Ngày 03 tháng 6

Bl. Pope John XXIII (Angelo Giuseppe Roncalli)
(1881-1963)

Sinh trong một gia đình nông dân có đến 10 người con, ngài tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25 tháng 11 năm 1881ở Sotto il Monte thuộc miền bắc nước Ý. Sau thời gian đi tu và chịu chức linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1904, ngài làm giáo sư đại chủng viện và sau đó làm thư ký cho đức giám mục giáo phận Bergamo trong gần 10 năm. 

Kế đến ngài làm việc cho Tổ Chức Truyền Bá Ðức Tin ở Rôma trong bốn năm. Năm 1925, ngài được tấn phong làm Tổng Giám Mục hiệu tòa và 29 năm đầy khó khăn trong công việc ngoại giao trong chức vụ đại diện Tòa Thánh tại Bulgarie, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Khâm Sứ Tòa Thánh tại Pháp năm 1944. Ngài được nâng lên chức hồng y và thượng phụ của Venice năm 1953. 

Mật viện được triệu tập, để bầu Giáo Hoàng mới. Sau ba ngày, lúc 16:45 ngày 28 tháng 10  năm 1958, Ðức Angelo Giuseppe Roncalli, 77 tuổi, được bầu kế Vị Ðức Pius XII là giáo hoàng thứ 261 của Giáo Hội, nhận tên hiệu là Gioan XXIII. Khi được chọn làm giáo hoàng, lúc ấy ngài được bảy mươi sáu tuổi và được coi là vị giáo hoàng "chuyển tiếp.

Người ta thường gọi ngài là "Ðức Giáo Hoàng Gioan Nhân Hậu", và ngài cũng là con cái của Thánh Phanxicô, khi ngài gia nhập Dòng Ba lúc còn là một chủng sinh. Vị giáo hoàng khiêm tốn này thường bắt chước lời của ông Giuse ở Ai Cập (Cựu Ước) chào hỏi các thành viên của Dòng Ba Phanxicô: "Tôi là Giuse, người anh em của quý vị."

Việc thứ nhất của Đức Gioan XXIII là phong 23 Hồng Y, khiến tổng số Hồng Y lên 75 vị, vượt quá con số "truyền thống" 70 đã được Đức Sixtus V ấn định năm 1586.

Năm 1959, Đức Thánh Cha liên tiếp công bố 4 thông điệp: "Ad Petri Cathedram" nói về mục đích của công đồng là đẩy mạnh Đức Tin, canh tân phong hóa, thích ứng các kỷ cương giáo hội với trình độ tiến hóa hiện đại, "Sacerdotii nostri Primordia" về chức linh mục, "Grata Recordatio" về việc đọc kinh Mân Côi và đặc biệt thông điệp "Princeps Pastorum" nói về công cuộc truyền giáo. Các Thông điệp thời danh của Ðức Gioan XXIII -  Mater et Magistra (1961) nói về dấn thân của Giáo hội trong công bình xã hội và Pacem in terris (1963) nhắc đến các giá trị của hòa bình và của phẩm giá con người.  

Ngài bắt đầu duyệt xét lại Bộ Giáo Luật và quốc tế hóa Hồng Y Ðoàn. Ngày 14 tháng 12 năm 1959, Hồng Y Đoàn được thêm 8 vị nữa. Ngày 18 tháng 3 năm 1960 Đức Thánh Cha đặt thêm 7 vị Hồng Y nữa (và 3 vị "in petto"). Ngày 16 tháng 1 năm 1961 đặt thêm 4 Hồng Y mới. Ngày 19 tháng 3 năm 1962, Đức Thánh Cha phong thêm 10 vị Hồng Y nâng con số Hồng Y lên 87 vị.

Sau ba tháng được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan XXIII, dù tuổi đã cao, đưa ra sáng kiến gây ngạc nhiên không những cho Giáo Triều Roma, nhưng cho cả thế giới nữa. Ngày 25 tháng Giêng năm 1959, sau thánh lễ tại Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, để bế mạc Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô, trước sự hiện diện của các Hồng Y tụ họp tại Tu viện Benedicto, kế bên Ðền thờ, Ðức Gioan XXIII,  loan báo triệu tập Công đồng chung Vatican II. 

Sau bốn năm chuẩn bị, Công đồng đã được chính thức long trọng khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962 tại Đền Thánh Phêrô. Trong bài thuyết giảng khai mạc của Đức Gioan XXIII làm chấn động, ngài khẳng định Công Đồng không nên chỉ kết án mà phải hướng về mục vụ và đại kết. Có 2429 nghị phụ tham dự trong số 3070 được mời. Một điểm mới là sự có mặt của nhiều quan sát viên của các giáo hội Kitô Giáo khác: Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo và Công Giáo thủ cựu. Nhất là có nhiều chuyên viên Thần học và Giáo luật để các ủy ban hỏi ý kiến khi soạn thảo các văn kiện. Các cha Lubac, Congar... đem lại một sự quân bình bên cạnh các nhà thần học bảo thủ.

Khóa họp thứ nhất trong 4 khóa vừa kết thúc thì Đức Giáo Hoàng lâm bệnh và qua đời ngày 03 tháng 6 năm 1963 tại Rome, Ý Đại Lợi,  khi 82 tuổi sau 5 năm làm Giáo Hoàng. Thời gian vắn, nhưng công việc của Ngài để lại thật vĩ đại. Đức Gioan XXIII được mai táng trong hầm mộ Đền Thờ Thánh Phêrô tại Rome. Lúc gần lìa đời, miệng ngài không ngớt kêu tên Mẹ Maria. 

Vì ngài là một người Dòng Ba Phanxicô, nên tiến trình phong thánh cho ngài được các tu sĩ Phanxicô xúc tiến. Đức Giáo Hoàng John Paul II đã tôn phong Đấng Đáng Kính Giáo Hoàng John XXIII lên bậc Chân Phước của Giáo Hội ngày 03 tháng 9 năm 2000 ở Công Trường Thánh Phêrô, Rôma.

Ngày 16 tháng 01 năm 2001, sau lễ Phong Chân phước, Vatican đã cho cải táng và khám nghiệm thi hài của Chân phước Gioan 23 đã được chôn cất trước đây dưới hầm Đền thờ Thánh Phêrô, nay đem đặt tại một bàn thờ trong Đền Thờ Thánh Phêrô, cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện. 

Mộ phần được khai quật lên, trước sự hiện diện của ĐHY Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, của Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sandri, phụ tá quốc vụ khanh, và của ĐHY Virgilio Neo, kinh sĩ trưởng của Đền Thờ Thánh Phêrô, người ta phát hiện thi hài của ngài còn nguyên vẹn, đặc biệt là sự toàn vẹn của khuôn mặt vui tươi và mỉm cười của ĐTC Gioan XXIII không bị hư rửa đi. Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, một trong các vị đích thân dự cuộc cải táng và khám nghiệm, tuyên bố rằng: "Có thể sự toàn vẹn của khuôn mặt vui tươi và mỉm cười của ĐTC Gioan XXIII có một "khía cạnh được coi như một phép lạ". Rồi ngài thêm: "Có thể là một ơn ban của Thiên Chúa; nhưng việc thẩm định về hiện tượng này thuộc quyền của vị chuyên môn".

Thi hài của ngài trong phẩm phục giáo hoàng trong quan tài bằng đồng và kính dày, được đặt bên dưới Bàn Thờ Thánh Giêrôme, nơi phía bên phải của gian chính giữa Đền Thờ, gần nơi tượng Thánh Phêrô bằng đồng trong Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô, Rome để mọi người kính viếng. Cho tới lúc này, chỉ có thi hài của ba vị Giáo Hoàng: Thánh Pio X (1903-1914), Chân phước Innocenzo XI (1676-1689)  và Chân phước Gioan XXIII (1958-1963) được đặt ngay phía dưới một bàn thờ trong Đền thờ Thánh Phêrô mà thôi, cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện, xin ơn.

Bài đọc thêm: Kỷ niệm 38 năm ngày Chân Phước Giáo Hoàng John XXIII qua đời

(Trích "Gương Thánh Nhân" - ns Người Tín Hữu Online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)