Ngày 10 tháng 10

St. Daniel Comboni 
(1831-1881)

Saint Daniel ComboniBé Daniel Comboni là con trai của những người làm vườn nghèo khổ, vị đã trở thành Giám Mục Công Giáo tiên khởi ở Trung Phi, và là một trong những vị đại thừa sai của lịch sử Giáo Hội. Đó là một sự thật. Khi Thiên Chúa muốn nắm lấy tay và chọn một cá nhân quảng đại với tấm lòng rộng mở thì những gì cao cả mới lạ sẽ xẩy ra.

"Đứa con duy nhất" sinh bởi cha mẹ thánh đức

Bé Daniel Comboni vào đời ở Limone sul Garda (Brescia - Ý) vào ngày 15 tháng 3 năm 1831, trong một gia đình của những người trồng trọt làm công cho một điền chủ giầu có địa phương. Hai ông bà thân sinh Luigi và Domenica của ngài rất nâng niu Daniel, vì ngài là đứa con thứ bốn trong 8 người con, lại là đứa sống sót duy nhất, ngoài ra tất cả đều bị chết yểu, 6 người bị chết khi còn nhỏ. Bởi vậy họ là một đơn vị rất gắn bó với nhau, sâu xa về đức tin và các thứ giá trị nhân bản, nhưng lại nghèo nàn về vật chất. 

Chính vì cảnh nghèo nàn này đã đẩy Daniel đi xa học ở Verona, nơi một Học Viện do cha Nicola Mazza thiết lập. Trong những tháng năm sống ở Verona, cậu Daniel đã nhận thức được ơn goị làm linh mục của mình, hoàn tất việc học Triết Lý và Thần Học, nhất là hướng đến việc truyền giáo ở Trung Phi bởi những lời diễn tả của các vị thừa sai từ đấy về Học Viện Mazza. Thày Comboni đã chịu chức linh mục năm 1854, sau đó 3 năm ngài đã tự mình đi đến Phi Châu cùng với 5 vị thừa sai khác của Học Viện Mazza, sau khi được thân mẫu Domenica cuối cùng lên tiếng chúc lành: "Daniel con, hãy ra đi, xin Chúa chúc lành cho con".

Đi vào lòng Phi Châu - ôm ấp Phi Châu trong lòng mình

Sau cuộc hành trình 4 tháng trời, cuộc thám hiểm truyền giáocó cả cha Comboni đã đến Khartoum, thủ đô của Sudan. Tác dụng của cuộc giáp mặt lần đầu tiên với Phi Châu thật là khủng khiếp, cha Daniel nhận thấy ngay được vô vàn khó khăn trong cuộc truyền giáo mới của mình. Thế nhưng, những vất vả khó nhọc, khí hậu không thể chịu nổi, bệnh hoạn, những cuộc vong mạng của các nhà thừa sai trẻ trung đồng nghiệp của ngài, tình trạng bần cùng và vô danh tiểu tốt của dân chúng, chỉ có thể thúc đẩy ngài tiến tới, không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc những gì ngài đã nhiệt thành chấp nhận. Từ miền truyền giáo của Thánh Giá ngài đã viết cho cha mẹ như sau: "Chúng con sẽ phải làm việc vất vả, thấm đẫm mồ hôi, bỏ cả mạng sống: thế nhưng ý nghĩ con người được đổ mồ hôi và bỏ mạng vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô và cho phần rỗi của những linh hồn bị bỏ rơi đệ nhất trên thế giới này, đối với chúng con, lại hết sức ngọt ngào hơn là việc bỏ không thực hiện công cuộc cao cả này nữa".

Sau khi chứng kiến thấy cái chết của một trong những người đồng bạn của mình, cha Comboni chẳng những không nản chí lại còn cảm thấy vững mạnh trong tâm hồn về quyết định của mình trong việc truyền giáo: "O Nigrizia o morte!" - Một là Phi Châu hai là chết.

Cũng chính Phi Châu và nhân dân của đại lục này đã thúc đẩy cha Comboni, khi ngài trở về Ý, tìm ra một phương sách truyền giáo mới. Vào năm 1864, khi đang cầu nguyện tại Mộ Thánh Phêrô ở Rôma, cha Daniel được một ơn soi động mạnh mẽ khiến ngài phác họa Dự Án Tái Sinh Phi Châu nổi tiếng của ngài, một dự phóng truyền giáo có thể được tóm gọn vào lời diễn tả tự nó cho thấy lòng tin tưởng vô biên của ngài vào các thứ năng lực nhân bản lẫn tôn giáo của các dân tộc Phi Châu: "Cứu Phi Châu bằng Châu Phi".

Một vị giám mục tiên khởi

Bất chấp tất cả mọi khó khăn và hiểu lầm phải đối đầu, cha Daniel Comboni đã nỗ lực khuấy động phần đất của mình về cái trực giác ấy của ngài: đó là tất cả mọi xã hội Âu Châu và Giáo Hội đều được kêu gọi phải quan tâm hơn nữa với việc truyền giáo ở Trung Phi. Ngài đã thực hiện liên tục một vòng khuấy động truyền giáo khắp Âu Châu, xin các Vua Chúa và Hoàng Hậu, các vị Giám Mục và quyền quí, cũng như xin các người đơn sơ nghèo nàn, trợ giúp về tinh thần cũng như vật chất cho các nơi truyền giáo ở Phi Châu. Để làm dụng cụ tác động việc truyền giáo, ngài đã bắt đầu tờ nguyệt san truyền giáo, tờ nguyệt san đầu tiên ở Ý.

Niềm tin bất khả lay chuyển vào Chúa cũng như lòng tin tưởng đối với Phi Châu đã khiến ngài thành lập, vào năm 1867 và 1872, hai Tổ Chức truyền giáo cho giới nam cũng như giới nữ: những tổ chức này được phần đông biết đến là Các Vị Thừa Sai Comboni và Các Nữ Tu Thừa Sai Comboni (Các Cha và Các Nữ Tu Verona).

Ngài đã tham dự Công Đồng Chung Vatican I như một thần học gia của Đức Giám Mục Verona và xin được 70 vị Giám Mục ký vào một thỉnh nguyện đơn xin thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa cho Trung Phi (Postulatum pro Nigris Africae Centralis).

Vào ngày 2/7/1877, cha Comboni được bổ nhiệm làm Đại Diện Tòa Thánh ở Trung Phi và được tấn phong giám mục Khartoum, Sudan một tháng sau đó: đó là một bảo chứng cho thấy tư tưởng của ngài và các hoạt động của ngài, mà một số cho là dại dột nếu không muốn nói là điên rồ, được công nhận như phương tiện thật sự hiệu nghiệm cho việc loan báo Tin Mừng và giải phóng địa lục Phi Châu.

Năm 1877 và 1878, ngài và tất cả mọi vị thừa sai của ngài phải trải qua cực hình ở cả thân xác lẫn tinh thần bởi thảm họa hạn hán rồi tới đói khát chưa từng thấy. Dân chúng địa phương bị giảm xuống còn một nửa, và nhân viên truyền giáo cùng với hoạt động của họ suy giảm hầu như đến mức chẳng còn gì.

Thánh giá là bạn hữu và là bạn đời

Năm 1880, ĐGM Comboni dứt khoát đến Phi Châu lần thứ tám cũng là lần cuối cùng, để đồng hành với các nhà truyền giáo của mình, đồng thời để tiếp tục chiến đấu chống lại nạn Buôn Bán Nô Lệ độc hại, cũng như để củng cố hoạt động truyền giáo được chính những người Phi Châu thực hiện. Chỉ một năm sau đó, kiệt sức vì lao nhọc, vì nhiều cái chết xẩy ra liên tục nhanh chóng cho thành phần hợp tác viên của ngài, vì làn sóng vu khống và tố cáo đắng cay chồng chất, vị đại thừa sai đã ngã bệnh. Vào ngày 10 tháng 10 năm 1881 khi mới 50 tuổi đầu, một cuộc đời được đánh dấu bằng Thánh Giá như một người bạn đời trung thành ưu ái không bao giờ rời xa ngài, ngài đã qua đời ở Khartoum, Sudan giữa dân của ngài. Thế nhưng, ngài biết rằng hoạt động truyền giáo của ngài sẽ không chấm dứt ở nơi ngài: "Tôi có chết đi nhưng hoạt động của tôi sẽ không chết".

Ngài đã đúng. Công việc của ngài đã không chết. Thật vậy, như tất cả moị đại dự án khác, "được hạ sinh dưới chân cây Thập Giá", nó sẽ tiếp tục sống qua việc hy hiến đời sống của nhiều con người nam nữ đã muốn theo Comboni trên con đường truyền giáo gian khổ nhưng đầy phấn khởi của ngài giữa những dân tộc nghèo nàn nhất về khía cạnh Phúc Âm cũng như giữa thành phần bị bỏ rơi đệ nhất về phương diện đoàn kết loài người.

Ngày nay tổ chức Gia Đình Comboni (Comboni Family) tiếp tục sứ mạng và công việc của ngài với nhiều linh mục, tu sĩ, nữ tu làm việc phục vụ trong các bệnh viện, trường học, viện mồ côi trong hơn 41 quốc gia trên thế giới.

Ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước ngày 17 tháng 3 năm 1996 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Rome và 7 năm sau đã nâng Ngài lên hàng hiển Thánh ngày 05 tháng 10 năm 2003 tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh VIS)
(Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)