Ngày 31 tháng 12

St. Caterine Labouré
(1806-1876)

St Catarina LaboureCatarina sinh ngày 02 tháng 3 năm 1806 tại Fain-les-Moutiers, nước Pháp trong một gia đình nông dân đông con, là người con thứ tám trong một gia đình có mười người con. Mẹ của chị mất sớm khi chị mới lên 9 tuổi vì thế Catarina đã chọn hiền mẫu Maria làm mẹ bảo trợ cho mình. Ngay từ thuở nhỏ, Catarina sống rất đạo đức, mỗi tuần ăn chay hai lần mặc dù phải giúp đỡ cha trong những công việc ngoài đồng áng nặng nhọc. Chị trông coi vườn rau, chuồng bò, đàn gà vịt. Chị thức dậy lúc tảng sáng sửa soạn bữa ăn sáng cho thợ thuyền và công nhân để họ ra đồng làm việc. Trong lúc đó chị còn chăm sóc người em khuyết tật và lo lắng thức ăn cho cha khi ông ở ngoài đồng trở về nhà. 

Hàng ngày Catarina phải đi chừng một dặm để tham dự thánh lễ tại nguyện đường các nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái. Lúc nào có gìờ rảnh là Catarina đi vào nhà thờ cầu nguyện dù trong nhà tạm không có Mình Thánh Chúa. Thời bây giờ là cuộc cách mạng Pháp, nên thiếu linh mục. Các linh mục chỉ đến làm lễ mồ hoặc lễ hôn phối và hiếm họa mới dâng thánh lễ cho bổn đạo tham dự. Sau khi quyết định dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa, Catarina đã hai lần từ khước những lời dạm hỏi. Thân phụ vì muốn con thay đổi chí hướng nên đã gửi Catarina đến sống và phụ giúp người anh đang điều hành một khách sạn tại Paris.

Nhưng sau cùng hoàn cảnh thay đổi và chị được phép gia nhập dòng Nữ Tử Bác Ái tại Rue du Bac ở Paris. Ngày 21 tháng tư 1830, chị  trở lại Paris xin gia nhập dòng Vincent de Paul tại đường phố Du Bac. Một niềm vui khôn tả khi chị  được mặc áo dòng vào ngày chúa nhật 25 tháng tư và trở thành Sơ Catherine.

Ngay từ khi còn là một đệ tử trẻ tuổi, chị đã thường xuyên nhìn thấy Chúa Giêsu trước Thánh Thể trước giờ dâng lễ. Ngoài ra trong ba dịp khác, chị còn được thị kiến thánh phụ Vincent đệ Paul đấng sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái ngay trước hòm kính đựng trái tim bất hoại của ngài trong nguyện đường nhà mẹ của dòng. Chính tại nơi đây, mọi thị kiến dành cho chị đã diễn ra. Rõ ràng những thị kiến hết sức lạ thường ấy có liên quan đến Đức Mẹ.

Vào đêm ngày 18 tháng 7 năm 1830, trước ngày lễ kính thánh Vincent de Paul, đấng sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái, chị đã được thiên thần bản mệnh hiện ra dưới hình con trẻ rất sáng láng đánh thức chị dậy và dẫn đến nguyện đường. Tại đây chị đã được gặp Đức Mẹ đang ngự trên ghế dành cho bề trên tu viện. Quì gối trước Nhan Mẹ, chị đã được phép đặt hai tay chắp trên gối Mẹ. Đức Mẹ phán bảo chị: “Con hãy đến chân bàn thờ này. Ở đãy, các hồng ân sẽ tưới xuống cho con và cho tất cả những ai kêu cầu, dù họ giầu hay nghèo.” 

Đức Mẹ hiện ra với chị lần thứ hai vào ngày 27 tháng 11 năm 1830 trong giờ nguyện ngắm buổi chiều. Khi vừa nghe tiếng sột soạt của vải lụa như đã được nghe trong lần hiện ra lần trước, chị nhìn theo hướng tiếng động và được nhìn thấy Đức Mẹ đứng trên cung thánh gần bức ảnh thánh cả Giuse. Quả cầu nhỏ Đức Mẹ cầm gần sát trái tim từ từ biến mất và trên các ngón tay của Đức Mẹ bỗng xuất hiện các chiếc nhẫn , từ đó chiếu giãi ra các tia sáng, tượng trưng cho ân sủng Mẹ ban cho tất cả những ai kêu cầu. Rồi từ từ một vòm bầu dục hiện ra quanh Đức Mẹ với hàng chữ sáng chói: Ôi Maria, Mẹ đầu thai vô nhiễm, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ.” Đồng thời có một tiếng nói phát ra: “Con hãy nhờ làm một ảnh vảy giống như mẫu này. Ai mang ảnh ấy sẽ được hưởng rất nhiều ân sủng lớn lao, nhất là những ai đeo ảnh quanh cổ; ân sủng sẽ được ban xuống dồi dào cho những ai có lòng tin cậy.” Cảnh này biến đi nhưng những hàng chữ của Đức Mẹ viết lại hiện ra, những chữ bây giờ vẫn còn thấy trên mặt lưng của ảnh vảy Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ. Thị kiến lần thứ ba gần giống như lần thứ hai, ngoại trừ Đức Mẹ di chuyển đến một vị trí phía trên và đàng sau nhà tạm, nơi hiện nay có đặt một bức tượng Mẹ giống như trong thị kiến này.

Chị Catarina chỉ tiết lộ các thị kiến này với vị bề trên và cha linh hướng của chị là Cha Aladel. Những biến cố đã xẩy ra dồn dập như lời Đức Mẹ đã báo trước cho chị Catherine. Cuộc cách mạng bùng nổ vào ngày 27 dến 29 cuối tháng 7. Chị đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trước khi ảnh vảy Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ được làm và phân phối rộng rãi cho các tín hữu.

Sau ngày tuyên khấn, chị được gửi đến công tác tại nhà tế bần ở Rue de Reuilly. Khi Sơ Catherine rời nhà tập ở đường phố Du Bac, Bà Bề trên nhà tập đã nhận xét: “Cao trung bình, khỏe mạnh. Biết đọc và biết viết. Tánh tình tốt. Tinh thần và óc phán đoán tầm thường, Khả năng trung bình, có đạo đức và làm việc chu đáo.” Sơ được gởi đến làm việc tại nhà thương Enghien. Sơ cố gắng sống trong lu mờ với kiên nhẩn phi thường. Các sơ khác thường gọi sơ Catherine là “sơ chuồng gà”.

Nơi đây chị thánh đã âm thầm sống 46 năm cho đến khi qua đời, sống khiêm tốn, với đức tin vững bền, với tình yêu bao la, Sơ Catherine đã chăm sóc những người bệnh, người già nua, chào đón giúp đỡ những người nghèo và di dân. Có những lần Sơ đã giúp đỡ những lính cảnh sát ẩn núp khi Công xã Cách mạng đi lùng bắt. làm những công việc cực nhọc và buồn tẻ để phục vụ những người yếu đau, bệnh tật và cao niên. Trong khi mọi nữ tu trong dòng đều biết có một chị được thị kiến Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ đang sống giữa họ, nhưng không ai nhận diện được chị Catarina cho mãi đến ngày chị thánh hấp hối trên giường bệnh. Sau khi tiên báo là mình sẽ không bao giờ nhìn thấy năm 1877. 

Sơ từ giả cuộc đời ngày 31 tháng 12 năm 1876, lúc sắp chết cũng như lúc đang sống, khiêm tốn trong yên lặng, không khắc khoải lo lắng, trên môi luôn nở nụ cười hồn nhiên. Chiều hôm đó Sơ Dufès mang tập bút ký kể lại những lần hiện ra của Ðức Mẹ được chép ra ngày 30 tháng 10, do lời thổ lộ tâm tình của Sơ Catherine. Sơ Dufès nói: “Bởi vì Sơ Catherine đã quá vãng nên tôi muốn nói lên sự thật và không còn có gì để dấu diếm.”

Để theo đúng các qui luật tại Paris về việc chôn cất trong các hầm mộ riêng, linh cửu của chị Catarina được đặt vào chiếc quan tài ba lớp, sau đó được mai táng dưới hầm mộ của nguyện đường tại số 77 Rue de Reuilly. Sau khi có công bố tôn phong Chân Phước cho chị, cuộc giám định thánh tích được tiến hành. Vào ngày 12 tháng 3 năm 1933, dưới sự giám định của các vị đại diện giáo quyền và chuyên viên y khoa, quan tài bằng gỗ phía ngoài đã hư nát, quan tài bằng chì bên trong còn nguyên vẹn nhưng phải rất khó khăn mới lấy lên được khỏi một khoang mộ rất khít khao mà quan tài đã táng vào trên hơn một nữa thế kỷ. Khi vị bác sĩ mở lớp vải liệm, người ta thấy thi hài chị thánh vẫn còn nguyên vẹn. Một nhân chứng đã ghi lại như sau: “Hai tay duỗi bên hông, nhưng vẫn trắng trẻo và trông còn tự nhiên. Dây chuỗi đã mục nên các hạt lăn vãi trong quan tài. Nước da mặt hơi sạm nhưng còn lành lặn. Hai mắt nhắm nghiền, miệng ngậm chặt.”

Vị bác sĩ của nhà dòng là ông Robert Didier đã chứng kiến cuộc cải táng đã ghi lại: “Khi mở quan tài ra, chúng tôi thấy một lớp bụi màu xám phủ trên theo hình dạng của thi hài, trên bề mặt của lớp bụi ấy có vết móc meo nhưng không có một sự hư hoại nào, đơn giản chỉ có mùi hơi chua chua. Sau khi cẩn thận dùng tay phủi lớp bụi đất, người ta thấy lớp khăn liệm vẫn còn nguyên, hơi ẩm nên lấy ra rất dễ dàng. Lúc đó thi hài đã được phủi hết lớp cặn đóng phía trên. Xem ra thi hài vẫn còn nguyên vẹn, y phục giữ được màu sắc và lành lặn. Miếng đậy cứng vẫn còn trên mặt, thêm vào đó là lớp khăn liệm và bụi đất đè xuống làm cho mũi bẹp xuống. Hai tay và mặt có màu hồng nâu, còn nguyên vẹn. Bàn tay trái có hai ngón sạm đen, nhưng chúng tôi nhận ra ngay là không phải do thịt bị hư hoại nhưng do thuốc nhuộm của tu phục thấm xuống bàn tay ở bên phía khe nứt của quan tài bằng chì. Sau khi xác nhận những sự kiện này, chúng tôi thay thế đồ liệm và đóng quan tài lại.”

Sau lần giám định kỹ lưỡng ấy, thi hài chị được cung nghinh long trọng đến trụ sở nhà mẹ của dòng Nữ Tử Bác Ái, nơi đây thi hài của chị được các nữ tu, các tập sinh và đệ tử của dòng đón tiếp cùng với các linh mục và tập sinh của dòng Lazarist. Quan tài bằng chì được phủ một chiếc khăn lụa màu trắng thêu hình ảnh của cả hai mặt của chiếc ảnh vảy Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ và được kiệu dọc qua các con cái nam nữ của thánh Vicent de Paul. 

Ngày nay Sơ Catherine đang an nghĩ trong nhà nguyện số 140 dường phố Du Bac thủ đô Paris; mỗi năm có hàng ngàn khách hành hương đến thăm viếng và chiêm ngưỡng.

The incorrup body of St Catarina Laboure

Thi hài chị thánh sau đó đã được lưu giữ dưới bàn thờ cạnh kính Đức Mẹ Mặt Trời phía sau một lớp kính trong nguyện đường của nhà mẹ dòng Nữ Tử Bác Ái. Hai bàn tay chấp lên bằng sáp được quấn với một chuỗi Mân Côi. Hai bàn tay thật của thánh nữ đã được cắt lìa và lưu giữ trong một hộp đặc biệt để ở nội vi tập viện trụ sở nhà mẹ. Trái tim bất hoại của chị thánh thì đựng trong một hộp pha lê để trong nguyện đường ở đường Reuilly, nơi mà chị thánh thường cầu nguyện giữa giờ làm việc tại nhà tế bần.

Nguyện đường nơi diễn ra các thị kiến này hiển nhiên là một nơi thánh thiên trên thế giới, không phải vì nhiều lần được Chúa và Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ và thánh Vincent de Paul đến thăm, nhưng còn là nơi lưu giữ các thánh tích rất quý báu. Gần bên thi hài nguyên vẹn của thánh nữ Catarina Labouré là bàn thờ kính thánh Vincent de Paul, đấng sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái có trưng bày một hộp đựng trái tim của ngài. Bên kia nguyện đường, trên bàn thờ cạnh là chiếc hòm trong đó có một bức tượng bằng sáp trong đó lưu giữ hài cốt của thánh Louise de Marillac, người đã cùng với thánh Vincent de Paul sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái. Một bên bàn thờ chính có đặt một chiếc ghế mà Đức Mẹ đã ngồi khi hiện ra lần đầu tiên. Các du khách đến hành hương cũng được chạm hay hôn kính chiếc ghế ấy. Nhiều người còn để lại các tấm giấy ghi các ý chỉ cầu xin của họ.

Đức Giáo Hoàng Pius XI đã tôn phong Chân Phước cho Đấng Đáng Kính Catarina Labouré ngày 28 tháng 3 năm 1933 và Đức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng chị thánh lên hàng hiển thánh ngày 27 tháng 7 năm 1947. Hàng năm lễ kính thánh nữ được mừng vào ngày 28 tháng 11, một ngày sau lễ kính Ảnh Vảy Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ thay vì ngày 31 tháng 12 là ngày kỷ niệm qua đời.

(Nhóm Tinh Thần phỏng dịch theo Patron Saints và trích VietCatholic & The Incorruptibles của Joan Carroll Cruz / Matthias Ngọc Đính, CMC chuyển ngữ)