Chuyện bên lề chuyến công du của ĐGH - Nhờ coi TV, được phép lạ.

Trong ngày Chúa Nhật kết thúc chuyến công du Anh Quốc, Đức Giáo hoàng Benedict XVI sẽ chủ tọa buổi lễ phong chân phước cho cố Hồng Y John Henry Newman, một học giả Anh giáo xuất chúng trong thế kỷ 19 đã trở về với đạo Công Giáo La Mã trong nửa phần đời còn lại của mình.

Nhân vật Newman vẫn là một hình ảnh đáng kính của Anh Giáo, họ mừng lễ kỷ niệm của ngài ngày 11 tháng 8. Việc chính Đức Giáo Hoàng phong chân phước cho một người Anh Giáo đã cải đạo cũng là một căng thẳng mà người ta không nói ra trong chuyến thăm Anh Quốc lần này.

John Henry Newman sinh ra ở London năm 1801, là anh cả trong một gia đình có 6 người con. Khi đến tuổi vị thành niên, ngài quyết định dâng mình cho Chúa. Theo học tại Trinity College Oxford, ngài được thụ phong linh mục Anh giáo năm 1824, sau đó trở thành một giảng sư hàng đầu của Oriel College. Tại đây ngài có dịp tiếp xúc với một nhóm thiểu số Anh Giáo mệnh danh là High Church (giáo hội cao cấp), đây là một nhóm Anh Giáo có tín lý gần gũi nhất với Công giáo.

Năm 1841 đại học Oxford và 42 giám mục Anh giáo đã lên án một công trình nghiên cứu của Newman là quá Công giáo. Newman đã rút lui khỏi chức vụ giảng dậy và bắt đầu thực hiện những nghiên cứu độc lập về nội dung của vấn đề đức tin. Ba năm sau ngài trở lại Công giáo.

Gần nửa thế kỷ sau khi trở lại, năm 1889, đức Giáo Hoàng Leo XIII bổ nhiệm ngài là một hồng y. Ngay sau đó, ở tuổi 89, ngài qua đời tại Birmingham.

Tổng kết ý tưởng của mình lúc cuối đời, ngài cho biết ngài đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa tự do tôn giáo, chống lại ý tưởng rằng mọi tôn giáo là tốt như nhau, chống lại ý tưởng rằng một tôn giáo đích thực phải được hướng dẫn bởi những cảm xúc riêng tư, vì như vậy thì khách quan sẽ không có một tôn giáo thật.

John Henry Newman là một nhân vật lịch sử quan trọng bởi vì ngài đã có thể cung cấp câu trả lời cho một thế giới dần dần trở nên thế tục hơn. Và bởi vì ngài là người tiên phong của các mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, ngài là một trong những người được ĐGH Benedict XVI ngưỡng mộ nhất.

ĐGH Benedict XVI đã nghiên cứu tư tưởng của ĐHY Newman trong nhiều thập kỷ và hiểu rằng ngài có thể là một mẫu mực cho thế kỷ 21.

Một khía cạnh hy hữu là phép lạ cần cho việc phong chân phước đã xảy ra vì một chương trình truyền hình năm 2000.

Sự thể là tại Boston ông Jack Sullivan, một thẩm phán về hưu và theo học chức phó tế vĩnh viễn, đang bị liệt vì một căn bệnh cột sống. Ông đã được giải phẫu 5 ngày trước và mặc dù có thuốc ông vẫn bị tràn ngập bởi sự đau đớn và không thể chợp mắt ngủ.

Ông cần có sự phục hồi nhanh chóng để hòan tất chương trình thụ phong. Nhưng cơn đau không thuyên giảm, ông cố gắng đi bộ nhưng không thể đứng lên và ông chỉ có thể gò lưng bên giường bệnh.

Nhớ tới 'bậc đáng kính' Newman đã từng giúp ông qua một cơn đau hồi trước, Jack Sullivan bèn cầu xin: "Đức Hồng Y Newman, xin vui lòng chữa cho tôi để tôi có thể kết thúc chương trình phó tế "

Ngay lập tức, cơ thể của Sullivan bắt đầu ngứa ran, ông cảm thấy nóng như "bước vào cánh cửa mở của một lò lửa lớn," (theo lời ông nói.) Phút sau, với lòng hân hoan ông gọi y tá: "Tôi hết đau rồi!"

Kể từ đó, cơn đau đã không trở lại và Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã công nhận sự phục hồi nhanh chóng của ông là một phép lạ do lời cầu bầu của ĐHY Newman. Sullivan dự định sẽ tham dự buổi lễ phong chân phước ngày 19 tháng 9.

Phong chân phước là một bước trước khi được phong Thánh.

Nhưng cũng có người hòai nghi về phép lạ này, họ cho rằng Sullivan rất đơn giản đã được hưởng một cuộc phẫu thuật thành công.

Bác sĩ Michael Powell, của Bệnh viện Quốc gia về thần kinh và giải phẫu thần kinh ở London, phỏng vấn bởi The Sunday Times của London, cho biết không có gì là lạ về sự phục hồi của Sullivan vì đó là một điều mà các bác sĩ gọi là "khá thông thường" - cái lạ là chúng ta đã cho đó là một phép lạ.

"Tôi nghĩ là tôi có sự đồng ý của nhiều bác sĩ giải phẫu cột sống ở đây", ông Powell nói tiếp.

Nhưng Giáo Hội cho biết những người hòai nghi đã bỏ qua những bằng chứng, nhất là chứng từ của vị bác sĩ của Sullivan, Bác Sĩ Robert Banco. BS Banco đã cho biết sự phục hồi tức thì của Sullivan và sự hòan tòan hết đau đớn như vậy thì không thể giải thích được và đã không hề xảy ra trong số hàng trăm bệnh nhân của ông sau 15 năm hành nghề.

"Chúng tôi biết rằng ông ta hoàn toàn tê liệt vì đau đớn và ông ta đã được giải thóat 100 phần trăm, ngay lập tức và vĩnh viễn và không bao giờ bị đau lại", theo lời ông Jack Valero, phát ngôn viên cho việc phong chân phước của Newman.

Riêng Thầy Sáu Sullivan thì không có hứng thú để tranh luận với những người nghi ngờ. "Đối với những người không có đức tin, thì không có lời giải thích nào là thỏa đáng cả" ông nói, đối đáp với câu tục ngữ. "Đối với người đã tin, thì không cần giải thích." ("For those with faith, no explanation is necessary.")

Năm nay đã 71 tuổi, Sullivan sống với vợ bà Carol và con trai ở Boston. Ông không phải đã tin một cách dễ dàng. Ông từng là một luật sư (cãi trước tòa Tối Cao của Massachusetts) và với ông thì tôn giáo dường như chỉ là cảm xúc và không có bằng chứng.

Nhưng từ khi ông bắt đầu lưu tâm đến đạo Công giáo, thì đức tin không chỉ có vẻ hợp lý, nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trở thành rỏ rệt. Đến năm 1990, ông thấy mình bị chôn vùi trong các văn bản tôn giáo và có cảm giác mạnh mẽ được gọi để trở thành một phó tế.

Sullivan bắt đầu chưong trình bốn năm học làm phó tế. Nhưng qua được nửa đường, thì một ngày kia ông thức dậy với một cơn đau chân và không thể đi được trừ phi gập người xuống và nghiêng về bên phải để lết đi.

Xét nghiệm cho thấy một số đốt sống thấp của Sullivan đã bị trật vào phía trong và ép vào tủy sống. Tình trạng có thể trở thành tê liệt vì vậy các bác sĩ định ngày mổ vào tháng 9 năm 2000 và như thế việc học phó tế của Sullivan sẽ bị gián đọan vô thời hạn.

Vào ngày 26 tháng 6 năm 2000, trung lúc tuyệt vọng, ông coi một chương trình truyền hình EWTN buổi tối, thì một linh mục nói về 'bậc đáng kính' Đức Hồng Y Newman. Chương trình kết thúc với lời yêu cầu là bất cứ ai nhận được một đặc ân "lạ" từ Newman thì hãy khai báo.

Chương trình truyền hình đem đến cho Sullivan một tia hy vọng, và ông đã cầu nguyện với ĐHY Newman. Ông ngủ thiếp đi và khi thức dậy thì cơn đau cũng hết.

Nhưng đó chỉ là tạm thời. Chín tháng sau, cơn đau trở lại. Cuộc giải phẫu được định vào tháng 8 năm 2001, và lần này sau khi giải phẫu thì phép lạ đã xảy ra như đã nói ở trên.

Sullivan nói cho bác sĩ Banco hay về hai sự kiện lạ trên, và vị bác sĩ đã nói với ông: "Ông muốn tôi giải thích ư? Ông phải hỏi Đức Chúa Trời." Và như thế, Sullivan đã liên lạc với các quan chức phong chân phước của ĐHY Newman.

Sullivan được thụ phong phó tế năm 2002. Ông đang phục vụ tại một giáo xứ địa phương, công việc là đi thăm tù nhân, đưa Mình Thánh cho bệnh nhân và giúp lễ.

Về phép lạ của mình, ông giản dị tâm sự: "Chúa trung thành với những người dù phải đau đớn và khó khăn mà vẫn không bỏ Ngài."

VietCatholic News