Ngày 20 tháng 8

St. Bernard of Clairvaux
Tiến Sĩ Hội Thánh 
 
(1091-1153)

Saint Bernard of ClairvauxNhân vật của thế kỷ! Phụ nữ của thế kỷ! Chúng ta nghe những câu xưng tụng này quá nhiều đến độ ngày nay câu ấy không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng "người của thế kỷ 12" thì chắc chắn phải là Thánh Bernard ở Clairvaux. Người cố vấn cho các giáo hoàng, tuyên uý đạo quân Thập Tự Chinh (lần II), người bảo vệ đức tin, người hàn gắn sự li giáo, người canh tân đời sống đan viện, học giả Kinh Thánh, thần học gia và hùng biện gia: bất cứ danh hiệu nào kể trên đều làm nổi nang một người bình thường. Tuy nhiên, Thánh Bernard có tất cả những danh hiệu ấy – nhưng ngài vẫn mong muốn trở về đời sống âm thầm của đan viện.

Bernard sinh năm 1090 tại Fontaines-les-Dijon, Burgundy, nước Pháp trong một gia đình quý tộc. Khi 20 tuổi, Bernard từ giã quê nhà ở Burgundy để gia nhập cộng đồng đan sĩ ở Citeaux. Năm người anh em, hai người chú của ngài và khoảng 30 người bạn theo ngài vào đan viện. Trong vòng bốn năm, một cộng đoàn đang tàn lụi đã phục hồi sinh lực đủ để khai sinh một đan viện mới trong thung lũng Wormwoods gần đó, với Bernard làm đan viện trưởng. Nhiệt huyết của người thanh niên trẻ tuổi này là một đòi hỏi thật khắt khe, nhưng đối với chính ngài hơn là người khác. Một cơn bệnh nặng đã khiến ngài kiên nhẫn hơn và thông cảm hơn. Không bao lâu, thung lũng này được gọi là Clairvaux, thung lũng ánh sáng.

Ngài có tài phân xử và cố vấn. Do đó, càng ngày ngài càng phải xa đan viện để giải quyết các tranh chấp đã có từ lâu trong Giáo Hội. Trong một vài trường hợp, hiển nhiên ngài đã dẫm chân lên một vài chức sắc khó tính ở Rôma. Thánh Bernard hoàn toàn vâng phục tính cách ưu việt của Tòa Thánh. Tuy nhiên, để trả lời một lá thư cảnh cáo từ Rôma, ngài viết, các giáo phụ tốt lành ở Rôma có quá nhiều việc phải làm để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Nếu có bất cứ vấn đề gì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thì ngài sẽ là người đầu tiên cho họ biết.

Sau đó không lâu, chính Thánh Bernard là người đã can thiệp vào một vụ li giáo đang bùng nổ mạnh và đã đứng về phía đức giáo hoàng ở Rôma để chống với phe ngụy giáo hoàng.

Trong cuộc Thập Tự Chinh II, Tòa Thánh thuyết phục được Thánh Bernard nhận làm tuyên uý cho cuộc viễn chinh này. Tài hùng biện của ngài đã giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh và dường như đảm bảo cho sự chiến thắng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của các nhà lãnh đạo quân sự thì không giống như chủ trương của Thánh Bernard, và cuộc thập tự chinh đã kết thúc như một thảm họa về luân lý và quân sự.

Thánh Bernard cảm thấy phần nào có trách nhiệm trong sự suy sụp của thập tự chinh. Thánh Nhân qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1153 tại đan viện Clairvaux.

Thánh Bernard ở Clairvaux được Đức Giáo Hoàng Alexander III tôn phong hiển thánh năm 1170. Đức Giáo Hoàng Pius VIII đã tuyên xưng Thánh Bernard ở Clairvaux là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1830.

Trong số các thánh tích của thánh Bernard đan viện Clạivaux còn giữ được có một chiếc áo của ngài. Sau khi đến thăm nước Đức trong nhiều dịp, chiếc gậy viện phụ của ngài đã quay về đan viện hai thánh Phêrô và Phaolô ở Dendermonde bên nước Đức. Chiếc gậy trơn của ngài ban đầu không được trang trí và trông như chiếc gậy mục đồng, nhưng từ lâu đã được lồng vào bên trong một chiếc gậy bằng kim loại quý, rất mỹ thuật. Chiếc gậy nầy được thiết kế kiểu Baroque có hình thánh nhân đang quỳ trước Đức Mẹvà Chúa Hài Nhi, một hình ảnh rất quen thuộc trong lãnh vực ảnh tượng của thánh Bernard.

Theo truyền tụng, những lời than thở "Ôi khoan thay, nhân thay. diệu thay, Trinh Nữ Maria!" đã được thánh Bernard ứng khẩu thêm vào cuối câu kinh Chào Kính Nữ Vương. Thánh nhân đã có công phổ biến thánh thi ấy trong các cộng đoàn tu trì và các đền thánh. Năm 1220, dòng Citeaux đã quyết định buộc mọi phần tử trong dòng phải đọc thánh thi ấy hàng ngày.

Kinh Hãy Nhớ, một bản kinh Thánh Mẫu rất được yêu chuộng cũng được cho là của thánh Bernard Claiveaux, mặc dù xác quyết này thỉnh thoảng cũng bị phản đối.

Lời Bàn

Cuộc đời Thánh Bernard trong Giáo Hội thì tốt đẹp hơn chúng ta tưởng. Các nỗ lực của ngài tạo nên nhiều kết quả sâu rộng. Nhưng ngài biết, các kết quả ấy chỉ sinh nhiều ích lợi qua các giờ cầu nguyện và chiêm niệm để đem đến cho ngài sức mạnh và đường hướng khôn ngoan. Ðặc điểm cuộc đời ngài là sự sùng kính Ðức Maria. Các bài giảng và văn bản của ngài về Ðức Maria vẫn còn được coi là tiêu chuẩn của Thánh Mẫu học ngày nay.

Lời Trích

"Khi hiểm nguy, khi do dự, khi khó khăn, hãy nghĩ đến Ðức Maria, hãy kêu cầu Ðức Maria. Ðừng để danh ngài tắt ở trên môi bạn, đừng bị đau khổ vì danh ngài không còn trong tâm hồn bạn. Có như thế, bạn mới chắc chắn được sự trợ giúp của lời ngài cầu bầu, đừng sao nhãng theo bước chân ngài. Với sự dẫn dắt của ngài, bạn sẽ không bao giờ lạc lối; khi cầu khẩn ngài, bạn sẽ không bao giờ nhát đảm; một khi có ngài trong tâm trí, bạn sẽ không bị lừa dối; khi được ngài nắm tay, bạn sẽ không thể vấp ngã; với sự phù trì của ngài, bạn không còn gì để sợ hãi; nếu theo ngài, bạn sẽ không mệt mỏi; nếu được ngài ưu đãi, bạn sẽ đạt được mục đích" (Thánh Bernard).

(Trích Gương Thánh Nhân - ns Người Tín Hữu online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints & "The Relics của Joan Carroll Cruz)

Bài đọc thêm:

THÁNH BERNARD THÀNH CLAIRVAUX, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Thánh Bernard (1090-1153) là đan sĩ Xitô ở Clairvaux và là tiến sĩ Hội Thánh. Ngài thuộc dòng dõi quí tộc và chào đời tại lâu đài Fontaine-les-Dijon ở miền Đông Bắc nước Pháp.

Cuộc đời thánh nhân là trang sử tuyệt đẹp, đẹp về phương diện thiêng liêng lẫn nhân bản. 63 tuổi thọ với 41 năm sống đời đan tu và 38 năm làm Viện Phụ đan viện Xitô ở Clairvaux, thánh Bernard đánh dấu giai đoạn vàng-son của cuộc sống khổ-chế và nhiệm-nhặt.

Thật thế, vào năm 1112, Bernard (22 tuổi) dứt khoát từ bỏ vinh-hoa phù-du thế trần để ẩn mình trong nếp sống đan-tu. Điều đáng chú ý, Bernard cùng lúc kéo theo đoàn hùng binh - thuộc đủ giai tầng xã hội già trẻ - gồm khoảng 30 người ra đi tìm kiếm Tuyệt Đối và Thinh Lặng .. Trong số này có 4 anh em ruột của Bernard (Barthélémy, André, Guy, Nivard) cộng với người cậu Gaudry và sau đó thêm thân phụ Tescelin cùng em gái Hombeline. Tất cả hăng say chọn nếp sống cho THIÊN CHÚA và vì THIÊN CHÚA theo sát tinh thần quy luật thánh Biển-Đức (480-547), Ông Tổ đời đan tu.

Ngay lúc sinh thời, thánh Bernard làm không biết bao nhiêu là phép lạ chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền phần xác cũng như phần hồn. Đặc biệt thánh nhân làm trung gian giảng hòa giữa các vua chúa trần gian cũng như giữa lòng Giáo Hội Công Giáo. Xin trưng dẫn trường hợp thánh Bernard bẻ gãy sức kháng cự của Công tước Guillaume X nhờ sức mạnh của Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể.

Vào tiền bán thế kỷ 12, Giáo Hội Công Giáo La-Mã có đến 2 vị Giáo Hoàng, 1 thật và 1 giả. Năm 1130 Đức Innocenzo II (1130-1143) được bầu lên cách hợp pháp. Trong khi Đức Anacleto II (1130-1138) là vị tiếm quyền nhưng được một số thủ lãnh đời của Âu Châu lúc bấy giờ ủng hộ. Sự có mặt của 2 vị Giáo Hoàng gây hoang mang hỗn độn và chia rẽ giữa lòng cả hai phía đạo và đời.

Một trong các người chống đối quyền cai trị hợp pháp của Đức Innocenzo II là Công tước Guillaume X thủ lãnh miền Aquitaine ở Đông Nam nước Pháp. Công tước cũng dùng uy quyền riêng truất phế một số Giám Mục trong vùng. Thấy tình thế thê thảm, nhiều người xin thánh Bernard - Viện Phụ Clairvaux - can thiệp giảng hòa.

Năm 1135, thánh Bernard đích thân đến Aquitaine mở cuộc họp với sự có mặt của các vị bản quyền cả đạo lẫn đời. Mặc cho bao nhiêu thương thuyết, cuộc họp vẫn bế tắc. Trước khi khởi đầu cuộc họp khác, thánh Bernard quyết định cử hành Thánh Lễ. Công tước Guillaume có mặt nơi cửa nhà thờ. Sau khi Truyền-Phép và trao bình an, Viện Phụ Bernard như được sức mạnh thần linh biến đổi hẳn. Gương mặt ngài rực sáng như lửa, đôi mắt ngài long lanh và môi miệng ngài sẵn sàng mở cuộc tuyên chiến. Thánh Bernard cầm đĩa thánh có Mình Thánh Chúa rồi tiến thẳng đến trước mặt Công tước Guillaume. Thánh nhân dõng dạc tuyên bố:

- Chúng tôi van xin ngài, nhưng ngài khinh khi ngoảnh mặt. Một lần khác, các tôi tớ THIÊN CHÚA, quy tụ một số đông trước mặt ngài và khẩn cầu ngài nghe lời. Nhưng ngài giả điếc làm ngơ. Giờ đây, chính Quí-Tử của Đức Nữ-Trinh, Chúa chúng ta, Thủ-Lãnh và là Tôn-Sư của Giáo Hội Công Giáo mà ngài bách hại, đang đứng trước mặt ngài. Nơi bàn tay tôi đang có mặt Vị Thẩm Phán kết tội ngài, Đấng mà mọi loài phải phục lạy thờ kính: trên trời, dưới đất và trong hỏa ngục. Tôi xin lập lại, đây là Vị Thẩm Phán có quyền xét xử ngài, Đấng mà một ngày kia linh hồn ngài phải trả lẽ mọi điều. Thử hỏi giờ đây ngài còn dám khinh thường, xem Đấng-Chí-Công cũng chả hơn gì các tôi tớ Chúa không???

Mọi người có mặt kinh khiếp lặng im nín thở, chờ đợi sức phản ứng vũ bão của Công tước Guillaume. Nhưng sự thật trái lại hẳn. Bị xúc động sâu xa, ông đứng bất động như trời tròng, miệng lưỡi cứng đơ. Rồi toàn thân ông run lẩy-bẩy như lên cơn động kinh và ngã lăn đùng dưới đất. Thánh Bernard dùng chân chạm đến người công tước và bảo ông đứng lên. Bằng giọng cương quyết, thánh nhân nói thêm:

- Đức Giám Mục Poitiers mà ngài đuổi khỏi ngai tòa đang có mặt tại đây. Xin ngài đến giao hòa với vị Giám Mục và hãy để vị Giám Mục trở về với giáo phận. Ngài sẽ làm đẹp lòng THIÊN CHÚA biết bao khi ngài trao trả lại mọi danh dự cho vị Giám Mục. Xin ngài hãy hiệp nhất mọi con dân dưới quyền ngài và hãy xóa tan mọi chia rẽ do ngài gây nên. Xin ngài hãy tùng phục quyền bính hợp pháp của Đức Thánh Cha Innocenzo II như toàn thể Giáo Hội đang tùng phục Vị Chủ Chăn.

Trước lời lẽ trang trọng của thánh Bernard và nhất là trước sự hiện diện thật sự của Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể, Công tước Guillaume đứng im không dám nhúc nhích. Ông thật sự ăn năn thống hối. Sau khi thi hành mọi chỉ thị của thánh Bernard, ông từ bỏ vinh quang thế trần và ẩn mình nơi thanh vắng để sống đời chay tịnh hãm mình. Năm ấy công tước Guillaume tròn 38 tuổi.

... Một trong những phép lạ đầu tiên của thánh Bernard liên quan đến anh họ tên Josbert, tử-tước vùng Ferté-sur-Aube.

Tử-tước Josbert lâm trọng bệnh, không nói được và bị bất tỉnh. Con trai cùng bạn bè tử-tước vô cùng đau đớn khi thấy một người từng sống trong nhung lụa giàu sang lại ra đi về thế giới bên kia khi chưa được xưng tội và nhận lãnh Của-Ăn-Đàng. Gia đình tức tốc báo tin cho thánh Bernard biết. Thánh nhân đến ngay. Bên giường người bệnh, thánh Bernard trịnh trọng tuyên bố:

- Người này bóc lột cướp của các thánh đường, ức hiếp người nghèo và xúc phạm đến THIÊN CHÚA. Ông phải trả lại cho nhà thờ những của cải ông tước đoạt và xóa bỏ các dịch vụ bất công ông áp đặt trên người nghèo, chỉ khi đó ông mới nói được để có thể dọn mình xưng tội và chịu các Bí Tích sau cùng.

Mọi người kinh ngạc trước lời tuyên bố của thánh Bernard. Lòng tràn đầy sự tin tưởng và niềm vui mừng, gia đình tử-tước Josbert hứa thực hiện ngay những điều thánh Bernard đòi buộc.

Về phần thánh Bernard ngài lặng lẽ cầu nguyện cho anh họ. Sau đó thánh nhân chuẩn bị dâng Thánh Lễ. Lúc ngài vừa bước lên bàn thờ thì một sứ giả chạy đến báo cho thánh Bernard biết là tử-tước Josbert nói được và xin mời Viện Phụ Bernard đến ngay. Dâng Thánh Lễ xong, thánh Bernard đến thăm người bệnh. Tử-tước Josbert tiếp đón thánh Bernard với lòng tri ân thống hối. Ông dọn mình xưng tội và lãnh nhận các Bí Tích sau cùng. Ông sống thêm được vài ngày nữa, thời gian đủ để ông thực thi mọi chỉ thị của thánh Bernard. Sau cùng tử-tước Josbert ra đi về Nhà Cha trong an bình thanh thản.

... Tôi đã là một đứa trẻ nhiều may mắn từ lúc sinh ra, đã nhận được một linh hồn lương hảo; hay đúng hơn, vì là lương hảo, tôi đã được nhập vào một thể xác không vết nhơ. Nhưng tôi vẫn hiểu rằng: Đức Khôn Ngoan, tôi không thể có được, nếu THIÊN CHÚA chẳng ban cho tôi, - biết được ơn này do ai ban tặng, thì cũng đã khôn ngoan phần nào rồi - nên tôi hướng về Đức Chúa và cầu nguyện, tôi hết lòng thưa lên: ”Lạy Thượng Đế của bậc tổ tiên, lạy Đức Chúa từ bi lân luất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, và sống sao cho thánh thiện công chính mà chỉ huy cả vũ trụ này, cùng được một tâm hồn ngay thẳng mà phân biệt phải trái. Xin rộng ban cho con Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa. Xin đừng đuổi con đi mà chẳng nhận làm con” (Sách Khôn Ngoan 8,19-21 + 9,1-4).

(Odette Philippon, ”Bernard de Clairvaux - Message de tous les temps”, Pierre Téqui, Éditeur, 1990, trang 67-69 + 208-211).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Radio Vatican News (20/8/2007)