Ảnh hưởng của chân phước John Henry Newman trên Đức Bênêđíctô XVI

Từ ngày 16 đến ngày 19.9.2010, ĐTC Bênêđíctô XVI sẽ chính thức viếng thăm Vương Quốc Anh. Và cao điểm của chuyến tông du lịch sử này là lễ phong chân phước cho ĐHY John Henry Newman (1801-1890).

ĐHY John Henry Newman là một trong những nhà thần học nổi tiếng và tân tiến nhất của Giáo Hội Công Giáo Anh vào lúc bấy giờ, vì thế ngài đã đóng một vai trò quyết định trong sự phát huy tư tưởng thần học của nhà thần học trẻ Joseph Ratzinger. Dĩ nhiên, bên cạnh HY Newman, còn có nhà thần học người Pháp Henri de Lubac SJ cũng đóng một vai trò không nhỏ trong tư tưởng J. Ratzinger.

Năm 1947, khi sinh viên Joseph Ratzinger bắt đầu theo học thần học, thì Alfred Läpple – người vừa được quân đội Anh trả tự do và là người hướng dẫn chương trình học của Joseph Ratzinger và các chủng sinh khác – vừa hoàn thành xong luận án tiến sĩ về đề tài „Quan niệm của Newman về lương tâm“. Läpple đã hướng dẫn J. Ratzinger và nhóm chủng sinh tiếp cận với tư tưởng thần học của HY John Henry Newman. Từ đó, ảnh hưởng của nhà thần học người Anh này đã chiếm dần một vị trí rất quan trọng trên sự phát triển tư tưởng thần học của sinh viên Joseph Ratzinger, của HY Jeseph Ratzinger und ngày nay của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

Lương tâm là chiếc chìa khóa

Chủ đề cuộc Tông du Vương Quốc Anh của Đức Bênêđíctô được chọn theo câu khẩu hiệu của J.H. Newman: „Cor ad cor loquitur“: Con tim nói với con tim hay những cõi lòng cùng tâm sự với nhau. Theo kiểu nói của Thánh Kinh, thì từ „trái tim“ hay „lòng“ có thể đồng nghĩa với khả năng phân biệt tốt/xấu, phải/trái của con người mà người ta gọi là lương tri hay lương tâm. Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng câu khẩu hiệu „Cor ad cor loquitur“ còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa, chẳng hạn: người cha nói với con mình; Thiên Chúa nói với loài người; Thánh Tâm Chúa Giê-su nói với con tim loài người; Tôi nói với anh; Lương tâm nói với lương tâm. Nói tóm lại, câu khẩu hiệu muốn nói rằng lương tâm ĐTC Bênêđíctô nói với con tim của tất cả các tin hữu và với tất cả mọi người thiện tâm, khi lương tâm của Đức Thánh Cha được Chúa Thánh Linh hướng dẫn, vì chính ngài thực thi sứ mệnh Giáo Hoàng của mình trong Chúa Thánh Linh.

Chúng ta biết rằng „lương tâm“ là một trong những chiếc chìa khóa quan trọng để có thể hiểu được cuộc sống và tư tưởng thần học của Gs. Joseph Ratzinger. Vì ngài là một người chỉ hành động theo lương tâm, và điều đó muốn nói rằng ngài là một người có được một đức can đảm nội tâm rất mạnh mẽ, luôn biết dũng cảm nói lên sự thật, chứ không chút sợ sệt trước bất cứ hậu quả nào, dù cho sự thật ấy có làm người nghe hài lòng hay phật ý, kể cả sự thù địch, và không chỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Quan điểm của ngài về vai trò trọng yếu của lương tâm trong sứ mệnh tìm kiếm sự thật và sự ngay chính – và qua đó, cả sự tìm kiếm một trật tự xã hội – là trung tâm điểm những ưu tư thần học của ngài. Do đó, nếu khi Gs. Joseph Ratzinger viết về đề tài lương tâm, về bản chất và sự tác động của lương tâm, ngài luôn nỗ lực tái khám phá ra ý nghĩa nguyên thủy của điều mà ĐHY Newman đã trình bày một cách hết sức rõ ràng và dứt khoát. Trong thế giới tân tiến và tục hóa ngày nay, hạn từ „lương tâm“ đã bị biến dạng quá nhiều, đến nỗi nó chỉ còn được coi như là sự „cảm hứng cá nhân“, chứ không còn là động lực cơ bản hướng dẫn mọi suy tư và mọi hoạt động của con người nữa. Hiện tượng này chắc chắn sẽ dẫn tới sự độc đoán khó tránh của chủ nghĩa tương đối về luân lý. Đây là điểm mà ĐHY niên trưởng Joseph Ratzinger đã phát biểu trong bài giảng của ngài trong Cơ Mật Viện các Đức Hồng Y trước khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 2005. Điều đó cũng muốn nói rằng qua bài giảng của vị Hồng Y niên trưởng của mình, các Đức Hồng Y trong Cơ Mật Viện lúc bấy giờ đã được nghe những suy tư về tư tưởng của ĐHY Henry Newman. Tại sao?

Chúng ta biết rằng, ĐHY John Henry Newman đã suốt đời can đảm tranh đấu chống lại chủ nghĩa tự do và những ảnh hưởng vô luân đầy nguy hiểm của nó. Đó là hiện tượng người ta đã chứng kiến khi những người bạo loạn trong Giáo Hội (Giáo sĩ cũng như giáo dân) thời hậu Công Đồng Vatican II ở Vương Quốc Anh cũng như ở nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng chủ nghĩa tự do như một lớp vỏ hấp dẫn để đòi hỏi một thứ tự do lương tâm tuyệt đối, hầu họ có thể biện minh cho sự loại bỏ các giáo huấn của Giáo Hội và truyền bá một thứ thần học tôn giáo mang tính cách đa phức, nghĩa là đối với những người này thì mọi tôn giáo đều ngang hàng và đồng hóa với nhau, chỉ khác nhau ở chỗ là mỗi tôn giáo trình bày chân lý theo cách thức chuyên biệt riêng của mình mà thôi.

Vào năm 1879, khi ngài được trao mũ Hồng Y, Đức Henry Newman đã khẳng định: „Chủ nghĩa tự do trong tôn giáo là một học thuyết chủ trương hoàn toàn không có chân lý tôn giáo, quá lắm chỉ có một sự tuyên tín như như bao sự tuyên tín khác mà thôi.“ Như vậy, trên thực tế chủ nghĩa tự do là sự phủ nhận lương tâm không phải là khả năng, mà nhờ đó con người theo một nghĩa nào đó, có thể nhận thức được chân lý tuyệt đối. Dĩ nhiên, sự nhận thức được chân lý tuyệt đối qua lương tâm như thế cũng chỉ tương tự như khi người ta nhìn thấy một sự vật qua một lớp kính, chứ hoàn toàn không rõ ràng như khi người ta cầm sự vật ấy trong tay một cách thực tiễn. Điều đó muốn nói rằng để nhận thức được chân lý tuyệt đối một cách chắc chắn và chính xác, con người phải cần đến sự can thiệp của uy quyền siêu nhiên của Thiên Chúa, điều mà chủ nghĩa tự do phủ nhận.

Sự phê bình sắc bén của ĐHY Newman đối với chủ nghĩa tự do sẽ là điểm tựa cho sự nghiên cứu riêng của Đức Bênêđíctô XVI về bộ mặt tân thời của chủ nghĩa tự do ngày nay, một chủ nghĩa đã gây nên bao đổ vỡ mất mát trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, đó chính là chủ nghĩa tương đối hóa mọi luân lý cổ truyền. Ở đây, một điểm đáng ghi nhận là khi còn là Hồng Y, Đức Bênêđíctô đã có được những gợi ý của nhà thần học giáo dân nổi tiếng người Anh trong những phê bình của ngài đối với chủ nghĩa tự do luân lý, đó là tiến sĩ C.S. Lewis.

Ngày nay, Vương Quốc Anh là một xã hội đa văn hóa và đang chịu ảnh hưởng mỗi ngày một thêm trầm trọng của ý thức hệ thế tục, một ý thức hệ đang tìm mọi cách để dồn đẩy vấn đề tôn giáo nói chung vào phạm vi cá nhân, và nhất là trục xuất tất cả mọi ảnh hưởng Kitô giáo ra khỏi phạm vi công cộng, hầu có thể biện minh cho việc bảo đảm sự trật tự công cộng bằng những giá trị duy vật của mình. Và hiện tượng thế tục cực đoan này có thể đưa tới hai hậu quả khủng khiếp sau, đó là:

1) Tạo nên một khoảng trống thiếu vắng Thiên Chúa trong cuộc sống con người. Và để lấp đầy khoảng trống đó, hay nói cách khác, để chạy trốn thực tại vô nghĩa và trống rỗng, con người tìm kiếm sự an ủi nơi sự thỏa mãn nhục dục, nơi bạo lực và nơi các loại ma túy, trong đó kể cả sự tự tử hay giết hại người khác như một thú vui.

2) Và hậu quả thứ hai là để phản ngược lại quan niệm tôn giáo trước kia, họ chủ trương một thứ tôn giáo mới và hoàn toàn quá khích.

Đó là những hậu quả tất yếu. Bởi vì, một khi người ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi sự ý thức công cộng trong xã hội, thì chân lý, sự ngay chính và sự trung tín sẽ bị vùi lấp, con người sẽ mất hết nhân phẩm và niềm vui chân thật của mình, những điều mà theo kế hoạch của Thiên Chúa, ai ai cũng đều cảm nhận được trong tận đáy lòng mình.

Sự chối bó Thiên Chúa trên lý thuyết cũng như trong thực hành sẽ đưa dẫn tới một thế giới hoàn toàn thế tục, tức một thế giới tự cho mình là hoàn hảo tuyệt đối, vào trong sự chống đối không cần thiết ngược lại với đức tin. Đồng thời nó cũng đưa dẫn con người đến chỗ phủ nhận chân lý khách quan, và qua đó nó lại dẫn con người tới chủ nghĩa tương đối thuộc lãnh vực luân lý. Đó là hiện tượng đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ trên một số đông các nhà trí thức ngày nay và ngay cả trên một số nhà thần học, những người cho rằng tất cả các tôn giáo trên thế giới, nhiều hay ít, đều là những nẻo đường chân chính có thể dẫn đưa người ta đến cùng Thiên Chúa và sự cứu rỗi. Một sự khoan dung lệch lạc như thế, thì một phần nào đó có thể được coi là một phản ứng chống lại sự hiểu lầm rất phổ biến trước Công Đồng về tín điều cho rằng ngoài Giáo Hội không có sự cứu rỗi. Ngoài ra, theo một phần nào đó, thì sự khoan dung đó là một sự diễn giải sai lạc các giáo lý của Công Đồng Vatican II về tương quan với các tôn giáo khác ngoài Giáo Hội Công Giáo – mặc dù sự diễn giải ấy được một người yêu thích – khi cho rằng ý niệm sai lạc „Kitô giáo nặc danh“ (anonymes Christentum) của Karl Rahner là của chính Công Đồng.

Cả hai hậu quả trên chắc chắn sẽ dẫn tới một „chủ nghĩa tự do trong tôn giáo“, một điều mà ĐHY Newman đã từng nghiêm ngặt lên án. Nhưng trong nền văn hóa ngày nay với sự ngự trị của chủ nghĩa tương đối hóa luân lý, thì chủ nghĩa tự do ấy lại đang bùng tái phát và sống động trở lại hơn bao giờ hết. Và từ chỗ đó phát xuất một hậu quả tai hại khó tránh là làm tê liệt tinh thần truyền giáo, trong khi chính xã hội bị tục hóa, vật chất hóa và vô thần hóa ngày nay đang cần được Phúc Âm hóa hơn bao giờ hết.

Bởi vậy, trọng điểm của chuyến tông du của ĐTC Bênêđíctô XVI lần này tại Vương Quốc Anh phải là giúp các tín hữu Công Giáo, Anh Giáo cũng như những người thiện tâm tại Anh Quốc tái khám phá ra tinh thần hăng say truyền giáo ngay giữa đất nước họ. Để đạt tới trọng điểm này, có lẽ người ta đang chờ đợi nơi Đức Thanh Cha hai đường hướng, đó là:

1) Qua sứ điệp mà ngài sẽ mang đến cho dân tộc Anh với nội dung là chính xã hội tân tiến ngày càng cần phải giữ vững đức tin vào Đức Giê-su Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, và chíng Người là Đấng duy nhất mang đến cho con người cũng như xã hội nhân loại sự giải thoát, sự cứu rỗi toàn diện.

2) Lễ nghi cử hành Phụng vụ của Giáo Hội là nguồn thực tiễn của sự giải thoát và niềm vui mừng nội tâm, được phát sinh qua sự gặp gỡ với Đức Kitô trong các phép Bí Tích.

Bên cạnh đó, các truyền thống phong phú Anh Quốc còn chứa đựng những giá trị nhân bản gương mẫu cho cả thế giới, chẳng hạn: Nền dân chủ lâu đời nhất thế giới của người Anh (Westminster là mẹ của các viện quốc hội trên thế giới), phong trào cải cách tư tưởng Tô Cách Lan (bắc Anh), cuộc cách mạng kỹ nghệ, v.v… Nhưng ngày nay, tất cả những giá trị chân chính đó của Anh Quốc đang phải đối mặt với sự đe dọa đầy nguy hiểm của chủ nghĩa tục hóa vô thần và chủ nghĩa tương đối hóa luân lý. Những hiện tượng ấy muốn nói lên điều gì?

Nền dân chủ chân chính cần tới lương tâm và sự tranh luận

Thật vậy, lương tâm và sự tranh luận là nguồn sống của một nền dân chủ chân chính cũng như của sự tìm kiếm sự công bằng. Cả hai cùng đặt cơ sở trên sự nhận thức được rằng trong xã hội con người có hai thực tại: cái sai khách quan và cái đúng khách quan. Trong những thập niên vừa qua, có lẽ người ta cũng đã nhận chân được hiện tượng phủ nhận cái đúng khách quan và không còn phân biệt được cái sai, nên đã dẫn tới điều mà Đức Gioan Phaolô II đã gọi là „văn hóa sự chết“. Và trong lãnh vực này với những gì tiêu cực từng xảy ra trong xã hội Anh, người ta có thể nói được rằng Anh Quốc là nước dẫn đầu.

Cuộc hội nghị tối cao của các Giám Mục Anh Giáo năm 1930 tại Lambeth đã đi đến sự nhất trí là sự dựa theo truyền thống Kitô giáo nói chung, việc ngừa thai theo phương pháp nhân tạo là hoàn toàn nghiêm cấm. Thế nhưng ngày nay, ngoài Giáo Hội Công giáo và Chính Thống ra, hầu như tất cả các cộng đồng Kitô giáo khác, trong số đó có cả Anh Giáo, đã cho phép các phương pháp ngừa thai nhân tạo. Và một khi việc ngừa thai nhân tạo đã được phép, thì việc đồng ý cho những người cùng đồng phái tính được phép luyến ái với nhau phải được coi là hậu quả tất yếu, như một cựu Tổng Giám Mục Canterbury (Anh Giáo) đã ghi nhận và dĩ nhiên chính ngài cũng đồng ý như vậy. Và cách đây chưa lâu, chính Đức TGM Rowan William (Anh Giáo) cũng đã tuyên bố một lập trường tương tự. Vào năm 1967, khi những cuộc phá thai „trong những trường hợp ngoại thường“ được cho phép, thì người ta đã cố tình bỏ qua không nói đến sự bất công cố hữu trong những trường hợp phá thai ấy và họ vẫn theo nguyên tắc để cho phép những cuộc phá thai đều đặn xảy ra. Và từ thái độ ấy, người ta đã tiến tới chỗ coi việc phá thai là một „quyền lợi“ như ta thấy ngày nay. Nhưng sự việc chưa dừng tại đó. Ngày nay người ta còn tìm cách hợp thức hóa những khảo nghiệm nguy hiểm trên các thai nhi, như việc nghiên cứu các tế bào sống để tạo nên con người hoàn toàn trong ống nghiệm, những hành động mà nền đạo đức luân lý chân chính của xã hội loài không thể chấp nhận được.

Thay vào đó, người ta đã trưng dẫn một mình sự ích lợi thực tiễn như là lý do đủ cho hành động của họ, tức để giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn có thể có con, trong khi đó họ hoàn toàn không cần quan tâm tới những tính chất phản luân lý của hành động mình làm. Và đương nhiên, nếu có ai đưa ra những chống đối (thường là phát xuất từ những tín hữu Công Giáo chân chính), thì được coi như là một kẻ „quá bức xúc nóng nảy“ và phản ứng không hợp lý. Qua lá phiếu thuận của mình trong dự thảo hiến pháp hợp thức hóa việc phá thai, một số dân biểu đã loại bỏ Donum vitae, những giáo huấn của Tòa Thánh về đạo đức sinh học mà trước đây Đức HY Tổng trưởng thánh bộ Đức Tin Joseph Razinger đã cho công bố. Dĩ nhiên, trong vấn đề này Đức Bênêđíctô sẽ khó lòng nhận được sự đồng thuận của đa số các khán thính giả Anh.

Nhưng đàng khác, còn có những yếu tố văn hóa thầm kín khác sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định trong việc đón tiếp Đức Thánh Cha, mà rõ ràng nhất là thành kiến truyền thống đối với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô vốn tồn tại tại Anh Quốc từ xưa nay. Một thánh đố cơ bản mang tính cách văn hóa, mà những người Anh và những người Tô Cách Lan có chung là não trạng chống đối Giáo Hội Công Giáo, nhưng phần lớn chỉ là những suy tư và những hành động nông cạn trên mặt mà thôi. Tuy nhiên, những tư duy và hành động nông cạn ấy cũng không ít nguy hiểm, đến nỗi nhiều khi đã gây nên sự bùng nổ thái quá tại Anh Quốc trước một phát biểu hay một sắc lệnh nào đó phát đi từ Vatican.

Tuy nhiên, thái độ chống đối Giáo Hội Công Giáo ở Anh Quốc và ở Tô Cách Lan không giống nhau. Nói chung, ở Tô Cách Lan thái độ bài Công Giáo phát xuất từ sự xác tín mang nặng tính cách tôn giáo, trong khi đó thái độ ấy ở Anh Quốc lại mang màu sắc chính trị nhiều hơn. Bởi vậy, bình thường thì Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng Tô Các Lan trước, một nơi người Công giáo được coi là một thiểu số quan trọng, và tiếp đến là nơi Đức Thánh Cha sẽ gặp nữ hoàng Elisabeth tại dinh của nữ hoàng thuộc Tô Cách Lan.

Tuy chuyến tông du của Đức Thánh Cha ở cả hai nước (Anh Quốc và Tô Cách Lan) còn mang tính cách một cuộc viếng thăm cấp nhà nước hơn – chứ không chỉ là một cuộc tông du hoàn toàn mang tính cách mục vụ bình thường như cuộc tông du trước đây 30 năm của Đức Gioan Phalô II – nhưng nó cũng vẫn mang một ý nghĩa mục vụ rất quan trọng. Đặc biệt, tại Tô Cách Lan, sự hiện diện của Đức Thánh Cha còn mang một tính cách nhân bản khác nữa. Chúng ta biết rằng, trước đây giáo sư Joseph Ratzinger đã có mối tương giao rất thân hữu với một số rất lớn các nhà thần học thuộc phái Tin Lành Calvin ở Tô Cách Lan, nhất là với nhà thần học Karl Barth. Thêm vào đó, chính tư cách và sự uyên bác về tri thức của Đức Thánh Cha đã gây được một sự kính trọng sâu xa ở miền đất này, cũng sẽ tạo cho cuộc tông du này ở Tô Cách Lan gặp được nhiều thuận lợi.

Trong khi đó, ở Anh Quốc chuyến tông du của Đức Bênêđíctô sẽ thuần túy là một chuyến viếng thăm cấp nhà nước với những màu sắc và hình thức hùng tráng bên ngoài của nó. Nhưng có lẽ chính điều ấy tô điểm cho sự thành công của chuyên thăm chăng, vì qua đó sự lo sợ chuyến viếng thăm của một vị Giáo Hoàng đến từ Roma sẽ làm phai nhạt tinh thần cải cách của một số người chống đối cuôc tông du này. Chúng ta cũng đã biết rằng phong trào cải cách, hay nói cách khác, sự thiết lập Anh Giáo, một Giáo Hội tự trị, đã góp phần làm cho Anh Quốc thành một cường quốc, luôn trong tư thế cạnh tranh và cả sự tranh chấp chống lại các vương triều Công Giáo khác ở Âu Châu, nhất là các vua Pháp và Tây Ban Nha. Vì thế, ngay từ khởi đầu khi thành lập Giáo Hội tự trị ra khỏi Giáo Hội Roma, các triều đại tại Vương Quốc Anh luôn nghi ngờ sự trung thành của các tín hữu Công Giáo Anh dành cho họ, mặc dù các tín hữu Công Giáo Anh vẫn luôn dè dặt trong việc bày tỏ sự trung thành của họ với Đức Giáo Hoàng La Mã.

Nhưng đàng khác, với tư cách là một người luôn hành động theo lương tâm như họ thường biết đến, các tầng lớp dân Anh đang chờ đón Đức Bênêđíctô XVI như một mẫu gương sáng chói cho tất cả các nhà lãnh đạo. Họ hy vọng ngài sẽ thức tỉnh được lương tâm trách nhiệm và đức tin Kitô giáo của các nhà chính trị và các vị lãnh đạo Anh quốc, theo mẫu gương thánh Thomas Morus.

Theo chương trình, Đức Thánh Cha sẽ đọc một bài phát biểu quan trọng tại tòa quốc hội Westminster cổ kính và thời danh, được xây dựng cách đây trên dưới 900 năm, nơi phát xuất nền dân chủ Anh quốc và đồng thời cũng là nơi từng xét xử Thomas Morus, một người đã can đảm hành động theo lương tâm đến hy sinh mạng sống mình để tranh đấu cho quyền tối thượng của Đấng Kế vị Thánh Phêrô. Vâng, trước khi bị hành hình, Thomas Morus đã tuyên bố: „Tôi chết như một tôi trung của đức vua, nhưng trước hết như một tôi tớ của Thiên Chúa.“ Suốt đời, thánh Thomas Morus đã tranh đấu cho công lý, và đòi hỏi mọi tranh chấp trong đời sống xã hội phải được giải quyết một cách công bằng và hợp lý, và ngài đã chiến thắng được sự cai trị hống hách và độc đoán của vua Henry VIII cũng như các người kế vị ông. Ngài đã vạch ra con đường tiến tới một nền dân chủ tân tiến như ngày nay, một nền dân chủ đặt cơ sở trên quy chế pháp trị, một nền dân chủ phải được dựa vào sự phân biệt phải/trái một cách khách quan qua một sự tranh luận tự do và một cuộc biểu quyết „fine-tuned“, một cuộc biểu quyết lành mạnh theo tiếng lương tâm của mỗi người.

Ngoài thánh Thomas Morus, còn có một nhân vật nổi danh khác, đó là Đức HY Reginald Pole, mà tư tưởng thần học của ngài đã có một ảnh hưởng không nhỏ trên chính Đức Bênêđíctô XVI. Đức HY Pole là một người bà con họ hàng với vua Henry VIII và là người đã soạn thảo tư tưởng thần học về ngôi vị Giáo Hoàng ngay trong Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng, mà ngài là một trong những vị nổi bật nhất để được bầu vào ngai tòa Thánh Phêrô. Được ảnh hưởng bởi kinh nghiệm của các vị tử đạo người Anh, trong số đó có chính thân mẫu của ngài, Đức HY Pole đã phát huy nền thần học hết sức đặc biệt của ngài về quyền tối thượng của ngai tòa Thánh Phêrô qua các Đấng Kế Vị ở Roma. Theo ý kiến ngài, đối với các Đấng Đại Diện chân chính của Đức Kitô trong việc hướng dẫn Giáo Hội, ngai tòa Thánh Phêrô quả thực là một Thánh Giá. Uy quyển của ngai toà này đối với các quyền lực chính trị trần thế là một quyền lực của sự yếu kém, một quyền lực bám rễ sâu trong sự tuân phục của đức Giáo Hoàng đối với Depositum fidei, đối với kho tàng các giá trị của đức tin, như đã được trao phó cho Giáo Hội gìn giữ và rao truyền.

Tuy nhiên, trong khi các quyền lực chính trị trần thế được thu hẹp và được giới hạn lại trong phạm vi quốc gia, thì quyền lực của Đức Giáo Hoàng mặc dù bất bạo lực và không dùng sức mạnh quân sự lại bao trùm cả thế giới, bất phân biệt biên giới các quốc gia, các dân tộc, các nền văn hóa và cả các tôn giáo. Vâng, quyền lực của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô mang tính cách phổ quát, phổ quát như chính chân lý khách quan vậy, nguồn xuất phát của quyền lực ấy và đồng thời cũng là điều mà tất cả các Đấng Kế Vị Thánh Phêrô có sứ mệnh phải rao truyền và làm nhân chứng. Từ sứ mệnh rao truyền và tranh đấu cho chân lý ấy, tính cách làm nhân chứng của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô đã trở thành một đối kháng khó tránh khỏi giữa Giáo Hội Công Giáo và đa số các nhà nước trần thế. Hay nói một cách đơn giản hơn, Thánh Giá là một thực tại đã tiềm ẩn sẵn trong chức vị mỗi vị Đức Giáo Hoàng. Và trong hiện tại, Thánh Giá đối với Đức bênêđíctô XVI không chỉ là một chủ đề mang tính cách khoa học mà thôi. Cuộc viếng thăm cấp nhà nước của ngài tại Vương Quốc Anh còn là dịp để trình bày sức mạnh chiến thắng và sự vinh quang của Thánh Giá trong một xã hội muốn hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI là người tìm kiếm sự đối thoại

Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa thái độ của Đức Thánh Cha là một đối kháng mang tích chất khiêu khích đối với trào lưu tiêu cực hiện nay tại Anh Quốc, mặc dù những phát biểu và hành động của ngài có thể gây ra sự hiểu lầm và sự chống đối nào đó. Bởi vì, suốt cuộc đời, ngài luôn tìm kiếm sự đối thoại chân thành, cởi mở và thẳng thắn với tất cả mọi người thiện tâm, và nỗ lực xây dựng các nhịp cầu thông cảm trong sự đối kháng.

Cách đây chưa lâu, trên chuyến bay sang Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha đã bình luận về hiện tình văn hóa của thế giới Âu châu ngày nay: „Trong thế kỷ của biện chứng giữa chủ nghĩa thế tục và đức tin đã luôn có những người vẫn nỗ lực xây nên các nhịp cầu và tìm cách tạo nên sự đối thoại trong cuộc sống. Nhưng đáng tiếc là khuynh hướng chống đối và loại trừ nhau đã dành quyền thống trị. Ngày nay chúng ta nhận thấy rõ là sự biện chứng ấy cho ta một dịp may là chúng ta phải tìm cho ra được sự tổng hợp và một sự đối thoại phong phú và sâu xa. Tất cả chúng ta đang sống trong một xã hội đa văn hóa, và người ta nhìn thấy được rằng nếu không có chiều kích siêu việt của tôn giáo, thì một nền văn hóa thuần túy duy lý Âu Châu sẽ bất lực trong việc đối thoại với những nền văn hóa sâu rộng khác của nhân loại, là những nền văn hóa có chứa đựng tất cả chiều kích siêu việt của tôn giáo, tức chiều kích của bản thể con người.

Là cả một sự sai lầm khi quan niệm rằng chỉ có một lý trí thuần tuý và đi ngược lại lịch sử, một lý trí chỉ hiện hữu nội tại trong chính mình. Chúng ta luôn khám phá thêm được rằng lý trí chỉ mới đụng chạm tới một phần của con người và chỉ biểu lộ một tình huống lịch sử nhất định, chứ không phải là lý trí tự nội (die Vernunft an sich). Lý trí tự nội thì mở ra cho siêu việt tính, và chỉ trong sự gặp gỡ giữa thực tại siêu việt, đức tin và lý trí, thì con người mới tìm gặp được chính mình thực sự. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng trách nhiệm và sứ mệnh của Âu Châu trong tình huống này là tìm kiếm sự đối thoại và điều hợp đức tin và lý tính tân tiến lại trong một nhãn quan nhân chủng học duy nhất, một nhãn quan bao gồm trọn vẹn bản thể con người và qua đó tạo điều kiện cho sự truyền thông giữa các nền văn hóa nhân loại với nhau. Từ chỗ đó, tôi có thể nói được rằng sự hiện diện của chủ nghĩa thế tục (Sécularisme) là một điều bình thường, trong khi sự chia rẽ cũng như sự chống đối nhau giữa văn hóa và đức tin, mà chủ nghĩa thế tục đã gây ra, lại là một điều không bình thường và đòi phải được loại bỏ. Những thách đố to lớn ngày nay là cả hai phía, đức tin và văn hóa, cùng gặp gỡ nhau và qua đó mỗi bên cùng tìm gặp được căn tính thật sự của mình. Và như đã nói, đó phải là một sứ mệnh của Âu Châu và là một nhu cầu cấp bách của con người trong giai đoạn lịch sử ngày nay của chúng ta.“

Danh từ La-tinh của người bắc cầu là Pontifex (do chữ Pons: chiếc cầu, và chữ facere: kiến tạo). Nhưng trong chuyến tông du lần này tại Vương Quốc Anh, ĐTC Bênêđíctô XVI phải can đảm làm chứng cho chân lý đã giải thoát nhân loại. Dĩ nhiên, ngài cũng phải bắt tay tất cả mọi người, kể cả những người chống đối chuyến tông du lịch sử này của ngài. Vì trong mọi tình huống ngài luôn là Pontifex, là người bắc cầu của Đức Kitô.

Trong lần viếng thăm Vương Quốc Anh lần đầu tiên vào năm 1988, trong tư cách là Tổng trưởng Thánh Bô Đức Tin, Đức HY giáo sư Joseph Ratzinger đã công khai trình bày một bài nói chuyện tại đại học Cambridge về sự nguy hiểm của chủ thuyết hư vô (Nihilisme) đối với nhân loại hôm nay. Chúng ta biết rằng tại Anh quốc vào lúc bấy giờ ngài rất ít được yêu chuộng, và người ta đã từng gọi ngài là „con chó dữ của Thiên Chúa“ hay vị „Hồng Y xe tăng“. Mặc dù thế, khi ngài bước vào giảng đường đại học (để tưởng thưởng cho sự can đảm của ngài) cũng như sau khi ngài chấm dứt bài thuyết trình và ra về (để tưởng thưởng sứ điệp sâu xa của ngài) cả giảng đường chật ních người cùng đồng loạt đứng lên vổ tay khen ngợi.

Chắc chắn đó cũng sẽ là tính chất đặc thù của con người ĐTC Bênêđíctô XVI và của chuyến tông du cấp nhà nước sắp tới của ngài tại Vương quốc anh vậy.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần cùng đồng hành với Đức Thánh Cha trong mọi tư tưởng, lời nói và hành động của ngài trong suốt cuộc tông du quan trọng này, hầu trong tất cả chỉ vì: Ad majorem Dei Gloriam! Amen

___________________

1. Kể từ năm 1867, cứ vào khoảng 10 năm lại tổ chức một cuộc hội nghị qui tụ tất cả các Giám Mục thuộc Giáo Hội Anh giáo tại lâu đài Lambeth ở Luân Đôn để bàn thảo về các vấn đề của Giáo Hội.

2. Nhà vua Anh Quốc sẽ lập tức là thủ lãnh của Giáo phái Tô Cách Lan, một khi nhà vua hay nữ hoàng đi qua biên giới và đặt chân lên đất Tô Cách Lan.

VietCatholic News