Ngày 09 tháng 2

Bl. Anne Catherine Emmerick
(1774-1824)

Chân phước Anne Katharina Emmerick vào đời ngày 08 tháng 9 năm 1774 trong gia đình nông gia ở Flamsche gần Coesfeld, nước Đức. Ngài lớn lên giữa gia đình anh chị em 9 người. Ngài đã phải làm việc giúp đỡ trong gia đình cũng như các việc đồng áng từ thuở thiếu thời. Ngài đã được học hành vắn vỏi nhưng lại nổi bật về các vấn đề về đạo nghĩa. Cha mẹ cũng như tất cả những ai biết ngài đều công nhận rằng ngài ngay từ còn nhỏ đã ham thích nguyện cầu và đời sống tu trì cách đặc biệt.

Ngài đã phải làm việc lao động ba năm trời ở một đồng ruộng rộng lớn ở làng lân can. Bấy giờ ngài đã học thêu thùa may vá và ở Coesfeld để học hỏi thêm. Ngài thích viếng thăm các nhà thờ cũ ở Coesfeld và tham dự Thánh Lễ. Ngài thường một mình đi Ðường Thánh Giá dài ở Coesfeld, tự cầu nguyện ở từng chặng.

Ngài muốn vào nữ đan viện nhưng ngài không thể thỏa mãn ước vọng này lúc ấy, nên ngài đã trở về nhà cha mẹ. Ngài đã làm việc như một cô thợ may, và trong khi làm việc này có đã đến viếng thăm nhiều gia đình. 

Ngài đã xin gia nhập các nữ tu viện khác nhau, những đều bị từ chối vì ngài không có của hồi môn đáng kể. Cuối cùng dòng nữ Clares Nghèo ở Munster đã chấp nhận ngài nếu ngài có thể học chơi dương cầm. Ngài đã được cha mẹ cho phép học đàn với nhạc sĩ dương cầm Sontgen ở Coesfeld. Thế nhưng ngài không thể học đánh dương cầm nổi. Tình trạng khốn khổ và nghèo khổ nơi gia đình của nhạc sĩ dương cầm Sontgen đã khiến ngài phải làm việc ở gia đình này để giúp đỡ họ. Thậm chí ngài còn hy sinh cả những gì dành dụm được chút đỉnh của mình để giúp đỡ họ. 

Cùng với người bạn của mình là Klara Sontgen, cuối cùng ngài đã được gia nhập một nữ tu viện ở Agnetenberg thuộc tỉnh Dulmen vào năm 1802. Năm sau đó ngài đã khan dòng. Ngài đã hăng hái tham gia sinh hoạt của tu viện này. Ngài bao giờ cũng sẵn sàng làm các việc khó khăn nặng nhọc. Vì quá khứ tầm thường của mình, mới đầu ngài không được kính trọng là bao. Một số chị em trong dòng đã coi việc ngài triệt để tuân giữ luật dòng là giả hình. Ngài đã âm thầm chịu đựng và tuân theo Thánh Ý Chúa.
Từ năm 1802 đến 1811, ngài rất thường hay bị bệnh và chịu nhiều đau đớn. Vì hậu quả cuộc tình trạng tục hóa, nữ tu viện Agnetenberg đã bị đóng cửa vào năm 1811, bắt buộc ngài cùng các các chị em khác phải hồi tục. Ngài đã được nhận làm một người coi nhà cho Cha Lambert, một linh mục trốn chạy khỏi Pháp và sống ở Dulmen. Thế nhưng chẳng mấy chốc ngài đã ngã bệnh. Ngài đã không thể rời nhà và phải nằm liệt giường. Ðược sự đồng ý của Cha Sở Lambert ngài đã có người em gái Gertrud đến để coi nhà cho cha dưới sự hướng dẫn của ngài.

Trong giai đoạn này, ngài được in năm dấu thánh. Ngài đã chịu tình trạng đớn đau của năm dấu thánh một thời gian dài. Sự kiện ngài đã mang các thương tích của Chúa Kitô không còn dấu kín được nữa. Bác sĩ trẻ Franz Wesener đã đến thăm ngài và tỏ ra hết sức cảm phục ngài đến nỗi đã trở thành một người bạn trung thành, vô vị kỷ và hữu ích của ngài 11 năm sau đó. Vị bác sĩ này đã viết rất nhiều chi tiết trong nhật ký về những cuộc tiếp xúc của mình với vị chân phước. 

Một đặc điểm nổi bật trong đời sống của vị chân phước này là tình yêu của ngài đối với dân chúng. Bất cứ nơi nào ngài thấy ai cần thiết là ngài đều rat ay giúp đỡ. Ngày cả trong khi nằm bệnh, ngài cũng may vá quần áo cho các trẻ em nghèo và lấy làm sung sướng khi được giúp đỡ chúng như thế. Mặc dù ngài cảm thấy phiền hà vì những cuộc viếng thăm của dân chúng, song ngài vẫn tiếp đón tất cả mọi người một cách ân cần. Ngài đã để ý cầu nguyện cho các thứ quan tâm của họ và nói lên những lời khích lệ cùng an ủi họ. 

Nhiều bậc vị vọng giữ những vai trò quan trọng trong phong trào canh tân của Giáo Hội vào đầu thế kỷ 19 đã tìm dịp gặp ngài, trong đó có Clemens August Droste zu Vischering, Bernhard Overberg, Friedrich Leopold von Stolberg, Johann Micheal Sailer, Christian and Clemens Brentano, Luise Hensel, Melchior và Apollonia Diepenbrock. 

Cuộc gặp gỡ với Clemens Brentano là một biến cố hết sức quan trọng. Cuốc viếng thăm đầu tiên của ông đã khiến ông ở lại Dulmen 5 năm trời. Ông đã thăm vị chân phước này hằng ngày để ghi lại những cuộc thị kiến của ngài là những gì sau này ông đã in ra để phổ biến. 

Vị chân phước trở nên yếu hơn vào mùa hè năm 1823. Bao giờ ngài cũng kết hợp đau khổ của ngài với đau khổ của Chúa Giêsu và dâng nó lên Người để cứu rỗi các linh hồn. Ngài đã qua đời ngày 09 tháng 2 năm 1824 và được chôn táng ở nghĩa trang Dulmen. Rất nhiều người đã tham dự lễ an táng của ngài. Vì tiếng đồn là thi thể của ngài đã bị đánh cắp mà mồ của ngài đã được mở ra hai lần vào những tuần lễ sau cuộc chôn táng. Quan tài và thi thể của ngài vẫn còn nguyên vẹn. 

Ông Clemens Brentano đã viết những lời sau đây về vị chân phước: "Ngài đứng như một cây thập giá bên đường". Vị chân phước này cho chúng ta thấy tâm điểm đức tin của Kitô hữu là mầu nhiệm thập giá. Ðời sống của vị chân phước này nổi bật ở việc ngài sâu xa gắn bó với Chúa Kitô. Ngài yêu thích nguyện cầu trước cây Thập Giá nổi tiếng ở Coesfeld, và ngài đã thường xuyên đi đoạn Ðường Thánh Gia dài ở đó. Bản thân ngài tham phần vào những sự thương khó của Chúa Kitô đến độ có thể nói mà không sợ thái quá là ngài đã sống, chịu khổ và chết đi với Chúa Kitô. Tuy nhiên, dấu hiệu bề ngoài về điều này, đồng thời còn hơn là một dấu hiệu nữa, đó là những thương tích của Chúa Kitô mà ngài mang trên thân mình của ngài. 

Vị chân phước này rất mến yêu Mẹ Maria. Lễ Sinh Nhật của Mẹ Maria cũng là ngày sinh nhật của ngài. Một câu nguyện cầu cùng Mẹ Maria cũng nói lên cho thấy một khía cạnh khác của đời sống ngài đối với chúng ta: "Ôi Thiên Chúa, xin cho chúng con phục vụ công cuộc cứu độ theo gương đức tin và tình yêu của Mẹ Maria". Phục vụ công cuộc cứu độ là tất cả những gì vị chân phước này muốn làm. 

Trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê, Thánh Phaolô đã nói về hai đường lối để phục vụ Phúc Âm, phục vụ ơn cứu độ. Một đường lối đó là việc chủ động loan báo bằng lời nói và việc làm. Thế nhưng nếu điều này không thể thực hiện được thì sao? Thánh Phaolô, người đã rõ ràng cảm thấy mình rơi vào trường hợp này, đã viết: "Giờ đây tôi hân hoan trong đau khổ vì anh em, và nơi xác thịt của mình, tôi hoàn tất những gì còn thiếu nơi những khổ nạn của Chúa Kitô phải chịu vì nhiệm thể Người là Giáo Hội" (Col 1:24). 

Chân phước Anna Katharina Emmerick đã phục vụ ơn cứu độ bằng cả hai cách. Những lời của ngài, những lời đã vươn đến vô vàn con người thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau từ căn phòng thô sơ của ngài ở Dulmen qua những bản viết của Clemens Brentano, là một lời loan báo đặc biệt về phúc ấm trong việc phục vụ ơn cứu độ cho tới ngày nay. Tuy nhiên, vị chân phước này đồng thời cũng hiểu được những khổ đau của mình là việc phục vụ ơn cứu độ nữa. Vị bác sĩ của ngài là Wesener thuật lại lời thỉnh nguyện của ngài trong nhật ký của ông như sau: "Tôi đã luôn xin Chúa cho tôi một ơn đặc biệt là chịu khổ cho những ai đang theo đường sai nẻo quay vì lầm lẫn hay yếu đuối, và nếu có thể làm việc đền tạ thay cho họ". Ngài đã cống hiến cho nhiều người đến thăm mình việc giúp đỡ và niềm an ủi về đạo nghĩa. Những lời của ngài có quyền lực như thế vì ngài hiến đời sống và việc chịu đựng khổ đau của mình cho việc phục vụ ơn cứu độ. 

Trong việc phục vụ ơn cứu độ bằng đức tin và đức mến, vì chân phước này có thể trở thành mô phạm cho chúng ta. 

Bác sĩ Wesener đã ghi lại một cảm nhận của chân phước này như sau: "Tôi lúc nào cũng coi việc phục vụ tha nhân của mình là một nhân đức cao cả nhất. Trong thời thơ ấu của mình, tôi đã xin Chúa cho tôi sức mạnh để phục vụ anh em đồng loại của tôi và trở thành hữu dụng đối với họ. Giờ đây tôi biết rằng Người đã đáp ứng điều tôi yêu cầu". Làm sao ngài là người nằm liệt trong phòng bệnh và trên giường bệnh nhiều năm lại có thể phục vụ tha nhân của ngài?

Trong bức thư gửi cho Count Stolberg, Clemens August Croste zu Vischering, vị Tổng Ðại Diện thời bấy giờ, đã gọi vị chân phước này là một người bạn đặc biệt của Thiên Chúa. Theo lời của Hans Urs von Balthasar, chúng ta có thể nói rằng: "Ngài đã mang tình nghĩa của ngài với Thiên Chúa vào tình của ngài liên đới với nhân loại". 

Việc mang tình nghĩa với Thiên Chúa vào tình liên kết với nhân loại không phải là những gì chiếu giãi ánh sáng cho mối quan tâm hệ trọng nơi đời sống Giáo Hội ngày nay hay sao? Ðức tin Kitô giáo không còn bao gồm hết mọi người. Trong thế giới của chúng ta, cộng đồng Kitô hữu là đại diện cho dân chúng trước Thiên Chúa. Chúng ta phải mang tình nghĩa của chúng ta với Thiên Chúa để trở thành một yếu tố quyết liệt trong tình chúng ta liên kết với nhân loại.

Chân phước Anna Katharina Emmerick liên kết với chúng ta trong cộng đồng các tín hữu. Cộng đồng này không chấm dứt trước cái chết. Chúng ta tin tưởng vào mối hiệp thông bền vững với tất cả những ai Thiên Chúa đã đưa lên bậc trọn lành. Chúng ta liên kết với các vị vượt cả sự chết và họ tham dự vào đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể kêu cầu các vị và xin các vị chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta xin tân chân phước Anne Katharina Emmerick mang tình nghĩa Thiên Chúa vào tình đoàn kết của chúng ta với tất cả nhân loại.

Hồ sơ xin phong thánh của chị đã được đệ nạp ngày 14 tháng 11 năm 1892, nhưng vì những khiếu nại và nghi vấn về nhân đức khiết tịnh nên bị đình hoản từ 30 tháng 11 năm 1928 cho đến ngày 18 tháng 5 năm 1973 mới được tiếp tục xúc tiến trở lại sau những cuộc điều tra cho thấy những cáo buộc nói trên là sai và không bằng chứng. Đức Giáo Hoàng John Paul II đã công nhận các nhân đức của Đấng Đáng Kính Anne Katharina Emmerick ngày 24 tháng 4 năm 2001và bốn năm sau chính ngài đã tôn phong Đấng Đáng Kính Anne Katharina Emmerick lên bậc Chân Phước của Giáo Hội ngày 03 tháng 10 năm 2004.

(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch từ VIS của Tòa Thánh & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)