Ngày 06 tháng 8

Servant of God Pope Paul VI
(1897-1978)

Đức Phaolô VI (Giovanni Battista Montini) sinh ngày 26 tháng 9 năm 1897 tại Concesio thuộc tỉnh Brescia, Lombardy bắc Italia, trong gia đình trung lưu khá giả, cha là luật sư Giorgio Montini và mẹ là bà Giuditha Alghini. 

Thụ phong Linh Mục ngày 29 tháng 5 năm 1920. Cha Giovan Battista đã trình luật án tiến sĩ Giáo Luật tại Milano và mùa thu năm 1920 cha đến Roma ghi danh học thần học tại Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana. Cha Montini được gửi vào trường ngoại giao Tòa Thánh. Cha đậu tiến sĩ thần học, rồi lấy bằng ngoại giao. Vào tháng 6 năm 1921 Cha Montini dọn vào ở trong Vatican và bắt đầu làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khi mới 24 tuổi.

Trong Phủ Quốc Vụ Khanh cha nổi tiếng là người làm việc không ngưng nghỉ, và được mọi người gọi là ”linh mục bé không bao giờ đi nghỉ hè”. Năm 1922 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV qua đời, Đức Cha Achille Ratti, Tổng Giám Mục Milano, được bầu lên thay thế lấy tên là Pius XI. Cha Montini cũng bắt đầu tiến nhanh trong các chức vụ tại trung ương Tòa Thánh.

Khi Đức Hồng Y Gasparri qua đời, Đức Tổng Giám Mục Eugenio Pacelli lên thay thế trong chức vụ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Người tái tổ chức cơ quan này và chọn Đức Ông Montini làm cộng sự viên thân tín của mình. Năm 1937 khi mới 40 tuổi Đức Ông Montini được chỉ định làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đặc trách thường vụ, trong khi Đức Ông Domenico Tardini là Phụ Tá đặc trách ngoại vụ. Tuy tôn trọng nhau, nhưng hai vị không hợp tính tình nhau vì Đức Ông Tardini thì bảo thủ và nhẹ dạ, còn Đức Ông Montini thì cởi mở và thận trọng. Trong 18 năm trời ảnh hưởng của hai vị khiến cho người ta có cảm tưởng tại Phủ Quốc Vụ Khanh cũng có hai phe bảo thủ và cấp tiến. Riêng Đức Ông Montini trở thành bóng của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pacelli, giữ gìn các bí mật ngoại giao và đặc trách các liên lạc thư từ của Đức Hồng Y Pacelli.

Năm 1939 Đức Giáo Hoàng Pius XI đột ngột qua đời, và Đức Hồng Y Pacelli được bầu lên thay thế lấy tên là Pius XII. Đức Hồng Y Luigi Maglione được chỉ định làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và hai vị Phụ tá vẫn giữ nguyên chức vụ của mình. Khi Đức Hồng Y Maglione qua đời năm 1944, Đức Giáo Hoàng Pius XII quyết định để trống chức vụ này. Và hai vị Phụ tá làm việc thay thế. Đức Ông Montini được Đức Giáo Hoàng Pius XII bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milan năm 1954. Đức Cha Montini cai quản giáo phận Milano với rất nhiều thành công trong 9 năm trời. Trong Mật nghị Hồng Y Đức Hồng Y Angelo Roncali, Thượng Phụ Venezia, được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên là Gioan XXIII. Lá thư đầu tiên Đức Gioan XXIII viết là để báo tin vinh thăng Tổng Giám Mục Montini làm Hồng Y. 

Ngày mùng 3 tháng 6 năm 1963 Đức Gioan XXIII qua đời sau khi triệu tập và chủ sự lễ nghi khai mạc Công Đồng Chung Vatican II. Trong Mật Nghị Hồng Y đoàn ngày 21 tháng 6 cùng năm, Đức Hồng Y Montini, 66 tuổi, được bầu là người kế vị thánh Phêrô thứ 265 lấy tên là Phaolô VI. Với tên hiệu này, ngài muốn theo gương Thánh Phaolô, vị Tông đồ Dân ngoại, mở một giai đoạn mới cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng và mở một con đường mới cho Giáo hội bước vào trần thế, theo tinh thần Công đồng Vatican II.

Có thể nói Đức Phaolô VI, là vị Giáo Hoàng của thời đại mới - Trước hết, công việc phải lo ngay là tiếp tục Công đồng do Đức Gioan XXIII đã khởi sự. Ngài đã khôn ngoan hướng dẫn Công đồng trong ba khóa họp khoáng đại, cho đến chỗ hoàn tất. Công đồng bế mạc ngày 8 tháng 12 năm 1965, Lễ Đức Mẹ vô nhiễm, với bốn Hiến chế, chín Sắc lệnh và ba Tuyên ngôn. 

Đức Phaolô VI, cũng là Vị Giáo Hoàng cải tổ đời sống Giáo hội theo tinh thần khó nghèo, đơn sơ của Công đồng Vatican II. Trước khi được bổ nhiệm làm TGM Milano, Đức Montini đã phục vụ trong nhiều năm tại Phủ Quốc Vụ Khanh và là một Vị Giáo sĩ tín nhiệm của Đức Pius XII. Nhờ những năm phục vụ trong ngành ngoại giao và Phủ Quốc Vụ khanh, Đức Montini biết rõ hơn ai hết Giáo Triều Roma. Lên làm Giáo Hoàng ngài lo cải tổ ngay chính nội bộ Giáo Triều. Các Vị Hồng Y, khi đầy 80 tuổi, sẽ không còn được giữ chức vụ nào trong Giáo hội nữa, và cũng không được vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới. 

Các Vị Hồng Y và Giám mục, phục vụ tại Giáo Triều hay các Giáo phận trên thế giới, lúc 75 tuổi, phải đệ đơn từ chức lên Tòa Thánh. Đức Thánh Cha có thể chấp thuận ngay hoặc đình lại một thời gian, tùy quyết định của Ngài. Còn các Vị giữ chức vụ quan trọng tại Giáo Triều chỉ được bổ nhiệm từng nhiệm kỳ 5 năm. Sau đó, Đức Thánh Cha giữ lại cho các nhiệm kỳ sau hay không, hoàn toàn tùy thuộc nơi ngài. Đức Phaolô VI xúc tiến việc Quốc tế hóa Giáo Triều Roma, bằng việc bổ nhiệm các Vị Giáo sĩ không phải người Ý giữ những chức vụ quan trọng tại các Cơ quan trung ương và trong Ngành ngoại giao Tòa Thánh, để nêu cao tính cách hoàn vũ của Giáo hội công giáo, và để các Giáo hội địa phương góp công vào việc quản trị Giáo hội hoàn cầu. Đây là một cuộc cải tổ táo bạo, gặp nhiều chống đối; nhưng Đức Phaolô VI cảm thấy cần phải làm và thực hiện tinh thần và giáo huấn Công đồng chung Vatican II. 

Một cải tổ khác liên hệ đến đời sống Giáo Triều, theo tinh thần của Công đồng chung Vatican II, là công cuộc cải tổ giáo hội nêu gương Giáo hội của các người nghèo. Đức Thánh Cha chỉ thị cho các Hồng Y và TGM trong Giáo Triều không được xử dụng xe hơi Mercedes; nếu muốn dùng loại xe này, phải mang bảng số Ngoại giao đoàn. Thay vì xe Mercedes, ngài mua cho mỗi vị Hồng Y một xe hơi Fiat 125 (lúc đó được coi là loại xe tốt, nhưng không sang, không thuộc hạng xa xỉ phẩm). Các Hồng Y và Giáo sĩ cấp cao không còn những y phục quá rườm rà và tốn phí như ngày xưa (thí dụ: áo đuôi dài tới 5 thước, khi dự các lễ nghi long trọng). 

Ngoài việc cải tổ này, ngài còn bãi bõ "đoàn hộ vệ danh dự" tại Vatican; chỉ giữ lại đoàn vệ binh Thụy sĩ mà thôi (gồm hơn 100 người) và một số cảnh sát để giữ an ninh trong Nội Thành Vatican. Ngài bãi bỏ cả Cộng Đoàn các gia đình quý tộc Roma, vẫn có những đặc ân tại Vatican. 

Để nêu gương khó nghèo và đơn sơ cho mọi người, trước hết Đức Phaolô VI cải tổ nơi chính bản thân, bằng việc bãi bỏ "Mũ ba tầng" của Giáo Hoàng (Tiare). Mũ ba tầng này ám chỉ ba quyền thiêng liêng của Vị Giáo Hoàng: Quyền giáo huấn, quyền thánh hóa và quyền quản trị Giáo hội. Mũ ba tầng do Tổng Giáo phận Milano dâng tặng, ngài chỉ dùng tượng trưng trong ngày nhận chức vụ chủ chăn toàn Giáo hội (thường được gọi là lễ Đăng quang). Từ đó, trong các lễ nghi phụng vụ ngài vẫn dùng Mũ (Mitre) như các Vị Giám mục khác. Còn Mũ ba tầng do Tổng Giáo phận Milano dâng tặng, Ngài đã trao cho Đức Hồng Y Francis Spellman, TGM New York, bán đấu giá để lấy tiền giúp đỡ các người nghèo khổ. Cả gậy Giám mục, thay vì gậy vàng, ngài đã dùng một gậy thường mạ bạc, trên chóp gậy, có ảnh Chúa Giêsu đóng đanh. Chiếc gậy và Mũ giám mục như vậy, đã được Đức Gioan Phaolo đệ nhị tiếp tục dùng trong các lễ nghi phụng vụ như chúng ta thấy cho tới nay. 

Tất cả các cải tổ này đã gặp nhiều phản ứng tiêu cực và tích cực. Đức Phaolô VI đã đau khổ nhiều, nhưng ngài rất can đảm và sẵn sàng lãnh nhận mọi thánh giá Chúa gửi cho. 

Đức Phaolô VI đã công bố nhiều Thông Điệp và Tông Huấn quan trọng như ”Ecclesiam suam”, Populorum progressio”, Evangelii nuntiandi”, , ”Communio et progressio”, ”Marialis cultus”, ”Gaudete in Domino”. Các Thông Điệp nền tảng trình bầy giáo lý của Giáo Hội như Thông Điệp ”Giáo Hội Người”, ”Mầu nhiệm đức tin”, ”Tiến bộ các dân tộc” và ”Humanae vitae” (Sự sống con người). Thông điệp cuối cùng này liên quan tới việc hạn chế sinh sản và chức làm cha có trách nhiệm, đã gây sóng gió khiến Đức Phaolô VI phải công khai tự bênh vực mình.

Sau bao nhiêu thế kỷ Đức Phaolo VI là vị Giáo Hoàng đầu tiên ra khỏi biên giới Italia và dùng máy bay để thực hiện các chuyến công du mục vụ khiến cho mọi người đều hứng khởi. Năm 1964 người viếng thăm Thánh Địa. Tiếp đến năm 1967 người gặp gỡ Đức Athenagoras, Thượng Phụ constantinopoli: đây là lần đầu tiên sau 14 thế kỷ chia rẽ, một vị Giáo Hoàng gặp gỡ một vị Thượng Phụ.

Phù hợp với tinh thần cải cách của Công Đồng Chung Vatican II, Đức Phaolô VI hủy bỏ các huy hiệu, các tàn che, và các cung cách bisantin rườm rà của các lễ nghi, cũng như kiệu giáo hoàng, và các đội cận vệ gồm giới thượng lưu, các buổi rước. Ngai giáo hoàng được thay thế bằng một chiếc ghế đơn sơ vv... Người cũng cho xây đại thính đường Phaolô VI để tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương. Ngoài ra người còn tân trang các văn phòng, các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, trang bị các máy vi tính và các dụng cụ truyền thông tối tấn nối liền Tòa Thánh với khắp nơi trên thế giới. Đức Phaolô VI cũng cải cách các chức vụ và các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tái lượng định vai trò của Thánh Bộ, và quốc tế hóa các nhân viên Tòa Thánh, bằng cách mời gọi người của nhiều quốc gia khác nhau về làm việc tại các Bộ.

Đức Phaolo VI đã phải đương đầu với nhiều khó khăn như các mới mẻ của “Sách giáo lý Hòa Lan”, sự bất phục tùng của tín hữu và các linh mục lan tràn trong Giáo Hội khiến cho người âu lo, sự bất đồng ý kiến của các Giám Mục và các Hội Đồng Giám Mục, các phản đối bạo lực đối với chính con người của ngài, như xảy ra tại Cagliari.

Đức Phaolô VI cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Ấn Độ, trụ sở tổ chức Liên Hiệp Quốc, Fatima bên Bồ Đào Nha, và công du tại Colombia, Australia, Indonesia, Hông Kông, Phi Luật Tân và các thành phố và giáo phận Italia và các giáo xứ Roma.

Người cũng chống lại nạn ly dị, phá thai, và đau đớn chứng kiến cảnh Giáo Hội thua trận không ngăn cản được các luật ly dị và phá thai. Vào các năm cuối đời sức khỏe của người suy yếu và bị thấp khớp rất nặng, bị giải phẫu tuyến tiền liệt, và đau đớn chứng kiến sự nổi loạn đến như ly giáo của Đức Cha Marcel Lefèbvre.

Thế rồi còn có nỗi đau trước cái chết thê thảm của người bạn thân là chính trị gia Aldo Moro, bị Lữ Đoàn Đỏ sát hại vào tháng 5 năm 1978 mặc dù Đức Phaolô VI đã tha thiết yêu cầu tổ chức này trả tự do cho ông. Đức Phaolô VI đã viết một lời kinh cảm động cho đám táng của ông Moro, do chính người chủ sự tại đền thờ thánh Gioan Laterano ở Roma, trong đó người thấy trước sự kết thúc 15 năm Giáo Hoàng đầy phong phú và biến động cũng như  81 năm tuổi đời của người: ”Lậy Thiên Chúa là Cha thương xót, xin cho sự hiệp thông không bị đứt quãng, cho dù trong đêm đen của cái chết, xin cho sự hiệp thông đó từ cuộc sống tạm này bầu cử cho những người chết và chúng con tất cả còn sống trong ngày hôm nay của một mặt trời lặn không thể ngăn cản được....”

Đức Phaolô VI qua đời vào lúc 6 giờ chiều ngày 6 tháng 8 năm 1978 lễ Chúa Hiển Dung tại trại hè Castelgandolfo, sau hơn 15 năm làm Giáo Hoàng. Vài ngày trước khi qua đời Đức Phaolô VI đã nói “Tôi đã duy trì lòng tin”. Câu nói này tóm gọn chân dung của một vị Giáo Hoàng khiêm tốn và cứng rắn, say mê Chân Lý và là người đã lèo lái con thuyền Giáo Hội trong những năm sóng gió của thế giới và Giáo Hội thời hậu Công Đồng. Triều đại Giáo Hoàng của Ngài (từ năm 1963 đến năm 1978) là một trong các Triều Giáo Hoàng của những cải cách lớn lao, nhưng cũng là Triều Giáo Hoàng đầy khó khăn và đau khổ trong lịch sử Giáo Hội. Ngài được an táng trong hầm mộ của Đền Thánh Phêrô tại Vatican.

(Nhóm Tinh Thần trích "Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo" của Lm Bùi Đức Sinh, OP và nhuận chính lại theo Patron Saints, Vatican online và Santi-Beati-Testimoni)