Me Maria

Nhập Ðề

Những năm gần đây báo chí thường đề cập đến Ðức Trinh Nữ Maria và cung cấp nhiều chi tiết về những "lần hiện ra" của Ngài. Nhiều bài tường thuật nhấn mạnh đến tính cách đe dọa trong sứ điệp của Ðức Trinh Nữ Maria làm cho người đọc có cảm tưởng là tận thế đã gần đến. Những bài tường thuật này có thể có hai tác dụng: Một đàng chúng có thể giúp tín hữu sửa đổi đời sống, thêm lòng đạo đức, đôi khi cũng làm cho người lương trở lại. Tuy nhiên, nếu sự việc không xảy ra như lời Ðức Trinh Nữ Maria đã phán thì nhiều người sẽ mất đức tin và nghi ngờ Giáo Hội.   

Ðể có một cái nhìn chân thực về Ðức Trinh Nữ Maria thiết tưởng cần nghiên cứu các bản văn Thánh Kinh nói về Ðức Trinh Nữ Maria và các giáo huấn, định tín chính thức của Giáo Hội qua nhiều thế kỷ để tìm ra chân dung và vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria. Việc tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria đúng dắn nhất phải dựa trên căn bản này. Sứ điệp của Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra tại những nơi đã được Giáo Hội công nhận như tại Lộ Ðức (Pháp, năm 1858), tại Fatima (Bồ Ðào Nha, năm 1917) và La Vang (Việt Nam năm 1798) ... cũng phần nào củng cố tập tục sùng kính tốt đẹp và lâu đời này.   

Theo thần học gia Pháp René Laurentin thì các tác giả viết về Thánh Mẫu Học, là môn học chuyên về Ðức Trinh Nữ Maria, thường thuộc một trong hai nhóm. Nhóm thứ nhất thì nhấn mạnh đến tính cách gần gũi con người của Ðức Trinh Nữ Maria (sự giống nhau) vì Ngài cũng đã lo âu sợ hãi và chịu các cực khổ như mọi người đàn bà khác và do đó thông cảm được nỗi ưu tư khắc khoải của nhân sinh. Nhóm thứ hai thì nhấn mạnh đến các danh dự cao vời của Ðức Trinh Nữ Maria (sự khác nhau) như Ngài là Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Hồn Xác Lên Trời, có quyền năng và sẵn sàng cầu bầu với Thiên Chúa cho nhân loại.   

Bài viết này trình bày vắn tắt chân dung và vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria theo Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Bài viết cũng tóm tắt quan niệm về Ðức Trinh Nữ Maria của các giáo phái và tôn giáo khác như Chính Thống Giáo, Tin Lành, Anh Giáo và Hồi Giáo. Việc tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria cũng được đề cập đến với những nhận xét sơ khởi về các lần Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra. Hy vọng bài biết sẽ là một đóng góp đơn sơ đáp lại lời kêu mời của Giáo Hội về việc tìm hiểu thêm về Ðức Trinh Nữ Maria trong chương trình chuẩn bị mừng sinh nhật 2000 năm của Chúa Giêsu Kitô.   

Ðức Trinh Nữ Maria trong Kinh Thánh và Giáo Huấn của Giáo Hội

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) mới đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của Ðức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Ðức Kitô và mầu nhiệm Chúa Thánh Thần. Những điều Giáo Hội tin về Ðức Trinh Nữ Maria được đặt nền tảng trên những điều Giáo Hội tin về Ðức Kitô. Vì những điều Giáo Hội dạy về Ðức Trinh Nữ Maria phải làm sáng tỏ thêm đức tin vào Ðức Kitô (GLCG đoạn 487). Nói tóm lại, theo sách GLCG thì hai bộ môn Kitô học và Thánh Mẫu học có tương quan chặt chẽ với nhau và Ðức Trinh Nữ Maria có một vai trò đặc biệt trong mầu nhiệm cứu độ. Xin tham khảo thêm các đoạn sau đây của sách GLCG: 884-511; 829; 963-972; 2617-2619. 

Những đoạn Thánh Kinh nói về Ðức Trinh Nữ Maria

Luca 1: 26-39  Thiên Thần truyền tin cho Ðức Trinh Nữ Maria
Luca 1: 39-35  Ðức Trinh Nữ Maria đi thăm bà Thánh Isave
Luca 1: 46-56  Kinh Magnificat
Luca 2: 1-7 & 2:15-19  Ðức Giêsu ra đời
Luca 2: 39-52  Ðời sống ẩn dật tại Nazareth và Ðức Giêsu ngồi giữa các tiến sĩ luật tại đền thờ.
Luca 8: 19-21  Ai là cha mẹ thật của Ðức Giêsu
Luca 11: 27-28  Phúc thật
Matthêu 1: 16  Sự thụ thai đống trinh của Ðức Trinh Nữ Maria
Matthêu 1: 18-25  Sự ra đời của Chúa Giêsu
Matthêu 2: 11  Ba vua đến chầu Chúa Hài Nhi
Matthêu 2: 13-14  Thánh Gia trốn sang Ai cập
Matthêu 2: 19-23  Rời bỏ Ai cập và trở về định cư tại Nazareth
Matthêu 12: 46-50  Ai là cha mẹ thật của Chúa Giêsu
Matthêu 13: 53-57  Ði thăm Nazareth
Maccô 3: 20-21  Những người bà con của Chúa nghĩ rằng Ngài mất trí
Maccô 3: 31-35  Ai là cha mẹ thật của Chúa Giêsu
Maccô 6: 1-4  Chúa Giêsu đi thăm Nazareth
Gioan 2: 1-12  Ðám cưới tại Cana
Gioan 19: 25-27  Chúa Giêsu và mẹ Ngài
Tông Ðồ Công Vụ 1: 13-14  Các tông đồ tụ họp cầu nguyện với Ðức Trinh Nữ Maria
Thư Galata 4: 4-5  Thiên Chúa sai con Ngài, sanh bởi người đàn bà ...." 

Những Ðịnh Tín của Giáo Hội về Ðức Trinh Nữ Maria

Năm 1854 Giáo Hội Công Giáo định tín và công bố rằng Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Lịch sử và những vấn đề đại kết liên quan đến tín điều này đòi hỏi một khảo cứu dài mà phạm vi bài báo này không cho phép. Ðiều quan trọng cần khẳng định ngay ở đây là tín điều Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội phải được hiểu và cắt nghĩa trong ý nghĩa và ánh sáng của tín điều về tội tổ tông đã được Công Ðồng Trentô (1545-1563) công bố. 

Một thế kỷ sau, năm 1950, Giáo Hội lại công bố định tín Ðức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời. Ðịnh tín này là kết quả của việc Giáo Hội không ngừng đào sâu tìm hiểu kho tàng mặc khải và đúc kết niềm tin tưởng của người Kitô hữu (sensus fidelium) đã có qua nhiều thế hệ. Tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một khẳng định của Giáo Hội nói lên sự tham gia đặc biệt của Ðức Trinh Nữ Maria vào sự sống lại của Chúa Kitô, và là một báo trước cho sự sống lại của các Kitô hữu khác.   

Hai định tín trên và việc tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria thực sự đã khởi đầu từ một định tín lâu đời hơn của Công Ðồng Ephesus năm 431. Công Ðồng này đã chính thức tuyên xưng Ðức Trinh Nữ Maria là "Mẹ Thiên Chúa", trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp là "Theotokos" và tiếng Latinh là "Deipara".   

Thánh Bernard of Clairvaux (1090-1153) là Giáo Phụ cuối cùng đã nhấn mạnh đến tương quan của Ðức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu. Tương quan này là tư tưởng nòng cốt trong linh đạo và đường hướng tu trì của Ngài. Vào thế kỷ 19, Ðức Hồng Y Newman cũng đề cập đến tương quan của Ðức Trinh Nữ Maria với Ðức Kitô. Theo Ðức Hồng Y thì "tư cách làm mẹ Chúa Giêsu" phải là nền tảng cho mọi thuyết giảng về Ðức Trinh Nữ Maria.   

Vài văn kiện của Giáo Hội nói về Ðức Trinh Nữ Maria

Hai văn kiện quan trọng nói về Ðức Trinh Nữ Maria là Hiến Chế Lumen Gentium [Ánh Sáng Muôn Dân]. Chương 8, (1964) của Công Ðồng Vatican 2 và Thông Ðiệp Redemptoris Mater [Mẹ Ðấng Cứu Ðộ] của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.   

Chương 8 của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân

Chương 8 của Hiến Chế tuyên xưng Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa và khẳng định cuộc đời của Ngài gắn liền với mầu nhiệm của Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội. Thoạt đầu tại Công Ðồng Vatican 2 (1962-1965) các nghị phụ đã bàn cãi sôi nổi và phân làm hai nhóm. Một nhóm muốn thảo một văn kiện Công Ðồng riêng biệt về Ðức Trinh Nữ Maria. Nhóm thứ hai thì muốn trình bày vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Giáo Hội. Kết quả của cuộc bỏ phiếu đầu tiên là nhóm thứ hai thắng với 1.114 phiếu. Nhóm thứ nhất được 1.074 phiếu, chỉ thua có 40 phiếu. 

Các nghị phụ đặt tổng hợp về Ðức Trinh Nữ Maria vào chương 8 là chương cuối cùng của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân để nhấn mạnh rằng hiểu biết về Ðức Trinh Nữ Maria phải lệ thuộc vào hiểu biết về Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Nói cách khác, khoa Thánh Mẫu học phải đi sau Kitô học và Giáo Hội học. Lần bỏ phiếu sau này thì các nghị phụ bỏ 2.015 phiếu thuận và chỉ có 5 phiếu chống.   

Ðề tài của Chương 8 là "Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa trong Mầu nhiệm Ðức Kitô và Giáo Hội". Các mục phụ trong chương là: "Ðức Trinh Nữ Maria và Giáo Hội"; "Việc tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria trong Giáo Hội"; và "Ðức Trinh Nữ Maria, dấu hiệu của niềm hy vọng chắc chắn và sự an ủi cho dân Chúa lữ hành".   

Hiến Chế nhấn mạnh là "chỉ có một Thiên Chúa và chỉ có một trung gian giữa Thiên Chúa và con người là Ðức Giêsu Kitô" (LG 60; xem thêm 1 Tim 2: 5-6). Ðức Trinh Nữ Maria mặc dầu có một vai trò tối quan trọng trong lịch sử cứu độ nhưng Ngài không phải là Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lập lại điểm này khi viết thông điệp "Mẹ Ðấng Cứu Ðộ" năm 1987.   

Hiến Chế "Ánh Sáng Muôn Dân" được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố ngày 21 tháng 11 năm 1964. Chương 8 của Hiến Chế "Ánh Sáng Muôn Dân" là tổng hợp chính thức của Giáo Hội Công Giáo về Ðức Trinh Nữ Maria và đây phải là căn bản đầu tiên cho sự tôn sùng cũng như học hỏi về Ðức Trinh Nữ Maria của người Kitô hữu. Thông điệp "Mẹ Ðấng Cứu Ðộ" (đoạn 46) của ÐGH Gioan Phaolô II khai triển thêm về vấn đề tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria đã được ÐGH Phaolô VI bàn đến trong thông điệp Marialis Cultus "Vấn đề tôn sùng Ðức Maria".   

Nhận xét về Thông Ðiệp "Mẹ Ðấng Cứu Ðộ" (1987)   

Thông điệp này có bốn chiều kích chính: Kitô học, Giáo Hội học, nhân chủng và đại kết. 

Dưới chiều kích Kitô học, thông điệp nhấn mạnh rằng mọi ân huệ và sự cao cả mà Ðức Trinh Nữ Maria nhận được đều là do ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa (đoạn 11). 

Về phương diện Giáo Hội thì Ðức Trinh Nữ Maria hiện diện trong Giáo Hội như là một mẫu gương tuyệt hảo (đoạn 44). Vì Ðức Trinh Nữ Maria là người "khó nghèo" nên Giáo Hội chỉ có "chiều kích Maria" khi Giáo Hội biết yêu thương và phục vụ người nghèo khó.   

Trong thông điệp Ðức Giáo Hoàng nêu cao phẩm giá và ơn gọi của con người, đặc biệt là của phụ nữ. Ðức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh đến cuộc hành hương đức tin của Ðức Trinh Nữ Maria là "Mẹ Chúa" nhưng cũng là người "môn đệ" đầu tiên của Chúa (đoạn 25).   

Thông điêp cũng nêu lên các vấn đề đại kết (các đoạn 29-34). Ðức Giáo Hoàng cho rằng: khẳng định "Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa" là điểm các giáo phái Kitô giáo khác cũng có thể dễ dàng chấp nhận. Chính linh mục Martin Luther, ông tổ của giáo phái Tin Lành, đã gọi Ðức Trinh Nữ Maria là "người Mẹ hiền của Thiên Chúa" khi chú giải kinh Magnificat. Ðối với giáo phái Tin Lành Luther, Ðức Trinh Nữ Maria là một mẫu gương đức tin cho người Kitô hữu. Chính Thống giáo thì nhấn mạnh vai trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Quan điểm này cũng giống lập trường của Giáo Hội Công Giáo.   

Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa

Công Ðồng Êphêsus năm 431 đã xác định rõ ràng vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô bằng việc tuyên xưng Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Ðức Trinh Nữ Maria đã được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Sự kiện truyền tin khai mào thời kỳ viên mãn là thời kỳ kết thúc giai đoạn chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế ra đời và là thời kỳ hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa. Nơi Ðức Trinh Nữ Maria, tất cả thiên tính ngự trị nơi xác phàm (Col 2:9; GLCG đoạn 722). Thiên Thần Gabriel đã chào Ðức Trinh Nữ Maria là "cô gái đầy tràn ơn sủng" (Trong nguyên ngữ Thánh Kinh bằng tiếng Hy Lạp là "Kecharitomene": "O Graced One" - Luca 1:28). Ðây là Thiên Thần chào Ðức Trinh Nữ Maria có nhiều ý nghĩa nhất. Thiên Chúa đã đổ tràn ân sủng của Ngài trên Ðức Trinh Nữ Maria để Ðức Maria có thể từ đó đáp trả trong đức tin ơn gọi của Ngài (GLCG 490). Thánh Augustinô cho rằng Ðức Trinh Nữ Maria được chúc phúc vì Ngài đã tin tưởng vào Thiên Chúa hơn là vì Ngài đã cưu mang thể xác của Chúa Kitô (Thánh Augustinô, trích trong GLCG đoạn 506).   

Giáo Hội luôn luôn có ý thức rằng Ðức Trinh Nữ Maria được đầy tràn ân sủng Chúa và được cứu độ từ ngay lúc thụ thai. Ðức Trinh Nữ Maria được các diễm phúc đặc biệt này hoàn toàn là do ân sủng của người Con. Cũng nhờ ân sủng tràn đầy của Thiên Chúa mà Ðức Trinh Nữ Maria đã không hề phạm tội trong suốt đời sống của Ngài (GLCG 493). Bà thánh Isave là chị họ của Ðức Trinh Nữ Maria, được sự thúc đẩy của Thánh Thần đã gọi Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa (Luca 1:43; Jn 2:1). Tiên tri Isaiah (7:14) đã tiên báo một trinh nữ sẽ sinh hạ một người Con (Isa 7:14). Giáo Hội thì luôn tin rằng Ðức Trinh Nữ Maria trọn đời đồng trinh.   

Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội

Vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria trong Giáo Hội được đặt nền tảng trên sự kết hợp mật thiết của Ngài với Con của Ngài. Thiên Thần đã chào Ðức Trinh Nữ Maria là "cô gái đầy tràn ân sủng" (Luca 1:28). Ðức Maria đã trả lời bằng tiếng "xin vâng": Ðây là lời cầu nguyện văn tắt và tuyệt hảo nhất vì người cầu nguyện để mình hoàn toàn thuộc về Chúa. Ðức Trinh Nữ Maria đã luôn cầu nguyện cho Giáo Hội. Tại tiệc cưới tại Cana, Ðức Trinh Nữ Maria đã xin Con mình giúp đỡ cho thân chủ vì họ hết rượu đãi khách. Sau khi Chúa lên trời, Ðức Trinh Nữ Maria đã thường được kêu cầu dưới danh hiệu là "Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp".   

Ðức Trinh Nữ Maria cũng là gương mẫu thánh thiện cho Giáo Hội là "hiền thê không vương vấn tội nhơ" (GLCG đoạn 773). Cơ cấu và hoạt động của Giáo Hội có mục đích thánh hóa các chi thể của Giáo Hội. Nếu Ðức Maria tượng trưng cho chiều kích thánh thiện của Giáo Hội và thánh Phêrô biểu hiệu cho cơ cấu Giáo Hội thì "Chiều kích Maria của Giáo Hội đi trước chiều kích Phêrô" (GLCG 773). Thánh giáo phụ Ambrose cũng đã viết: Ðức Trinh Nữ Maria "đã cho thấy Ngài là khuôn mẫu của Giáo Hội" (Figuram in se sanctae Ecclesiae demonstrat). Hiến Chế "Ánh Sáng Muôn Dân" đã thế chữ "figura" bằng chữ "typus", ý nghĩa chính cũng là khuôn mẫu, kiểu mẫu. Bằng sự vâng phục Thiên Chúa một cách tuyệt đối khi đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi bằng tiếng "Xin Vâng", Ðức Trinh Nữ Maria đã trở thành mẫu gương của đức tin, đức ái và sự thánh thiện cho Giáo Hội.   

Ðức Trinh Nữ Maria theo các Tôn Giáo khác

Chính Thống Giáo tin vào các định tín của Giáo Hội Công Giáo về Ðức Trinh Nữ Maria, thí dụ như tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (do Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố ngày 8/12/1854), và Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (do Ðức Giáo Hoàng Piô XII công bố năm 1950), nhưng Giáo Hội Chính Thống không chấp nhận cách thức các định tín này được công bố. Theo Chính Thống Giáo thì định tín phải do một Công Ðồng, chứ không được do một Ðức Giáo Hoàng công bố. Vấn đề này có liên hệ đến việc tìm hiểu ý nghĩa của định tín "Bất Khả Ngộ" hy vọng sẽ được trình bày trong một bài viết khác. 

Giáo Hội Chính Thống Ðông Phương theo chủ trương khuếch đại (maximalists) đề cao Ðức Trinh Nữ Maria tột bực đôi khi làm cho tín hữu lầm tưởng rằng Ðức Trinh Nữ Maria ngang hàng với Chúa Giêsu. Còn giáo phái Tin Lành thì hiện giờ có khuynh hướng giảm thiểu (minimalist) chỉ coi Ðức Trinh Nữ Maria là đầy tớ khiêm cung của Thiên Chúa, mặc dầu trước kia linh mục Martin Luther, cha đẻ ra giáo phái Tin Lành, khi chú giải kinh Magnificat, đã gọi Ðức Trinh Nữ Maria là "Mẹ Thiên Chúa". 

Tin Lành chỉ chấp nhận các dữ kiện về Ðức Trinh Nữ Maria dựa trên nghĩa đen của Thánh Kinh mà thôi. Giáo phái này coi Ðức Trinh Nữ Maria hoàn toàn là con người như bao người khác, một phần tử của Giáo Hội và là một gương mẫu cho người tông đồ của Chúa. Theo họ, Ðức Trinh Nữ Maria không "hồn xác lên trời" và không thể nào là "đấng đồng công cứu chuộc với Ðức Kitô". 

Anh Giáo thì tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria trong phụng vụ nhưng họ do dự trong việc bày tỏ lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria bằng các việc tôn sùng cá nhân hay tập thể. Phụng vụ của Anh Giáo có các lễ kính Ðức Trinh Nữ Maria: Ngày 2/2 lễ Thánh Tẩy; ngày 25/3 Lễ Truyền Tin; ngày 2/7 Ðức Mẹ đi viếng bà thánh Isave; ngày 8/9 lễ Sinh Nhật Ðức Mẹ và ngày 8/12 lễ kính Ðức Mẹ Thụ Thai. Tuy nhiên trong Anh Giáo không có lễ kính ngày 15/8 là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. 

Hồi Giáo công nhận Ðức Trinh Nữ Maria thụ thai do Chúa Thánh Thần nhưng cho rằng Ðức Giêsu đã do Thiên Chúa tạo dựng như Thiên Chúa đã tạo dựng Adam nghĩa là không qua sự giao hợp nam nữ. Theo Hồi Giáo thì Ðức Trinh Nữ Maria còn cao trọng hơn Fatima, con gái của Ðức Mahomet, và A'icha là người vợ bé yêu dấu nhất của vị sáng lập ra Hồi Giáo.   

Việc Tôn Sùng Ðức Mẹ

Việc tôn sùng đặc biệt Ðức Trinh Nữ Maria đã có ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo, nhiều năm trước khi có sự chia rẽ giữa Giáo Hội Công Giáo Ðông và Tây vào năm 1054, và nhiều thế kỷ trước khi linh mục Luther lập ra giáo phái Tin Lành vào thế kỷ 16. Ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội, Ðức Trinh Nữ Maria đã được tôn kính với danh hiệu là "Mẹ Thiên Chúa". Ðúng như lời Ðức Trinh Nữ Maria ca tụng Thiên Chúa rằng: "Mọi thế hệ sẽ kêu tôi là người có phúc" (Kinh Magnificat), lòng tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria đã được gắn liền với việc thờ phượng trong Giáo Hội. Giáo Hội bày tỏ lòng sùng kính đặc biệt Ðức Trinh Nữ Maria bằng các ngày lễ kính quanh năm, và khuyến khích giáo hữu chuyên cần lần chuỗi. Sách GLCG khẳng định "Chuỗi tràng hạt là bản tóm của Phúc Âm (GLCG đoạn 971). 

Tuy nhiên cần phân biệt rõ ràng là việc tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria khác biệt về bản chất với việc thờ lạy chỉ dành cho Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi. Việc tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria phải phụ thuộc vào và giúp phần tăng thêm việc thờ phượng Thiên Chúa. Việc sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria cũng phải đạt được thăng bằng giữa hai chiều kích Kitô (Christological) và chiều kích Giáo Hội (ecclesiological). Vì thế vào năm sau Công Ðồng Vatican II (1962-1965), thói quen lần chuỗi trong thánh lễ bị bỏ đi và thay vào đó là những lời ca hát và xướng đáp. Giáo Hội đã xác định lại vai trò của Thánh Lễ là sinh hoạt phụng vụ tột đỉnh của tín hữu và Giáo Hội.  

Trong lịch sử Giáo Hội nhiều hội đoàn chuyên về việc sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria cũng đã được thành lập. Tiêu biểu nhất là "Ðạo Binh Ðức Mẹ", thường được gọi là Legio Mariae, được thành lập năm 1921 tại Ái Nhĩ Lan. Hội đoàn này đã phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới. Một Hội đoàn sùng kính Ðức Mẹ lừng danh khác là "Ðạo Binh Xanh" (Blue Army of Mary) được thành lập năm 1950 chú trọng vào việc tôn sùng Ðức Mẹ Fatima.   

Lòng sùng kính Ðức Mẹ cũng đã có tại Trung Quốc từ hồi thế kỷ 14, hai thế kỷ trước khi Kitô giáo được đưa vào quê hương Việt Nam. Năm 1952, người ta khám phá ra tại Hàng Châu một tượng Ðức Mẹ ẵm Chúa Hài Nhi có ghi năm 1342. Ðây là tượng Ðức Mẹ cũ nhất đã tìm được tại Trung Quốc.  

Như đã viết ở trên, Chương 8 của Hiến Chế "Ánh Sáng Muôn Dân" là tổng hợp chính thức của Giáo Hội Công Giáo nói về Ðức Trinh Nữ Maria, và phải là nền tảng cho lòng tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria của người Kitô hữu. Thêm vào đó phải kể đến hai thông điệp "Mẹ Ðấng Cứu Ðộ" của ÐGH Gioan Phaolô II, và thông điệp "Vấn Ðề Tôn Sùng Ðức Maria" của ÐGH Phaolô VI.   

Vài nhận xét về các lần Ðức Mẹ hiện ra và sứ điệp của Ngài.     

Lập trường của Giáo Hội đối với những tường thuật về việc Ðức Mẹ hiện ra thường là không cấm đoán cũng như không công nhận ngoại trừ những trường hợp thật sự rõ ràng. Những lần Ðức Mẹ hiện ra đã được Giáo Hội chính thức công nhận là Lộ Ðức (1858), Fatima (1917) và La Vang (1798). Thiết tưởng người Kitô hữu cần tập trung vào việc học hỏi và áp dụng vào cuộc sống các sứ điệp của Ðức Mẹ trong những lần hiện ra này trước khi mất nhiều thì giờ tìm hiểu các sứ điệp mới hơn mà Giáo Hội chưa hoặc không công nhận. Ðàng khác người Kitô hữu cũng cần tự nhắc nhở mình là phép lạ lớn hơn cả việc Ðức Mẹ hiện ra, đang xảy ra hằng ngày trong Thánh Lễ, nơi Thiên Chúa trở nên thịt và máu làm của ăn cho nhân loại, qua lời truyền phép của linh mục.  

Trong mấy thế kỷ vừa rồi có nhiều tường thuật về việc Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra: tại Lavang năm 1798, Pháp năm 1830 (cho Thánh Catherine Labouré), La Salette năm 1846, Lộ Ðức năm 1858, Fatima năm 1917, tại Beauraing (Bỉ) năm 1932, Banreux Bỉ năm 1933, Garabandal, Tây Ban Nha từ năm 1961 đến 1965, tại Fukushawa Nhật, tại Montichiari-Fontanelle Ý, tại Little Pebble Úc .... và gần đây tại Medjugorje Croatia.   

Gần đây cũng có những tường thuật về Ðức Mẹ hiện ra tại Phi Châu như tại Kibeho, miền Nam Rwanda vào năm 1981 cho sáu trẻ em tuổi từ 14 đến 22. Sau đó, theo tường thuật, Ðức Mẹ hiện ra cho môt em bé chăn cừu 15 tuổi chưa có đạo. Lần cuối cùng Ðức Mẹ hiện ra cho các em này vào tháng 11 năm 1989. Tại Cameroon Phi Châu, theo báo chí, thì Ðức Mẹ đã hiện ra cho hai cô gái, một cô là Zouameyong Philomene từ năm 1986 và cô kia là Véronique Abeng ngày 13/8/89. Còn tại Kibeho thì theo như tường thuật những mệnh lệnh của Ðức Mẹ gồm có cả lời yêu cầu Ðức Giám Mục địa phương phải trả tiền học phí cho các em.   

Các tường thuật mới đây về việc Ðức Mẹ hiện ra tại Medjugorje đã gây ra nhiều ảnh hưởng và tranh luận. Theo tường thuật nhiều người đã nhận được các ơn đặc biệt. Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia bày tỏ sự ngạc nhiên là mặc dầu làng Mejugorje chỉ cách thành phố Mostar chừng 15 cây số, nhưng các sứ điệp đến từ các lần hiện ra tại Medjugorye lại không nói gì đến cuộc chiến tranh diệt chủng tàn khốc tại thành phố Motar này.   

Trong quá khứ, những người được Ðức Mẹ hiện ra hoặc là chết sớm như Jacinta và Phanxicô tại Fatima, hoặc là rời bỏ thế gian đi tu dòng kín như chị Lucia tại Fatima và thánh Bernadette de Soubirous tại Lộ Ðức. Gần đây, sự việc hình như lại trái ngược hẳn. Những người mà theo tường thuật đã được Ðức Mẹ hiện ra, như tại Medjugorje, đa số đã lập gia đình như Mirjana Dragicevic-Soldo, người đã nhận được bí mật thứ 10 ngày 25/12/1982, hiện thời có chồng và hai con, Ivanka Ivankovic-Elez có chồng và ba con, Marija Pavlovic-Luneti có chồng và ba con ..... 

Cho đến bây giờ Ðức Mẹ thường chỉ hiện ra cho những người nghèo khổ và sứ điệp của các lần hiện ra này có nhiều điểm giống nhau như khuyến dụ người tín hữu phải ăn năn đền tội, cầu nguyện và lần chuỗi thật nhiều. 

Tại Lộ Ðức Ðức Mẹ tự xưng danh là Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và khuyên tín hữu nên ý thức mọi sự là do ơn Chúa. Tại Lộ Ðức, sau khi vào nhà Dòng Kín, chị Bernadette de Soubirous, sanh ngày 7/1/1844, đã khiêm tốn trả lời báo chí: "Tôi đã phục vụ Ðức Trinh Nữ Maria như một cái chổi quét nhà. Khi Ðức Mẹ không còn dùng nữa thì Ðức Mẹ bỏ chổi vào chỗ của nó, nghĩa là sau cánh cửa". Trên giường bệnh chờ chết vào mùa Phục Sinh năm 1879, chị Bernadette đã cắt nghĩa bí quyết nên thánh của chị: "Rất là đơn giản, chỉ cần yêu là đủ rồi". Ðiều này cho thấy chị Bernadette là một vị thánh chiêm niệm và sự kiện này cũng là một phép lạ thực sự tại Lộ Ðức.   

Tại Fatima, Ðức Mẹ yêu cầu sùng kính Ðức Mẹ bằng cách rước lễ năm ngày thứ Bảy đầu tháng liên tiếp, dâng mình cách riêng cho Ðức Mẹ và cầu nguyện cho nước Nga trở lại.   

Tại La Vang, theo khẩu truyền, thì vào năm 1789 vua Cảnh Thịnh ra chỉ dụ bắt đạo toàn quốc. Cũng vào năm này, theo khẩu truyền thì Ðức Mẹ có bồng Chúa Hài Nhi hiện ra cho các giáo hữu bị bắt đạo phải chạy trốn vào rừng La Vang ẩn núp. Sử sách không thấy ghi rõ ngày tháng Ðức Mẹ hiện ra. Tại La Vang, sứ điệp của Ðức Mẹ gửi đến những đứa con đau khổ là Giáo Hội Việt Nam là: "Hãy cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhận lời con xin. Ai đến kêu cầu Mẹ sẽ được như ý sở nguyện" (Xem thêm Báo Dân Chúa Úc Châu số tháng 2 năm 1997, trang 49-50). Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã phó thác toàn dân Việt Nam cho sự chuyển cầu của Ðức Mẹ ngày 15/8/1993 khi Ngài ngỏ lời với Cộng Ðồng Việt Nam tại Denver, Hoa Kỳ.   

Ðức Trinh Nữ Maria, dấu hiệu của niềm hy vọng và sự an ủi cho dân Chúa lữ hành.   

Hiện thời Giáo Hội đang tích cực chuẩn bị mừng sinh nhật 2000 năm của Chúa Kitô, kỷ niệm việc Thiên Chúa toàn năng đi vào thời gian của nhân loại. Khi mừng sinh nhật Chúa, người ta không khỏi nghĩ đến vị Từ Mẫu của Chúa, người đã "gìn giữ và suy nghĩ các điều ấy trong lòng", nói lên sự cung kính ấp ủ Lời Chúa bằng cả trí óc và con tim. 

Là "Mẹ Thiên Chúa" nhưng Ðức Trinh Nữ Maria cũng là một người gần gũi chúng ta. Ðức Trinh Nữ Maria đã sợ hãi khi được thiên thần tuyền tin và Ngài hoảng hốt kêu lên: "Ðiều này không thể xẩy ra được .... !" Ðức Trinh Nữ Maria cũng lo âu khi Thánh Gia đang đêm phải lên đường đi lánh nạn qua Ai Cập, hay khi Ngài lạc mất người Con trong suốt ba ngày, Ðức Mẹ cũng đau khổ khi nghe tiên tri Simêon tiên đoán "sự buồn phiền sẽ như lưỡi gươm sắc đâm thâu qua lòng Bà" (Luca 2:35-36), hay lúc Ngài đứng dưới chân Thánh Giá. Khi Chúa sống lại, người đầu tiên Chúa Kitô phục sinh không phải là Ðức Mẹ, nhưng là bà Maria Madalêna. Thế mà, trong Thánh Kinh không có chỗ nào nói đến sự ghen tị hay giận dữ của Ðức Mẹ. 

Ðiểm nổi bật nhất nơi Ðức Trinh Nữ Maria là lòng tin tưởng, sẵn sàng và sự phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói Ðức Trinh Nữ Maria là người đã cảm nghiệm được những gian truân của con người, có tình cảm, có lo âu, sợ hãi, đau khổ, và là một gương mẫu cho tín hữu trên đường lữ thứ trần gian. Hiến Chế "Ánh Sáng Muôn Dân" đã kết thúc bằng khẳng định Ðức Trinh Nữ Maria là "dấu hiệu của niềm hy vọng chắc chắn và sự an ủi cho dân Chúa lữ hành trần gian". Sống kết hợp với Ðức Trinh Nữ Maria, tương lai của người tín hữu sẽ luôn luôn là một cuộc hành trình đầy tràn hy vọng. 

Peter Nguyễn văn Hải
Mùa Thu Canberra 1997