Ngày 05 tháng 10

Bl. Bartholomew Longo
(1841-1926)

Blessed Bartholomew LongoBartolo Longo sinh ngày 11 tháng 2 năm 1841 tại Latiana, vùng Nam Ý. Ngài được các cha dòng Piarist giáo dục rất kỹ lưỡng. Về sau, Bartolo học luật tại University ở Naples, nhưng trường đại học mà Bartolo theo học đã không mấy tôn trọng Giáo hội hay những giá trị của Tin mừng. Niềm tin của Bartolo bắt đầu suy giảm; và ngài trở nên quan tâm tới những nghi lễ do ma quỷ bày ra. May thay, Bartolo vẫn còn làm bạn với một vị giáo sư là Vincente Pepe một Kitô hữu sùng đạo và là một người sống nội tâm sâu xa. Cùng với một linh mục dòng thánh Đa Minh là cha Albert, vị giáo sư này đã đưa Bartolo về lại với lối thực hành đức tin Công giáo.

Bartolo Longo đạt được văn bằng luật học và trở thành luật sư phục vụ tại quê hương ngài. Sau đó, Bartolo bắt đầu sống cuộc đời thánh thiện, cầu nguyện và làm nhiều việc tốt. Bartolo gia nhập dòng ba Đa Minh ngày 25 tháng 3 năm 1871 với tên là Thầy Rosario. Bartolo Longo đặc biệt cầu nguyện bằng kinh Mân Côi.

Rồi, Bartolo Longo đi sang Napoli để giúp đỡ những người nghèo khổ sống trong các khu ổ chuột của thành phố. Ngài làm gia sư cho các con trẻ của một quả phụ giàu sang. Bartolo cùng đồng hành với bà mỗi khi bà thăm viếng các dinh cơ của bà; và Bartolo trực tiếp thấy được sự nghèo khó và ngu dốt của các đám thợ làm công cho bà. Bartolo Longo biết Thiên Chúa đang mời gọi mình đem đức tin và niềm hy vọng đến cho những người này. Ngài suy nghĩ và nảy ra quyết định rằng cách tốt nhất để giới thiệu đức tin cho những người ấy, những người không biết đọc biết viết, là dạy họ cầu nguyện với kinh Mân Côi. Bằng cách suy niệm những mầu nhiệm của kinh Mân Côi, họ sẽ học biết về cuộc sống, về sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giêsu, cũng như vai trò quan trọng của Đức Maria trong việc đưa dẫn các Kitô hữu đến với Con của Mẹ.

Chẳng bao lâu, người ta tập trung tại một nhà thờ nhỏ ở Pompeii để cùng nhau đọc kinh Mân Côi trước một bức ảnh Đức Mẹ, bức ảnh mà Bartolo Longo đã tìm thấy tại một chợ trời bán đồ nhi phế. Rồi ngôi nhà thờ được nới rộng thêm, và Bartolo Longo bắt đầu kiếm tiền để xây cất một ngôi thánh đường lộng lẫy dâng kính Đức Mẹ Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Bartolo cũng cho xuất bản một tạp chí, gọi là Nguyệt san kinh Mân Côi và tân Pompeii, đăng những bài giải thích đức tin Công giáo. Để sống sứ điệp Tin mừng cách triệt để chứ không chỉ loan báo bằng ngòi bút, Bartolo Longo đã cho xây một viện mồ côi và một nhà dành cho các em có cha mẹ đang bị cầm tù.

Bartolo Longo thường bị những người không đồng quan điểm hiểu lầm và chế nhạo. Lúc về già, ngài phải chịu những cơn bạo bệnh, nhưng Bartolo vẫn tin tưởng vào quyền phép của kinh Mân Côi và cố gắng hoàn thành thật tốt những gì Thiên Chúa mong muốn nơi ngài. Bartolo Longo đã trải qua những năm cuối đời trong kinh nguyện liên lỉ.

Ngày mùng 05 tháng 10 năm 1926, người tín hữu thánh thiện này đã về trời vì bệnh sưng phổi, hưởng thọ 85 tuổi, với tràng chuỗi Mân Côi còn dính chặt trong tay và được mai táng trong hầm mộ thánh đường Đức Mẹ Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi kế bên người vợ yêu quý là Mariana. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công nhận các nhân đức anh hùng và thánh thiện cao độ của Đấng Đáng Kính Bartholomew Longo ngày 03 tháng 10 năm 1975. Năm năm sau, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Đấng Đáng Kính Bartholomew Longo lên bậc Chân Phước ngày 26 tháng 10 năm 1980.

Kinh Mân Côi chỉ là một lời nguyện đơn giản, tuy nhiên, kinh Mân Côi giúp chúng ta tiếp xúc với những mầu nhiệm thâm sâu nhất của đức tin. Mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện với ít nhất một chục kinh Mân Côi, nhờ đó chúng ta có thể thường xuyên suy gẫm về cuộc đời, giáo huấn, sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giêsu. Kinh Mân Côi chính là một hình thức tôn kính đặc biệt đối với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta.

(Trích  "Các Thánh" Tin Mừng Net  Susan Helen Wallace Fsp -  Đa Minh M Nguyễn Phúc Lộc, CMC chuyển ngữ  và Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints & Santi-Beati-Testimoni)