Pope Benedict XVI (Joseph Ratzinger)
(1927--)

Ðức Joseph Ratzinger sinh ngày 16/4/1927 tại Marktl am Inn, Ðức quốc. Thân phụ ngài là một cảnh sát viên xuất thân từ một gia đình nông dân miền Hạ Baviera. Thời thiếu niên, ngài theo học tại Traunstein và bị gọi nhập ngũ phục vụ với tư cách quân nhân dự bị trong lực lượng phòng không Ðức quốc xã vào những tháng sau cùng của Thế Chiến Thứ Hai.

Sau chiến tranh, từ 1946 đến 1951 ngài theo học Triết Học và Thần Học tại Ðại Học Munich. Sau khi được thụ phong linh mục ngày 29/6/1951, ngài tiếp tục học Cao Học tại Traunstein. Năm 1953, ngài được cấp bằng Tiến Sĩ Thần Học với đề tài: "Dân Chúa trong học thuyết của Thánh Augustinô về Giáo Hội".

Bốn năm sau đó, ngài trở thành Giáo Sư Ðại Học. Ngài dạy Tín Lý và Thần Học Căn Bản tại Viện Cao Học Freising, sau đó tại Bonn từ 1959 đến 1969, Munster từ 1963 đến 1966, Tubinga từ 1966 đến 1969. Từ năm 1969, ngài là Giáo Sư Thần Học Tín Lý và Lịch Sử Tín Lý tại Ðại Học Regensburg và là phó Giám Ðốc viện Ðại Học này.

Năm 1962, lúc 35 tuổi ngài đã rất nổi tiếng trên thế giới và trở thành cố vấn cho Tòa Thánh tại Công Ðồng Chung Vatican II, cũng như cố vấn cho Ðức Hồng Y Joseph Frings, lúc ấy là Tổng Giám Mục Cologne.

Trong vô số các tác phẩm của ngài, nổi tiếng nhất là cuốn "Nhập Môn Kitô Giáo" xuất bản năm 1968 và cuốn "Tín Lý và Mạc Khải" tổng hợp các suy tư, bài giảng và tiểu luận dành riêng cho việc mục vụ xuất bản năm 1973.

Tháng 3 năm 1977, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài là Tổng Giám Mục Munich và Freising. Ngài được tấn phong ngày 28/5/1977. Liền đó, ngài được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI tấn phong Hồng Y ngày 27/6/1977.

Ngày 25/11/1981, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử ngài giữ chức tổng trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh về Thánh Kinh, và chủ tịch Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

Ngài đã từng là phát ngôn viên tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục kỳ 5 (1980), chủ tịch Ðại Biểu tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục kỳ 6 (1983).

Ngài được bầu làm phó niên trưởng Hồng Y Ðoàn ngày 6/11/1998. Ngày 30/11/2002, Ðức Thánh Cha đã phê chuẩn việc các Hồng Y bầu ngài là niên trưởng Hồng Y Ðoàn.

Là Niên Trưởng Hồng Y Đoàn ngài chủ tọa các cuộc thảo luận của Hồng Y Đoàn khi Tòa Thánh trống ngôi sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 2 tháng Tư năm 2005.

Vào lúc 5giờ 50 chiều giờ Rôma, thứ Ba ngày 19 tháng 4 năm 2005, khói trắng đã bốc lên từ ống khói của điện Sistine. Cùng lúc chuông các thánh đường ở Rôma đã vang lên những tiếng vui mừng. 6giờ 43 phút, Đức Hồng Y Jorge Arturo Medina Estevez của Chilê đã xuất hiện trước ban công và tuyên bố với mọi người là: Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng. Đó là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Ngài lấy tên là Benedict XVI. Đức Bênêđíctô XVI với thánh giá dẫn đầu, tiến ra chào mừng mọi người, và ban phép lành Tông Đồ Urbi et Orbi - cho thành Rôma và toàn thế giới. 

Đức Hồng Y Josepth Ratzinger đã được mật nghị Hồng Y gồm 115 vị đến từ 52 quốc gia trên thế giới bầu chọn làm Đấng kế vị Đức Gioan Phaolô II và là Giáo Hoàng thứ 264 kế vị Thánh Phêrô. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ 2 sau Đức Gioan Phaolô II không phải là người Ý suốt chiều dài gần 500 năm của lịch sử Giáo Hội. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng thứ 6 người Đức kể từ thế kỷ thứ 11. Một điều khác cũng làm mọi người hết sức ngạc nhiên, là tuy rất thân thiết và đồng nhất quan điểm với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng Ngài lại không chọn tước hiệu Gioan Phaolô mà là Bênêđíctô. Đức Bênêdictô XVI là vị giáo hoàng xuất thân từ Đức sau gần 950 năm. Và Chúa Nhật 24 tháng 4 năm 2005, Ngài chính thức đăng quang Giáo Hoàng.

 

Trong 5 năm triều đại giáo hoàng của mình, Đức Benedict XVI đã công bố:

- 3 Thông Điệp: "Deus Caritas est" ("Thiên Chúa là Tình Yêu") ngày 25/12 năm 2005, "Spe salvi" ("Được cứu rỗi nhờ Hy vọng") ngày 27/11 năm 2007 và "Caritas in veritate" ("Bác Ái trong Chân Lý") ngày 30/06 năm 2009.

- 1 Tông Huấn về Thánh Thể

- 1 Tông Hiến: "Anglicanorum coetibus" ("Các tín hữu Anh Giáo")

- 9 Tự Sắc

- Quyển sách "Giêsu thành Nazareth" và hàng trăm bài diễn văn, bài giảng, thư tín và thông điệp khác.

Ngài đã thực hiện 14 chuyến tông du ra nước ngoài và 16 chuyến thăm mục vụ tại Italia. Các sự kiện quan trọng trong triều đại giáo hoàng của Ngài là: chuyến thăm Trại tập trung Đức Quốc Xã 'Auschwitz' vào năm 2006, đến thăm Thánh đường Hồi Giáo 'Blue Mosque' ở Istanbul cũng trong năm 2006, diễn văn trước cử tọa Liên Hiệp Quốc năm 2008 và chuyến thăm các hội đường Do Thái tại Roma.

Ngài đã triệu tập 2 Thượng Hội Đồng Giám Mục: lần đầu năm 2008 về Lời Chúa và lần thứ hai năm 2009 về châu Phi. Thượng Hội Đồng thứ ba sẽ diễn ra vào cuối năm nay về Trung Đông.

Một trong những nỗ lực của ngài trong sứ mệnh ấy là ban hành tông hiến "Anglicanorum coetibus" để đón nhận các tín hữu Anh giáo trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo.

Trước đó, ngài đã đưa cánh tay hòa giải ra với những người Công giáo thủ cựu thuộc huynh đoàn Pio X, khi cho phép họ được cử hành thánh lễ theo nghi thức có trước thời công đồng Vatican và đặc biệt hơn, dạo đầu năm 2009, ngài đã rút lại vạ tuyệt thông cho 4 vị Giám mục thủ cựu.


(Nhóm Tinh Thần trích tổng hợp từ hệ thống Truyền Thông Công Giáo)