Ngày 28 tháng 9

Servant of God Pope John Paul I (Albino Luciani)
(1912-1978)

Đức Albino Luciani sinh ngày 17 tháng 10 năm 1912 tại Forno di Casale, một làng nhỏ với hơn ngàn dân cư, thuộc giáo phận Belluno, trong vùng Veneto, miền Bắc nước Ý. Con ông bà Giovanni Luciani và Bortola Tancon. Lúc nhỏ, cậu Albino đã phải trải qua một thời thơ ấu túng cực: ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Đó là thời đệ nhất thế chiến 1914-1918. Cha cậu vì sinh kế phải đi làm mãi bên Thụy Sĩ. Ở nhà, mẹ cậu phải quán xuyến tất cả: nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Bà rất đạo đức và lòng đạo đức ảnh hưởng sâu đậm trên con cái, đặc biệt là Albino, vị Giáo Hoàng tương lai.

Thụ phong linh mục ngày 07 tháng 7 năm 1935 cho giáo phận Belluno. Sau đó giữ chức phó giám đốc Chủng viện giáo phận cho đến năm 1954, năm ngài được bổ nhiệm làm Tổng đại diện giáo phận. Ngài đã dâng hiến cả cuộc đời linh mục để nghiên cứu thần học và đào tạo linh mục cho giáo phận Belluno. Năm 1958, Đức Gioan XXIII đặt ngài làm Giám mục giáo phận Vittorio Veneto, ngài đã tham dự bốn khóa của Công Đồng Vatican II. Năm 1969, Đức Phaolô VI bổ nhiệm làm Thượng Phụ Giáo chủ Venezia và năm 1973 thăng ngài lên bậc Hồng Y. 

Vị thư ký của ngài là cha Diego Lorenzi nói rằng ngài có một óc khôi hài đặc biệt. Ngài thường nói rằng lúc ngài làm linh mục thì chẳng ai chú ý đến các bài giảng của ngài, nhưng kể từ khi ngài được bổ nhiệm làm giám mục thì các bài giảng ấy đều trở thành xuất sắc. 

 

Đức hồng y Albino Luciani, thượng phụ thành Venice, đắc cử giáo hoàng thứ 263 kế vị ngai tòa Thánh Phêrô ngay trong lần bỏ phiếu thứ ba trong ngày thứ hai của Cơ Mật Viện ngày 26 tháng 8 năm 1978. Ngài lấy tước hiệu Gioan Phaolô I. 

Đây là vị Giáo Hoàng đầu tiên chọn danh hiệu kép. Chính Đức Gioan Phaolô I giải thích ngày hôm sau trong buổi gặp gỡ đầu tiên với dân chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói: "Khi vào mật nghị hồng y, tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng điều ấy xảy đến cho tôi. Nguy hiểm đã bắt đầu đến với tôi... Tôi nhận tên là Gioan, để nhớ Đức Gioan XXIII, đã bổ nhiệm tôi làm Giám mục giáo phận Vittorio Veneto, và Phaolo, để nhớ Đức Phaolô VI, đã đặt tôi làm Hồng Y. Ngài nói thêm: “Tôi không có được sự khôn ngoan của Đức Gioan 23 hoặc sự chuẩn bị và học hỏi như Đức Phaolô VI. Nhưng tôi thay thế các ngài và tôi sẽ quyết tâm theo đường lối Công đồng do các ngài đã khởi xướng. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ giúp đỡ tôi bằng lời cầu nguyện của anh chị em"

Nghi lễ đăng quang Giáo Hoàng ngày 03 tháng 9 năm 1978 được ngài cho đơn giản hóa. Tiếc thay, triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô I chỉ giới hạn trong 33 ngày. 

Ngài qua đời vì nhồi máu cơ tim đang khi đọc sách đêm trên giường ngày 28 tháng 8 cũng năm 1978. Cái chết của ngài, chính thức do nguyên nhân bị đứng tim, đã khơi dậy nhiều điều khó hiểu. Ngay liền sau cái chết của ngài, nhiều tiếng đồn cho rằng ngài có thể bị đầu độc. Dù chính thức bị bác bỏ, nhưng những tiếng đồn nầy vẫn còn đó. Triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô I là triều giáo hoàng ngắn nhất trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô I được đặc biết quý mến như là vị giáo hoàng gần gủi với các tín hữu, và được gọi là "vị giáo hoàng của nụ cười". 

Án phong Thánh cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô I được chính thức khai mở ngày 23 tháng 11 năm 2003 tại Nhà Thờ Chính Tòa Belluno, giáo phận nguyên thủy của Đức Gioan Phaolô I.

Linh Mục Pasquale Liberatore, cáo thỉnh viên của vụ án, đã cho biết công việc làm án phong Thánh cho Đức Gioan Phaolô I gồm có hai việc chính yếu sau đây: trước hết là thu thập khoảng 60 chứng từ của những người đã biết đức Gioan Phaolo I. Những chứng từ nầy đến từ giáo phận Vittorio Veneto, nơi Đức Gioan Phaolô I đã thi hành tác vụ giám mục trong vòng 11 năm, và tại Venezia, nơi Đức Gioan Phaolô I đã là giáo chủ trong vòng 9 năm, và cuối cùng tại Roma, nơi Đức Gioan Phaolô I đã thi hành tác vụ Phêrô trong vòng 33 ngày. Kế đến công việc thứ hai là thẩm định giá trị giáo huấn của Đức Gioan Phaolô I; hai thần học gia sẽ nghiên cứu về giáo huấn của Đức Gioan Phaolô I, để quyết định chắc chắn là không có điểm nào trong giáo huấn của Đức Gioan Phaolô I đi ngược lại với giáo lý của giáo hội. Trong khi đó, một ủy ban các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ thu thập tất cả những tác phẩm của Đức Gioan Phaolô I chưa được xuất bản, chẳng hạn như, những bức thơ riêng, cũng như tăt cả nhửng tài liệu liên quan đến cuộc đời của "Đầy tớ Chúa" Gioan Phaolô I. 

Đặc biệt, khi được hỏi về những ảnh hưởng mà những tiếng đồn liên quan đến cái chết của Đức Gioan Phaolô I có thể có trên việc làm án phong thánh cho ngài, linh mục cáo thỉnh viên Pasquale Liberatore quả quyết rằng những nghi ngờ mà ngưởi ta đã đưa ra, sẽ được nghiên cứu với sự chú ý đặc biệt. Nhưng chúng ta không nên quên rằng mục tiêu chính là chứng minh sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô I; phần còn lại là điều thứ yếu." 

Đức Cha Vincenzo Savio, giám mục giáo phận Belluno Feltre, sinh quán của Đức Gioan Phaolô I, khi vừa kết thúc cuộc điều tra để đệ nạp hồ sơ xin phong chân phước cho vị giáo hoàng này. Đức cha Savio đã nói rằng đức giáo hoàng Gioan Phaolô I không những là một vị thánh đã có nhiều phép lạ. Ngài còn là thánh vì những nhân đức trong đời thường.

(Nhóm Tinh Thần phỏng dịch theo Vatican Online và nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)

Bài đọc thêm: Đức thánh cha Gioan Phaolô I và hiền mẫu