Ngày 13 tháng 11

St. Agostina Pietrantoni
(1864-1894)

St Agostina PietantoniGiáo Hội đã phong Thánh cho Sơ Agostina không những vì cái chết thê thảm của Sơ, mà cũng vì đời sống bác ái âm thầm trong khi phục vụ những bệnh nhân nghèo khổ. Dù rằng sau khi chết, báo chí đã tôn nhận Sơ là "vị tử đạo vì đức bác ái Kitô Giáo", nhưng Giáo Hội đã tuyên phong Sơ lên bậc Chân Phước và hiển Thánh dưới tước hiệu "Đồng Trinh" thay vì "Tử Đạo".

Livia Pietrantoni sinh ngày 27 tháng 3 năm 1864 tại Pozzaglia Sabina, Rieti, nước Ý,  là người con thứ hai trong mười anh chị em thuộc một gia đình Công Giáo, với mức sống trung bình đối với miền đó. Ông nội của Livia cũng sống chung với gia đình ông bà Pietratoni. Mỗi tối, cha của Livia hướng dẫn gia đình đọc Kinh Mân Côi, sau đó là hát các bài thánh ca hay học hỏi về giáo lý. Thường cũng có một số người hàng xóm cùng tham dự.

Ngay từ tuổi nhỏ, Livia đã được tặng cho biệt hiệu là "cô giáo". Tại trường học, Livia là một học sinh gương mẫu, cho dù Livia thường bị khiển trách vì nghỉ học mà không có lý do. Bị phê là "không lý do", nhưng thực sự Livia nghỉ học là vì phải giúp mẹ săn sóc cho cha cô đang mắc bệnh sưng khớp xương, chứng bệnh này đã làm cho ông hầu như bị tê liệt kinh niên. Từ lúc 7 tuổi, Livia đã bắt đầu phải làm việc để giúp vào tài chính của gia đình.

Dù Livia là một người trầm lặng và nhút nhát, em cũng có rất nhiều bạn. Livia có một ảnh hưởng tự nhiên trên họ, nên họ thường đến với em để bàn hỏi nhiều vấn đề, cả những vấn đề rất tầm thường. Đối với các em, Livia đã tỏ ra là "một người mẹ nhỏ" thật đảm đang. Một trong những người em của Livia đã nói: "Ở nhà, tôi không nhớ có lần nào chị Livia đánh hay giận bất cứ người nào trong chúng tôi".

Từ tuổi nhỏ, Livia đã được huấn luyện để làm việc. Ở nhà Livia giúp đỡ các em, chăm nom gia súc, làm việc ngoài đồng, và còn khá thông thạo trong nghề làm giầy. Cũng có kỳ Livia và một số bạn bè đã đi Trivoli để giúp hái trái cây Ôliu. Đây là một công việc thật khó khăn, không những đòi kiên nhẫn mà còn rất vất vả nặng nhọc. Cha mẹ của các cô bạn luôn sẵn sàng cho con họ đi, vì biết rằng Livia là một con người có ý thức và đáng tin cậy. Trong 4 năm, Livia đã giúp vào việc xây con đường chính từ Orvinio đến Poggio Maiano. Dù Livia được trả lương rất thấp cho công việc nặng nhọc này, nhưng không bao giờ em than trách một lời.

Thời gian trôi qua thật mau, Livia đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng và khoẻ mạnh, khiến cho nhiều chàng trai lưu tâm chú ý. Một trong những chàng trai đó sau này đã nói: "Tôi đã làm quen với cô trong mấy tháng. Dù biết là không có hy vọng, tôi vẫn quyết định sẽ bày tỏ tình yêu của tôi... Thật không phải dễ để có thể gặp riêng cô... Một chiều nọ, tôi tình cờ gặp cô trên đường. Lúc đó cô đang đọc sách. Cô dừng lại, hơi lúng túng. Rồi cô lấy từ trong sách một tấm hình Chúa Giêsu. Cô cho tôi xem, rồi nói 'Đây là người tôi sẽ kết hôn với,' Tôi liền trả lời, 'Tôi đã biết, và cô thật sự xứng đáng với Người'".

Dù nhiều lần được mẹ khuyên nên lập gia đình, và ở gần nhà, nhưng Livia vẫn nhất quyết trung thành với ước mộng trở thành một nữ tu. Đến năm 21 tuổi, Livia đã bày tỏ nguyện vọng này với người cậu, lúc này là một Thầy Dòng. Thầy hứa sẽ giúp cô khi Thầy tin rằng cô thực sự có ơn kêu gọi trong bậc tu trì. Dù các bạn tìm mọi cách để thuyết phục Livia bỏ ý định này, nhưng Livia vẫn nộp đơn xin nhập Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Gioan Antida  (S.C.S.J.A.) vào năm 1886. Lúc đầu Livia bị từ chối, nhưng sau đó các vị hữu trách đã xét lại, và Livia đã được nhập vào Tập viện tại Rôma. Livia đã chào biệt gia đình, rồi quỳ xuống xin cha mẹ và ông nội chúc lành. Khi đã ra ngoài và đóng cửa lại, Livia đã quay lại hôn lên cửa và làm một dấu Thánh giá lớn trên cửa. Rồi, đưa tay gạt những giọt lệ trên mắt, Livia liền bước lên xe, và sẵn sàng bước vào một cuộc sống mới.

Sơ coi sóc nhà thử còn nhớ Livia là một người luôn vui cười, luôn vâng phục, và luôn phụng sự Chúa trong vui tươi. Một lần nọ, Sơ Giáo tập đã hỏi xem đối với Livia, điều gì là khó khăn nhất, và Livia đã trả lời, "Đối với Chúa mọi sự đều quá bé nhỏ. Em sẵn sàng làm mọi việc cho Ngài". Sau thời gian Tập, Livia được đổi tên mới là Agostina, và được cử giúp việc y tá tại bệnh viện Santo Spirito. Bệnh viện này đã có một lịch sử thật vẻ vang, nơi đã ghi dấu chân biết bao đấng thánh, nhưng trong thời của Sơ Agostina, phong trào tục hoá đã tước bỏ hết đặc tính tu trì của nó. Các tượng Thánh Giá đã bị tháo cất đi, và các nữ tu phải tuân theo rất nhiều luật lệ, một trong những khoản luật là các Sơ phải giữ, là không được nói về Thiên Chúa với các bệnh nhân. Nhưng Sơ Agostina không cần lời nói để trao ban Thiên Chúa cho các bệnh nhân: hành động của Sơ là những lời nói hùng hồn hơn cả về tình yêu của Sơ dành cho Thiên Chúa. Xem ra mọi người đều nhận ra điều đó.

Sau một thời gian ngắn, Sơ Agostina mắc phải bệnh phổi, nhưng sau khi chịu phép Xức dầu, Sơ đã bình phục. Sau đó, Sơ lại xin phép trở lại phục vụ trong khu vực phổi, để các Sơ khác khỏi bị nhiễm lây bệnh này. Thái độ của những bệnh nhân trong khu vực này thật là đáng sợ; những hành động thô tục và phạm thượng rất thường xảy ra, nhiều khi đã phải mời cảnh sát can thiệp. Vì thế, Sơ Agostina có khi đã phải hứng chịu những sỉ vả, khạc nhổ, và có một lần kia Sơ còn bị đánh trọng thương. Nhưng Sơ vẫn không sợ hãi những công việc mình phải đảm trách. Không những thế, Sơ còn bênh vực các bệnh nhân, "Họ không xấu, nhưng chỉ vì họ bị bệnh. Bởi vậy, ta phải xót thương họ. Quý vị nên giúp tôi cầu nguyện cho họ". Vì thế, trong mọi lúc, Sơ luôn kiên nhẫn và vui tươi, cho dù các bệnh nhân có hành động khiếm nhã đến đâu cũng thế.

Để có ơn trợ lực trong lúc giúp đỡ những bệnh nhân ương ngạnh, Sơ Agostina đã hướng mắt lên Đức Mẹ. Sơ đã viết thư cho Đức Mẹ và "gởi" lá thư đó sau một tấm hình Đức Mẹ trong một căn phòng nhỏ gần khu vực phổi. Một trong những lá thư đó, Sơ viết: "Lạy Mẹ rất thánh, xin Mẹ hãy cứu vớt con người bất hạnh đó, con đã không thể thay đổi tấm lòng chai đá của ông ta, và con hứa sẽ làm thêm hai hay ba đêm để tôn kính Mẹ". Sơ Agostina có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ, và việc sùng kính Sơ thích nhất là kinh Mân Côi, đây là việc sùng kính Sơ thực hiện hằng ngày. Thêm vào đó, Sơ dành rất nhiều giờ để cầu nguyện. Vì đối với Sơ, cầu nguyện không những là một bổn phận, mà còn là một nhu cầu sống, tương tự như hơi thở. Chính Sơ đã chân nhận rằng nhờ đời sống cầu nguyện, Sơ mới có đủ nghị lực để đứng vững trong khi phục vụ tại khu vực này.

Dù Sơ Agostina rất hăng hái làm việc, nhiều khi còn làm thay cho những nữ tu yếu bệnh, Sơ cũng có những giây phút nghỉ ngơi. Một lần nọ, trong khi cùng với một Sơ khác về Nhà Mẹ, khi về đến nhà, Sơ Agostina nói sẽ chờ Sơ kia trong nhà nguyện. Chiều hôm đó, lúc Sơ kia trở lại, Sơ Agostina nói: "Tôi được một giấc ngủ thật ngon trước Chúa Giêsu". Tuy nhiên, Sơ Agostina thích làm việc hơn là nghỉ ngơi. Buổi chiều trước khi qua đời, Sơ Agostina đã nói lời tiên tri sau đây với chị em Dòng, "Sau khi chết, chúng ta sẽ nằm xuống nghỉ rất dài, nên chúng ta phải đứng bao lâu chúng ta còn sống. Bây giờ chúng ta hãy làm việc; một ngày nào đó chúng ta sẽ nghỉ".

Sơ Agostina đã tuyên khấn trọng thể ngày 23 tháng 9 năm 1893. Sau đó, Sơ trở lại làm việc trong khu vực "khủng khiếp" kia. Nhiều bệnh nhân trong khu vực này đã đến từ các trại tù. Một trong những người đầu đảng của nhóm chuyên môn phá rối này là Giuseppe Romanelli, một người đã bốn lần bị toà kết án. Khi mẹ và chị em ông đến thăm, Sơ Agostina tỏ ra niềm nở ân cần tiếp đón họ, có khi còn bố thí cho họ. Nhưng khi Giuseppe bị đuổi vì hạnh kiểm xấu, hắn đã đổ hết lỗi cho Sơ Agostina, dù rằng Sơ không dính dáng gì đến chuyện này. Sau đó, hắn mấy lần viết thư đe doạ Sơ. Dù biết rằng hắn là một con người nguy hiểm, Sơ vẫn bình tĩnh tiếp tục chu toàn nhiệm vụ.

Sáng thứ ba ngày 13 tháng 11 năm 1894, Sơ Agostina đang phụ giúp một bệnh nhân mà Sơ đã hứa sẽ giúp đỡ. Sơ đi cùng với bệnh nhân đó ra khỏi khu vực và đi vào một con đường nhỏ. Đột nhiên, Giuseppe xuất hiện trước mặt Sơ. Với con dao trong tay, hắn liền xông đến đâm Sơ. Người bệnh nhân đi với Sơ liền thất thanh kêu cứu. Trong khi các bệnh nhân và y tá chạy đến, tên sát nhân kia đã chạy thoát thân. Sơ Agostina lúc này đang nằm trên đất, thều thào lời sau cùng: "Lạy Mẹ, xin giúp con". Một nữ tu cùng với vài nhân viên bệnh viện đã khiêng Sơ về đặt lên giường. Mẹ Bề trên đã đến bên giường lay nhẹ Sơ, và hỏi Sơ đã tha thứ cho kẻ ám hại Sơ chưa. Dù không thể nói ra lời, Sơ Agostina đã gật đầu và cười. Tiếp sau đó, Sơ trút linh hồn.

Liền sau đó, các nhà báo, phóng viên, nhiếp ảnh đổ xô đến bệnh viện, họ nói: "Chúng tôi muốn thấy vị tử đạo". Vì thấy rằng không thể di chuyển xác Sơ Agostina đi chỗ khác, một nữ tu đã đặt một cành huệ lên tay và một vòng hoa hồng trắng trên đầu Sơ Agostina. Sau cuộc thử nghiệm được thực hiện vào ngày hôm sau, lễ an táng đã được cử hành vào ngày 15 tháng 11 năm 1894. Thành phần tham dự gồm có đại diện của chính quyền địa phương, của các bệnh viện, và các dòng tu, nhất là một số đông thường dân, họ đến để tôn kính một vị tử đạo vì đức bác ái.

Giuseppe Romanelli đã bị bắt trong ngày lễ an táng Sơ Agostina. Dù gia đình Sơ Agostina đã xin ân xá, Giuseppe vẫn bị kết án chung thân. Không đầy một năm sau, ông đã chết trong tù, sau khi đã trở về làm hoà với Chúa Kitô và lãnh nhận các phép sau hết.

Thủ tục xin phong thánh cho Sơ Agostina được bắt đầu từ năm 1936; đến năm 1945, sắc lệnh điều tra phong thánh cho Sơ được ban hành. Sơ Agostina đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên phong lên bậc Chân Phước năm 1972 và Đức Thánh Cha John Paul II đã nâng Sơ Agostina lên hàng hiển thánh ngày 18 tháng 4 năm 1999.

(Trích "Chứng Nhân Chúa Kitô" Rev John, CMC biên soạn & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints, Vatican Online và Santi-Beati-Testimoni)