Di sản của Rosmini

Rosmini là một linh mục, một tư tưởng gia, một triết gia, một nhà chính trị học, một chính khách, một nhà ngoại giao, một văn sĩ, để lại một di sản trước tác lớn lao gồm hơn một trăm cuốn về đủ mọi bình diện văn hóa, tôn giáo, chính trị và nhân bản, tạo ra một tổng hợp vĩ đại giữa lý trí và đức tin trong lịch sử Âu Châu và lịch sử Giáo Hội Kitô Giáo.

Bác Ái, một tu hội độc đáo

Nhưng đóng góp đáng chú ý đầu tiên phải kể là Tu Hội Bác Ái do ông sáng lập. Tu Hội này được tổ chức lần đầu năm 1830 và được Tòa Thánh chuẩn phê năm 1838. Tại Ý, các tu sĩ của Tu Hội thường được gọi là Các Cha Rosminian (Rosminiani), nhưng bên ngoài nước Ý, người ta quen gọi các ngài là các cha Dòng Bác Ái (I.C. = Insitute of Charity).

Mục tiêu của Tu Hội là đức ái trọn hảo. Tình yêu Thiên Chúa là sự viên mãn của luật lệ (plenitudo legis) vì từ chính bản chất của nó, đức ái vươn tới mọi con cái Thiên Chúa, đúng hơn tới toàn bộ Tạo Dựng. Bậc sống trước nhất hay ưu tuyển của một tu sĩ Bác Ái chính là điều “duy nhất cần thiết” (unum necessarium) như Chúa Kitô đã nói về Maria, hay cuộc sống chiêm niệm. Nhưng điều đó không có nghĩa loại bỏ hoạt động vì cầu nguyện dẫn ta tới nghiên cứu và cổ vũ công lý cũng như công ích.

Tinh thần của Tu Hội Bác Ái được biểu lộ một cách mạnh mẽ qua niềm tin cho rằng Thiên Chúa nói với con người nhiều cách; Người biểu lộ thánh ý Người tùy theo khả năng mỗi người. Tu Hội Bác Ái cũng cho rằng tuy bác ái là một nhưng được thể hiện qua ba phương diện. Có ba điều tốt liên quan đến bình diện thể lý, tri thức và luân lý thế nào, thì bác ái cũng được phân chia thành trần thế (temporal), tri thức và thiêng liêng như vậy. Bác ái trần thế là loại bác ái thấp nhất, cung cấp sự thiện thấp nhất. Cao hơn thế nhiều là loại bác ái nhằm gia tăng hiểu biết chân lý. Nhưng cao hơn cả là loại bác ái chăm lo các linh hồn. Đối với Tu Hội, đời sống tu trì và đời sống mục vụ phải gắn bó để trở nên một, đó chính là đỉnh cao của bác ái, khiến tu sĩ Rosmini chỉ đi tìm địa vị ‘binh nhì’, vô danh ẩn tánh, trong Giáo Hội. Nôn nao đi tìm vinh dự và quyền hành là phản bội lý tưởng của mình. Nói cách khác, phải thụ động trong cõi vô danh ẩn tánh cho tới khi việc công kêu mời, vẫy gọi. Lúc ấy, người tu sĩ Rosmini phải can đảm, tin tưởng, kiên tâm lãnh nhận và lao mình vào làm việc.

Giống phần lớn các dòng tu khác, Tu Hội Bác Ái gồm các hội viên nhận sống trọn kỷ luật của Tu Hội, khấn trọn đời sống theo ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Bên cạnh đó còn có các hội viên có gia đình hay độc thân, không sống đời sống tận hiến, ‘tu dòng’ nhưng cố gắng sống theo các đặc sủng của Tu Hội, cầu nguyện hằng ngày và gặp gỡ các hội viên khác khi có thể.

Người muốn sống các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời phải qua một thời kỳ tìm hiểu kỹ lưỡng. Sau 2 năm tập, sẽ được khấn tạm, được gọi là tu sinh (scholastic), nhưng chỉ được kể là hội viên chính thức của Tu Hội khi trở thành tu sĩ hậu bổ (coadjutor) sau một thời kỳ chuẩn bị về đời sống tu trì, về linh đạo và học tập. Các tu sĩ hậu bổ phải thêm lời hứa không được mưu cầu bất cứ chức tước nào, cả trong Tu Hội lẫn ngoài Tu Hội. Các lời khấn dòng được lặp lại vào lúc này, nhưng từ nay, trở thành vĩnh viễn. Các tu sĩ hậu bổ này được chia thành hai: tu sĩ hậu bổ nội viện sống trong các nhà của Tu Hội, tu sĩ hậu bổ ngoại viện sống tại các nơi khác. Các trưởng sĩ (presbyters) được chọn trong số các tu sĩ hậu bổ nội viện. Các vị này phải khấn thêm lời khấn đặc biệt vâng phục đức giáo hoàng. Tóm lại, các hội viên chính thức của Tu Hội bao gồm các tu sĩ hậu bổ và các trưởng sĩ. Các trưởng sĩ này là những người chủ trì đời sống và hoạt động của Tu Hội, được ủy nhiệm các công tác có tính phổ quát hơn.

Đối với tu sĩ Rosmini, khó nghèo không có nghĩa từ bỏ mọi sở hữu; đúng hơn, nó có nghĩa không bị chiếm hữu bởi các sở hữu của mình; chính vì thế, các thành viên của Tu Hội được phép có sở hữu riêng. Đây là nét khá đặc trưng của Tu Hội, một đặc trưng vốn không được Tòa Thánh hài lòng, cho rằng chỉ có tính xúc cảm chứ không hữu hiệu (affective, not effective). Nhưng Rosmini trả lời bằng cách ấn định ra các điều kiện cho quyền tư hữu này: nó chỉ là tối thiểu dưới mắt luật lệ dân sự và người tu sĩ phải sẵn sàng, vì đức vâng lời, mà từ bỏ cả thứ tư hữu nhỏ nhoi đó; đàng khác, không tu sĩ nào có thể mặc tình giữ, quản lý hay sử dụng một đồng xu. Ông cũng nói tới bản chất tư hữu, ví nó như bắp thịt cổ (complexus) của mọi thứ quyền; mà quyền lợi là tương quan và có thể phân chia; chúng có tương quan với Nhà Nước hay Giáo Hội; tu sĩ giữ sở hữu chỉ có tương quan với Nhà Nước, và không có tính tuyệt đối. Theo ông, sự nghèo khó tuyệt đối mới chống lại Phúc Âm, chứ không phải sự nghèo khó tương đối. Kể từ thời ông, việc để tư hữu dưới chủ quyền hợp pháp của các cá nhân này được nhiều người cho là sáng suốt. Hơn nữa, việc không ngừng đòi hỏi phải hy sinh quyền tư hữu kia đã mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng.

Lời khấn khiết tịnh được hiểu theo nghĩa: không những không lập gia đình và phải tránh mọi sinh hoạt tính dục, mà còn phải biết cách cư sử với người khác một cách thích đáng. Lời khấn vâng lời có nghĩa phải lắng nghe các yêu cầu của người phụ trách, lưu ý tới lợi ích của Dân Chúa, và cầu nguyện để nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa trong các điều được yêu cầu.

Mục đích để hoạt động bác ái, nên Tu Hội chọn lối sống không làm cho các tu sĩ xa cách người khác. Họ không có tu phục hay lối hành xác nào đặc biệt, thay vào đó, họ sống nhiệm nhặt bằng cách chấp nhận các khắc khổ thường hằng trong thân phận tự chọn, không nhiều luật lệ, nhưng xác tín mạnh mẽ vào nguyên tắc để Tu Hội huấn luyện mình thành người Tu Hội muốn. Với Nhà Nước, Tu Hội không đòi hỏi bất cứ miễn trừ nào, chỉ là các quyền chung. Nếu quyền lập hội bị từ khước, Tu Hội vẫn sinh hoạt được một cách tư riêng và đầy chiêm niệm, nhờ thế vẫn đạt được mục tiêu của mình. Các thành viên của Tu Hội vẫn là các công dân, với đầy đủ mọi quyền lợi và nhiệm vụ. Đối với Giáo Hội, Tu Hội có mối tương quan chủ yếu này là sống cho Giáo Hội, không cho mình, không lẫn lộn quyền lợi của một tu hội với quyền lợi của Thế Giới Kitô Giáo, và được tổ chức sao cho luôn là đầy tớ của hàng giám mục. Tinh thần bè phái, phe nhóm bị luật Tu Hội loại bỏ vì đi ngược lại tinh thần của mình, bởi “nền tảng của Tu Hội là Sự Quan Phòng của Thiên Chúa Cha, đặt một nền tảng khác là hủy hoại nó”. Thay vì tìm cách làm cho mình lớn mạnh, khuynh hướng của Tu Hội là làm cho hiệp đoàn mọi tín hữu Công Giáo gần gũi nhau hơn và nhạy cảm với nhau hơn, giúp họ cảm nhận được sự vĩ đại của chính họ, cảm nhận mình mạnh hơn trần gian và là những người cùng làm việc với Đấng Quan Phòng trong kế hoạch đặt mọi sự dưới chân Chúa Kitô.

Hoạt động của Tu Hội phát triển khá nhanh. Ngay đầu thế kỷ 20, Tu hội đã phát triển mạnh tại Anh, tại Hoa Kỳ, Áo, Ái Nhĩ Lan. Từ Tu Hội, nhiều nhân tài đã xuất thân như Vincenzo de Vit, tác giả hai công trình giá trị: cuốn "Lexicon totius Latinitatis", và cuốn "Onomasticon", một cuốn từ điển về tên riêng; Giuseppe Calza, một triết gia tiếng tăm; Paolo Perez, trước đây là giáo sư tại Padua và là bậc thầy về lối văn Ý hết sức tinh tế; Gastaldi, sau làm Tổng Giám Mục Turin; Cardozo-Ayres, Giám Mục Pernambuco, qua đời tại Rôma lúc tham dự Công Đồng Vatican I, và xác không thối rữa sau đó được chuyền về giáo phận chính tòa của ngài và được nhiều người tôn kính. Tại Anh có Cha Richard Richardson, người tổ chức thánh chiến chống sự vô độ được 70,000 tham gia; và Cha Joseph Hirst, thành viên Viện Khảo Cổ Hoàng Gia. Hiện nay, ngoài các nước trên, Tu Hội còn hiện diện tại Ấn Độ, Tân Tây Lan, Tanzania, Kenya và Venezuela.

Chống chủ nghĩa toàn trị

Di sản đáng kể thứ hai là các trước tác về chính trị học của Rosmini. Như nguyên Tổng Thống Gronchi của Ý trước đây từng nói, Rosmini là người đã khai sinh “các định chế tự do của chúng ta”, “là bậc thầy của nguyên lý tự do”, người “đã mạnh mẽ tuyên xưng các bổn phận và quyền lợi” cần thiết của tự do, người mãi mãi “trung thành với lý tưởng tự do trong các trước tác triết học của mình, trong khi đó, về lãnh vực hoạt động chính trị, ông luôn nhất quán với nguyên lý cai trị theo hiến định”. Các đóng góp có tính nền tảng của ông trong phạm vi này đã được Đức Hồng Y Saraiva Martins, Bộ Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh, Triết Gia Dario Antiseri và Đại Sứ Anh bên cạnh Tòa Thánh Francis Campbell nhắc tới.

Ngày 1 tháng 7 năm 2008, tại Nhà Thờ Chánh Tòa Westminster, nhân ngày lễ kính lần đầu Chân Phúc Rosmini, Francis Campbell đã lên tiếng ca ngợi vị chân phúc độc đáo này. Ông nhất trí với nhận định của nguyên Tổng Thống Gronchi khi cho rằng Rosmini đóng vai trò chính trong việc tạo ra ý thức quốc gia Ý mà cuối cùng đã dẫn tới việc thống nhất nước Ý vào năm 1870. Campbell cũng cho rằng xét theo nhiều phương diện, Rosmini đã đi trước thời đại của ông trong các trước tác chính rị, triết học và thần học của mình. Các trước tác chính trị ấy đã không được các thế lực thực dân đế quốc ở Bắc Ý hồi đó, tức Áo, tiếp nhận. Không những thế, Đế Quốc ấy còn có nhiều thái độ tiêu cực đối với sinh hoạt hằng ngày của Giáo Hội. Điều ấy khiến Rosmini, vào năm 1823, đã lên tiếng kêu gọi phài dành cho Giáo Hội một sự độc lập lớn hơn đối với sự can thiệp của Nhà Nước. Cùng một lúc, ông cũng kêu gọi việc tôn giáo tách rời khỏi nhà nước, và nói chung phải có tự do tôn giáo. Không ai ngày nay phủ nhận được sự kiện ông là vị tiền hô của văn kiện Dignitatis Humanae mà Công Đồng Vatican đã đúc kết về tự do tôn giáo như Đức Hồng Y Martins vốn nhận định. Đức Hồng Y cho rằng các ý niệm cũng như ý kiến chính trị không phải là yếu tố xác định ra việc phong chân phúc cho Rosmini, bởi một lẽ giản dị là Giáo Hội cũng đã phong chân phúc cho Đức Piô IX, người có quan điểm chính trị khác với Rosmini. Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, không ai chối cãi được sự kiện này là lịch sử sau ông đã đi theo những gì Rosmini từng chủ trương về phương diện chính trị. Sandro Magister thì cho rằng trong cuốn "Filosofia della politica [Triết Lý Chính Trị Học]", Rosmini ca ngợi cuốn “Nền Dân Chủ Mỹ” của người đồng thời là Alexis de Tocqueville, cha đẻ của chủ nghĩa tự do thân tôn giáo. Ông không mệt mỏi bênh vực các quyền tự do của công dân và các bộ phận trung gian (intermediate) chống lại các lạm dụng của nhà nước uy quyền. Một điều cần ghi nhận là những người hiện đang truyền bá tư tưởng của Rosmini đều là những người theo chủ nghĩa tự do thân tôn giáo này. Ở Âu Châu, ta thấy có trường phái Vienna gồm những người như Ludwig von Mises và Friedrich von Hayek.

Tuy nhiên, không ai làm nổi bật chủ nghĩa tự do của Rosmini bằng triết gia Antiseri, giáo sư tại Libera Università degli Studi "Guido Carli" ở Rome, và là tác giả cuốn “Lịch Sử Triết Học” được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong một bài đăng trên nhật báo “Avvenire” của Hội Đồng Giám Mục Ý ngày 1 tháng 11 năm 2007, Antiseri cho rằng các lý thuyết chính trị của Rosmini là khía cạnh nói lên tính độc đáo của ông hơn cả, một tính độc đáo mà nhiều người Công Giáo hiện nay không hẳn ủng hộ, trong số ấy có nhiều giám mục và linh mục. Sợ rằng sau việc phong chân phúc cho ông, tư tưởng ông về phương diện này vẫn còn rất lâu mới trở thành ngôn ngữ được chấp thuận trong Giáo Hội Công Giáo. Ở đây, Antiseri đề cập tới một khía cạnh trong tư tưởng chính trị của Rosmini: thái độ chống chủ nghĩa toàn trị của ông.

Theo Antiseri, quan tâm hàng đầu và căn bản của Rosmini trong lãnh vực chính trị là thiết lập ra các điều kiện cần thiết để bảo đảm phẩm giá và tự do của con người nhân bản. Trong nhãn quan này, vấn đề quyền tư hữu trở thành cốt yếu. Để chống lại lý thuyết kinh tế của phe xã hội chủ nghĩa, Rosmini minh nhiên chủ trương mối liên kết giữa quyền tư hữu và tự do cá nhân. Trong ‘Filosofia del dirito” (Triết Lý Về Quyền Lợi), ông ciết: “Tư hữu thực sự diễn tả sự kết hợp mật thiết giữa sự vật và con người. […] Tư hữu là nguyên lý khởi sinh ra các quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp. Tư hữu tạo nên một khu vực bao quanh con người mà con người nằm ở trung tâm: không một ai khác được phép bước vào khu vực ấy”.

Tôn trọng tư hữu của một người là tôn trọng chính con người đó. Tư hữu là phương tiện để con người tự bênh vực mình chống lại sự xâm lấn của Nhà Nước. Đối với Rosmini, con người có thể sai lầm, nhưng Nhà Nước thì không bao giờ toàn hảo cả. Và câu nói bất hủ của Rosmini là câu sau đấy trích từ cuốn “Triết Lý Chính Trị Học”:

“Chủ nghĩa toàn hảo, với nghĩa một hệ thống tin rằng: trong sự việc nhân bản, người ta có thể đạt được sự toàn hảo, và cần phải hy sinh cái tốt hiện tại để đạt sự toàn hảo tưởng tượng trong tương lai, là kết quả của ngu dốt. Nó bao hàm một tiên kiến (prejudice) đầy ngạo mạn vốn phán đoán một cách quá thuận lợi về bản tính con người, tự dựa vào những suy đoán thuần túy, vào định đề vô giá trị, và hoàn toàn thiếu suy nghĩ về các giới hạn tự nhiên”.

Chủ nghĩa toàn hảo quên mất nguyên tắc sự vật có giới hạn; nó không để ý gì tới chân lý: xã hội đâu có bao gồm “các thiên thần đầy ân sủng” mà bao gồm “những con người có thể lầm lẫn”; nó cũng quên rằng mọi chính phủ đều “hợp thành với những con người, vì là người, nên thẩy đều có thể sai lầm”. Người duy toàn hảo không sử dụng mà cũng không lạm dụng lý trí. Và những người bị ý niệm ma mãnh của chủ nghĩa toàn hảo đầu độc thẩy đều không tưởng. Những “tiên tri của hạnh phúc vô bờ” này với lời hứa một thiên đường hạ giới, thực ra, đang bận bịu xây nên những hỏa ngục cho các đồng bào mình.

Rosmini khẳng định rằng không tưởng là “mồ chôn mọi chủ nghĩa tự do chân thực” và “thay vì làm con người hạnh phúc, nó đào ra cả một hố thẳm của bất hạnh; thay vì làm con người cao thượng, nó biến họ trở thành những con thú đáng khinh; thay vì làm họ được bình an, nó đem lại chiến tranh toàn diện, thay thế luật pháp bằng bạo lực; thay vì phân phối, nó tập trung của cải; thay vì điều hòa hóa quyền cai trị, nó làm cho quyền ấy trở thành tuyệt đối; thay vì mở ra việc cạnh tranh cho mọi người trên mọi lãnh vực, nó tiêu diệt mọi hình thức cạnh tranh; thay vì khuếch trương kỹ nghệ, nông nghiệp, nghệ thuật và thương mãi, nó tước hết mọi sáng kiến khỏi chúng, ngăn cản mọi sáng kiến và hoạt động tự phát của tư nhân; thay vì thúc đẩy các trí khôn tạo ra các sáng chế lớn lao và các trái tim đạt được các nhân đức anh hùng, nó bóp nghẹt và đập nát bất cứ sinh khí nào của linh hồn, biến bất cứ cố gắng cao thượng nào, bất cứ lòng hào hiệp nào, bất cứ hình thức anh hùng nào thành số không; chính nhân đức cũng bị ngăn cấm, và cả niềm tin vào nhân đức cũng bị tiêu diệt hết”.

Theo Antiseri, ở đây cần ghi nhận điều này: liên hệ tới chủ trương bài toàn trị của Rosmini là phê phán mạnh mẽ của ông đối với sự ngạo mạn của luồng tư duy tự cho mình chiến thắng trong các trước tác của Phong Trào Ánh Sáng, để rồi sau đó cho sổ lồng đủ thứ khủng khiếp rợn người của Cách Mạng Pháp. Nữ thần Lý Trí là biểu tượng cho tham vọng của con người muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa để tạo ra một xã hội toàn hảo. Phán xét của Rosmini dành cho tham vọng của Phong Trào Ánh Sáng khiến ta nhớ tới những nhận định tương tự của những người như Edmund Burke và Friedrich A. von Hayek.

Trong tư cách một người chống lại chủ nghĩa toàn hảo dựa trên “thương tích tự nhiên của con người”, Rosmini một lần nữa nhấn mạnh, trong “Triết Lý Chính Trị Học”, rằng việc ông chống lại chủ nghĩa toàn hảo “không nhằm bác bỏ khả thể hoàn hảo hóa của con người và xã hội. Vì việc con người càng sống càng có thể liên tục trở nên hoàn hảo hơn là một thực tại qúy giá; nó chính là một tín điều của Kitô Giáo”.

Như thế, chủ nghĩa bài duy toàn hảo của Rosmini hàm nghĩa một cố gắng lớn hơn. Từ cố gắng này, ông chú tâm tới điều ông gọi là “cuộc tranh luận lâu dài, công khai và tự do”. Chính nhờ cuộc tranh luận đầy thân hữu này, con người sẽ rút ra được những điều tốt đẹp nhất và loại bỏ được các lầm lẫn khỏi các dự án và ý niệm của mình. Trong “Triết Lý Chính Trị Học”, ông viết thêm: “Các cá nhân tạo thành một dân tộc không thể nào hiểu được nhau nếu họ không năng nói với nhau; nếu họ không mạnh mẽ đối chất với nhau; nếu lầm lẫn không được rút ra từ tâm trí họ để rồi đánh phá chúng dưới mọi hình thức”.

Trong tư cách một người chống lại chủ nghĩa duy Nhà Nước, và do đó, bênh vực “các bộ phận trung gian” và trong tư cách người đấu tranh cho tự do, Rosmini rất chú tâm tới các đau khổ và vấn nạn của người bần cùng và thất thế nhất. Nhưng bổn phận liên đới theo tinh thần Kitô Giáo không cho phép ta nhắm mắt trước tác hại lớn lao của các chương trình trợ giúp do Nhà Nước quản trị. Ông quả quyết “Trong các tình huống khó khăn nghiêm trọng nhất, lòng ‘từ tâm’ của chính phủ rất được người ta trông mong. Nhưng thay vì điều tốt, lòng từ tâm ấy có thể tạo ra tác hại, không những cho quốc gia, mà còn cho chính giai cấp nghèo khó, giai cấp mà họ có ý định giúp đỡ; trong trường hợp này, thay vì từ tâm, nó đã trở thành ác tâm. Nó cũng thường ác tâm vì làm cạn kiệt mọi tài nguyên bác ái tư, không khuyến khích các công dân trợ giúp người nghèo, vì ai cũng nghĩ những người nghèo này đang nhận được trợ giúp của chính phủ, trong khi thực ra họ không nhận được và không thể nhận được sự trợ giúp ấy, ngoại trừ trong một phạm vi rất nhỏ”.

Vũ Văn An
VietCatholic News