Ngày 06 tháng 10

Bl. Isidore of St Joseph
(1881-1916)

Tất cả các tu sĩ thuộc các dòng tu trong Giáo hội luôn theo đuổi hai mục đích rõ rệt: thứ nhất thánh hoá bản thân, và thứ hai cứu các linh hồn anh chị em đồng loại bằng mọi phương pháp theo sáng kiến riêng của mỗi hội dòng. Đối với các tu sĩ Dòng Thương Khó, ngoài hai mục đích đó còn thêm một mục đích thứ ba, đó là truyền bá lòng sùng kính sự Thương Khó Chúa Kitô.

Để đạt được những mục đích cao cả này, các tu sĩ không cần phải thực hiện những việc lạ lùng hay phải hãm mình nhiệm nhặt. Đường lối dẫn đến sự thánh thiện của họ là vâng theo Thánh Ý Chúa bằng cách tuân theo các luật lệ và vâng lời Bề trên. Do đó, đời sống những tu sĩ tận hiến này là một cuộc đời khiêm nhu ẩn dật.

Trong suốt cuộc đời, Thầy Isiđôrô đã sống theo luật sống đó trong sự vâng phục các Bề trên một cách vui vẻ, không phàn nàn. Lúc qua đời vào năm 1916, Thầy không để lại những bút tích tuyệt tác, và người ta cũng không thấy Thầy làm một việc gì lạ lùng. Dù vậy, chỉ 13 năm sau khi Thầy qua đời, hương thơm nhân đức của Thầy đã toả lan, đến nỗi người ta đã nghĩ đến việc xin phong thánh cho Thầy. Đến năm 1952, hơn ba mươi ngàn người đã đến tham dự nghi thức cải mộ và tỏ lòng tôn kính Thầy.

Điều gì nơi con người tu sĩ khiêm hạ này đã có sức thu hút quần chúng như thế? Sự thánh thiện của Thầy Isiđôrô được đặt trên nguyên tắc là hết mọi người, tu sĩ cũng như giáo dân, được mời gọi để thi hành Thánh Ý Thiên Chúa một cách khiêm nhượng và hăng hái. Thầy Isiđôrô tìm thấy sức mạnh để nhận biết và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa trong sự cầu nguyện.

Isiđôrô đệ Loor sinh ngày 13 tháng 4 năm 1881 tại Vrasene, Flanders là con cả trong một gia đình nông dân tại Bỉ. Cha mẹ Thầy lập gia đình muộn, và với ba mặt con, ông bà đã kiến tạo được một gia đình thật gắn bó và yêu thương. Công việc đồng áng thật cực nhọc đến nỗi ông bà không được tham dự thánh lễ hằng ngày. Isiđôrô thay mặt cho cả gia đình trung thành tham dự thánh lễ hằng ngày và cùng với cả gia đình tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật. Isiđôrô đã lớn lên trong một gia đình biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Cuối mỗi ngày làm việc, cả gia đình cùng tụ tập quỳ gối lần hạt Mân Côi. Bỏ đọc kinh hằng ngày là điều không thể được trong gia đình của Isiđôrô.

Isiđôrô đã phụ giúp cha làm công việc đồng áng với khả năng của cậu. Ngoài ra, cậu còn làm những công việc vặt khác giúp đỡ mẹ hoặc chăm sóc cho các em. Bởi vì những nông phu trẻ miền quê ở Bỉ vào cuối thế kỷ 19 không cần thụ huấn nhiều ở trường, nên cậu cũng chỉ được đến trường có 6 năm. Năm lên 12 tuổi, cậu phải nghỉ học để giúp việc đồng áng. Isiđôrô càng lớn, lòng ham ước tận hiến mình cho Thánh Ý Thiên Chúa cũng lớn theo. Cầu nguyện và làm việc là luật sống của cậu lúc ấy.

Vào các Chúa nhật, Isiđôrô đi dự lễ sớm, và sau khi về nhà điểm tâm cách vội vã, cậu liền trở lại nhà xứ để dạy giáo lý cho các trẻ em trong xứ. Các buổi trưa Chúa nhật cậu thường đi bộ hàng giờ đến những nhà thờ lân cận để giúp dạy giáo lý. Hết những ai biết Isiđôrô lúc ấy đều nói tốt về cậu và tỏ lòng ngưỡng mộ. Mặc dù luôn tỏ ra là người vui tươi, Isiđôrô không thích những cuộc nói chuyện bất nhã, thô tục và cậu không bao giờ nhượng bộ trong vấn đề này. "Người tử tế không được nói những điều đó", cậu nhắc cho họ. "Hãy nghĩ đến Thiên Chúa, Đấng hằng nghe và thấy bạn mọi nơi mọi lúc". Trong những khi ít công việc ở ngoài đồng, thay vì Isiđôrô nghỉ ngơi hay làm những việc hợp với sở thích, cậu trước hết lo những việc sửa sang nhà cửa, rồi sau đó tình nguyện đi giúp những người láng giềng.

Mặc dù luôn ước mơ ơn gọi hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, Isiđôrô chỉ biết tâm sự điều này với Chúa chứ không dám tỏ cùng ai. Isiđôrô biết cha mẹ già cần mình ở nhà. Đến năm 26 tuổi, cậu tham gia việc truyền giáo do một Cha Dòng Chúa Cứu Thế đảm trách. Isiđôrô đã bày tỏ với vị linh mục này ước mơ của mình. Vị linh mục đã khôn ngoan khuyên chàng theo ơn gọi của mình bằng cách gia nhập làm tu sĩ Dòng Thương Khó (C.P.). Lúc đầu, song thân của chàng cũng lưỡng lự khi nghĩ đến sắp phải mất một người con. Nhưng với niềm ước vọng muốn tuân theo Thánh Ý Thiên Chúa, các ngài đã bằng lòng cho con đi thử nghiệm ơn gọi.

Cha ngài đã không thể cầm lòng được lúc phải chia tay với người con yêu dấu. Trên đường ra nhà ga, bà thân mẫu, đôi mắt đẫm lệ, đã nói với con: "Isiđôrô, nếu ở tu viện không hợp cho con thì về nhà liền nhé". Isiđôrô liền thưa với mẹ: "Mẹ à, đứa con này sẽ không bao giờ trở về nữa đâu". Mặc dù đã dốc lòng không trở về nhà, tìm được tu viện cả là một vấn đề khó khăn đối với Isiđôrô. Nước Bỉ là một quốc gia với hai ngôn ngữ, trong khi Isiđôrô chỉ biết nói tiếng Đức (flemish) mà đường đi đến tu viện lại thuộc miền nói tiếng Pháp. Khi đến làng, chàng không thể tìm thấy tu viện. Chàng cố gắng ra dấu và vẽ dấu hiệu của Dòng Thương khó để tìm ra hướng đi. Sau cùng chàng mới gặp một người biết tiếng Đức chỉ đường cho.

Trong những ngày đầu ở nhà dòng, chàng cảm thấy thật lép vế trước sự hiện diện của các linh mục tu sĩ có học thức. Nhưng không bao lâu, lòng tử tế của mọi người đã san bằng mọi ngăn cách, và chàng đã có thể viết thư về nhà khen ngợi sự bình dân gặp thấy trong nhà dòng. "Ở đây tất cả mọi người đều như nhau, từ Cha Bề trên cho đến người thấp hèn nhất: ăn chung, ngủ chung, cùng nghỉ ngơi, cùng giải trí". Isiđôrô đã được đổi tên mới là Isiđôrô Giuse.

Từ ngày đầu tiên ở tu viện, Thầy Isiđôrô đã dốc quyết cố gắng hết sức để chu toàn lề luật cách hoàn hảo và vâng phục tất cả mọi huấn lệnh của các Bề trên, không thắc mắc, không than phiền. Cha Giám tập nhận thấy rõ Isiđôrô có những đức tính rất đặc biệt và có một cuộc sống thật nhiệm nhặt. Isiđôrô không bao giờ phàn nàn. Biết rằng luật cấm các Thầy không được hy sinh hãm mình ngoại thường, Isiđôrô đã thực hiện những việc ăn năn sám hối nhỏ mọn hầu như không ai biết đến. Trong nhiệm vụ nấu ăn cho anh em Dòng, thay vì làm những món đơn giản, dễ dàng hợp với thực đơn, Thầy luôn cố gắng để dọn những món ăn hợp với sở thích của mỗi người. Thêm vào đó, Thầy đợi cho tất cả mọi người ăn xong rồi mới dùng những thức ăn còn lại. Một lần nọ, có Thầy để ý thấy khi dùng bánh mì, Thầy Isiđôrô lướt "dao quẹt bơ" trên miếng bánh mì, nhưng thật ra bơ không dính trên bánh mì một tí nào. Thầy làm vậy để che mắt mọi người. Đối với Thầy, những việc hãm mình nho nhỏ này như là những tặng vật dâng lên Thiên Chúa.

Một ngày kia khi Thầy Isiđôrô đang cắt cỏ, khí trời đột nhiên trở nên nóng bức khác thường. Một Thầy được sai đi lấy nước lạnh đem ra cho Thầy uống. Isiđôrô tử tế cám ơn Thầy bạn, nhưng về sau quan sát thấy Thầy lén bỏ lại chai nước đầy vào nhà bếp. Mặc dù Thầy thích làm các công việc ngoài trời là những việc ngay từ bé Thầy vẫn yêu thích như chăm sóc vườn tược và làm việc đồng áng, nhưng khi được chỉ định làm bếp hay ở nhà giặt, Thầy không hề phàn nàn hay tỏ ra không thích.

Nếu có thể giúp đỡ ai điều gì thì Thầy Isiđôrô liền giúp ngay. Nhưng trái lại, khi Thầy cần thì lại không xin ai giúp cả. Lần kia có hai người tính tình không được chăm chỉ và hăng hái cho lắm được chỉ định giúp Thầy làm bếp. Có khi sau cả buổi mà hai người cũng không gọt đủ số khoai để dùng; lúc khác thì không chịu chu toàn những việc đã được trao phó ở trong bếp. Thay vì phàn nàn, Thầy Isiđôrô đã hy sinh làm thay họ, cho đến khi một Thầy khác thấy điều đó không công bằng đối với Thầy Isiđôrô nên đã trình bày cho Bề trên biết.

Thầy Isiđôrô coi những điều mong ước của Bề trên như những huấn lệnh chính Thiên Chúa trực tiếp ban bố. Một lần trong thời kỳ Đệ I Thế Chiến, các Thầy được khuyên nên dời khỏi tu viện để tránh những nguy hiểm có thể xảy đến. Các Bề trên đã cho hầu hết các Thầy đến nơi an toàn ở Hoà Lan, chỉ để lại một vài người coi tu viện. Khi được hỏi là Thầy muốn ở lại hay muốn đi, Thầy Isiđôrô đã can đảm sẵn sàng ở lại dù biết rằng đó là một công việc hết sức nguy hiểm. Một nghĩa cử tùng phục anh hùng khác đã diễn ra trên giường chết. Lúc đó, Thầy đã thú nhận với một tu sĩ khác là mình đã sẵn sàng để từ giã cõi đời. Dù vậy Thầy nói: "Vì các Bề trên không muốn, nên tôi vẫn sống".

Vào mùa hè năm 1911, Thầy Isiđôrô đã mắc phải chứng bệnh đau mắt kịch liệt. Tuy các bác sĩ nhận thấy sự đau đớn có thể thật dữ dội, nhưng Isiđôrô vẫn không hề nhắc đến mãi cho đến khi chứng bệnh trở nên trầm trọng đến nỗi Thầy không thể chịu đựng được. Sau khi khám nghiệm, người ta khám phá ra là Thầy bị ung thư ở con mắt bên phải và họ miễn cưỡng phải lấy con mắt ra. Sau đó Thầy lại biết thêm là mình cũng bị ung thư ruột và chỉ có thể sống thêm vài năm nữa. Thầy bình tĩnh vui nhận. Thầy viết thư cho song thân: "Phó mặc cho Thánh Ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ tiến bước vững vàng. Xin Chúa ban cho con được vui chịu mà không than phiền".

Đến năm 1914, Thầy được trao phó công việc coi cửa tu viện ở Kortrijk. Đây là công việc gây nên nhiều phân tâm nhất và có thể nói là công việc không một tu sĩ nào thích làm. Khi chuông cổng reo lên, người giữ cửa phải ngừng các công việc mình đang làm, cả khi đang trong giờ kinh nguyện, để ra đón khách. Thầy Isiđôrô vui vẻ chu toàn công việc này. Vừa khi nghe được tiếng chuông, Thầy liền đi ngay và hân hoan tiếp đón tất cả những ai đến.

Đến cuối mùa hè 1916, sau những năm tháng yếu bệnh, Thầy đã kiệt sức. Chứng bệnh sưng màng phổi biến chứng khiến Thầy phải nằm dưỡng bệnh, và bác sĩ cho biết chứng ung thư đang lan nhanh. Càng gần đến những ngày cuối đời, những trận tấn công càng trở nên đau đớn dữ dội. Sau cùng, Thầy không thể nằm trên giường được nữa; khi cơn đau quá dữ dằn, Thầy thường ngồi trên một chiếc ghế và tựa đầu vào chỗ để tay. Tu sĩ y tá được chỉ định chăm sóc Thầy sau này quả quyết rằng không hề nghe một lời nào phàn nàn nơi Thầy Isiđôrô. "Khi tôi hỏi Thầy về tình trạng sức khoẻ của Thầy thì Thầy chỉ đáp rằng Thầy hối tiếc vì không thể cám ơn Chúa sau khi rước Mình Thánh một cách sốt sắng hơn và Thầy xin tôi giúp". Thầy Isiđôrô cảm thấy rất rõ sự đau đớn đã khiến Thầy khá phân tâm trong các giờ kinh nguyện, làm cho Thầy không thể tập trung được. Mặc dù trong lúc lâm chung, Thầy được sự an ủi của các tu sĩ cùng Dòng, nhưng Thầy đã không được sự an ủi là gặp được cha mẹ yêu dấu một lần cuối. Dù vậy, Thầy không hề phàn nàn về điều này.

Khoảng một giờ sáng ngày 6 tháng 10 năm 1916, Thầy Isiđôrô đột nhiên kêu lên: "Thưa Cha Bề trên, xin Cha cho gọi các anh em trong nhà, vì con sắp chết rồi". Có một Cha lúc đó đang ở trong phòng nói rằng ngài cảm thấy chưa đến giờ, nhưng vì sự nài nỉ của Thầy Isiđôrô, toàn thể cộng đồng đã được gọi đến. Thầy Isiđôrô khiêm nhượng xin mọi người tha thứ những lầm lỗi Thầy có thể đã lỗi phạm và hứa sẽ cầu nguyện cho mỗi người khi mình về thiên đàng. Đang khi tựa đầu vào cánh tay Cha Bề trên, Thầy đã êm ái trút hơi thở cuối cùng để ra đi lãnh phần thưởng Chúa ban. Hai ngày sau, nhà dòng đã âm thầm an táng Thầy.

Con số những người đến thăm mộ và xin Thầy cầu nguyện cho ngày càng gia tăng. Trong một thời gian ngắn, nhiều người cầu xin những ơn hồn xác và đã được nhận lời. Chẳng bao lâu, danh tiếng Thầy vượt ra ngoài nước Bỉ, người ta bắt đầu tuôn đến từ các nước tại Âu châu. Việc điều tra của giáo phận đã bắt đầu năm 1950. Hai năm sau, án phong thánh đã được chuyển về Rôma. Đến ngày 30 tháng 9 năm 1984, Thầy Isiđôrô Giuse được Đức Gioan Phaolô II nâng lên bậc Chân phước.

(Trích "Chứng Nhân Chúa Kitô" Rev John, CMC biên soạn & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)