Ngày 09 tháng 10

Ven. Pope Pius XII (Eugenio Pacelli)
(1876-1958)

Đức Pius XII tên thật là Eugenio Pacelli sinh ngày 02 tháng 3 năm 1876 tại Roma, nước Ý Đại Lợi trong một gia đình quí tộc. Ông nội ngài được Đức chân phước Giáo Hoàng Pius IX phong tước hoàng thân và hầu tước. Thân phụ ngài đã làm luật sư tòa thượng thẩm Rota ở Roma. Ngài thụ phong linh mục năm 1899, lúc mới 23 tuổi, hai năm sau, đậu tiến sĩ giáo luật và dân luật và bắt đầu phục vụ tại Tòa Thánh. Năm 1917, cha Pacelli được Đức Giáo Hoàng Benedetto XV thăng TGM và bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại miền Bavière, nước Đức và năm sau kiêm nhiệm Sứ Thần Tòa Thánh tại nước Phổ.

Năm 1929, Đức TGM Pacelli được Đức Pius XI thăng làm Hồng Y và năm sau đó, bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Sau khi Đức Pius XI qua đời, ngày 02 tháng 3 năm 1939 Đức Hồng Y Pacelli được bầu làm Giáo Hoàng thứ 260 kế vị ngai tòa Thánh Phêrô lấy danh hiệu Pius XII, điều khiển con tàu Giáo Hội trong thời kỳ sóng gió của thế chiến thứ 2. Lễ khai mạc sứ vụ Giáo Hoàng ngày 12 tháng 3 năm 1939.

Đức Pius XII là một vị Giáo Hoàng lỗi lạc, thông thái và có nhiều sáng kiến cải cách. Ngài bắt đầu cho dùng tiếng bản quốc trong Phụng Vụ, quốc tế hóa Hồng Y Đoàn với 2/3 không thuộc quốc tịch Ý, thiết lập các giáo hội địa phương. 

Ngài có lòng sùng kính nồng nhiệt đối với Đức Mẹ, trong Năm Thánh 1950, ngài đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên trời. 

Đức Pius XII đã công bố 41 thông điệp. Những thông điệp quan trọng nhất trong số 41 thông điệp như thông điệp "Divino afflante Spiritu" (Chúa Thánh Linh thổi) công bố năm 1943 thiết lập các qui luật đạo lý để nghiên cứu Kinh Thánh, làm nổi bật tầm quan trọng và vai trò của kinh Thánh trong đời sống Kitô. Đây là một văn kiện chứng tỏ một sự cởi mở rất lớn đối với việc nghiên cứu khoa học về các văn bản Kinh Thánh. 

Một thông điệp khác của ngài được nhắc tới là thông điệp “Mediator Dei” (Đấng trung gian của Thiên Chúa) công bố năm  1947. Qua văn kiện này, ngài đẩy mạnh phong trào phụng vụ, nhấn mạnh về yếu tố nòng cốt của việc phụng tự. 

Qua các thông điệp "Evangelii praecones" (những người công bố Tin Mừng) năm 1951 và thông điệp "Fidei Donum" (Hồng ân đức tin) năm 1947 để cổ võ việc gửi các linh mục địa phận đi truyền giáo, làm nổi bật nghĩa vụ của mỗi cộng đoàn phải rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Chiến tranh đã làm nổi bật tình thương của Đức Giáo Hoàng đối với thành Roma yêu quí, tình yêu được ngài chứng tỏ qua các hoạt động bác ái khẩn trương mà ngài cổ võ để bênh vực những người bị bách hại, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, chính kiến. Khi thành Roma bị chiếm đóng, Đức Pius XII nhiều lần được khuyên nên rời bỏ Vatican để đi nơi khác lánh nạn, nhưng bao giờ ngài cũng quyết liệt trả lời: ”Tôi sẽ không rời Roma và chỗ của tôi, dù tôi có phải chết” (Summarium, p.186). Ngoài ra, các thân nhân họ hàng và những chứng nhân khác kể lại sự tự từ bỏ của ngài về lương thực, sưởi, quần áo, tiện nghi để chia sẻ thân phận bị thử thách đau thương của dân chúng do các cuộc dội bom và những hậu quả của chiến tranh (A. Tornielli, Pio XII, Un uomo sul trono di Pietro). 

Và làm sao có thể quên sứ điệp truyền thanh nhân dịp lễ giáng sinh hồi tháng 12 năm 1942. Với giọng nghẹn ngào cảm động, ngài lên án tình trạng ”hàng trăm ngàn người, không phải vì lỗi của họ, nhưng chỉ vì quốc tịch và dòng dõi của họ, mà phải đi lưu đày hoặc phải chết dần chết mòn” (AAS, XXXV, 1943, p.23), những lời này ám chỉ rõ ràng về các cuộc phát lưu và tiêu diệt người Do thái. 

Đức Pius XII thường hành động một cách kín đáo và âm thầm chính là vì, dưới ánh sáng của tình trạng cụ thể trong thời điểm phức tạp bấy giờ, Ngài trực giác thấy rằng chỉ với cách thức đó mới có thể tránh tình trạng tệ hại hơn nữa và cứu được số đông người Do thái bao nhiêu có thể. Do những can thiệp của ngài, rất nhiều chứng tá đồng thanh biết ơn đã được các giới chức chính quyền cấp cao nhất của Do thái gửi đến Đức Pius XII sau thế chiến thứ hai, cũng như khi ngài qua đời, như từ Bộ trưởng ngoại giao Israel, bà Golda Meir. Bà đã viết: ”Khi cuộc tử đạo kinh khủng nhất đổ xuống trên dân tộc chúng tôi, trong 10 năm kinh hoàng thời Đức quốc xã, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng đã gióng lên để bênh vực các nạn nhân”, và bà kết luận rằng: “Chúng tôi thương tiếc một vị đại tôi tớ của hòa bình”.

Trong thời kỳ chiến tranh, hàng ngàn người chạy vào Vatican tị nạn, chính ĐTC cũng không muốn cho sưởi căn hộ của ngài, để biểu lộ sự cảm thông gần gũi với những đau khổ của dân tị nạn.

Đức Giáo Hoàng Pius XII qua đời tại dinh thự mùa hè Castel Gandolfo ngày 9 tháng 10 năm 1958 và được mai táng trong hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô tại Rome.

Án phong thánh của Đức Pius XII gặp nhiều trở ngại. Thanh danh của Đức Pius XII đã bị thương tổn rất nhiều do trào lưu bôi nhọ ngài trong 45 năm qua, dựa trên các tài liệu tưởng tượng, nhất là từ sau vở kịch của Hochhuth ở Đức với tựa đề ”Vị Đại Diện” hồi năm 1963. Vở kịch này tuy là một sáng tác tưởng tượng, nhưng cũng đã thành công trong việc bôi nhọ khuôn mặt của Đức Pius XII trong bao năm qua.
Tuy nhiên, không phải người Do thái này cũng nghĩ như vậy. Ông Gary Krupp, người Do thái, sáng lập tổ chức ”Pave the Way Foundation” (Dọn đường) có trụ sở tại New York Hoa Kỳ, từ lâu đã đóng góp rất nhiều, thu thập các bằng chứng và tài liệu để làm sáng tỏ sự giúp đỡ của Đức Pius XII dành cho người Do thái.

Một cuốn sách do Nhà xuất bản Vatican ấn hành với tựa đề ”Đức Pius XII - Sự thật sẽ giải thoát bạn” (Pio XII. La verità ti farà libero”, do nữ tu Margherita Marchione người Mỹ gốc Ý biên soạn. Cuốn sách này thu tập các chứng từ trực tiếp, các tài liệu, hình ảnh, nhắm đánh tan mọi lời vu khống cho rằng Đức Pius XII im lặng bất động trước những hành động tàn ác của Đức quốc xã.

Ngày 19 tháng 12 năm 2009, Đức Thánh Cha Benedictus XVI ký sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa Giáo Hoàng Pius XII là Đấng Đáng Kính. Sắc lệnh này sẽ mở màn cho giai đoạn kế tiếp là cứu xét phép lạ trong tiến trình án Phong Thánh.

(Nhóm Tinh Thần trích " Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo" của Lm Bùi Đức Sinh, OP và nhuận chính lại theo Patron Saints, Vatican online và Santi-Beati-Testimoni)

Bài đọc thêm: Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tưởng niệm 50 năm ĐGH Piô 12 qua đời