Dân chúng xếp hàng dài để kính viếng
thi hài của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII

Dân chúng xếp hàng dài từ cuối Quảng trường Thánh Phêrô để lần lượt tiến vào kính viếng và cầu nguyện trước thi hài Ðức Gioan XXIII sau 38 năm qua đời.

Ngày mồng 3 tháng 6 năm 1963, cách đây đúng 38 năm, ÐTC Gioan XIII, vị Giáo Hoàng của Công đồng chung Vatican II, và được người dân gọi bằng tên  thân mật: "Papa Buono" (người Cha tốt lành), đã tắt thở trong sự mến tiếc và khóc thương. Trong 38 năm vừa qua, họ không ngớt tôn kính và cầu xin. Nhiều người đã được phép lạ do lời bầu của "Papa Buono".

Cũng chính ngày mồng 3 tháng 6 năm 2001, sau 38 năm,  Ngài trở lại với dân chúng tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô, không phải trong sự mến tiếc khóc thương như trước đây, nhưng trong hân hoan chào mừng "Papa Buono" trong tư cách là một Vị Thánh bầu cử cho họ trước mặt Chúa. Ngay từ trước khi được phong Chân phước, dân chúng đã coi Ngài là "vị thánh"; họ đã  tôn kính và cầu xin Ngài, ngay  sau khi  qua đời. Trong những khóa họp Công đồng Vatican II, sau khi Ðức Gioan XXIII qua đời, đa số các Nghị phụ đã xin phong Chân phước nhanh chóng hết sức cho Ngài, bằng cách giơ tay  biểu quyết. Nhưng Ðức Phaolô VI, người kế vị, dù là bạn thân và rất mến phục Ðức Gioan XXIII, đã quyết định: Tiến trình phong Thánh cho ngài phải theo thể thức và luật lệ đã ấn định. Trong hơn 30 năm, sau nhiều thủ tục, Ðức Gioan XXIII đã được tôn phong lên bậc Chân phước ngày 3.9.2000, trong Năm Ðại Toàn xá.

Nhân dịp kỷ niệm 38 năm qua đời, trùng hợp với ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Ðức Gioan Phaolô II đã muốn cho Vị Tiền nhiệm của ngài, nay đã được cất nhắc lên danh dự bàn thờ,  trở lại trong vinh quang và được đặt trong Ðền thờ thánh Phêrô, cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện. Chính ÐTC muốn rằng  thi hài của Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23, được rước ra Quảng trường và đặt bên cạnh bàn thờ, nơi ngài cử hành thánh lễ Hiện xuống với các Ðức Hồng Y hiện diện tại Roma, với sự tham dự của dân chúng, đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong số 50 ngàn người dự thánh lễ có 20 trong số 80 cháu chắt của Chân phước đến từ Sotto il Monte, sinh quán của Ngài, thuộc Giáo phận Bergamo, miền Bắc nước Ý, và đặc biệt hơn cả là sự hiện diện của Nữ Tu Catarina Capitani, người đã được phép lạ do lời bầu cử của Ðức Gioan XXIII. Sơ mắc chứng ung thư bao tử. Các bác sĩ dầu hàng. Bề trên Cộng đồng đã ấn định việc an táng Nữ Tu tại Ðất thánh của Gia đình ở Napoli. Trong tình trạng thất vọng này, được một Sơ trong Cộng đồng đặt trong mình  ảnh Ðức Gioan và nói với bệnh nhân  cầu nguyện. Nghe lời Sơ bạn khuyên, Sơ Catarina  đã cầu xin Ðức Gioan XXIII và đã được lành mạnh tức khắc, trước sự ngạc nhiên của mọi người, cách riêng các bác sĩ vẫn lo lắng cho Sơ. Phép lạ này đã được Hội đồng Bác sĩ của Bộ Phong Thánh nghiên cứu và được chính thức công nhận là phép lạ. Nhờ phép lạ này Ðầy Tớ Chúa Gioan XXIII đã được cất nhắc lên danh dự bàn thờ.

Cho tới lúc này, chỉ có thi hài của ba vị Giáo Hoàng: Thánh Pio X (1903-1914), Chân phước Innocenzo XI (1676-1689) được phong Chân phước năm 1956,  và Chân phước Gioan XXIII (1958-1963), được phong Chân phước 3/9/2000, được đặt ngay phía dưới một bàn thờ trong Ðền thờ Thánh Phêrô mà thôi, cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện.

Giảng trong thánh lễ, ÐTC giải thích cử chỉ đặc biệt của ngài đối với Vị Tiền nhiệm, mà chính Ðức Karol Wojtyla, hồi còn là Giám mục ở Carcovia, Ba lan,  đã được  biết nhiều trong thời kỳ Công đồng Vatican II và sau đó, cũng do chính Ðức Karol Wojtyla (kế vị Ðức Phoalô VI và Gioan Phaolô đệ nhất),  tôn phong lên bậc Chân phước trong Năm Thánh 2000 vừa qua. Ðức Gioan Phaolô II nói: Giáo hội biết ơn ÐTC Gioan XXIII về một Mùa đặc biệt trong Giáo hội, tức Công đồng Vatican II;  và với Công đồng,  Ðại Toàn xá vừa kết thúc trong sự tiếp tục hoàn toàn. Nhưng Giáo hội  tôn kính Ngài cũng vì đời sống của Ngài nữa. Cũng chính vì mục đích này, Ðức Gioan Phaolô II đã muốn có cuộc cải táng và di chuyển thi hài Chân phước Gioan XXIII, Vị Giáo Hoàng của Công đồng Vatican II, từ hầm mộ Ðền thờ,  đến một bàn thờ của Ðền thờ Thánh Phêrô cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện. Chính ngài đã biểu lộ sự hài lòng về quyết định này trong Thánh lễ Chúa nhật vừa qua, bằng những lời như sau: "Sự trùng hợp may mắn giữa Lễ Hiện xuống và việc được đón rước thi hài của Vị Tiền nhiệm bên cạnh bàn thờ, nơi  cử hành thánh lễ, trước sự vui mừng của toàn Dân Chúa". Cũng trong bài giảng Thánh Lễ, Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại: "Chân phước Gioan XXIII là một người" rất lắng nghe sự thúc đẩy và hoạt động của Chúa Thánh Thần" và vì thế Ngài đã để lại dấu vết sâu đặm về sứ vụ truyền giáo cho Giáo hội và biến cố Công đồng, như hình thức của một Lễ Hiện xuống mới vậy".

Về Công đồng, do sáng kiến của Ðức Gioan XXIII, Ðức Gioan Phaolô II đã muốn ca ngợi cách riêng. Ngài nói: "Nếu ngày nay chúng ta nhớ lại mùa đặc biệt  kia của Giáo hội (tức Công đồng Vatican II) là bởi vì Ðại Toàn xá của Năm 2000 được đặt trong việc tiếp tục biến cố này, bằng cách lấy lại nhiều khía cạnh về tín lý cũng như về phương pháp  của Công đồng. Và Hội nghị ngoại lệ Hồng Y vừa qua đã tái đề nghị việc thực hiện và đề cao sự phong phú của Công đồng cho các thế hệ mới". ÐTC nói thêm: "Tất những điều này đối với chúng ta là một lý do thêm nữa để  bày tỏ lòng biết ơn đối với Chân phuớc Gioan XXIII".

Sau Thánh lễ, thi hài của Chân phước Gioan XXIII được rước vào Ðền thờ, đặt trước bàn thờ chính, cho dân chúng kính viếng tới 8 giờ chiều. Sáng hôm sau, thi hài trong hòm kính, được đặt dưới bàn thờ trong Ðền thờ Thánh Phêrô. Từ lúc rước vào Ðền thờ cho tới đóng cửa, dân chúng xếp hàng dài từ cuối Quảng trường Thánh Phêrô, để lần lượt tiến vào kính viếng. Một quảng cảnh cảm động và đầy đức tin, gợi lại quang cảnh của ngày cuối cùng Năm Thánh, trước khi đóng Cửa Thánh. Lúc đó dân chúng đông hơn nhiều , xếp hàng từ cuối Ðại lộ  "Hòa Giải", để chờ đợi được bước qua Cửa Thánh. Có người đã kiên nhẫn chờ đợi tới 4-5 tiếng đồng hồ. Và để thỏa mãn lòng sùng  đạo của người dân, ÐTC ra lệnh: chỉ đóng Cửa Ðền thờ khi mọi người hành hương đã bước qua Cửa Thánh. Người sau cùng bước qua của Thánh vào lúc 3 giờ sáng.

Lược tóm Thân thế và Sự nghiệp của Ðức Gioan XXIII.

Angelo Giuseppe Roncalli sinh tại Sotto il Monte (Bergamo) ngày 25.11.1881, trong một gia đình nông thôn, rất sùng đạo. Sau khi học tại Tiểu và Ðại chủng viện Bergamo,  Thầy Angelo Giuseppe thụ phong linh mục năm 1904.

Sau đó, Cha về Roma theo Trường Ngoại giao Tòa Thánh . Từ năm 1925 đến 1934, giữ chức Khâm sứ Tòa Thánh tại Bulgaria. Sau đó, được bổ nhiệm làm Ðại diện Tòa Thánh bên cạnh các chính phủ Thổ nhĩ kỳ và Hy lạp, trong 9 năm, từ 1935 đến 1944.  Từ năm 1944 đến 1952, được thăng Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp. Năm 1953, được tôn phong làm Hồng Y và cũng năm này được bổ nhiệm làm Giáo chủ Giáo phận Venezia (miền Ðông bắc nước Ý).

Sau khi Ðức Pio XII (1939-1958) qua đời (9.10.1958), ngày 25.10 cũng năm(1958) này, Mật viện được triệu tập, để bầu Giáo Hoàng mới. Sau ba ngày, lúc 16:45 ngày 28.10. năm 1958, Ðức Angelo Giuseppe Roncalli, 77 tuổi, được bầu kế Vị Ðức Pio XII, nhận tên hiệu là Gioan XXIII.

Công đồng Vatican II -  Sau ba tháng được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan XXIII, dù tuổi đã cao, đưa ra sáng kiến gây ngạc nhiên không những cho Giáo Triều Roma, nhưng cho cả thế giới nữa. Ngày 25 tháng Giêng năm 1959, sau thánh lễ tại Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, để bế mạc Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô, trước sự hiện diện của các Hồng Y tụ họp tại Tu viện Benedicto, kế bên Ðền thờ, Ðức Gioan 23,  loan báo triệu tập Công đồng chung Vatican II. Sau bốn năm chuẩn bị, Công đồng đã được chính ngài khai mạc ngày 11.10.1962, Lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa và được Ðức Phaolô VI (1963-1978), kế Vị, bế mạc ngày 8.12.1965, lễ Ðức Mẹ vô nhiễm.

Các Thông điệp thời danh của Ðức Gioan XXIII -  Mater et Magistra (1961): nói về dấn thân của Giáo hội trong công bình xã hội - Pacem in terris (1963), nhắc đến các giá trị của hòa bình và của phẩm giá con người.

Dấu hiệu của một chứng bệnh phát xuất vào tháng 11 năm 1962. Rồi ngày 22 tháng 5 năm 1963, trở nên trầm trọng. Ðức Gioan XXIII  qua đời lúc 19:40 ngày 3 tháng 6 năm 1963, sau 5 năm làm Giáo Hoàng. Thời gian vắn, nhưng công việc của Ngài để lại thật vĩ đại.

Phép lạ cần phải có để được tôn phong lên Bậc Chân phước - Nhờ lời bầu cử của Ðức Gioan XXIII, Sơ Catarina Capitani, hiện nay vẫn còn sống, đột nhiên đã được khỏi chứng  ung thư bao tử.

Tiến trình làm án phong Chân phước kéo dài 35 năm. Trong thời gian này, đã thu lượm được 303 chứng tá khác nhau về cuộc đời thánh thiện của Ðức Gioan XXIII. Phép lạ đã được công nhận và ngày 3 tháng 10 năm 2000, Ðức Angelo Giuseppe Roncalli đã được tôn phong lên Bậc Chân phước.

Radio Veritas Asia, Philippines

Ngày 11 tháng 10: Kính Chân Phước Gioan XXIII

Ngày 28 tháng 10 năm 1958, vị Giáo Hoàng vừa mới đăng quang chào đón giáo dân từ bao lơn cửa sổ nhìn xuống Quảng Trường Thánh Phêrô. Xuất thân từ một gia đình nông dân thánh thiện và đạo đức, với nét mặt phúc hậu, dễ mến, Đức Angelo Giuseppe Roncalli đang mĩm cười và nói một cách tự nhiên: “Tôi được gọi là Gioan!”.

Về tất cả mọi phương diện Đức Gioan XXIII hoàn toàn khác biệt với tất cả các đấng tiền nhiệm. Đức Pius XII trông có vẻ nghiêm khắc, Đức Gioan XXIII trông có vẻ dễ dãi và vui tính. Ngài nhiệt tình với cuộc sống, thích bạn bè và quyết tâm cải tổ Giáo Hội hòng đem lại một luồng sinh khí mới.

Đã 77 tuổi đời, tất cả mọi người đều cho rằng ngài là đấng chuyển tiếp, giữ ngôi vị trong một thời gian ngắn chờ đợi cuộc họp mới để bầu lại Giáo Hoàng cho nhiệm kỳ tới. Trong bốn năm rưởi trời ngài là gạch nối giữa hai thế hệ trong lịch sử của Giáo Hội. Ngài đã thay đổi thế hệ mà nhà thần học Karl Rahner gọi là “thế hệ bảo thủ” để mở ra một thế hệ “cấp tiến cởi mở” trong công cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới tiến bộ bên ngoài.

Các sáng kiến được đúc kết chỉ sau ba tháng khi ngài lên ngôi Giáo Hoàng. Ngài cho biết có ý định triệu tập một Công Đồng tại Vatican, một Công Đồng như vậy chỉ đã được thực hiện từ năm 1870 và lần thứ hai sau Công đồng Trent. Dù tin tức được phổ biến nhưng ít người nghĩ đây là một biến cố quan trọng. Nhưng Đức Gioan muốn đây là lúc mở toan “các cửa sổ” của Giáo Hội để nhận một luồng gió mát mới mẽ thổi vào. Giáo Hội đang cần tiến bộ để theo kịp những trào lưu tân tiến.

Tháng 10 năm 1962 Đức Giáo Hoàng Gioan ngỏ lời trước một Hội Đồng gồm 2500 Giám mục đến từ mọi nơi trên thế giới về họp Công Đồng sắp tới.

”Trong những công việc thường ngày của văn phòng mục vụ, nhiều khi chúng ta phải lắng nghe những lời của những người đầy nhiệt huyết mà một số người cho là quá buông lỏng và hư hỏng.”

”Chúng ta tin là chúng ta sẽ có những bất đồng ý kiến về những điều được đem ra bàn cải.. Trong hiện tại, Thiên Chúa quan phòng đang hướng dẫn chúng ta đến một trật tự mới trong niềm cảm thông giữa những con người đang nổ lực thi hành những kế hoạch của Thiên Chúa, dù có những khác biệt giữa con người ý kiến chung vẫn đưa dẫn đến những điều tốt đẹp cho Giáo Hội.”

Các Giám mục bảo thủ hăng hái lên án những sai lầm trong thời đại mới. Nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan có những ý kiến mới mẽ: “ Giáo Hội luôn chống lại những sai lầm.”

Lại nữa, trong lúc này, hiền thê của đấng Kitô muốn dùng sự thương yêu để chữa lành hơn là hình phạt. Điều mà ngài muốn là có một hội đồng mục vụ, đặt biệt là sự hiệp nhất Kitô giáo, thăng tiến hòa bình, đó là nguồn hy vọng của Giáo Hội là đi tìm ơn gọi và ý nghĩa đích thật của Giáo Hội là Giáo Hội của người nghèo.

Đức Gioan nói rất ít rong bài diển văn khai mạc, nhưng ngài luôn can thiệp khi có những bế tắc.Tài liệu đầu tiên về Mặc Khải (Revelation) bị số đông các Giám mục loại bỏ, nhưng không đủ túc số để gạt bỏ hoàn toàn. Chính Đức Gioan XXIII chỉ thị xem xét lại toàn bộ. Điều này làm cho số đông Giám mục phải bắt đầu lại tư sơ khởi với một nhóm chuyên viên mà có vài vị đã bị Vatican kiểm duyệt, như Karl Rahner, Yves Congar, Henri de Lubac và John Courtney Murray.

Bắt đầu tổ chức Công Đồng Đức Gioan không sống trọn thời gian để nhìn sứ vụ hoàn tất. Ngài đang bị bệnh ung thư ruột và trong những tháng cuối cùng thật là khốn khổ. Tuy vậy ngài đi cho đến đoạn đường cuối cùng trong cái vui hài hước và khiêm nhường: “Hành trang đã sẵn và tôi sắp phải lên đường.”

Trên gường bệnh ngài đọc sứ điệp cuối cùng cho Giáo Hôi mà ngài yêu quí.

“Bây giờ hơn bao giờ hết, trong những thế kỷ vừa qua, chúng ta có ý định chỉ phục vụ riêng người Công Giáo, cương quyết bảo vệ trên hết mọi sự, ở đâu có nhân quyền đụng chạm đến Giáo Hội Công Giáo; không phải là Phúc Âm có thay đổi nhưng chúng ta bắt đầu hiểu biết sâu xa hơn. Thời điểm đã đến, khi chúng ta nhận biết dấu thời gian, hãy nắm lấy cơ hội và hãy có một tầm nhìn thật xa và thật rộng.”

Đức Gioan XXIII qua đời ngày 3 tháng 6 năm 1963. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, ngài được toàn thế giới ngưỡng mộ và được tất cả mọi người thương tiếc. Ngài được phong Chân Phước năm 2000.

PT Huỳnh Mai Trác
VietCatholic News 11/10/2006