Ngày 30 tháng 6

Bl. Basyl Velychkovskyi
(1903-1973)

Blessed Vasyl VelychkowskyjĐức Giám mục Vasyl Vsevolod Velychkovskyi sinh ngày 1 tháng 6 năm 1903 tại Stanislaviv (bây giờ là Ivano Frankivsk). Ngài là con cháu hai gia tộc Velychkovskyi và Teodorovych, cả hai đều có truyền thống làm linh mục. Ông Volodymyr và bà Anna nuôi dạy con cái trong tinh thần đạo đức, đó là lý do tại sao Vasyl lại có mong ước hoạt động để cứu rỗi các linh hồn ngay từ khi còn bé.

Vasyl Velychkovskyi học trung học ở thị trấn Horodentsti. Với lòng yêu nước nồng nàn, cậu học sinh 15 tuổi gia  nhập  quân  đội  Galicia,  Ukraina, chiến đấu cho nền độc lập của quê hương trong thế chiến I. An toàn trở về năm 1920. Vasyl Velychkovskyi vào chủng viện Lviv. Năm 1924, ngài được Tổng giám mục Andrey Sheptytskyi phong chức phó tế. Đây là thời gian Velychkovskyi khám phá ra ơn gọi tu sĩ của mình. Được sự giúp đỡ của bà cô Monica, ngài vào nhà tập Dòng Chúa Cứu Thế, và năm sau, ngày 29 tháng 8 năm 1925, ngài tuyên lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Vì Velychkovskyi đã hoàn tất chương trình thần học nên ngài được Đức cha Y. Botsian phong chức linh mục ngay khi hết năm nhà tập. Lễ phong chức được cử hành vào ngày 9 tháng 10 năm đó.

Ngay khi cha Velychkovskyi vừa mới vào dòng, các bề trên đã nhận ra ngay đây là một nhà truyền giáo. Để phát huy khả năng này, sau hai năm làm cha giáo cho các chú đệ tử, ngài được gởi tới Stanislaviv để đảm nhận công việc truyền giáo cùng với những anh em giàu kinh nghiệm. Đây là mốc khởi đầu cho công việc tông đồ kéo dài suốt 20 năm của cha Velychkovskyi, cho đến khi cuộc bách hại Giáo hội Công giáo theo truyền thống Hy-lạp tại Ukraina bắt đầu.

Ngày 16 tháng 11 năm 1928, cha Velychkovskyi đến tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Kovel. Ngay lập tức, ngài bị thu hút vào công việc truyền giáo cho dân nhập cư người Galicia sống rải rác trong các vùng Volhyn, Pidliashshia, Kholm và Polissia. Họ đã bỏ Công giáo Hy-lạp mà qua Giáo hội Chính thống Nga. Cùng với công việc này, ngài cũng tổ chức truyền giáo cho dân địa phương Volhyn, Polissia và Belarus. Được sự yểm trợ về tài chính của Đức Tổng giám mục Sheptytskyi và các ân nhân khác, ngài xây dựng nhiều nhà nguyện và nhà thờ. Năm 1935, cha Velychkovskyi trở về làm bề trên tu viện Stanislaviv.

Ngài vẫn tiếp tục hoạt động tông đồ trong phạm vi rộng cho dù Giáo hội Công giáo đang phải chịu bách hại dưới bàn tay quân Xô-viết từ khi họ chiếm đóng miền tây Ukraina năm 1939. Năm 1940, ngài tổ chức một đoàn rước với sự tham dự của 20 ngàn tín hữu. Họ kiệu thánh giá qua các đường phố Stanislaviv. Mặc những lời đe dọa của mật vụ Xô-viết, cha Velychkovskyi không nhượng bộ. Năm 1941, theo yêu cầu của Đức Tổng giám mục Sheptytskyi, ngài khởi hành đến miền trung Ukraina để làm việc với Giáo hội Chính thống Ukraina. Tuy nhiên, những việc làm của vị linh mục mới đến khiến người Đức ngờ vực. Họ vừa mới tới chiếm đóng thành phố. Chỉ 3 ngày sau khi đến, cha Velychkovskyi bị buộc tội cấu kết với nhà nước Ukraina tổ chức kháng cự và được lệnh trong 24 giờ phải rời khỏi thành phố. Ngài đến Ternopil và làm bề trên tu viện và nhà thờ Dormition.

Lần thứ hai Galicia bị chiếm đóng vào năm 1945, chính quyền Xô-viết chỉ trong đêm 10 rạng 11 tháng 4 đã bắt giữ toàn bộ hàng giáo phẩm Công giáo. Ngày 26 tháng 7 năm 1945, cha Vasyl Velychkovskyi bị bắt tại Ternopil vì “chống lại chủ trương đường lối của nhà nước Xô-viết”. Trong cuộc thẩm vấn, người ta đề nghị ngài theo Giáo hội Chính thống Nga để được tự do và ngài trả lời: “Không bao giờ!”. Thế là cha Velychkovskyi được chuyển đến nhà tù Kiev, nơi nghiên cứu trường hợp của ngài đến gần 2 năm. Cuối cùng, tòa án Kiev tuyên án tử hình vì hai câu chống cộng “lũ đỏ” và “bọn đỏ” gặp thấy trong cuốn sổ tay của ngài năm 1939, khi ngài ở Stanislaviv.

Trong ba tháng sống trong phòng giam chờ chết, cha Velynchkovskyi vẫn tiếp tục thi hành bổn phận của một linh mục. Ngài dạy các bạn tù đọc kinh, dạy cho họ những chân lý trong đạo, chuẩn bị cho họ nhận Bí tích Thánh Thể. Ngài đưa họ đến cửa thiên đàng. Cuối cùng, vào một đêm, bọn lính dẫn cha Velychkovskyi ra khỏi xà lim, nhưng không dẫn xuống thang, ra nơi thi hành án, mà lại lên trên, đến văn phòng quản lý trại tù. Ở đó, cha Velychkovskyi được biết rằng án chết của ngài được đổi thành tù 10 năm.

Hai năm đầu, cha Velychkovskyi sống trong một trại tù vùng Kirovsk. Sau đó, ngài bị chuyển sang vùng mỏ Vorkuta. Dù phải làm việc hết sức cực nhọc, ngài vẫn dâng lễ hầu như mỗi ngày. Ngài dùng những hộp thiếc làm đồ dùng phụng vụ. Đức Tổng giám mục Hermaniuk nói: “Cái hộp thiếc đó là chén lễ, là bàn thờ, là nhà nguyện … và không gì có thể tiêu diệt được Giáo hội đặt trên lòng tin vững chắc đầy ơn Thiên Chúa của ngài”. Vài tháng trước khi được phóng thích, các bạn tù của cha Velychkovskyi sắp xếp cho ngài một công việc trong bệnh xá để khỏi phải ra mỏ. Họ làm như thế là để bảo vệ mạng sống cho ngài, bởi vì sức khỏe ngài đã suy sụp do mười năm tù đày lao động khổ sai. Ngày 9 tháng 7, cha Velychkovskyi được thả.

Trở về Lviv, cha Velychkovskyi chẳng phục vụ được ở bất kỳ một nhà thờ hay nhà nguyện nào nhưng ngài không nản chí. Ngài dùng căn phòng nhỏ ở số 11 đường Vozzyednannia để dâng lễ. Bàn thờ là một thùng giấy rỗng. Một nhóm năm, sáu người thường xuyên tham dự thánh lễ. Sống trong thời Giáo hội Công giáo “hầm trú” này, cha Velychkovskyi vẫn dâng lễ mỗi ngày không sợ hãi, dạy dỗ giáo dân sống đạo và linh hướng cho nhiều ơn gọi. Năm 1959, vị Đại diện Tông tòa phong chức cho ngài: Giám mục của “Giáo hội thầm lặng”. Do tình trạng phức tạp dưới chính quyền Xô-viết nên đến bốn năm sau chức vụ giám mục của ngài mới có hiệu lực.

Mười năm tù đày không lung lay mà cũng chẳng cải tạo được Giám mục Velychkovskyi. Ngài tiếp tục “Tuyên truyền chống cộng. Không tham gia vào việc công ích. Không thi hành bổn phận công dân Xô-viết. Viết sách nói về bức ảnh Bà Hằng Cứu Giúp, trong đó nêu ra những ví dụ đặc biệt có ý cho rằng người vô thần không thể là công dân tốt. Nghe đài Vatican”. Bản liệt kê tội này đủ để quyết định bắt giữ Giám mục Velychkovskyi vào ngày 2 tháng 1 năm 1969. Án tù lần này là 3 năm, thi hành tại Kommunarsk gần Donbass. Thời gian tù đày lần này đã khiến ngài bị bệnh tim trầm trọng.

Mãn hạn tù ngày 27 tháng 1 năm 1972, Giám mục Velychkovskyi không được phép về Lviv nữa, thay vào đó, ngài được đưa đi Yugoslavia để “cải tạo”. Ngài lợi dụng cơ hội đi thăm người chị ở Zagreb, đến Rô-ma gặp Thượng phụ Yosyf Slipyi. Ngài cũng có một cuộc trò chuyện riêng với Đức Giáo hoàng Phao-lô VI. Sau đó không lâu, ngài tháp tùng Đức Tổng Giám mục Maksym Hermaniuk đi thăm Canada.

Đáng tiếc là cuộc viếng thăm cộng đoàn tín hữu Ukraina của ngài tại Canada không kéo dài được lâu. Giám mục Velychkovskyi qua đời ngày 30 tháng 6 năm 1973 tại Winnepeg, Manitoba, Canada thọ 70 tuổi, phục vụ 10 năm trong chức vụ giám mục. Cho dù trái tim ngài đã nghỉ yên trong thân xác nhưng nó vẫn còn tiếp tục đập trong tâm hồn chúng ta: “Đừng sợ các thống khổ ngươi sắp phải chịu: này ma quỷ sắp tống ngục ít người trong các ngươi, để thử thách các ngươi; các ngươi sẽ phải quẫn bách mười ngày. Hãy cứ trung kiên đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh 2,10)

Quan tâm đến những bằng chứng về đời sống thánh thiện của Đức Giám mục Vasyl Velychkovskyi, cách riêng về lòng can đảm, sự kiên nhẫn chịu đựng và trung thành với Giáo hội Chúa Ki-tô trong thời gian bách hại, án phong Chân phúc cho ngài bắt đầu tiến hành dịp năm thánh 2000. Ngày 2 tháng 3 năm 2001, công việc tại giáo hội địa phương hoàn tất, hồ sơ được nộp lên Đại diện Tông tòa. Ngày 6 tháng 4 năm 2001, Ủy ban Thần học xác nhận sự tử đạo của ngài. Hội nghị các Hồng y thông qua ngày 23 tháng 4 và Đức Thánh Cha John Paul II tuyên bố Giám mục Vasyl Velychkovskyi là Chân phúc tử đạo.ngày hôm sau 27 tháng 6 năm 2001 tại Ukraine.

(Trích tư liệu Dòng Chúa Cứu Thế VN online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)