Ngày 20 tháng 01

Bl. Angelo Francesco Paolo
(1642-1720)

Angelo Paolo sinh ngày 01 tháng 9 năm 1642 tại Argiliano, Massa Carrara, Italia ngày nay. Ngài có tên rửa tội là Phanxicô. Năm 1660 sau khi tốt nghịệp trung học, ngài vào dòng Cát Minh tại Fivizzano, và làm tập viện tại Siena. Ngài khấn tạm ngày 18 tháng 12 năm 1661; sau đó học triết học và thần học tại Pisa và Florence. Ngài thụ phong linh mục ngày 7 tháng 1 năm 1667.

Cuộc đời của ngài có thể chia làm hai giai đoạn: thời gian sống tại Tuscany và thời gian sống tại Roma. Thời gian đầu được đánh dấu bởi việc liên tục di chuyển nhiều nơi của ngài. Năm 1674 ngài sống tại Argigliano và Pistoia. Năm 1675 ngài là giám đốc tập viện tại Florence. Sau 18 tháng, ngài chuyển về Carnilo làm chánh xứ. Nhưng chỉ sau 10 tháng, năm 1677, ngài thuyên chuyển về Siena. Từ năm 1680-1681, ngài sống tại Montecitini và đảm nhận việc dạy văn phạm cho các thầy trong dòng. Sau đó, ngài lại chuyển về Pisa, và chỉ vài tháng sau, ngài lại chuyển về Fivizzano, lo việc phòng thánh và đánh đàn cho nhà thờ.

Năm 1687, bề trên tổng quyền gọi ngài về Roma sống trong tu viện đồi thánh Martin. Ngài đã sống 32 năm tại Roma với nhiều chức vụ khác nhau: từ vai trò giám tập, quản lý, đánh đàn, lo việc phòng thánh cho đến giám đốc nhạc viện dành cho nữ sinh. Bất cứ những công việc gì ngài làm, ngài đều để lại một ấn tượng của một người đầy chuyên chăm và tốt lành. Ngài làm việc trong thinh lặng, trong cầu nguyện và trong hy sinh. Cuộc đời ngài được đánh dấu một cách rõ nét qua những công việc bác ái dành cho người nghèo trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất. Ngài luôn chăm sóc và lo lắng cho bệnh nhân và người nghèo. Tại Siena người ta thường gọi ngài là “cha từ thiện”.

Ở Roma, tuy ngài là giám đốc tập viện nhưng ngài đã hết mình phục vụ những người nghèo. Ngài coi sóc bệnh viện thánh Gioan và thành lập trại tế bần dành cho những người nghèo và người cô thân - cô thế sống vất vưởng dọc con đường dẫn từ hý trường Colosseum đến Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Laterano. Khẩu hiệu của ngài là: “Ai yêu mến Chúa thì phải đi tìm Người trong những người nghèo”.

Khi đất nước rơi vào cảnh thiên tai như lũ lụt (năm 1701-1702) hay động đất (tháng 14/1 đến 2/2 năm 1703) và dẫn đến nạn đói năm 1706, ngài đã dồn hết sức mình để cứu trợ và phục vụ cho người nghèo khổ, bệnh tật. Tình yêu của ngài dành cho họ đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác đi theo ngài phục vụ những người nghèo.

Người nghèo khổ thấy nơi ngài hình ảnh một người cha đầy lòng nhân ái, họ học nơi ngài lòng biết ơn những người đã giúp đỡ mình và từ đó biết sống sao cho thiện hảo trong từng hoàn cảnh cụ thể. Người giàu cũng thấy nơi ngài hình ảnh một vị trạng sư tốt lành. Họ đã tin tưởng và làm theo những chỉ dẫn của ngài. Họ đã nhờ ngài làm trung gian cho những việc bái ái - từ thiện. Ngài không những là cha linh hướng và linh mục giải tội cho những người bình thường mà còn cho nhiều quí tộc, bá tước và cả hoàng tử.

Các hồng y và giám mục rất quí mến ngài. Ngài đã từ chối chức vị giám mục và hồng y nhiều lần được Đức Giáo Hoàng Innocent XII và Clement XI đề xuất. Ngài giải thích: “ Người nghèo sẽ rất khó đến với con nếu con ở vị trí này. Con sẽ làm họ buồn vì họ sẽ không còn cơ hội đến với con”.

Một điều đặc biệt nơi ngài nữa là sự tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa và ngài thường gọi sự quan phòng của thiên Chúa là “nhà bếp cho nguời nghèo”. Ngài hiệp nhất với Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, trong cầu nguyện và trong việc bác ái. Ngài luôn hiệp nhất với Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc đời ngài, trong tu phòng nhỏ hẹp của ngài, trong nhà nguyện tại St. Martin hay trong hang toại đạo ở Roma.

Ngài cũng có lòng yêu mến Thánh Giá vô tận. Đi đến đâu ngài cũng để lại một cây Thánh Giá như là dấu chỉ yêu mến Thánh Giá của ngài, chẳng hạn như tại Argigliano và Minucciano trong nhà thờ thánh Pellegrino gần Cornila, tại Roma trong hý trường Colosseum. Ngài cũng được Thiên Chúa cho ngài ơn dự liệu những việc sắp xảy ra (ví dụ như ngài đã nói về cái chết của vua Louis XVI và việc chiến thắng của hoàng tử Eugence Savoy tại trận chiến ở Petrovaradin) và biết trước một số việc tương lai (như về cái chết của ngài và nhiều người khác). Nhiều người đã chứng kiến được ơn biết trước của ngài khi ngài còn đang sống.

Ngài qua đời ngày 20 tháng 01 năm 1720 và được mai táng tại nhà thờ dòng Cát Minh đồi thánh Martin, gian bên trái của giáo đường. Ba năm sau đó, tiến trình phong thánh cho ngài ở cấp địa phận được bắt đầu tại Florence, Pascia và Roma. Tiến trình phong thánh cấp toà thánh được thực hiện từ năm 1740-1753. Những công trạng và các nhân đức của ngài được công nhận bởi Đức giáo hoàng Pius VI ngày 21 tháng 01 năm 1781. Tuy nhiên tiến trình phong Chân Phước bị chậm trễ vì thiếu phép lạ. Đấng đáng kính Angelo Paoli sẽ được tôn phong Chân Phước tại Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Laterano vào ngày 18 tháng 4 năm 2010 do Đức Hồng Y Agostino Vallini đại diện Đức Thánh Cha Benedict XVI.

Lm. Joseph Hưng, O.Carm.

(Trích "Trang Các Thánh" - Dòng Cát Minh VN online  & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints, Vatican Saints và Santi-Beati-Testimoni)