Ngày 10 tháng 10

Angela Truszkowska
(1825-1899)

Vừa nghe thấy tiếng đập cửa, Mẹ Angela vội vã chạy ra mở cửa; đứng ngoài cửa là một anh lính trẻ đang kinh hoàng đến cực độ. Vừa thấy Mẹ, anh liền nài xin: "Xin Sơ cho con chỗ để ẩn núp". Không đủ giờ để đem anh lính này đến nơi chốn an toàn trong hốc tường đặc biệt, vì Mẹ đã nghe thấy tiếng giầy của công an đang chạy ngoài đường. Mẹ nói với anh, "Theo tôi ngay!" Dừng lại trước những thùng rác lớn, Mẹ bảo anh nhảy vào thùng lớn nhất. Mẹ liền mau tay đổ vào thùng rác đó hết thùng này đến thùng khác những tấm băng thấm đầy máu đã được dùng để băng bó vết thương. Không bao lâu, anh lính đã xỉu đi dưới đống băng sa thải của một ngày làm việc trong bệnh viện của các nữ tu Dòng Felician.

Sau khi nghe tiếng gõ cửa thứ hai, Mẹ Angela chậm rãi bước ra mở cửa. Mấy công an lực lưỡng hùng hổ bước vô nhà và bắt đầu cẩn thận khám xét. Một lúc sau, một tên công an tiến lại bên thùng rác và mở tung nắp thùng rác ra, và thọc tay vào thùng, nhưng khi hắn thấy những gì nằm trong thùng rác này, hắn vội rút ngay tay ra. Thất vọng vì không tìm thấy tội phạm, họ bỏ đi. Nhờ tài trí lanh lẹ của Mẹ Angela, người lính trẻ kia đã may mắn thoát chết.

Mẹ Maria Angela Truszkowska là Vị sáng lập Dòng Nữ Felician (C.S.S.F) ở Balan, một chi nhánh của đại gia đình Phanxicô. Mẹ đã sống, làm việc, và chết trong một thời điểm buồn thảm nhất của lịch sử Balan. Từ năm 1795 đến 1918, xét về mặt chính trị, Balan không còn hiện hữu, và đã bị xoá tên khỏi bản đồ Âu Châu. Trong 123 năm, người dân Balan đã phải hứng chịu biết bao sầu khổ không tả xiết, trong khi quốc gia họ bị ba nước Nga, Phổ, và Áo cai trị, mỗi nước một vùng. Năm 1830, dân Balan nổi lên chống lại nhà cầm quyền Nga. Cuộc nổi loạn này đã khiến cho Nga trả đũa một cách dã man. Ruộng nương bị tịch thu, những người thuộc hàng quý phái bị lưu đầy, người Công Giáo Rutheniann bị bắt bớ; không những thế, họ còn định Nga-hoá cả dân tộc Balan. Trong lần nổi loạn thứ hai xảy ra năm 1863, người Nga trả đũa một cách tàn ác hơn, trong đó có việc triệt hạ các dòng tu. Nhưng giữa tất cả những bắt bớ và khó khăn, Dòng Felician vẫn đứng vững và lớn mạnh dưới sự hướng dẫn của Mẹ Angela.

Zophia Kamilla Truszkowska sinh ngày 16 tháng 5 năm 1825 tại Kalisz, Balan. Zophia là con đầu lòng trong 4 người con của ông Giuse và bà Giosepha Truszkowska. Gia đình Truszkowska là một thành phần thuộc hàng quý tộc Balan và là một gia đình Công Giáo đạo hạnh. Ông Giuse là một luật sư biện hộ trong toà án ở Kalisz. Vì sinh thiếu tháng, nên bé Zophia rất yếu ớt, và vì bác sĩ không hy vọng bé sẽ sống được, nên bé liền được rửa tội tại nhà. Dù vậy cha mẹ bé nhất quyết cố gắng giữ bé sống, nên mẹ bé đã làm chiếc máy hô hấp để kéo dài sức sống của em, và đồng thời hai ông bà đã thành khẩn van xin Đức Mẹ Czestochowa cho con được sống.

Tấm lòng từ mẫu của Mẹ Maria không thể từ chối niềm tin mạnh mẽ đó, và bé Zophia đã được sống. Với tấm lòng biết ơn, bà Giosepha đã truyền lại cho Zophia lòng yêu mến đặc biệt đối với Đức Mẹ, và lòng mến này theo thời gian cứ lớn mạnh hơn lên mãi. Không bao lâu sau, Zophia đã trở thành một đứa trẻ thông minh, luôn đặt ra nhiều câu hỏi về mọi vấn đề. Cha mẹ em đã mướn một cô giáo về để dạy em. Cô giáo này có một ảnh hưởng mạnh mẽ trên em, cả về mặt đạo đức cũng như trong việc học vấn. Mỗi lần đi dạo, thầy trò thường kết thúc bằng việc viếng Chúa Giêsu Thánh Thể.

Ngay từ thời niên thiếu, Zophia dường như đã nhận thức được và cảm thương với mọi nỗi khốn cùng của tha nhân. Trong khi đi dạo với cô giáo, Zophia thường lấy những đồng xu em đã được người khác cho em, và vui vẻ cho những người ăn xin và những người không may mắn em gặp trên đường. Khi Zophia lên 12 tuổi, em theo gia đình chuyển về Warsaw, và ở đó em được vào học tại một trường tư. Tại đây, Zophia tỏ ra trổi vượt trong vấn đề tư cách và học vấn. Thêm vào đó, một thầy giáo còn công khai gọi em là "bé cưng," tuy rằng điều này làm cho em rất xấu hổ.

Lúc 16 tuổi, Zophia mắc phải chứng bệnh phổi, nhưng cũng may là được chữa trị ngay trong thời gian đầu. Zophia được cha mẹ cho sang Thụy Sĩ cùng với cô giáo với hy vọng tại đây sức khoẻ của Zophia sẽ khá hơn. Tại đây, vẻ đẹp của núi đồi đã gây nên một ấn tượng mãnh liệt trên tâm hồn cô và đồng thời lòng cô thầm ca tụng kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa, và cũng chính nơi đây, Zophia như cảm thấy mình thực sự muốn trở thành một nữ tu. Khi trở lại Warsaw, Zophia tỏ cho cha mẹ biết ước vọng của mình, nhưng cả hai ông bà đều kịch liệt phản đối ý muốn vào Dòng của cô, nên cô đành phải sống âm thầm trong bầu khí gia đình, tiếp tục học hành và cầu nguyện.

Ngoài việc cầu nguyện và học hành, Zophia còn để giờ phụ với cha mẹ trong việc chăm sóc các em, và giúp các em trong vấn đề học vấn. Zophia đâu ngờ những việc đó đang sửa soạn cho lý tưởng mai này của cô trong vai trò người thầy và người mẹ của vô số các trẻ mồ côi.

Trong thời gian này, Zophia cũng làm một quyết định là sẽ là người đầu tiên đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Cùng với Valerie, em cô, trong mấy tuần liền, từ sáng sớm đã lén ra khỏi nhà. Nhiều hôm hai chị em phải đứng chờ lâu giờ ở ngoài trời băng tuyết lạnh giá vì cửa nhà thờ vẫn còn khoá. Nhưng lòng sốt sắng của hai chị em đã sớm bị ngăn chặn vì bị người coi nhà bắt gặp, và người này được cha cô ra lệnh không bao giờ được cho hai cô ra khỏi nhà trước 5 giờ sáng.

Cái chết của em Valerie, lúc mới được 16 xuân xanh, đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trên Zophia. Đứng suy ngắm trước quan tài của Valerie, Zophia nghĩ tới cuộc đời thật quá ngắn ngủi, và sự vô cùng của cuộc sống mai sau. Vì thế, Zophia đã thưa chuyện với Cha giải tội, và quyết định xin vào Dòng chiêm niệm các nữ tu Dòng Thăm Viếng, nhưng khi cô xin phép cha mẹ, thì bà mẹ chỉ biết khóc thương con, còn ông bố thì kịch liệt phản đối. Cũng trong thời gian này, cha cô bị bệnh nặng, thế là Zophia trở thành một y tá tận tình chăm sóc cho cha. Và khi cảm thấy ước vọng đi tu làm cho cha phải đau khổ nhiều, cô đã hứa với cha là sẽ không tỏ ý định đi tu cho đến khi ông qua đời. Sau đó, cô cùng cha sang Đức tìm cách chữa trị tại suối nước khoáng tuyền ở Salzbrunn, và các thành phố lớn ở Đức. Tại Vương Cung Thánh Đường Cologne, Zophia nhận thấy Thiên Chúa không gọi cô vào Dòng Thăm Viếng, tuy nhiên cô vẫn chưa biết Thánh Ý Chúa sẽ định đoạt cho mình thế nào; nhưng từ đó, cô nói rằng tâm hồn cô tràn đầy bình an và hoàn toàn phó thác.

Trở lại Warsaw, ông Joseph bắt đầu có ý định cho Zophia tiếp xúc với xã hội, với hy vọng cô sẽ tìm được một người bạn đời tốt. Cô vâng theo ý muốn của cha mẹ, tham dự các buổi tiệc tùng và dạ hội. Nhưng vì tính tự nhiên rất nhút nhát và thích đời sống âm thầm, nên những lúc này thật là một thử thách lớn cho cô. Trong nhiều buổi dạ vũ, Zophia thường tìm một người em họ và cũng là người bạn thân, Clothilde Ciechanowski, và cả hai cũng tìm chỗ thanh vắng để bàn những chuyện hợp sở thích của họ. Clothilde cũng cảm thấy muốn vào dòng kín, nhưng cũng bị gia đình phản đối.

Sau một mùa đông bận rộn trong các cuộc dạ hội liên hoan, mùa hè năm đó, Zophia và Clothilde đến nghỉ hè tại nhà nghỉ hè của gia đình ông nội của Clothilde ở Grojec. Ở đây, hai cô dùng thì giờ để dạy giáo lý cho các trẻ em trong làng, và may quần áo cho những người nghèo trong xứ đạo. Tối đến, khi mọi người trong nhà đã đi ngủ, Zophia mới tìm được giờ để cầu nguyện. Một buổi sáng nọ, cô giáo cũ của cô, lúc này vẫn theo ở với gia đình cô, tình cờ thấy Zophia đang nằm ngủ trên sàn nhà vì hãm mình. Theo gương thánh Phanxicô Assisi, Zophia quyết định không nằm trên giường. Vì nhận ra lòng đạo đức của Zophia, và vì biết rằng cha mẹ cô sẽ cực lực phản đối nếu việc hãm mình này của cô bị họ biết được, nên cô giáo của Zophia giữ kín chuyện đó. Ngoài việc nằm ngủ trên sàn, Zophia còn làm nhiều việc hãm mình khác, nhưng tất cả đều được làm cách kín đáo trong âm thầm.

Một tối nọ, trong khi Zophia đang cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Czestochowa trong phòng riêng, không biết vì sao áo cô và khung ảnh Đức Mẹ đã bắt hoả từ cây nến và bị cháy. Khi cô giáo của Zophia ngửi thấy mùi cháy, bà liền đi tìm chỗ cháy, và khi thấy áo Zophia và khung ảnh đang cháy, bà liền gọi người đến chữa lửa. Không hiểu lúc đó Zophia đang ngủ hay đang chìm đắm trong cầu nguyện, nên đã không biết là mình đang bị cháy. Khi dập tắt được ngọn lửa, mọi người thật kinh ngạc khi thấy cả Zophia và tấm ảnh Đức Mẹ đều không bị hề hấn gì, trong khi áo và khung ảnh lai bị thiêu rụi. Mọi người đều cho đây là hiện tượng lạ, và từ đó cả gia đình có lòng sùng kính rất đặc biệt đối với bức ảnh này.

Một thời gian sau, vì Zophia không còn nói đến việc đi tu nữa, nên ông Joseph cho phép Zophia được chăm sóc những người bần cùng trong khu phố nghèo ở Warsaw, và quảng đại giúp đỡ hai đứa trẻ mồ côi do Zophia chăm sóc. Sau này, con số đó lên đến sáu, và Zophia cùng với Clothilde trở thành hai phần tử đầu tiên của Tu hội Thánh Vinhsơn Phaolô mới thành lập. Theo sự đề nghị của Cha giải tội, Zophia cũng xin nhập Dòng Ba Phanxicô, và nhận tên mới là Angela. Lúc này Angela (Zophia) đã 29 tuổi. Với sự trợ giúp về tài chính của Cha và với số tiền xin được, Angela cùng với Clothilde lập một viện mồ côi, và nhà trọ cho những phụ nữ không nhà hay bị bỏ rơi. Ngày 21 tháng 11 năm 1885, Angela cùng với Clothilde công khai tận hiến cho Đức Mẹ, theo như Thánh ý của Chúa Giêsu, Con Mẹ.

Gương phục vụ của hai người đã lôi kéo nhiều thiếu nữ khác từ những gia đình giầu có ở Warsaw gia nhập. Vì tất cả đều gia nhập Dòng Ba Phanxicô và sống đời sống cộng đồng, nên vị cố vấn quyết định cho họ mặc áo Dòng; thế là năm 1857, mười Chị được mặc áo Dòng Phanxicô. Trong thời gian này, vì các nữ tu trẻ này thường đưa các trẻ mồ côi do họ coi sóc đến một thánh đường của Dòng Capuchin được dâng kính Thánh Felix, nên dân thành từ đó bắt đầu gọi họ là các Sơ Dòng Felician, và tên ấy đã đi liền với tu hội mới cho đến ngày nay. Năm 1860, tu hội được vào sổ bộ ở Vatican, và Đức Thánh Cha Piô IX đã chúc lành cho tu hội mới này. Sơ Angela được chỉ định làm Bề trên tiên khởi của tu hội.

Tại tu viện, Mẹ Angela vẫn giữ vai trò là mẹ và là thầy của các trẻ mồ côi. Mẹ cũng là người bạn, y tá, và người an ủi đối với những phụ nữ cao niên. Thêm vào đó, Mẹ thường tìm giờ đi thăm những người cùng khổ trong khu phố nghèo, đem đến cho họ sự trợ giúp an ủi về tinh thần cũng như vật chất. Không bao lâu, vì quá nhiều người đến xin nhập tu hội, Mẹ Angela càng ngày càng phải dùng thêm giờ để huấn luyện các phần tử của Dòng. Chỉ trong 4 năm, các Sơ đã có thể mở được 27 trường học tại các làng mạc trong phần đất người Nga chiếm đóng. Ban ngày, các em nhỏ đến học tại trường, ban tối người lớn tụ tập để học giáo lý.

Các nữ tu sống với Mẹ Angela từ thuở ban đầu đều xác nhận rằng Mẹ đòi hỏi rất nhiều nơi họ, nhưng Mẹ vẫn cho mỗi người những sự trợ giúp tinh thần và những chỉ bảo để giúp họ đặt lý tưởng đời họ trên một nền tảng vững chắc. Năm 1860, một chi nhánh chiêm niệm của Dòng Felician được thành lập. Tu viện này có 12 nữ tu sống đời chiêm niệm để đền tạ cũng như cầu nguyện cho công việc của cộng đoàn Dòng, trong khi các nữ tu khác tiếp tục công việc tông đồ. Mẹ Angela là một trong 12 nữ tu chiêm niệm đầu tiên ấy, nhưng sau 3 năm, vì vai trò của Mẹ phải coi sóc cả hai nhánh buộc Mẹ phải trở lại làm việc với các nữ tu hoạt động.

Đến năm 1863, một cuộc nổi loạn bùng lên chống lại người Nga. Trong dịp này, các nữ tu Felician lo săn sóc các binh lính Balan bị thương, và sau khi cuộc nổi loạn bất thành, họ giúp che dấu những người tị nạn chính trị. Một bức tường bí mật của bệnh viện đã được biến thành nơi tạm trú cho những người bị lùng bắt đó. Trong một bức thơ gởi cho các Sơ trong thời gian này, Mẹ Angela viết những lời đầy an ủi, khuyến khích, và đề nghị các Sơ hãy "giúp đỡ tất cả mọi người không trừ một ai, dù bạn hay thù hãy coi họ như nhau... Mọi người đều là anh chị em của chúng ta".

Không lâu sau, những người Nga nghĩ rằng các Sơ Felician đã tham gia vào cuộc nổi loạn, nên Nga hoàng ra lệnh giải tán Dòng cùng với nhiều Dòng tu khác. Công an võ trang đã đột nhập tu viện, ra lệnh cho các Sơ phải mặc thường phục, và trong ba ngày phải rời khỏi tu viện. Còn các Sơ chiêm niệm thì được phép đến tu viện Thánh Bernađinô ở Lowics để tạm trú, trong số đó có Mẹ Angela. Trước khi rời Warsaw, Mẹ đã lo cho các Sơ tìm được nơi tạm trú trong số các họ hàng thân quyến của họ.

Trong một thời gian ngắn, không ai được phép giúp tiền của cho các Sơ tại tu viện Thánh Bernađinô. Công an được lệnh canh gác cửa, không cho ai đem đồ ăn và những vật dụng cần thiết khác đến cho các Sơ. Một tối nọ, khi các Sơ vừa xuống đến phòng ăn để dùng bữa tối, món duy nhất họ thấy trên bàn là một bình nước. Ngồi vào ghế, Mẹ Angela và các Sơ cùng nhìn nhau và cười. Sau đó, Mẹ Angela bắt lên kinh Magnificat (Ngợi Khen) và kinh Te Deum (Tạ Ơn), mọi người cùng chung lời tạ ơn Thiên Chúa trước khi dùng bữa tối bằng nước lã.

Về phần các Sơ bị phân tán các nơi, họ chỉ còn cách là làm việc trong âm thầm. Chính điều này làm cho Mẹ Angela phải đau khổ nhiều. Sau cùng, vào năm 1865, Vua Franz Josef cho phép các Sơ được sống trong vùng người Áo của nước Balan. Mẹ sung sướng kêu gọi tất cả các Sơ tụ tập tại Krakow, và Mẹ đến gặp họ vào tháng 5 năm 1886.

Mặc dầu Mẹ Angela vẫn tiếp tục lãnh nhận trách nhiệm điều khiển cộng đoàn, sức khoẻ Mẹ bắt đầu suy giảm từ từ và sau này tai Mẹ gần như điếc. Vì vậy đến năm 1869, Mẹ đã từ chức Bề trên, và nhận việc chăm sóc khu vườn của tu viện.

Dù đang mang bệnh, Mẹ vẫn tiếp tục làm việc. Vào năm 1873, Mẹ Angela mở rộng tầm hoạt động của Dòng trong việc giúp đỡ các sinh viên đang theo học tại các đại học ở Krakow. Một phòng ăn được thiết lập để cung cấp thực phẩm cho các sinh viên nghèo; thêm vào đó còn giúp họ có những học cụ cần thiết, và y phục tối thiểu để họ có thể tiếp tục theo học. Để công việc này được hữu hiệu hơn, Mẹ đã cầu xin sự trợ giúp của các thần thánh trên trời, nhất là Thánh Antôn. Mẹ có lòng sùng kính đặc biệt với Thánh Antôn, nhưng thay vì chỉ khoanh tay âm thầm cầu xin với ngài, Mẹ đã dành nhiều giờ chuyện vãn với Thánh nhân trước một bức ảnh của Ngài trong tu viện. Có người tình cờ nghe được những câu Mẹ thân thưa với Thánh Antôn kể rằng trong lúc đó, giống như Mẹ đang nói chuyện với một người nào đó trong phòng. Một bữa nọ, Mẹ đi đi lại lại trước bức ảnh, và trách khéo Thánh Antôn vì chậm trễ trong việc giúp đỡ một sinh viên trẻ. Người sinh viên này cần một bộ quần áo mới để mặc trong ngày thi. Không có bộ quần áo này thì không được thi. Trong khi Mẹ đang đi lại, thì có tiếng chuông gọi cửa. Trước cửa là một người đàn ông với bộ quần áo mới trên tay: "Thưa Sơ, mấy lão thợ may ngớ ngẩn thế nào, lại may cho tôi bộ quần áo này quá nhỏ. Sơ nghĩ có người nào có thể dùng được không?"

Vào năm 1874, Hoa Kỳ xin các Sơ sang phục vụ những người Balan di trú đang sống tại quốc gia này. Thế là vào ngày 24 tháng 10, Mẹ Angela sung sướng chúc lành cho năm nữ tu đầu tiên dấn thân vào cánh đồng truyền giáo mới của Dòng.

Đến năm 1899, Mẹ Angela mắc phải chứng bệnh ung thư dạ dày, vì thế trong mấy tuần cuối đời, Mẹ không thể ăn gì được. Đức nhẫn nại anh hùng không than phiền của Mẹ khiến cho các bác sĩ phải thán phục, đến nỗi một bác sĩ đã nói: "Chỉ có một thánh nhân mới biết chịu đau khổ như vậy". Mẹ âm thầm trở về nhà Cha 12:45 sáng ngày 10 tháng 10 năm 1899, và được mai táng trong nhà nguyện bên cạnh Tu Viện Nhà Mẹ tại Krakow.

Sau khi Mẹ qua đời, nhiều người đến viếng ngôi mộ của Mẹ và cầu xin sự cầu bầu của Mẹ. Sau đó không lâu, vì rất nhiều ơn lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Angela, nên năm 1949, cuộc vận động xin phong Chân phước cho Mẹ được bắt đầu. Đức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám Mục Krakow, hiện nay là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã chính thức mở cuộc điều tra năm 1967. Cũng chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng Mẹ Angela Truszkowska lên bậc Chân phước ngày 08 tháng 4 năm 1993.

(Trích "Chứng Nhân Chúa Kitô" Rev John, CMC biên soạn)
(Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)