Ngày 10 tháng 02

Pope Pius XI (Achille Ratti)
(1857-1939)

Tên thật là Ambrogio Damiano Achille Ratti, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1857 tại Desio, Lombardy-Venetia, Milan, nước Ý Đại Lợi. Thụ phong linh mục năm 1879. Đặc sứ Giáo Hoàng tại Ba Lan năm 1918. Khâm sứ Tòa Thánh tại Ba Lan năm 1919. Tổng Giám Mục Milan năm 1921.

Đắc cử Giáo Hoàng thứ 259 kế vị ngai tòa Thánh Phêrô ngày 06 tháng 2 năm 1922 với danh hiệu Pius XI. Ngài là một học giả, sử gia, có tài tổ chức ngoại giao, ý chí cương trực và ham thích hoạt động. Vừa lên ngôi Giáo Hoàng, ngài tỏ ra muốn tiếp tục xây dựng hòa bình thế giới mà vị tiền nhiệm của ngài đã bắt đầu.

Trong thông điệp “Ubi Arcano” ngài đưa ra khẩu hiệu “Hòa bình Chúa Kitô trong nước Chúa Kitô” (Pax Christi in Regno Christi) làm mục tiêu hoạt động cho triều đại của ngài. Ngài tuyên bố khai mở Năm Thánh vào các năm 1925, 1929 (Kim khánh Linh Mục của ngài) và 1933 (19 thế kỷ Ơn Cứu chuộc). Đồng thời lập Lễ Chúa Kitô Vua, dâng loài người cho Thánh Tâm Chúa năm 1925 và cho tổ chức nhiều đại hội Thánh Thể.

Nhiều thông điệp khác bảo vệ phẩm cách và địa vị con người . Trong hai thông điệp "Divini Illius Magistri" (1929) và "Casti Connubii" (1930) bênh vực quyền giáo dục và hôn nhân Kitô Giáo, chống lại mọi sai lầm và lạm dụng của thời đại. Trong thông điệp “Ad Catholici Sacerdotii" (1935) ngài trình bày đời sống thánh thiện phải có của chức linh mục. Và nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp Rerum Novarum của Đức Leo XIII, ngài cho công bố thông điệp rất quan trọng “Quadragesimo Anno" (1931) để minh định một xã hội công bằng và hợp lý. Để trình bày lập trường của Giáo Hội Công Giáo cũng như để lên án các cuộc bách hại của đạo Công Giáo. Năm 1937, Đức Thánh Cha cho ra hai thông điệp “Mit Brennender Sorge” (Với nỗi lo âu hồi hộp) kết án chủ nghĩa Quốc Xã của Hitler, và “Divini Redemptoris” kết án chủ nghĩa Cộng sản vô thần.

Người ta còn gọi Đức Pius XI là Giáo Hoàng truyền giáo. Ngài lưu tâm đến đông phương: tấn phong Giám Mục Trung Quốc và Nhật Bản đầu tiên, mở rộng Học viện Giáo hoàng Đông Phương, lập một chủng viện Nga. Ngài khuyến khích việc giáo dục Kitô Giáo, tố cáo những việc làm quá đáng của các chủ nghĩa đương thời. Tại các nước Công Giáo, Ngài đặt nền tảng cho phong trào Công Giáo Tiến Hành, phát triển công cuộc truyền giáo độc lập với mọi thành kiến. 

Vấn đề La Mã và việc bang giao với vương quốc Ý đã được giải quyết xong trong triều đại của ngài. Nhờ vào biệt tài ngoại giao, chính trị mềm dẻo, ngài đã dàn xếp với Mussolini về vấn đề Roma. Sau hai năm rưỡi thương thuyết, thỏa ước Lateranus được ký kết ngày 11 tháng 2 năm 1929 hình thành Quốc gia Vatican, hòa ước công nhận quyền tuyệt đối của Giáo Hoàng trong Quốc gia Vatican.

Ngài là vị Giáo Hoàng có óc tân tiến, biết dùng những phát minh mới của thời đại như cho xây cất đài thiên văn ở Castel Gandolfo, viện bảo tàng ở Rome, viện khảo cổ Công Giáo, tổ chức Hàn Lâm Viện Khoa Học (1935-1936) . Lần đầu tiên tiếng của vị Giáo Hoàng được truyền đi khắp thế giới qua làn sóng của Đài Phát Thanh Vatican do chính nhà sáng chế người Ý Marconi (1874-1937) thiết kế. Ngài tuyên bố “Giáo Hội ủng hộ khoa học, miễn là không đi ngược với Chân lý Đức Tin”.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được ngài tuyên phong có ảnh hưởng mạnh trong cuộc sống thiêng liêng của ngài.

Đức Giáo Hoàng Pius băng hà ngày 10 tháng 2 năm 1939 sau 17 năm ở ngôi Giáo Hoàng. Được an táng trong hầm mộ của Đại Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican.

(Nhóm Tinh Thần trích " Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo" của Lm Bùi Đức Sinh, OP và nhuận chính lại theo Patron Saints, Vatican online và Santi-Beati-Testimoni)