Ngày 09 tháng 2

St. Miguel Febres Cordero
(1854-1910)

St Miguel Febres CorderoPhanxicô, hay "Pancho", con trai nhỏ của ông Cordero, là một đứa trẻ lanh lợi. Vào một buổi chiều nọ, em đang ngồi ở nhà với bà cô của em. Vì em bị tật cả hai chân, nên dù đã 5 tuổi mà vẫn chưa biết đi. Nhìn qua cửa sổ hướng về những bụi hồng trong vườn, mắt em đột nhiên mở to. Em kêu lên: "Cô coi kìa, có một bà rất đẹp ở gần bụi hồng!"

Đáp lại, cô bảo bé: "Mời bà vào nhà chơi đi, Pancho!"

"Bà mặc một chiếc áo choàng trắng, bà thật là đẹp! Cô có thấy bà không? Bà đang gọi con và bà muốn con đến với bà".

Trước cặp mắt kinh ngạc của bà cô, Pancho đứng dậy và đi đến cửa sổ. Đó là lần đầu tiên Pancho bước đi một mình mà không cần sự giúp đỡ của ai. Sức khoẻ của em đã khá lại kể từ ngày sự kiện lạ lùng đó xảy ra, mặc dù cho đến ngày chết, Pancho vẫn bị tật cả hai chân và đi lại thật khó khăn.

Phanxicô Febres Cordero Munoz sinh ngày 07 tháng 11 năm 1854 trong một gia đình khá giả và có danh vọng tại miền Cuenca, nước Ecuador. Bé có một trí thông minh lạ lùng. Trong mấy năm đầu, bé đã được người mẹ rất đạo đức dạy dỗ tại nhà. Nhiều sự kiện dị thường xảy ra trong thời thơ ấu của bé đã khiến cho người ta phải công nhận bé được Thiên Chúa đặc biệt sủng ái.

Lúc 8 tuổi, khi đang chơi với chúng bạn, em bị một con bò rừng xông đến tấn công. Những người đứng gần đó tưởng em không tài nào thoát chết; nhưng em đã thoát nạn và không bị thương tích gì.

Các sư huynh La-san hồi đó đã được Tổng thống Ecuador, ông Garcia Moreno, mời đến Ecuador. Đến năm 1863, Phanxicô ghi danh vào trường các Thầy. Em bé thông minh 9 tuổi này bắt đầu quý mến các Thầy và lối sống của các Thầy.

Trường học đã trở thành ngôi nhà thứ hai của Phanxicô, và em thường ở lại sau khi tan học để giúp làm bất cứ việc gì em có thể. Sau một thời gian ngắn, Phanxicô đã quyết định muốn trở thành một tu sĩ, và xem ra không gì có thể ngăn cản em theo đuổi ý định này. Về phần các Thầy, các Thầy đã sớm nhận ra Phanxicô là một học sinh thông minh và có lòng đạo sốt sắng hiếm có.

Khi Phanxicô cho gia đình biết lòng ao ước muốn trở thành tu sĩ, gia đình em thật bỡ ngỡ. Mẹ em đã có trong đầu một nghề tốt cho con bà. Ba và bà nội thì bác bỏ ý định của em. Để tìm cách thay đổi ý định của Phanxicô, gia đình đã gửi em vào nội trú tại một chủng viện ở Cuenca.

Về sau, Phanxicô đã viết lại cảm tưởng của mình về thời gian sống tại đó: "Chỉ ở đó có 3 tháng thôi mà tôi cảm thấy như là 3 năm vậy. Tôi cảm thấy đau khổ triền miên mặc dù các thầy giáo và các bạn học sinh đều rất tử tế và vui vẻ. Thật ra đó không phải là nơi Chúa có ý muốn cho tôi ở và tôi như cá ở ngoài nước. Một trong các cậu của tôi đã đến thăm và cho tôi tiền để giải trí, nhưng tôi đã dùng số tiền đó mua nến dâng tại bàn thờ Đức Mẹ để xin Đức Mẹ giải thoát tôi khỏi nơi luyện ngục ấy và giúp tôi theo đuổi ơn gọi đích thật của tôi".

Sau cùng, cuộc sống khổ đau đó đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của em: một chứng nhức đầu thật dữ dằn đã làm cho em thật đau đớn. Em đã xin Cha giám đốc can thiệp. Kết cuộc gia đình đã đồng ý cho Phanxicô trở lại trường các Thầy Dòng. Tuy vậy, gia đình em vẫn phản đối ơn gọi của em. Sau cùng, vì thấy ý chí cương quyết của em, gia đình bất đắc dĩ đã phải để cho em thử.

Đến năm 1868, Phanxicô dù mới có 14 tuổi đời mà đã được mặc áo Dòng. Phanxicô là Thầy Dòng đầu tiên người Ecuador. Để tôn kính Tổng thần Michael, Phanxicô được đổi tên là Miguel. Vì sức khoẻ của Phanxicô kém, các Thầy cho phép em trong thời gian tập được ở chung với cộng đồng tại Cuenca thay vì gởi sang tập viện ở Pháp.

Đến năm 17 tuổi, Thầy Miguel đã viết và xuất bản cuốn sách giáo khoa đầu tiên. Sau đó, Thầy còn viết nhiều sách giáo khoa khác. Nhiều sách giáo khoa của Thầy đã được chính phủ nhận để dùng cho toàn quốc. Hơn nữa, vì các sách của Thầy rất có giá trị về cả mặt văn phạm lẫn ngữ học, Thầy Miguel đã được tuyển chọn vào Hàn Lâm Viện Ngữ Học vào năm 1892. Là một học giả, một văn sĩ, một thi sĩ, Thầy Miguel quả thật là một người rất thông minh và trổi vượt.

Trong khi là một học giả thông minh tuyệt mức, Thầy Miguel cũng là một giáo viên đại tài. Thầy luôn luôn cố gắng tìm cách để làm cho học trò cảm thấy hứng thú trong khi học. Miguel đã viết điều quyết định này trong cuốn sổ tư của Thầy: "Tôi phải tìm mọi cách để làm cho những bài học và bài tập có thể hợp và hứng thú cho các học trò của tôi". Thầy luôn tỏ ra thông cảm và nhẫn nại, và mặc dù đặt tiêu chuẩn rất cao, Thầy cũng không bao giờ nổi giận, ngay cả với học sinh kém nhất.

Một lần nọ, một Thầy trẻ thấy Thầy Miguel, dù sau nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, còn miệt mài với một bài học trong một quyển sách thật cơ bản. Thầy trẻ đó nói với Thầy Miguel rằng chắc chắn sau 20 năm dạy học, Thầy không cần phải dọn bài đó nữa.

Thầy Miguel đáp: "Vâng tôi biết, hay ít ra tôi nghĩ rằng tôi biết. Dẫu vậy, mỗi năm tôi đều tìm cách để giảng dạy cách hữu hiệu hơn, và tôi thiết nghĩ giả sử tiếp tục dạy thêm 20 năm nữa, tôi vẫn gắng tìm những cách thức mới mẻ và hoàn hảo hơn để giảng dạy".

Là một học giả lỗi lạc và là một nhà giáo dục tận tuỵ với nghề nghiệp, phải chăng đây là những điều căn bản của việc phong chân phước cho Thầy Miguel? Câu trả lời chắc chắn là không phải. Căn bản sự thánh thiện của Thầy Miguel chính là, trong mọi công việc, ngài đều làm cho Thiên Chúa và để bành trướng vương quốc Chúa Kitô. Một lần ngài viết: "Một trái tim trở nên quảng đại khi trái tim đó cảm thấy hạnh phúc, và nó sẽ luôn luôn cảm thấy hạnh phúc bao lâu tất cả những khát mong của nó được quy hướng về Chúa. Không gì có thể mang lại hạnh phúc cao cả cho bằng làm theo Thánh Ý Thiên Chúa vì lòng yêu mến". Thầy đã viết trong nhật ký rằng: "Con xin hiến dâng trót mình con cho Chúa Giêsu để Chúa sử dụng con theo Thánh Ý Chúa. Con muốn mọi chữ con viết, mọi lời con nói, mọi việc con làm nơi bàn giấy, và tất cả các việc ở trường đều làm vinh danh Thiên Chúa".

Sau khi qua đời, điều dốc lòng trên đã trở thành thước đo mọi hành động lúc sinh thời của Thầy Miguel, và Giáo Hội sau khi đã điều tra về cuộc đời Thầy, đã xác nhận Thầy thực đã sống mục đích cao cả đó.

Thầy Miguel nhận Đức Mẹ làm Đấng bảo trợ đặc biệt trong công việc giảng dạy của mình. Thầy soạn nhiều bài hát, làm nhiều thi phú để tôn kính Đức Mẹ. Lời cầu nguyện của Thầy luôn luôn là: "Xin Mẹ soi sáng cho con biết những điều con phải nói với người ta".

Suốt cuộc sống, Thầy Miguel tín trung với những lý tưởng và mục đích Dòng. Mặc dù phải chịu nhiều đau khổ thể xác do chứng nhức đầu và bị tật nơi chân, cũng như do những bịnh hoạn khác, Thầy không hề than thở một lời. Thầy chỉ thầm lặng dâng hiến những đau khổ của mình để kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đồng thời, Thầy cũng từ chối xin chuẩn chước bất cứ việc làm nào do luật Dòng đòi hỏi. Các sử gia khi viết về cuộc đời Thầy đều đồng thanh tuyên nhận: ngài thật sự là một người hạnh phúc và vui vẻ, không bao giờ bi quan, chán nản. Sau này, một Thầy bạn đã thú nhận rằng bất cứ khi nào cảm thấy chán nản hay thất vọng, Thầy đều đến gặp Thầy Miguel. Những lúc đó, Thầy Miguel luôn sẵn sàng bỏ qua một bên bất cứ việc gì ngài đang làm để lắng nghe Thầy bạn. Và lần nào Thầy này cũng ra về với tâm hồn vui tươi phấn khởi. Thầy Miguel nói rằng chính Thầy không bao giờ bị mất hạnh phúc hay chán nản, vì "Tôi có một người bạn thật lạ lùng. Tôi làm cho mình trở nên đẹp lòng Thiên Chúa khi tôi không hài lòng với chính mình".

Năm 1888, Thầy Miguel được cử để đại diện các Thầy ở Ecuador dự lễ phong chân phước cho Đấng Sáng Lập Dòng, Thánh Gioan Baotixita La-san. Thầy rất vui sướng vì được tham dự dịp đặc biệt này, và nói rằng chuyến đi của mình đến Rôma giống như "được đưa lên miền Cực Lạc". Trong khi tham dự nghi lễ cảm động đó, Thầy đã có nhiều ý chỉ để nguyện xin, nhưng về sau Thầy thú rằng vì quá xúc động, nên chỉ có thể lập đi lập lại câu: "Lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Chúa đã làm cho con. Chúa biết những điều con ước nguyện. Lạy Chúa, con cám ơn Chúa".

Năm 1905, Thầy Miguel được mời đi Âu Châu để phiên dịch một vài cuốn sách từ tiếng Pháp sang tiếng Tây Ban Nha. Dầu cảm thấy buồn khi xa quê hương, Thầy viết: "Tôi vẫn điềm tĩnh bởi vì tôi làm theo Thánh Ý Thiên Chúa".

Trong vai trò một dịch giả, Thầy đã làm việc đầu tiên tại Pháp, rồi đến Bỉ, và sau cùng ở Tây Ban Nha. Tháng Giêng năm 1910, Thầy bị cảm thương hàn nặng và sau đó biến chứng sang bệnh sưng phổi. Đến ngày 7 tháng Giêng, Thầy xin chịu các Bí tích sau hết. Khi những người chung quanh nói rằng Thầy không thể chết trước khi hoàn thành sự nghiệp, ngài đã mỉm cười đáp lại: "Nếu công việc tôi đang làm hữu dụng cho Thiên Chúa, Ngài sẽ gởi đến những người khác để hoàn thành và nó sẽ được hoàn thành tốt hơn tôi có thể làm". Được hỏi là Thầy có cảm thấy buồn khi phải ly trần nơi xứ lạ quê người không, Thầy trả lời: "Không, tôi vui mừng được chết ở Tây Ban Nha vì đó là ý Chúa muốn". Ngài qua đời một cách trầm lặng và an bình vào ngày 9 tháng 2, năm 1910, và được an táng ngày hôm sau tại nghĩa trang nơi cư ngụ của các Thầy ở Premia.

Mặc dầu Thầy chết xa quê hương Ecuador, đời sống thánh thiện của Thầy đã được ghi nhớ, và người ta bắt đầu xin phong thánh cho Thầy. Các hồ Sơ cần thiết đã được đệ sang Toà Thánh Rôma năm 1925. Trong lúc đó, quan tài của Thầy đã được chuyển tới một nơi đặc biệt trong một nhà nguyện tập viện.

Ngày 21 tháng 7 năm 1936, Cộng sản Tây Ban Nha khởi loạn cướp phá tài sản tại Premia và đốt nhà nguyện. Hai tháng sau, một thanh niên đã đến toà lãnh sự của người Ecuador ở Barcelona để trình bày một sự việc xảy ra bất thường. Trong dịp tấn công Premia, quan tài của Thầy Miguel đã mở ra và xác vẫn còn nguyên. Người thanh niên này cảm thấy đó là bổn phận của mình phải cho toà lãnh sự biết trong niềm hy vọng rằng hài cốt quý báu đó khỏi bị xúc phạm hay thất lạc. Qua những cố gắng của vị lãnh sự Ecuador, xác Thầy Miguel được kiểm nghiệm, và được xin lại để gởi về quê hương trần gian của Thầy.

Khi đến Ecuador, hài cốt của Thầy được rước về an nghỉ tại tập viện của Dòng ở vùng ngoại ô Quito. Đang khi di chuyển qua đám đông, một em đang đi nạng với tay chạm vào quan tài, em bỏ nạng xuống vệ đường và bước đi với đám đông trước sự kinh ngạc đầy hân hoan vui sướng của những người hiện diện. Từ đó cậu bé này không bao giờ dùng đến nạng nữa, em đã hoàn toàn được chữa lành. Lập tức, các ơn và các phép lạ bắt đầu được phúc trình. Ngày 30/10/1977, cùng với một Thầy khác, là Thầy Mucian thuộc Malonne, Bỉ quốc, Thầy đã được Đức Giáo Hoàng Paul VI tôn phong Chân phước. Đến ngày 9 tháng 2 năm 1984, Thầy Miguel Cordero đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Hiển thánh.

Vì lời cầu bầu của Thánh  Miguel Cordero, xin Chúa ban cho chúng con ơn biết chu toàn bổn phận của mỗi người chúng con, và luôn luôn chu toàn tốt đẹp vì vinh danh Chúa, trong tình mến Chúa.

(Trích "Chứng Nhân Chúa Kitô" Rev John, CMC biên soạn)