Ngày 29 tháng 6

St. Paul the Apostle
(c.3 - 65)

Saint Paulus the ApostleThánh Phaolô, vị Tông đồ vĩ đại, tên thật là Saolô sinh vào khoảng năm c.3 tại Tarsus, Cilicia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) trong một gia đình Do Thái vị vọng. Saolô được hưởng quy-chế công dân Roma từ bẩm sinh. Là người đã bắt bớ các kitô hữu tiên khởi. Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Trên đường đến Damascus, Saolô còn "... hầm hầm đe dọa, thở ra sát khí đối với các môn đồ của Chúa... nhưng thình lình ánh sáng từ trời lóe rạng bao lấy ông; ông ngã xuống đất và nghe từ trời có tiếng phán rằng "hỡi Saolô, tại sao ngươi lại bắt bớ ta?" Saolô đột nhiên được ơn hoán cải và trở thành một tông đồ đức tin. Suốt ba ngày dòng dã, Saolô chẳng trông thấy gì, không ăn cũng chẳng uống (Cv 9:1-9). Đến ngày thứ ba, tiếng nói kia mới phán bảo Ananias "... con người Saolô này chính là khí cụ Ta đã chọn để mang Danh Ta ra trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Vì Ta sẽ tỏ cho nó biết tất cả những gì nó phải chịu vì Danh Ta" (Cv 9:15-16)

Sau khi được Ananias đặt tay, Saolô - tức là thánh Phaolô, đã được lãnh nhận các ơn Chúa Thánh Thần, phục hồi thị lực, chịu phép Thanh Tẩy và hăng say rao giảng Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Khi thánh Phaolô đến Giêrusalem để yết kiến các Tông Đồ, chính thánh Barnabas đã đứng ra giải tỏa những e ngại và nghi ngờ của các Tông Đồ đối với sự thành tâm hoán cải của ngài; và sau này thánh Barnabas đã đồng hành với thánh Phaolô trong một số hành trình truyền bá đức tin.

Sau khi ngài được ơn trở lại, ngài bắt đầu rao giảng là chỉ có Ðức Kitô mới cứu chuộc được chúng ta. Lúc thánh nhân trở lại, Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ tỏ cho con biết con sẽ phải chịu nhiều đau khổ vì Ta.” Thánh Phaolô yêu mến Chúa Giêsu rất nhiều, nhiều đến nỗi ngài đã trở nên bản sao sống động của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Cả cuộc đời, đặc biệt trong suốt những chuyến đi truyền giáo, thánh Phaolô đã gặp đủ loại khó khăn và nguy hiểm. Ngài bị đánh đòn, ném đá, đắm tàu, bị trôi dạt lênh đênh trên biển cả. Rất nhiều lần thánh Phaolô phải chịu đói, chịu khát và chịu rét.

Nhưng thánh Phaolô luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Ngài không bao giờ thôi việc rao giảng Tin mừng. Ngài nói: “Chính Tình Yêu Chúa Giêsu đã thúc bách tôi.” Để ân thưởng Phaolô, Chúa Giêsu đã ban cho ngài cảm nghiệm thấy niềm vui và an ủi đặc biệt trong những nỗi đau khổ ngài chịu.

Chúng ta đọc thấy những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy kinh ngạc của thánh Phaolô vì danh Chúa Giêsu trong sách Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca, khởi đầu từ chương thứ chín. Nhưng truyện kể của thánh Luca kết thúc khi Phaolô đến Rôma. Ngài bị bắt giam, chờ hoàng đế Nêrô xét xử. Một văn gia nổi tiếng thuộc Kitô giáo tiên khởi là Téctulianô nói với chúng ta rằng Phaolô được trả tự do sau lần xét xử đầu tiên. Nhưng sau đó ngài lại bị tống ngục. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình. Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 67, trong thời kỳ Nêrô khủng bố các kitô hữu.

Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối: chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người – ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất – có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Ðể được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.

Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Ðức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là những người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.

Thánh Phaolô tự  nhận mình là Tông đồ của dân ngoại. Ngài rao giảng Tin mừng cho những người ngoài Dothái. Việc này đã làm cho Phaolô được biết đến trên khắp thế giới. Cũng nhờ Phaolô mà chúng ta được nhận lãnh Đức tin Công giáo. Đôi khi chúng ta nhận thấy Đức tin của mình thật yếu ớt. Chính lúc ấy chúng ta hãy cầu xin với thánh Phaolô. Ngài sẽ giúp chúng ta tin nhận và yêu mến Chúa Giêsu như ngài.

Thánh Phaolô đã để lại 14 bức thánh thư minh giải giáo lý của Giáo Hội thật sinh động, đó là nguồn an ủi và là ánh sáng cho rất nhiều đấng thánh. Thánh Jérome cho là những lời của thánh Phaolô đối với ngài tựa như những luồng chớp; trong khi thánh Chrysostom thì tự hỏi: “Làm cách nào mà Đấng diễm phúc này lại có một lợi thế vượt trội hơn các Tông Đồ khác? Làm cách ngài có thể sống được trên môi miệng của mọi người khắp nơi trên thế giới? Chẳng phải là nhờ thần lực những bức thánh thư của ngài hay sao?”

Kinh Thánh không ghi lại cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô, hoặc bất cứ vị Tông Ðồ nào, ngoại trừ Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê (TVCÐ 12:2), nhưng qua các bài đọc và truyền thuyết có từ thời Giáo Hội tiên khởi, các ngài đã tử đạo ở Rôma dưới thời Hoàng Ðế Nêrô, và được chôn cất ở đây. Là một công dân Rôma, có lẽ Thánh Phaolô bị chặt đầu. Còn Thánh Phêrô, được biết ngài bị treo ngược đầu trên thập giá.

Theo truyền thống rất đáng tin, thánh Phaolô đã bị chém đầu tại Rome ba năm sau khi thánh Phêrô tử đạo và theo tư liệu của thánh Clement thì chính bạo vương Nero đã hiện diện trong cuộc sát hại. Người ta tin rằng thánh tông đồ đã đổ máu tại địa điểm thánh đường San Paolo Alle Tre Fontane (thánh Phaolô ba giếng) ngày nay tọa lạc. Vào thế kỷ thứ V, thánh đường này đã được khởi công tại địa điểm thánh Phaolô bị chém đầu nên còn được gọi là “thánh đường trảm thủ”. Trong gian cung thánh có một trụ lăng thấp bằng cẩm thạch, nơi thánh nhân đã bị cột và một phiến cẩm thạch nơi thánh nhân đã chết trên đó. Phía cuối thánh đường có ba kiến trúc nhỏ bao quanh ba giếng nước kỳ diệu, nghe nói đã vọt lên khi thủ cấp thánh nhân từ trên dốc lăn xuống và nẩy lên ba lần. Khi đề cập đến sự kiện và nơi chốn thánh Phaolô bị xử trảm, thánh Gregory Cả không nói gì về việc thủ cấp nẩy lên; nhưng quả thật có ba cái giếng với những linh đài cẩm thạch bao quanh bên trên có một cái đầu tượng trưng đầu của thánh Tông Đồ. Xương sọ của thánh nhân đang được lưu giữ cùng với xương sọ của thánh Phêrô trong một cái hòm bằng vàng trong bàn thờ giáo hoàng tại vương cung thánh đường Lateran.

Theo luật Roma, thi thể nạn nhân được trả lại cho thân nhân hoặc bằng hữu mai táng. Có người tin rằng thi hài thánh Phaolô đã được bọc trong vải liệm cùng với hương liệu và được mai táng trong khu đất của bà Lucina, một phụ nữ quý tộc Roma. Một mộ phần đơn sơ đã được xây trên địa điểm mai táng cho đến khi hoàng đế Constantine xây thành một vương cung thánh đường và được Đức Sylvester I cung hiến ngày 18 tháng 11 năm 324 cùng ngày với lễ cung hiến đền thờ Thánh Phêrô. Theo quyển Công Vụ thánh Sylvester, khi vương cung thánh đường ấy được mở rộng, hoàng đế Constantine đã dân cúng rất nhiều, đó là chưa kể những hiến vật của các bậc tôn quý khác, chẳng hạn thánh Gregory Cả và vua Charlemagne. Vương cung thánh đường này nhiều lần đã được tôn tạo và mở rộng thêm được gọi là vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành (San Paolo Fuori Le Mura). Hài cốt thánh nhân được đặt dưới một phiến cẩm thạch với hàng chữ từ thế kỷ thứ IV “Paolo Apostolo Mart”. Từ thế kỷ thứ III, ngôi mộ của thánh Phaolô vẫn yên vị trên cung thánh của vương cung thánh đường này.

Khách hành hương có thể thấy ngôi mộ Thánh Phaolô, mà trước đây không thể. Một khung cửa đã được đục ra trên bức tường gạch xây vào thế kỷ thứ 5, bao vây mộ Thánh Phalô chôn bên dưới bàn thờ chính, để cho khách hành hương có thể thấy môt mặt bên của ngôi mộ bằng cẩm thạch chưa hề được mở ra và bên trong chứa di hài của vị Thánh Tông Đồ trong 20 thế kỷ vừa qua.

Tại tu viện Biển Đức giáp với vương cung thánh đường có đặt một bia cẩm thạch ghi nhớ cuộc họp mật viện ngày 25 tháng 1 năm 1959, khi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII lần đầu tiên công bố về việc triệu tập công đồng chung Vatican II.

(Nhóm Tinh Thần trích NS Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 262 và nhuận chính lại theo Patron Saints & "The Relics" của Joan Carroll Cruz)

Bài đọc thêm: