Tại sao chúng ta vinh danh Ðức Mẹ ?

Tại sao chúng ta phải vinh danh Ðức Maria ?
Chúng ta vinh danh Ðức Mẹ như thế nào ?
Những câu hỏi người ta thường nêu lên về Ðức Mẹ

"Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và con lòng bà gồm phúc lạ!" (Lc. 1: 42).

Qua nhiều thời đại, những người Công Giáo đã từng trân trọng bảo tồn, ngưỡng mộ và cố gắng làm sống động chính sự thật trong lời bà Elizabeth đã nói với Ðức Mẹ ở đoạn đầu Phúc Aâm Thánh Luca. Trọng tâm Ðức tin và lòng đạo đức Công Giáo là Chúa Giêsu, vì Người là hoa quả diễm phúc trong lòng Ðức Mẹ. Và ngay sau Chúa Giêsu và không tách rời khỏi Ngài là Mẹ Maria, Mẹ của Ngài.

Biết bao nhiêu nhà thờ trên khắp hoàn vũø đã được thánh hiến bằng tên Maria. Những đền thánh và trung tâm hành hương như Ðức Mẹ Lộ Ðức bên Pháp và Ðức Mẹ Guadalupe ở Mễ Tây Cơ là những trung tâm cầu nguyện. Hàng năm chúng ta mừng lễ lớn như Lễ Truyền Tin ngày 25 tháng 3 và Lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời vào ngày 15 tháng 8. Chúng ta cầu nguyện với chuỗi Mân Côi ở khắp nơi, ở nhà thờ, nơi công cộng cũng như tại như tư gia. Người Công Giáo đã từng thể hiện lòng yêu mến và sùng kính đối với Ðức Mẹ, Mẹ của Chúa. Cũng chính vì lòng sùng kính Ðức Mẹ như vậy ở khắp nơi mà việc tôn sùng này đã trở thành một đặc tính đặc biệt trong đạo Công Giáo chúng ta.

Tại sao người Công Giáo lại vinh danh tôn sùng Ðức Mẹ như vậy? Mục đích chính của bài này là để trả lời câu hỏi nêu trên. Nhưng để có thể trả lời cách đầy đủ câu hỏi trên, chúng ta cũng cần phải diễn tả tại sao chúng ta vinh danh Mẹ Maria và trả lời một vài vấn nạn mà người ta thường hỏi liên quan tới Ðức Maria. Sau đó chúng ta sẽ nhấn mạnh trong phần kết luận là sự tôn sùng Ðức Mẹ Maria không phải là một điều sai lầm mà là một sắc thái đặc biệt của lối sống Công Giáo của người tín hữu Kitô...

Thánh Phêrô đã hằng nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng giải thích lý do tại sao chúng ta có được niềm hy vọng, nhưng đồng thời chúng ta phải giải thích với cách thế dịu dàng và kính nể (Pet 3:15-16). Nếu muốn có sự hòa hợp giữa những Kitô hữu và sự hiệp nhất giữa các giáo hội Kitô giáo, chúng ta phải tạo sự thông cảm hiểu nhau, và nhất là có thể cùng nhau cầu nguyện chung, thay vì tố cáo buộc tội, đổ thừa hay thiếu hiểu biết và diễn nghĩa sai cho nhau. Người Công Giáo chúng ta tin rằng khi chúng ta sùng kính Ðức Maria là chúng ta chỉ thực hiện chính điều mà Thiên Chúa đã thực hiện khi Ngài mời Ðức Maria làm Mẹ của con Ngài, là Ðức Chúa Giêsu, và chúng ta cũng thể hiện những gì mà Thánh Kinh đã kêu gọi chúng ta phải làm.

I. Tại Sao Chúng Ta Phải Vinh Danh Ðức Maria ?

Ðể hiểu tại sao chúng ta vinh danh Ðức Mẹ, chúng ta sẽ thử tìm hiểu Mẹ Maria là ai và Mẹ đã làm gì? Ðức Mẹ có nhiều tước hiệu, nhưng tước hiệu quan trọng nhất bắt nguồn từ bà Elizabeth, chính là tước hiệu Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa (Lc. 1:43). Hàm chứa trong đó là vẻ vĩ đại, phi thường của Mẹ: Người được vinh dự ban cho đặc ân làm Mẹ của Ðức Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế, là Con Một Ðức Chúa Cha. "Ngôi Lời đã mặc xác phàm" (Gn 1:14) bởi vì Mẹ Maria đã tin và vâng lời. Cả hai bản kinh Tín Kính Tông Truyền và kinh Tin Kính Công Ðồng Nicea đều xác quyết ngôi hiệu Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa là sự việc quan trọng nhất trong cuộc đời của Ðức Mẹ. Kinh Tín Kính Tông Truyền dạy rằng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa: "bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần và đã sinh ra bởi Ðức Mẹ Ðồng Trinh"; và "bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria". Kinh Tin Kính Công Ðồng Nicea cũng đều xác nhận như vậy. Những tín điều đó không phải là những điều tin đặc thù hoặc đặc biệt của người Công Giáo, nhưng là những điều tin nền tảng -- dựa vào Thánh Kinh -- cho hầu hết các giáo hội thuộc Kitô giáo. Không có Ðức Mẹ, thì Ðức Tin người Kitô hữu không được diễn tả một cách đầy đủ. Chương trình cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa kêu mời chúng ta tới đức tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến Mẹ Maria. Mẹ đã trả lời xin vâng: "Tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền" (Lc. 1:38). 

Vai trò của Ðức Mẹ rất cần thiết trong chương trình cứu chuộc của Chúa. Năm 431, các nghị phụ của Giáo Hội họp Công Ðồng tại Ephesus đã truyền dạy và tuyên bố rằng Ðức Mẹ phải thật sự được gọi là Mẹ Ðức Chúa Trời. "Nếu có ai không tuyên xưng rằng Ðấng Emmanuel là Chúa thật và do đó Ðức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa (tiếng Hy-lạp là theotokos) bởi vì Mẹ cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể bằng xương thịt, thì kẻ đó bị rút phép thông công." Vì Ðức Mẹ cưu mang Ðức Chúa Giêsu "như xác phàm" đã chứng tỏ rằng Ðức Mẹ không phải là căn nguyên bản tính thần linh của ngôi hai Thiên Chúa. Thế nhưng bởi thiên tính và bản tính nhân loại của Ðức Chúa Giêsu không thể tách rời, Ðức Mẹ thật sự được gọi là Mẹ Ðức Chúa Trời.

Cho nên một khi chấp nhận hiện trạng thực về Ðức Maria rồi, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu tại sao người Công Giáo tôn sùng Ðức Mẹ một cách đặc biệt và nhiều như vậy. Mẹ là người sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Ðấng cứu tinh nhân loại. Như vậy cũng dễ hiểu là những ai đã công nhận rằng Chúa Giêsu là Chúa và là Ðấng Cứu Chuộc cũng sẽ tỏ lòng tôn sùng và kính trọng Mẹ của Ngài là Mẹ Maria. Chúng ta đã chẳng từng nói rằng những nhà lãnh đạo, những nghệ sĩ, những khoa học gia, những nhà thông thái đã mang ơn mẹ của họ rất nhiều đó hay sao? Và khi vinh danh người con, chúng ta đã không vinh danh người mẹ hay sao? Cho nên cũng cùng trường hợp như vậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Ðức Chúa Cha vinh danh Ðức Mẹ. Ðức Chúa Trời đã sai Thiên Thần Gabriel và truyền tin cho Mẹ: "Vui lên! Hỡi Người đầy ơn phúc! Chúa ở cùng Người... vì Người tràn đầy ơn phúc Thiên Chúa" (Lc. 1:28 và 39). Chúa đã làm cho thần tính được thể hiện tràn đầy sung mãn qua xác phàm trong Ðức Mẹ.

Ðức Chúa Giêsu, con Ðức Chúa Trời, vinh danh Ðức Mẹ. Ngay từ lúc bắt đầu công khai giảng đạo, Chúa biến nước thành rượu nho trong tiệc cưới ở Cana bởi vì Mẹ Ngài đã yêu cầu (Gn 2:1-11). Giây phút cuối cùng trong cuộc đời Ngài, khi sắp chết trên thập giá, Ngài vinh danh Ðức Mẹ bằng cách giao phó Mẹ cho môn đồ Ngài yêu mến, và trối phó môn đồ thân yêu cho Ðức Mẹ trông nom. "Khi Chúa Giêsu thấy Mẹ Ngài, và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ 'Hỡi bà, này là con bà.' Ðoạn Ngài lại nói với môn đồ, 'Này là Mẹ con.' Và từ đó, môn đồ đã đem Mẹ về nhà mình (Gn 19:26-27). Những nhà phê bình đoạn này trong Kinh Thánh đã cho rằng người môn đồ này không chỉ là Gioan tông đồ mà có nghĩa là tất cả các đồ đệ Kitô hữu.

Trong tin mừng của Thánh Luca -- hơn cả ba Thánh Mathêo, Thánh Maccô, và Thánh Gioan -- Ðức Mẹ đã được làm nổi bật và vinh danh. Chúng ta đã nêu lên sự có mặt quan trọng của Ðức Mẹ trong những câu chuyện Truyền Tin, Ði Viếng Bà Thánh Isavê và sự ra đời của Ðức Giêsu. Nhưng có một sự kiện xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu đã làm nhiều người trong chúng ta thắc mắc. Có một lần, khi Chúa Giêsu đang bận rộn thuyết giảng và giảng dạy, Mẹ Ngài và các anh em đến muốn gặp mặt Ngài. Và Chúa Giêsu nói, "Mẹ Ta và anh em Ta là những kẻ nghe và làm theo lời Thiên Chúa" (Lc. 8:21). Có phải là Chúa Giêsu không nhìn nhận Mẹ Ngài? Lẽ dĩ nhiên là không. Hơn thế, Ngài muốn nói rằng Ðức Mẹ thật là vĩ đại không những chỉ vì là Mẹ phần xác, nhưng còn hơn thế Mẹ Maria cũng là một mẫu gương cụ thể của việc nghe và giữ lời Chúa. Mẹ là một môn đồ chính tông. Mẹ là một mẫu gương hoàn toàn của tất cả những kẻ theo Chúa thì phải sống như Mẹ, có nghĩa là tông đồ thì phải biết lắng nghe và tuân giữ lời Chúa.

Những người môn đồ đầu tiên đã dành cho Mẹ một chỗ danh dự khi Mẹ cùng cầu nguyện với họ trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến. "Hết thẩy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với một số ít các phụ nữ, với Mẹ Maria, Mẹ Ðức Chúa Giêsu, và các anh em Ngài" (Công Vụ Các Tông Ðồ, 1:14). Như khi Chúa được sinh ra bởi Ðức Mẹ ở thành Giêrusalem, thì Giáo Hội của Chúa cũng được sinh ra trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với sự hiện diện của Ðức Mẹ. Như thế Mẹ đáng được gọi là "Mẹ của Giáo Hội".

Những vị thánh đại tài trong lịch sử của Giáo Hội đã tôn sùng Ðức Mẹ Maria qua những bài giảng và ngòi bút. Trong các vị đó, có Thánh Bernard, Thánh Thomas Aquinas, Thánh Anselm, Thánh Theresa thành Avila, Thánh Theresa thành Lisieux, Thánh Dominicô, Thánh Catherine thành Siena và Thánh Alphonsus Liguori. Thật ra, khó có thể tìm được một vị Thánh nào mà không tôn sùng Ðức Mẹ và cầu khẩn sự can thiệp của Ðức Mẹ.

Qua các thời đại những nhà họa sĩ đã tôn vinh Ðức Mẹ qua các bức tranh họ vẽ. Ðể diễn tả những biến cố trong tiến trình cứu rỗi nhân loại chúng ta, Ðức Mẹ thường được họa bên cạnh Ðức Chúa Giêsu. Cũng vậy những bức tranh tuyệt đẹp nhất về Chúa Giêsu Hài Ðồng, cũng luôn vẽ Ngài ở sát cạnh Ðức Mẹ, Mẹ của Ngài; và trong những bức họa Chúa bị đóng đinh vào thập giá ở núi Calvariô, chúng ta luôn thấy Ðức Mẹ ở dưới chân cây Thánh Giá. Những người họa sĩ đầy lòng tin muốn cho chúng ta biết Chúa Giêsu là ai, và để làm việc đó họ thường để Chúa gần bên Ðức Mẹ. Họ muốn dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể hiểu về Chúa mà không luôn nghĩ đến Ðức Mẹ, Mẹ của Ngài.

Những người Kitô khác cũng đã thể hiện lòng thành kính với Ðức Mẹ. Martin Luther, mặc dù ông đã ly khai với Tòa Thánh Rôma, vẫn tiếp tục giảng trong những ngày lễ liên quang đến Mẹ và đã đề cao Ðức Mẹ là mẫu mực và là gương của đời sống đức tin. Ông Luther có đức tin lòng táo bạo dám mạnh dạn nói cách đơn thành và lại rất tuyệt vời rằng "chúng ta là con Ðức Mẹ Maria." Ông nói rằng những gì Chúa Giêsu có thì cũng là của chúng ta, như vậy Mẹ của Chúa cũng là Mẹ của chúng ta. Những lời tán tụng trên thật sự từ ông Luther; nhưng lại tiếc thay có nhiều người theo phe cải cách Tin Lành đã không theo bước chân của ông. Ngày nay chúng ta thấy nhiều người Công Giáo và tín đồ đạo Tin Lành đang cùng nhau nghiên cứu địa vị của Ðức Mẹ trong Thánh Kinh và tìm hiểu ý nghĩa về lòng sùng kính Ðức Mẹ trong đời sống người Kitô hữu. Một thí dụ điển hình là quyển sách "Mẹ Maria Trong Tân Ước", được viết với sự hợp tác của các nhà học giả Công Giáo và Tin Lành.

Lẽ dĩ nhiên, lý do cuối cùng trong việc vinh danh Ðức Mẹ Maria là tình yêu. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, thì chúng ta cũng phải yêu mến những gì Chúa mến yêu. Và Ðức Mẹ là một trong những người Chúa yêu thương nhất. Nếu chúng ta yêu mến Chúa và tin rằng Ngài là Chúa và là Ðấng Cứu Thế, chúng ta yêu mến Ðức Mẹ, Mẹ của Ngài, vì người đã sinh ra Ngài và nuôi nấng và chăm sóc Ngài cho đến khi Ngài bắt đầu sứ mạng rao giảng công khai. Chúng ta yêu mến và kính trọng cha mẹ, ông bà, họ hàng và bạn bè; những người không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và sự yêu mến này còn kéo dài qua khỏi đời này. Sự chết không loại bỏ những người thân yêu ra khỏi cuộc sống và kỷ niệm chúng ta. Chúng ta chẳng quên họ mà trái lại nghĩ đến họ và nói tốt về họ mặc dù họ đã khuất bóng. Cũng vì thế, đối với Ðức Mẹ vì Người là nhân vật quan trọng trong công cuộc cứu rỗi loài người, chúng ta chịu ơn Mẹ vì lòng mến yêu của Mẹ. Qua việc tưởng nhớ, tạ ơn và ca tụng Ðức Mẹ, cùng lúc chúng ta dĩ nhiên cũng nhớ đến, tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa và Con Chúa là Ðức Giêsu Kitô.

II. Chúng Ta Vinh danh Ðức Mẹ như thế nào ?

Chúng ta vinh danh Ðức Mẹ bằng nhiều cách. Cũng như khi chúng ta tỏ lòng kính trọng đối với ông bà tổ tiên và những nhân vật có ảnh hưởng nơi quần chúng bằng cách đặt tên các vị đó cho các tòa nhà hay là đúc tượng theo hình dáng của họ, thì chúng ta đặt tên những ngôi thánh đường và đặt tượng và trưng bày hình ảnh của Mẹ Maria, người Mẹ yêu dấu của chúng ta.

Khi làm như vậy, chúng ta không thờ phượng Ðức Mẹ. Vì chỉ có Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần mới là đối tượng cho việc phụng thờ của chúng ta mà thôi. "Ngoài Ta ra, các ngươi không được phép thờ thần nào khác" (XH 20:2). Khi nói chúng ta thờ phượng Ðức Mẹ và đặt Mẹ ngang hàng với Chúa thì là một điều hoàn toàn không đúng với giáo lý và đường tu đức Công Giáo. Vì Ðức Mẹ cũng là một người con của Ðức Chúa Trời, cũng là một tạo vật và là tôi tớ của Ðức Chúa Trời.

Chúng ta dành sự kính mến đặc biệt và vinh danh Ðức Mẹ bởi vì địa vị độc nhất là Mẹ của Chúa Giêsu. Chúng ta gọi người "Mẹ của Ðức Chúa Trời". Cái từ ngữ đúng và chính xác để vinh danh người là "sùng kính, kính mến, ngưỡng mộ". Chúng ta sùng kính Ðức Mẹ và các thánh bởi vì lối sống thánh thiện và cái chết lành thánh của các Ðấng ấy. Các Ðấng giờ đây ở trong Thiên Quốc của Chúa Cha.

Chúng ta coi các Ðấng là những vị trung gian cầu bầu quyền thế vì các Ðấng ở gần Thiên Chúa. Như vậy chúng ta cầu cứu hoặc gọi đến Ðức Mẹ và các thánh để cầu bầu với Chúa cho chúng ta, để đem những lời cầu khẩn đến Ðức Chúa Trời Ba Ngôi. Như thế có cần thiết, luôn bắt buộc phải làm như vậy không? Không, bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, và ta tin rằng đặc biệt qua Chúa Giêsu, chúng ta dễ dàng đến với Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa qua những kinh nguyện truyền thống khi kêu cầu Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng ta cũng cầu nguyện với các Thánh đang ở với Ðức Chúa Trời. Qua các thời đại những người Công Giáo nhận thấy rằng qua cách cầu nguyện này giúp họ đến gần với Chúa hơn.

Dùng phương thức này để tiến đến gần Chúa cũng khai quang cho ta về viễn tượng sâu xa ý nghĩa các Thánh cùng thông công và cho chúng ta hiểu sự kiện này một cách tường tận là chúng ta hết thảy là anh em, là con cái Chúa. Khi chúng ta bị đau ốm hoặc gặp hoạn nạn, chúng ta yêu cầu bạn bè cầu nguyện cho chúng ta. Làm như thế, chúng ta không trông mong là bạn bè chúng ta sẽ chữa chúng ta lành bệnh, nhưng chúng ta hy vọng rằng lời cầu nguyện của họ sẽ giúp chúng ta được sức khỏe và nghị lực mà chỉ có Chúa mới ban được cho ta. Nói cách khác, khi chúng ta yêu cầu một người bạn hoặc một vị Thánh cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta thật sự đang yêu cầu Chúa giúp chúng ta qua sự can thiệp của người bạn hoặc vị Thánh. Chúng ta theo gương của Thánh Phaolô, người yêu cầu các bạn Kitô hữu cầu nguyện cho người. " Tôi nài xin anh em, hãy vì Ðức Giêsu Kitô và lòng yêu mến Thánh Thần, anh em hãy cùng tôi chiến đấu bằng kinh nguyện lời cầu lên Thiên Chúa cho tôi" (Rm 15:30).

Chúng ta phải hiểu cách thức việc cầu nguyện với Ðức Mẹ như sau đây. Bởi vì Mẹ gần với Ðức Chúa Trời, bởi vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, chúng ta tin tưởng trong đức tin là: việc nhờ Ðức Mẹ bầu cử để chúng ta với Chúa là việc làm tốt đẹp và thánh thiện. Như vậy, một cách sát nghĩa thì chúng ta không cầu với Ðức Mẹ, nhưng chúng ta thỉnh cầu Ðức Mẹ xin người cầu khẩn với Ðức Chúa Trời cho chúng ta. Ðồng thời chúng ta nhớ rằng không phải lúc nào cũng cần thiết phải cầu nguyện qua Ðức Mẹ vì chúng ta lúc nào cũng có thể cầu nguyện thẳng với Ðức Chúa Trời.

Ðức Chúa Giêsu và Ðức Mẹ không tranh đua với nhau. Những người Công Giáo tin rằng tất cả quyền thế, tình yêu, tất cả việc chữa lành, mọi ân sủng đều từ Thiên Chúa mà thôi -- từ Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần. Bởi vì thế chúng ta cầu nguyện trong kinh Kính Mừng "Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử." Chúng ta chỉ thỉnh cầu Ðức Mẹ bày tỏ những điều chúng ta cầu nguyện, những điều chúng ta cần đến Thiên Chúa. Như thế không có nghĩa là Ðức Mẹ có quyền phép gì đặc biệt bên ngoài quyền phép cứu giúp của Thiên Chúa. Cũng không có nghĩa là Ðức Mẹ ngang hàng với Ðức Chúa Trời. Qua sự thỉnh cầu với Ðức Mẹ, người con nhiều phước của Ðức Chúa Trời, chúng ta ca tụng và cám ơn Ðức Chúa Trời cho quyền lực và tình yêu mà người đã dành cho Ðức Mẹ.

Một cách khác để vinh danh Ðức Mẹ là cầu nguyện bằng chuỗi tràng hạt Mân Côi, một thể thức của lòng mộ đạo bắt nguồn từ thế kỷ thứ 9. Vào thời đó hàng giáo sĩ đọc 150 thánh thi trong trách nhiệm phụng vụ kinh nguyện hàng ngày với Chúa. Sau đó -- nhất là cho những người ngoài đời -- 150 kinh Kính Mừng đã thay thế cho 150 thánh thi. Và sau đó nữa, kinh Lạy Cha đã được cho vào trước mỗi 10 kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh vào sau mỗi 10 kinh Kính Mừng. Mỗi khi chúng ta lần tràng hạt, chúng ta nhớ lại những sự việc đã xẩy ra từ lúc Chúa Giêsu được sinh ra đến khi Ngài chết đi, những sự kiện nhắc chúng ta nhớ đến vai trò của Ðức Mẹ trong công cuộc cứu rỗi loài người.

Một phương thúc khác để vinh danh Ðức Mẹ là đọc kinh Truyền Tin (Angelus) vào mỗi buổi sáng, trưa và tối. Kinh đó nhắc nhở chúng ta rằng việc cứu rỗi chúng ta có được là nhờ vào việc Chúa sinh ra, Chúa sống, chịu chết, và sống lại. Chính Ngài là con Ðức Mẹ Maria. Một cách khác để vinh danh Ðức Mẹ là dùng chính những lời Ðức Mẹ tán tụng Chúa trong kinh Magnificat -- Kinh Tán Tụng Chúa-- "Linh hồn tôi tán dương Chúa..." (Lc. 1:46-55). Kinh này là một phần của Phụng Vụ Giờ Kinh (Divine Office) hay còn gọi là Kinh Nguyện Kitô-Hữu. Mọi Kitô hữu được khuyến khích nên học thuộc lòng và đọc kinh này thường xuyên.

Chúng ta vinh danh Ðức Mẹ bằng cách cầu bầu với Mẹ, nhưng chúng ta có thể vinh danh Ðức Mẹ hơn bằng cách bắt chước đức hạnh của Ðức Mẹ. Ðức Giáo Hoàng Phaolô khuyến khích chúng ta bằng những lời sau đây:

Ðức Mẹ là biểu tượng của tấm gương cho người tín hữu noi theo, vì rằng, bằng chính cuộc sống đặc biệt của người, Ðức Mẹ đã hoàn toàn và một cách có trách nhiệm chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa, bời vì Mẹ đã nghe lời Chúa và đã thực hiện những điều đó, và bởi vì lòng nhân ái và tinh thần phục vụ của Mẹ là động lực cho những hành động của Mẹ. Mẹ là tấm gương sáng đáng cho mọi người noi theo vì Mẹ là môn đồ đầu tiên và cũng là môn đồ hoàn hảo nhất của Chúa Kitô. Tất cả những điều trên có một giá trị gương mẫu thường trực và phổ thông hoàn vũ (Trong Lòng Sùng Kính Ðức Trinh Nữ Maria #35).

Vì thế, ngoài thái độ cung kính và lòng ngưỡng mộ Ðức Mẹ, chúng ta phải học hỏi từ người, nhìn vào đời sống đầy ơn phước và thánh thiện của Mẹ như một tấm gương của đức tin, niềm hy vọng và đức ái. Chúng ta thấy đức tin của Ðức Mẹ trong câu "xin vâng" khi thiên thần Gabriel yêu cầu người trở thành Mẹ của Chúa. Trong kinh Magnificat Tán Tụng Hồng Ân, chúng ta thấy đức tin sâu xa của Mẹ vào Thiên Chúa. Chúa thương yêu những kẻ nghèo khó, và chăm sóc cho dân Người. Chúng ta thấy lòng hy vọng của Mẹ khi Mẹ và thánh Giuse chấp nhận sự khước từ nơi những người chủ quán trọ ở Bethlehem, khi gia đình bị đày đi sang xứ Ai Cập, và khi Chúa Giêsu bị "thất lạc" trong đền thánh. Chúng ta thấy lòng đức ái của Ðức Mẹ khi Mẹ đến thăm bà Elizabeth, người chị họ, để giúp bà ấy trong thời gian chờ đợi và cần sự giúp đỡ. Lại nữa trong tiệc cưới Cana, và nhất là ở dưới chân Thập Tự, chúng ta thấy lòng từ tâm của Mẹ. Những trường hợp kể trên và còn nhiều trường hợp khác cho thấy là Ðức Mẹ cho chúng ta rất nhiều mẫu gương trọn hảo để noi theo.

Như vậy, chúng ta luôn nhận ra rằng Ðức Mẹ lúc nào cũng liên hệ với Chúa Giêsu và tuỳ thuộc vào Chúa Cha và Chúa Thánh thần. Sự trọng đại và sự thánh thiện của Mẹ bắt nguồn từ quyền năng Thiên Chúa.

"Này tôi là tôi tá Chúa" (Lc. 1:38). Khi ta vinh danh và ca tụng Ðức Mẹ, người nữ tì và tôi tá Chúa, thì chúng ta cũng vinh danh và chúc tụng Thiên Chúa vậy.

III. Những câu hỏi người ta thường nêu lên về Ðức Mẹ

Có nhiều sự khác biệt và bất đồng ý kiến giữa người Công Giáo và người Tin Lành liên quan tới tầm hiểu biết và lòng tôn sùng đối với Ðức Mẹ. Có nhiều khi vì những sự bất đồng ý kiến này đã đưa đến sự thù nghịch và chia rẻ giữa những Kitô hữu. Ðể giúp chúng ta hiểu về đức tin của chúng ta một cách rõ ràng hơn, và với mục đích nuôi dưỡng hy vọng có sẵn nơi chúng ta, sau đây là một vài câu hỏi (và câu trả lời) mà người ta thường đưa ra về Ðức Mẹ.

Có phải lòng sùng mộ Ðức Mẹ thay thế cho việc cầu nguyện và việc tận hiến cho Thiên Chúa Ba Ngôi là Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần? Câu trả lời là KHÔNG -- Ðức Mẹ nhìn nhận mình là tôi tớ của Chúa. Mẹ nói với những người đầy tớ ở Cana là làm những gì Chúa Giêsu bảo, và đó cũng phải là thái độ của chúng ta nữa. Cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, chỉ cho chúng ta biết Ðức Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế và là Ðấng Chuộc Tội trần gian. Song bởi vì Mẹ là Mẹ của Chúa và bởi vì Mẹ ngự trên toà Chúa vinh quang, chúng ta có thể đến với Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria. Chúng ta không bắt buộc phải làm như thế, nhưng chúng ta được phép và có thể làm vậy; và nhiều người Công Giáo đã thấy làm như vậy rất là hữu ích.

Thụ Thai Trinh Nguyên không Nhiễm Nguyên Tội là gì? Tín điều về việc Ðức Mẹ Thụ Thai Trinh Nguyên cho rằng Ðức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền ngay từ lúc Mẹ thụ thai. Tội tổ tông truyền từ đời ông Adong và bà Eva không nhiễm vào Ðức Mẹ. Chân lý về tín điều này đã từng được bàn cãi và thảo luận trong suốt lịch sử của Kitô Giáo, cho đến năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Pius thứ IX long trọng tuyên bố:

"Ðức Mẹ Ðồng Trinh ngay từ lúc mới thụ thai bởi ân sủng đặc biệt và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trong khi biết trước công đức của Ðức Chúa Giêsu (người Cứu Chuộc cho thiên hạ), Mẹ đã được miễn tất cả các tội tổ tông."

Như tất cả mọi người, Ðức Mẹ cũng được nhận ân sủng, sự sống của Chúa, qua quyền phép của con Mẹ, Chúa Giêsu. Mẹ cũng cần được ơn cứu độ , và như chúng ta, sự vô nhiễm tội của Mẹ là do quyền cứu rỗi của Chúa Giêsu. Thế nhưng, Mẹ được tràn ngập ân huệ và sự yêu thương của Thiên Chúa ngay từ khi Mẹ mới chào đời. Mẹ là người được cứu rỗi cách trọn hảo nhất, vì Mẹ là người gần gủi với Ðức Chúa Giêsu nhất, Ðấng Cứu Chuộc thiên hạ.

Chúng ta hiểu thế nào về tín điều Linh Hồn và xác Ðức Mẹ lên trời? Gần 100 năm sau khi tín điều Ðức Mẹ Thụ Thai Trinh Nguyên không nhiễm Nguyên Tội được xác định, Ðức Giáo Hoàng Pius thứ XII, vào ngày 1 tháng 11, năm 1950, đã long trọng tuyên bố:

"Ðức Mẹ Ðồng Trinh, Mẹ của Thiên Chúa, đã được lên trời cả hồn lẫn xác sau khi đã sống hết cuộc đời của người nơi trần gian."

Ðiều này chúng ta thấy rằng Ðức Mẹ đã được hoàn toàn cứu rỗi, Mẹ đã trải qua sự phục sinh của thể xác như Ðức Chúa Giêsu đã hứa. Chúng ta từng hy vọng là sự sống trọn hảo cả về thể xác lẫn linh hồn, Ðức Mẹ là người đầu tiên được lãnh nhận ơn phúc đó bởi vì Mẹ là môn đồ đầu tiên và trung thành nhất của Ðức Chúa Giêsu. Bởi vì Mẹ là người không có tội, cũng không bị nhiễm tội nguyên tổ, Mẹ sẽ trải qua cái chết khác thường hơn loài người chúng ta. Sự việc Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời rất gần giống như là việc Phục Sinh của con Mẹ, và đó là điều chia sẻ đặc biệt Mẹ thụ hưởng vào sự sống phục sinh. Cũng như việc Phục Hoạt của Chúa Giêsu là dấu hy vọng chính cho chúng ta, thì việc linh hồn và xác lên trời của Ðức Mẹ trở thành dấu hiệu hy vọng cho chúng ta rằng: chúng ta cũng sẽ được chỗi dậy vào cuộc sống mới với Ðức Chúa Giêsu.

Học thuyết này (cùng với học thuyết Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ) không phải là chính tâm điểm đời sống Công Giáo bởi vì trung tâm điểm được dành riêng cho học thuyết liên quan đến Ðức Chúa Trời Ba Ngôi và công trình cứu chuộc do Ðức Chúa Giêsu đã chiến thắng cho chúng ta. Nhưng hai học thuyết trên liên hệ đến sự tin tưởng của chúng ta trong cuộc sống mới được ban cho chúng ta qua Ðức Chúa Giêsu. Ðức Mẹ đã được chia sẻ cách trọn vẹn nhất vào cuộc sống mới đó, bắt đầu ngay từ lúc Mẹ thụ thai. Mẹ đã đạt được trọn vẹn ơn cứu chuộc này khi cuộc sống của Mẹ trên thế gian chấm dứt.

Tại sao chúng ta gọi "Ðức Me trọn đời đồng trinh"? Trong Thánh Kinh, chúng ta tin rằng Ðức Mẹ mang thai Con Ðức Chúa Trời qua quyền năng của Ðức Chúa Thánh Thần (Mt 1:18; Lc.1:34-35). Ðây được gọi là sự mang thai đồng trinh của Ðức Mẹ. Việc Ðức Mẹ thụ thai Chúa Giêsu mà không có sự can thiệp của người nam làm nổi bật sự kiện này là: công cuộc cứu chuộc loài người bắt đầu lại với Chúa Giêsu, qua sự can thiệp của Thiên Chúa. Ðó chính là món quà của Thiên Chúa.

Truyền thống của đạo Công Giáo cũng nói đến sự đồng trinh khi Ðức Mẹ lâm bồn. Ðức Mẹ không bị đau đớn khi sanh. Truyền thống và giáo lý Công Giáo nói rằng Ðức Mẹ vẫn còn đồng trinh sau khi sanh Ðức Chúa Giêsu, con đầu lòng. Người ta có thể đưa ra nhiều thắc mắc phủ nhận việc này. Trong Tin Mừng của Thánh Matthêo, đoạn 1: câu 25, chúng ta đọc thấy rằng Ðức Mẹ đã không tri giao vợ chồng với thánh Giuse "cho đến khi" Ðức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu. Cái chữ "cho đến khi" không có nghĩa là Ðức Mẹ tri giao cùng ông Giuse sau khi Mẹ sinh Ðức Chúa. Chữ "cho đến khi" trong câu văn không biểu hiệu hoặc hàm chứa việc gì đã xảy ra sau thời gian đó.

Chúng ta phải nhớ rằng Thánh Kinh nói trong một số đoạn khác về anh em của Ðức Chúa Giêsu (như ví dụ, tin mừng theo Thánh Marcô, đoạn 6: câu 3). Theo truyền thống Công Giáo đó không có nghĩa là những người con khác của Ðức Mẹ, nhưng là anh em họ, hoặc bà con của Chúa Giêsu. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể về việc này, chúng ta thấy trong Tin Mừng theo Thánh Gioan rằng Ðức Mẹ được phó thác cho ông Thánh Gioan và điều này có lẽ không thể xảy ra nếu Ðức Mẹ còn có những người con khác. Những người Công Giáo tin rằng khi gọi Ðức Mẹ đồng trinh là nói tới cả cuộc đời của Ðức Mẹ đã dành trọn để phục vụ Chúa. Ý nghĩa và trọng tâm cuộc đới Ðức Mẹ là do mối giây liên kết của Mẹ với Chúa Giêsu. Mẹ không những là Mẹ của Ðức Chúa Giêsu và còn là người môn đồ hoàn hảo, người đã nghe Lời Chúa và đã giữ Lời Chúa trọn vẹn. Ngay cả ông Luther và ông John Calvin (một vị lãnh đạo khác trong phong trào Thệ Phản), cả hai đã bên vực và truyền dạy về giáo thuyết sự đồng trinh đời đời của Ðức Mẹ.

Phải công nhận rằng những sự giảng dạy về Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Ðức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, và sự xác tín rằng Ðức Mẹ vẫn còn đồng trinh trọn đời, ta không tìm thấy bằng những lới chính xác trong Thánh Kinh. Tuy nhiên những điều đó là đức tin truyền thống và là những điều dạy của Giáo Hội. Những giáo lý này khởi nguồn từ đức tin của chúng ta về sự cứu chuộc bởi Ðức Chúa Giêsu. Sự cứu chuộc có kết quả hiệu lực nhất là nơi con người của Ðức Mẹ. Trong sự hiểu biết này, những điều giảng dạy được rút ra từ Thánh Kinh, được diễn nghĩa, và dần dần được thấm nhuần và được các tín hữu chấp nhận với cả tâm hồn và khối óc, và đời sống cầu nguyện của người Kitô hữu. Người Công Giáo hoàn toàn tin tưởng vào lời Ðức Chúa Giêsu đã hứa rằng Ngài sẽ ban Thánh Thần và Thánh Thần Chúa sẽ dẫn đưa họ đến tất cả sự thật (xem Tin mừng theo Thánh Gioan, đoạn 16: câu 13). Nói bằng cách khác, Thánh Thần vẫn lu6n hoạt động, giảng dạy, và dẫn dắt Giáo Hội qua dòng lịch sử, Giáo Hội luôn cố gắng sống trung thành với nguồn gốc và đồng thời cũng cố gắng hiểu thêm một cách hoàn toàn hơn về Tin Mừng của Tình Yêu Thiên Chúa qua con người Ðức Giêsu.

Có phải một số người Công Giáo phóng đại lòng thành kính của họ với Ðức Me chăngï? Ðiều đó rất có thể, nhưng họ không cần và không nên làm như thế. Một thí dụ về việc này là coi Ðức Mẹ như là một nữ trung gian mọi ân phúc đến nỗi chối bỏ Chúa Giêsu là người trung gian duy nhất. Ðức Mẹ dẫn chúng ta đến với Ðức Chúa Giêsu, Mẹ không thay thế Chúa. Công Ðồng Vaticăn II nhấn mạnh rằng chúng ta có thể kêu cầu Ðức Mẹ là người biện hộ hoặc ngay cả có thể là người trung gian. Tuy nhiên, những danh từ đó phải được hiểu theo nghĩa là chúng không lấy đi hoặc thêm được gì vào cho phẩm giá và sự hiệu nghiệm của Chúa Giêsu Kitô, vị Trung Gian duy nhất" (Hiến Pháp của Giáo Hội, #62).

Một thí dụ khác về lòng thành kính thái quá có thể xẩy ra trong lãnh vực liên quan tới việc hiện ra của Ðức Mẹ ở Lộ Ðức, Fatima và nhiều đền thánh khác kính thờ Mẹ khắp mọi nơi trên thế giới. Thật là một điều sai lầm khi chúng ta nghĩ rằng những điều Ðức Mẹ tiết lộ ở những nơi nói trên cũng quan trọng bằng những điều Chúa linh ứng cho chúng ta biết trong Thánh Kinh. Như vậy, nếu chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa và Chúa Giêsu ở một nơi rất xa và chúng ta phải cần tới Ðức Mẹ làm nhịp cầu đến với Chúa quá xa vời, thì thái độ chúng ta có về Ðức Mẹ là sai lầm. Cuối cùng, như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắc nhở những người Công Giáo, nếu chúng ta chỉ ỷ vào bề ngoài của sự việc sùng kính Ðức Mẹ hơn là quan tâm đến việc dấn thân đích thực để thực hiện ý muốn của Chúa, thì sự sùng kính của chúng ta là thiếu sót và bất toàn. Mặt khác, lòng tôn sùng đích thật với Ðức Mẹ không thể nào phóng đại ra và đi đến chỗ thái quá, bởi vì lòng tôn sùng Ðức Mẹ luôn mang chúng ta đến gần với Chúa và đến gần với mọi người. Ðức Giáo Hoàng Phaolô thứ VI đã dạy rất rõ ràng rằng "lòng tôn sùng Ðức Mẹ Ðồng Trinh không dừng nới Ðức Mẹ, nhưng do chính bản chất, phải được coi là một cách giúp chúng ta đến với Chúa" (Diễn văn ngày 21, tháng 11, năm 1964).

Kết Luận

Ðạo Công Giáo nổi bật so với các hệ phái Kitô giáo khác bởi vì nó bắt nguồn từ chính Thánh Phêrô và các tông đồ. Ðạo Công Giáo cũng nổi bật vì Công Giáo nối kết chặt chẽ với lòng sùng kính Ðức Mẹ.

Trong đạo Công Giáo chúng ta cũng nhấn mạnh tới các bí tích và ân sủng của các bí tích này, mà nhờ đó Chúa đi vào đời sống của con người chúng ta. Người Công Giáo tin rằng Chúa muốn sống gần gũi với các tạo vật Chúa tạo nên và Chúa muốn mặc khải chính Người, quyền lực và tình yêu của Chúa cho tất cả mọi vật Chúa đã tạo dựng, nhất là cho loài người. Chúa Giêsu là người con duy nhất của Ðức Chúa Trời, là sự mặc khải trọn vẹn hoàn hảo về tình yêu của Chúa cho chúng ta. Các Thánh, trên hết là Ðức Mẹ, là những vị gần kề với Chúa Giêsu, nương tựa vào Chúa và noi gương Chúa. Trong công trình Chúa cứu chuộc loài người, Chúa Giêsu là nhân vật chính, Chúa Giêsu cũng muốn con người đóng góp phần mình vào. Ngài trông cậy vào chúng ta để hoàn thành công trình của Ngài, và trên hết Ngài trông cậy vào Ðức Mẹ, người đã được chọn làm Mẹ của con Ðức Chúa Trời. Thần học Công Giáo chủ trương rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta mà không cần chúng ta cộng tác, nhưng Thiên Chúa không thể cứu chuộc chúng ta nếu không có sự cộng tác của chính con người chúng ta. Người Công Giáo tôn sùng Ðức Mẹ vì Mẹ hợp tác một cách hoàn hảo nhất vào việc cứu chuộc..

Ðạo Công Giáo nhấn mạnh về sự sùng kính Ðức Mẹ là cốt ý cố gắng dạy cho chúng ta biết một phần nào về đức tin. Ðó là cách thế đặc biệt sống đời Kitô hữu. Ðiều đó diễn tả sự kiện này là chúng ta tin tưởng vào một Chúa là Ðấng đến với chúng ta tại thế gian và trong thế gian này. Ðang khi Chúa Giêsu là Ðấng Trung Gian và là Ðấng Cứu Thế duy nhất, Người cũng là dấu hiệu tốt nhất và là bí tích tình yêu của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng tin rằng nhờ vào Chúa Giêsu và với Người mà chúng ta cũng có những con người và những dấu chỉ khác phản ảnh và biểu lộ mầu nhiệm tình yêu của Chúa vậy.

Trong Cựu Ước, chúng ta có các tổ phụ và các vị tiên tri để dẫn dắt Dân Tuyển Chọn của Chúa. Các vị đó dìu dắt Dân Chúa và gọi họ trở về khi họ lạc bước. Trong Tân Ước chúng ta có thánh Gioan Tẩy Giả, các Thánh Tông Ðồ, những môn đệ, và các vị Thánh sử là những người đã được gọi, đào luyện, chỉ dẫn và được sai đi để rao giảng Tin Mừng của Chúa. Chúa Giêsu Kitô sinh bởi Ðức Mẹ đồng trinh là con đường duy nhất đi đến với Thiên Chúa (Gn 14:4-11). Giáo Hội Công Giáo luôn dạy chúng ta như thế, và không một giáo huấn hay lòng sùng kính nào khác trong đạo Công Giáo có thể làm lu mờ giáo lý này. Nhưng Giáo Hội nhờ được Thánh Thần hướng dẫn và nhờ trài qua kinh nghiệm thu tích từ nhiều thế kỷ, nhận thức rằng: lòng sùng kính Ðức Mẹ Ðồng Trinh, đóng một vai phụ sau việc thờ kính Chúa Cưu Thế , và qua mối dây liên hệ này, Giáo Hội có được sự hiệu lực mục vụ và đó cũng là một sức mạnh trong việc canh tân cuộc sống Kitô hữu.

Người Công Giáo dù bày tỏ lòng sùng kính của mình cách riêng tư hay nơi công hội với Ðức Mẹ, thì cũng đều có niềm xác tín vững mạnh lòng tin nơi Ðức Mẹ. Bởi vì vinh danh Ðức Mẹ là một cách để nhắc nhở chúng ta về những kỳ công vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện và còn đang thực hiện cho chúng ta. Ðức Mẹ đã cầu nguyện trong kinh Magnificat như sau: "Này từ đây, mọi đời sẽ khen tôi có phúc" (Lc. 1:48). Lòng tôn sùng Ðức Mẹ trong đạo Công Giáo cố gắng làm sống lại trong cuộc sống chính những lời này trong Kinh Thánh. Chúng ta rất lấy làm hãnh diện được ở trong những thế hệø có diễm phúc được ngợi khen Ðức Mẹ là Người có phúc. Chính vì quyền phép và tình yêu của Chúa đã kêu gọi chúng ta phải vinh danh và kính trọng Ðức Mẹ, là Ðấng được ân sủng ưu đãi nhất trong các con cái của Chúa. Cũng chính cùng một quyền lực và tình yêu của Chúa trong Chúa Giêsu Kitô đã dìu dắt, dẫn đưa và củng cố chúng ta thêm vững mạnh trên con đường hành trình đi đến với Chúa.

LM Peter Schineller, S.J.
(Chuyển ngữ: Lê Hoàng Liên Hiệu đính: LM Trần Công Nghị)
(Ðặc San Cộng Ðoàn Ðức Mẹ La Vang - Canoga Park, CA - 15/8/95)