Ngày 13 tháng 8

St. Benildus Romancon
(1805-1862)

St Benildus RomanconKhi còn nhỏ Phêrô Romancon thường bị chúng bạn gọi là "tép" vì thân hình bé nhỏ của em. Khi làm giấy khai sinh, vài người bạn phải đi theo để làm chứng, vì ba em không viết nổi tên của ông nữa. Cả cha mẹ của Phêrô đều không biết chữ, nhưng họ nhất quyết sẽ cố gắng để cho con họ được học hành. Họ đã bớt những công việc đồng áng để Phêrô có giờ đến trường học.

Cha mẹ của Phêrô đều không được học, nhưng họ là những người rất chăm chỉ làm việc và rất đạo đức. Vì quá bận rộn nên mẹ em không thể tham dự thánh lễ hằng ngày, nhưng vừa khi rảnh rang một chút, bà liền đến nhà thờ viếng Thánh Thể. Một trong những điều Phêrô vẫn còn nhớ mãi là những lần em theo mẹ đến viếng Thánh Thể, và Phêrô đã cho rằng chính những cuộc viếng Thánh Thể này đã làm nảy sinh ơn gọi của mình.

Khi Phêrô được 13 tuổi, một thầy giáo đã nhờ em giúp ông dạy một nhóm học sinh phá phách mà chính ông không trị được. Tất cả mọi người, nhất là thầy giáo, đã ngỡ ngàng vì không ngờ em có thể trị được nhóm học sinh này. Từ ngày đó Phêrô đã tìm ra hướng đi của cuộc đời mình, đó là ngành giáo dục.

Một ngày nọ, trong khi cùng với mẹ đi qua đường phố, Phêrô nhìn thấy hai người trang phục trông rất khác người. Mỗi người đeo một cỗ tràng hạt, còn đầu thì đội mũ ba cạnh. Vào thời đó, nước Pháp mới trải qua một giai đoạn đẫm máu do phong trào chống tôn giáo gây nên. Nhiều dòng tu vẫn chưa dám mặc tu phục. Vì có lẽ chưa bao giờ thấy một bộ tu phục nào, nên Phêrô đã hỏi mẹ hai người kia là ai. "Đó là các sư huynh, những người dạy học vì lòng mến Thiên Chúa".

Từ ngày đó, Phêrô bắt đầu có ý định cũng muốn làm một sư huynh dạy học. Mẹ cậu thì sẵn sàng để cho con thử ơn gọi này, nhưng ba cậu muốn cậu làm một thầy giáo ngoài đời để cậu có thể tiếp tục ở gần gia đình. Hơn nữa, ông cho rằng Phêrô chưa đủ khôn lớn để làm quyết định quan trọng này. Sau cùng, hai ông bà đã quyết định cho Phêrô theo học tại trường các sư huynh tại Riom. Tại đây, ước vọng muốn làm sư huynh của Phêrô càng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Phêrô đã được mặc áo Dòng Sư Huynh Các Trường Thiện Giáo (F.S.C.) vào năm 1820, và được đổi tên là Thầy Benildus. Đến lúc này, ba của Thầy vẫn không bằng lòng cho Thầy làm sư huynh. Ông đã đến thăm và nói với Thầy: "Phêrô, ba muốn con về với ba". Thầy thật không ngờ ba mình vẫn còn phản đối ơn gọi của mình. Thầy đã thưa với ba: "Nếu ở đây con phải sống bằng vỏ khoai tây thì con cũng ở lại, con sẽ không bỏ nhà này". Dù vậy, Thầy cũng đẫm lệ khi thấy ba buồn sầu ra về. Sau đó, Thầy liền vào nhà thờ để dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể nỗi buồn ấy.

Một năm sau, Thầy Benildus bắt tay vào nghề giáo dục. Đến năm 1839, Thầy được chỉ định điều khiển một trường của dòng. Và sau đó hai năm, Thầy được chỉ định làm hiệu trưởng một trường mới tại Saugues.

Trong vai trò là một giáo sư và một hiệu trưởng, Thầy rất chú trọng đến tinh thần kỷ luật, đến nỗi nhiều học sinh phải sợ Thầy. Tuy Thầy có dùng roi để sửa phạt, nhưng cũng rất nhẹ khi so với các giáo viên tại Pháp thời đó. Thầy sửa phạt công bằng, không thiên vị ai, không kỳ thị giầu nghèo. Dưới sự điều khiển của Thầy, học sinh mỗi ngày mỗi mến trường học hơn, vấn đề trốn học hầu như không còn xảy ra.

Dù vậy, đối với Thầy, cầm hãm được tính nóng của mình và luôn tỏ ra là một giáo viên công bằng không phải là luôn luôn dễ dàng. Có lần Thầy đã phải công nhận là nếu không có sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria, có lẽ Thầy đã đập chết mấy đứa học sinh mất dạy: "Tôi nghĩ là cho dù thiên thần từ trời xuống để dạy những đứa trẻ đó, chắc các vị cũng khó lòng mà cầm hãm được sự nóng giận".

Khi Thầy mới đến Saugues để mở trường học, nhiều phụ huynh đã tỏ ra bất mãn và thất vọng vì nghĩ rằng với thân hình mảnh khảnh nhỏ bé như vậy, làm sao Thầy có thể trị được con cái họ, những đứa thích trốn học hơn là đến trường.

Trong những ngày đầu, lớp học đã trở thành một chiến trường: bên này là một nhóm học sinh nhà quê to con, bên kia là một sư huynh thân hình nhỏ thó nhưng với một ý chí cương quyết, nhất định thi hành sứ mạng yêu thương và giáo dục. Một ngày nọ, trong khi Thầy Benildus đang viết trên bảng, một em học sinh mười tuổi đã cầm giầy ném Thầy. Thay vì cho em một trận nên thân, Thầy đã cầm hãm được tính nóng giận của mình. Thầy điềm đạm xin em ở lại sau lớp học và mời cha mẹ em đến để cùng ra hình phạt đích đáng cho em. Trong mọi lúc, Thầy luôn cố gắng tuân theo lời chỉ dạy của Vị Giáo Sư thánh thiện và cũng là Vị Sáng Lập Dòng, Thánh Gioan Baptist de la Salle. Thánh nhân đã khuyên anh em của Ngài, là giáo viên, họ phải đóng vai cha mẹ của các em, có tính tình hiền dịu của người mẹ và tính cương trực của người cha.

Một giáo viên chỉ biết sửa phạt học sinh sẽ không bao giờ được hưởng lòng yêu mến và kính trọng của chúng, dù rằng tại Pháp thời đó có nhiều nhà giáo thật ngặt nghèo và nghiêm khắc với học sinh. Thầy Benildus đã dùng nhiều cách để khuyến khích học sinh như chia các học sinh thành nhiều đội để thi đua với nhau, dùng những lời lẽ ân cần yêu thương và khen thưởng. Thầy nhận ra những nhu cầu của từng cá nhân, và đối xử với học sinh một cách kính trọng, không cần biết họ giầu hay nghèo. Để khích lệ chúng, mỗi năm thường có những dịp tặng quà khen thưởng. Phương pháp giáo dục mà Thầy Benildus áp dụng cho học sinh của Thầy vào giữa thế kỷ mười chín cũng chính là phương pháp mà nhiều nhà tâm lý và giáo dục ngày nay cho là rất hữu hiệu trong việc giáo dục. Phương pháp khen thưởng và chú ý đến từng học sinh đó, không lâu sau đã khiến cho những trẻ học sinh nhà quê khó dạy kia trở nên chăm chỉ học hành.

Dần dần phụ huynh của các em đã nhận ra sự thành công của Thầy và tỏ ra kính trọng Thầy hơn. Không những thế, một số đã xin Thầy mở lớp ban đêm để dạy họ biết đọc biết viết. Thầy đã mở lớp và đích thân dạy học cho họ.

Tuy là người giữ kỷ luật rất nghiêm, Thầy cũng là một người rất vui tính. Một lần Thầy dạy cho học sinh cách làm sáo tre và một số nhạc khí đơn sơ khác. Nhưng thật không may, vì phụ huynh của các em tỏ ra không vui tí nào khi các em làm ồn ào cả nhà cửa. Thế là Thầy Benildus đã phải xin mua lại tất cả các nhạc khí đó.

Không những Thầy dành tình thương và sự săn sóc cho các học sinh bình thường, mà cả những học sinh yếu kém cũng được Thầy đặc biệt săn sóc. Một ngày nọ một anh chàng 18 tuổi không biết chữ và hầu như điếc đã đến xin Thầy dậy học để có đủ khả năng Rước lễ lần đầu. Thầy đã không ngần ngại học ngôn ngữ của người điếc để có thể dạy cho anh. Một lần khác, một thanh niên đã bị Thầy bắt quả tang ăn cắp trong nhà của Thầy. Thầy không cho người ta gọi cảnh sát; Thầy muốn chính mình khuyên bảo hắn. Khi được biết anh có gia đình để chăm sóc, Thầy liền giúp đỡ anh để anh có đủ sức lo cho gia đình.

Trong cuộc sống thường nhật, Thầy Benildus cố gắng tuân giữ lề luật từng chữ từng nét, và Thầy đã làm gương cho anh em. Khi được đặt làm bề trên của tu viện, Thầy có trách nhiệm phải ra hình phạt khi có ai lỗi luật. Hình phạt Thầy hay ra nhất là viếng Đàng Thánh giá. Rất nhiều lần, Thầy cũng đến để cùng viếng Đàng Thánh giá với phạm nhân.

Tuy là một nhà giáo tài ba và là một tu sĩ gương mẫu, nhưng Thầy không làm được điều gì có thể nói là nổi bật hay khác thường. Thầy không làm một phép lạ nào, không được một ơn đặc biệt hay được hưởng một thị kiến nào. Qua các thời đại, các thánh được tôn phong không phải vì những việc vĩ đại các ngài đã làm, nhưng vì cuộc sống toàn diện của các ngài. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã gọi Thầy Benildus là "Vị Thánh của những Công việc Hằng ngày", và cho chúng ta biết là sự thánh thiện của Thầy không gì khác hơn là làm những việc bình thường một cách khác thường vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

Thầy Benildus được Chúa gọi về cách lặng lẽ tại Saugues vào ngày 13 tháng 8 năm 1862. Lời cuối cùng của Thầy phản ảnh một tâm hồn vui tươi mà Thầy đã giãi sáng trong suốt cuộc đời: "Thật hạnh phúc cho những ai được chết trong tình trạng thánh thiện".

Chỉ sau khi chết, sự thánh thiện của Thầy mới được đưa ra ánh sáng. Cây Thánh giá bằng đồng rẻ tiền của Thầy Benildus đã được các thầy dòng tặng cho bác thợ mộc đã đóng hòm cho Thầy. Vợ bác thợ mộc đã cho những người cần ơn trợ lực của Trời mượn cây Thánh giá đó. Một người đang hấp hối mà vẫn không chịu lãnh nhận các bí tích, nhưng sau khi đụng vào cây Thánh giá đó, ông liền xin mời linh mục đến. Nhiều phép lạ khác đã xảy ra nhờ cây Thánh giá đó. Hai phép lạ được Giáo Hội công nhận trong cuộc điều tra phong thánh cho Thầy Benildus đã xảy ra nơi những người mang bệnh ung thư bất trị.

Đức Giáo Hoàng Pius XII tôn phong Chân Phước cho thầy Benildus ngày 04 tháng 4 năm 1948. Trong nghi lễ phong chân phước có lời nguyện xin Chúa ban cho mọi tín hữu được biết noi gương Thầy Benildus trong việc chu toàn các việc nhỏ mọn trong cuộc sống, để có thể lãnh nhận những phần thưởng lớn lao và vô cùng trên Thiên Quốc.

Đức Giáo Hoàng Paul VI đã nâng Chân Phước Benildus Romancon lên hàng hiển thánh ngày 29 tháng 10 năm 1967.


(Trích "Chứng Nhân Chúa Kitô" Rev John, CMC biên soạn & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)