Ngày 25 tháng 2

Bl. Maria Ludovica de Angelis
(1880-1962)

Vị chân phước này vào đời ngày 24 tháng 10 năm 1880 ở St. Gregorio, Ý quốc tại một ngôi làng nhỏ ở Abruzzo, không xa thành phố L'Aquila. Ngài là đứa đầu lòng trong gia đình 8 người con, làm cha mẹ hết sức hạnh phúc. Vào ngay buổi chiều vào trần thế, ngài được lãnh nhận phép rửa với tên gọi là Antonina. 

Ngay từ khi còn rất thơ ấu, bé Antonina đã tỏ ra yêu thích thiên nhiên, và trong khi làm việc lâu giờ không biết mỏi mệt ở đồng áng, bé cảm thấy tự nhiên sống gần gũi với mảnh đất của Thiên Chúa. Là một con trẻ thông minh chân thật, bé lớn lên trở thành một người nữ mềm mại nhậy cảm nhưng rất cứng cát. Cô dường như sống e dè theo khuôn mẫu của người dân bản xứ của cô. Tuy nhiên, đôi mắt cảm thấu và chú tâm của cô chất đầy nỗi trìu mến, và đó là cách thức cô nhìn đến tất cả những ai cô gặp gỡ, nhất là với trẻ em. 

Vào ngày 7 tháng 12 năm Antonina được sinh ra, có một phụ nữ danh tiếng qua đời. Người phụ nữ này đã quyết hiến trọn cuộc đời của mình theo Chúa Kitô là Ðấng đã phán: "Các con hãy xót thương như Cha trên trời là Ðấng thương xót" và "Tất cả những gì các người làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các người làm cho chính Ta". Vị phụ nữ này là Thánh nữ Mary Joseph Rossello, đấng sáng lập Hội "Nữ Tử Ðức Bà Xót Thương", một Gia Ðình Tu Trì mà sau khi trải qua những bước ban đầu năm 1837 giờ đây đã lan truyền tới những nơi khác nhau trên thế giới trong việc thực thi hoạt động của lòng thương xót. Gia Ðình Tu Trì này đã thu hút được nhiều phụ nữ theo cùng một lý tưởng, nhờ những gương lành và lối sống tu trì chân chính của mình. 

Sau khi biết được gia đình tu trì này, cô Antonina lập tức cảm thấy những gì cô mộng ước đều được âm vang nơi những gì Mẹ Rossello thực hiện. Còn cần gì phải tìm kiếm đâu xa, cô đã gia nhập cộng đồng Nữ Tử Ðức Bà Xót Thương này vào Tháng 11/1904, và trong chính ngày gia nhập này cô đã được đặt tên là Dì  Marie Ludovica. Ðúng 3 năm sau khi nhập dòng, vào ngày 14/11/1907, theo sự  quan phòng của Thiên Chúa, dì xuống thuyền đến Buenos Aires Á Căn Ðình, tới nơi ngày 4/12. Từ đó, dì hoàn toàn dấn thân liên tục phục vụ bất cứ việc gì dì được kêu gọi để làm. 

Dì Ludovica không được học hành hẳn hoi, thế nhưng tất cả những gì dì tự mình đạt được đều làm cho mọi người sống với dì và quen biết dì ngỡ ngàng. Mặc dù tiếng Tây Ban Nha của dì bị pha trộn với tiếng Ý là tiếng mẹ đẻ của dì, mẹ cũng đã hiểu được rõ ràng và lúc nào cũng làm cho người khác hiểu được dì. Dì không có khả năng hay năng khiếu để phác họa ra những chương trình hay những mục đích và mục tiêu. Tuy nhiên, dì hoàn toàn tuân theo những gì được chỉ định ở Bệnh Viện Nhi Ðồng. 

Từ những ngày đầu tiên ở bệnh viện này, dì cảm thấy thoải mái và lãnh trách nhiệm làm bữa cho trẻ em, các chị dòng và nhân viên. Sau đó, khi dì được bổ nhiệm làm quản đốc bệnh viện này và làm Bề Trên của cộng đồng tu hội, dì trở thành một thiên thần của nhân viên nhà thương mà, nhờ những nỗ lực ưu ái của dì, dần dần đã trở nên một gia đình vững mạnh và đoàn kết với nhau theo đuổi cùng một mục đích là mang lại thiện ích cho các trẻ em. 

Thái độ khoan thai nhưng hiên ngang kiên quyết, dì luôn cầm trong tay tràng chuỗi Mân Côi, ánh mắt của dì và lòng trí của dì hướng về Chúa với nụ cười hiền dịu sáng tỏa trên nét mặt. Bằng tấm lòng tự nhiên từ ái bao la, dì đã trở thành một dụng cụ liên tục của tình thương nhờ đó sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa đối với từng người con cái của Ngài có thể làm cho hết mọi người cảm kích. Ðích điểm sống của dì luôn được lập đi lập lại bằng câu: "Hãy làm lành cho tất cả mọi người bất kỳ ai". 

Chỉ có trời cao mới biết được cách thức dì làm sao cho có tiền bạc để xây cất những căn phòng hành sự, để thêm phòng ở cho các em, mua sắm các thứ dụng cụ y khoa, xây một ngôi nhà ở Mar del Plata cho trẻ em dưỡng bệnh, cất một Nhà Nguyện (ngày nay trở thành một giáo xứ) và thậm chí mở một nông trại trù phú ở City Bell để trổ sinh đủ các thứ hoa mầu giúp vào việc dinh dưỡng cho các em. Tất cả những điều ấy được hoàn thành bởi người phụ nữ đơn sơ tầm thường này, một người phụ nữ được thúc đẩy bởi yêu thương và hoàn toàn dấn thân. 

Qua 54 năm trời, dì Maria Ludovica đã là một người bạn, một người mẹ và là cố vấn viên cho vô số người thuộc hết mọi tầng lớp trong xã hội. 

Cuộc hành trình trần thế của dì đã kết thúc vào ngày 25 tháng 2 năm 1962 khi Chúa triệu dì về để lĩnh phần thưởng đời đời. Ðối với những ai biết dì, nhất là nhân viên y khoa, rất nhớ đến tất cả những gì mẹ đã hoàn thành. Họ lấy tên của dì để đặt tên cho Bệnh Viện Nhi Ðồng: "Bệnh Viện Bà Bề Trên Ludovica".

Dì Maria Ludovica được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân Phước ngày 03 tháng 10 năm 2004 tại quảng trường Thánh Phêrô, Rome.

(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch từ VIS của Tòa Thánh & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)