đây cũng biểu dương quyền bính” (Khải Huyền 12, 1-10).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Radio Vatican News (05/10/2006)