Ngày 02 tháng 8

St. Peter Julian Eymard
(1811-1868)

Saint Peter EymardPeter Julian Eymard sinh ngày 04 tháng 2 năm 1811 tại La Mure, nước Pháp. Khi Phêrô Giulianô Eymard mới được 5 tuổi, chị của bé một hôm tình cờ nhìn thấy bé trong nhà thờ, đang đứng trên một cầu thang sau bàn thờ chính, tai ghé sát vào Nhà Chầu. Sau đó chị của Eymard hỏi bé làm gì mà ghé sát tai vào Nhà Chầu, bé trả lời là để nghe thấy tiếng của "Người" cho rõ hơn. Tấm lòng đơn sơ của tuổi ấu thơ đó là khởi đầu cho một cuộc đời hăng say với chân lý Chúa Giêsu hiện diện thực trong hình Bánh Rượu trên Bàn Thờ.

Ngày nay, không những việc rước lễ thường xuyên hay hằng ngày là một điều rất bình thường, mà còn là một điều đáng khích lệ. Nhưng trong thời của Thánh Eymard, lạc thuyết của phái Janseniô vẫn còn ảnh hưởng trên Âu châu. Một trong những điều sai lạc phái đó chủ trương là họ coi việc rước Mình Máu Thánh Chúa là một ơn huệ quá lớn lao, trong khi đó người giáo dân lại quá bất xứng. Vì thế, chỉ nên Rước Chúa mỗi năm một lần, hoặc nhiều lắm là mỗi tháng một lần thôi. Nên ai muốn rước lễ thường xuyên thì đó là người kiêu ngạo. Trong khi việc học Thánh Kinh là điều rất hoạ hiếm, Thánh Eymard coi sự hiện diện của Chúa trên Hòm Bia trong thời Cựu Ước là một hình bóng cho sự hiện diện của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể ở thời Tân Ước. Những tư tưởng của Ngài về Mầu Nhiệm Thánh Thể đã được trình bày mấy chục năm trước những điều tuyên bố của Thánh Piô X, vị "Giáo Hoàng của phép Thánh Thể". Những giáo huấn của Thánh nhân liên quan đến việc Rước Lễ dù đã được viết trước đây trên cả trăm năm, nhưng vẫn còn thực tế đối với chúng ta ngày nay. Trong Thánh Lễ Phong Thánh cho Ngài, Đức Gioan XXIII đã ca tụng Thánh nhân là mẫu gương hoàn hảo nhất trong việc thờ kính Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, và Đức Thánh Cha khuyến khích các giáo hữu noi gương Ngài, luôn quy hướng mọi tư tưởng, cảm tình, và tất cả lòng nhiệt thành vào trung tâm là nguồn mạch ơn thánh vô sánh này, một Mầu Nhiệm Đức Tin mà Đấng ẩn mình dưới tấm khăn che ấy chính là Tác giả của ơn thánh, Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể.

Cuộc đời của Thánh Eymard thực là một chứng từ nói lên chân lý gia đình Công Giáo chính là chiếc nôi của sự thánh thiện. Thân phụ của ngài, ông Giulianô, suốt đời tận tụy làm nhiều việc để kéo gia đình ra khỏi cảnh nghèo khó. Khi Eymard sinh ra, ông đang làm chủ một tiệm ép dầu và bán dao kéo. Người vợ thứ nhất của ông chết đi, để lại cho ông năm cô con gái. Bốn cô đã đi sống với họ hàng thân thuộc, chỉ còn Maria Anna ở với ông Giulianô và người vợ thứ hai của ông, cũng là mẹ của Eymard. Cả bà thân mẫu của thánh nhân lẫn chị Maria Anna là những người rất sùng đạo. Từ tuổi ấu thơ, Eymard thường được bế đến nhà thờ để viếng Thánh Thể. Một trong những điều đầu tiên Eymard còn nhớ được là hình ảnh mình được đứng trước Mặt Nhật bằng vàng. Dù ông Giulianô kịch liệt phản đối ơn gọi của Eymard trong nhiều năm, sau cùng ông đã chấp nhận vì ông cảm thấy đó là Thánh Ý Chúa. Lý do tại sao ông phản đối cũng thật dễ hiểu, trước hết vì Eymard là con trai duy nhất và cũng là người duy nhất còn sống trong bốn người con của bà vợ thứ hai. Vì thế, không phải vì ông phản đối mà chúng ta cho ông không phải là người công giáo tốt. Nhất là trước khi ông chết, ông hoàn toàn thay đổi quan niệm và không còn phản đối việc con trai đi tu nữa.

Dù lúc còn nhỏ, Eymard được xếp vào loại ngoan ngỗ, nhưng không vì đó mà em khác thường với những đứa trẻ đồng trà; cậu sống một cuộc đời bình dị như các đứa trẻ cùng tuổi. Dù không giỏi trong các trò trơi, cậu cũng thích chơi đùa với chúng bạn. Đôi khi cậu không vâng lời cha mẹ và các kỷ luật, thích tò mò; có một lần vì quá ham chơi, Eymard đã làm một điều mà mãi đến lúc sắp chết, Eymard vẫn còn ân hận. Câu truyện xảy ra như sau: Tướng Bonaparte mới dẫn đầu đoàn quân qua thành phố. Thế là trẻ con trong thành bắt đầu đóng vai lính để chơi với nhau. Ăn vận càng đẹp, càng oai thì càng được chức cao. Sau mấy ngày đi lùng các tiệm trong phố, Eymard đã tìm được một bộ lông của lính, và em liền bị cám dỗ ăn cắp. Lựa lúc thuận tiện, em đã lấy bộ lông và chạy về. Nhưng chạy chưa được bao xa, và mặc dù người chủ cẫn chưa biết bị mất cắp, Eymard cũng bị lương tâm cắn rứt đến nỗi em đã quay lại tiệm trả lại bộ lông, và cấp tốc chạy về nhà. Từ đó, mỗi lần nghĩ lại chuyện này, Eymard luôn tỏ ra buồn phiền hối hận.

Một lần nọ, Eymard nghe được các tu sĩ dòng Carmêlô nói với nhau là bạn bè khi gặp nhau thì nên nói với nhau vài lời. Eymard liền liên tưởng điều này đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu mỗi lần đi qua Chúa Giêsu Thánh Thể mà không viếng thăm và nói vài lời với Ngài, thì chưa phải là bạn của Ngài. Lý do Eymard đưa ra để biện minh cho quan niệm của mình cũng thật đơn giản: "Chúa Giêsu đang ở đó; mọi người phải đến với Ngài".

Eymard hằng mong chờ ngày được Rước Lễ lần đầu. Đồng thời, em bắt đầu có ý tưởng muốn đi tu. Vì vậy, em đã xin chị Maria-Anna rước lễ để xin Chúa ban cho em được làm linh mục. Từ ngày đó, Eymard bắt đầu giúp lễ trong các thánh lễ, Chúa Nhật cũng như ngày thường. Vào thời đó, trước giờ lễ quãng 15 phút, chú giúp lễ thường rảo qua đường phố rung chuông kêu gọi mọi người đến nhà thờ. Eymard rất thích làm việc ấy, đến nỗi đôi khi em mang cả chuông về nhà từ tối hôm trước.

Khi đã có trình độ học vấn như các trẻ đồng tuổi, Eymard được cha đưa đến tiệm ép dầu để làm việc. Vì biết là cần phải học Latinh, Eymard bắt đầu dùng giờ riêng để tự học. Eymard tìm mua được một cuốn sách Latin cũ để học, và nhờ một chủng sinh chỉ dạy cho những điều căn bản.

Đến năm 17 tuổi, một hôm nghe được ba má đang bàn chuyện lo việc hôn nhân cho mình, Eymard liền cho ba má biết mình đã quyết định làm linh mục, không gì có thể đổi ý mình nữa. Nhận thấy không thể đổi ý của Eymard, ông thân sinh đã để cho Eymard được tự do học, nhưng ông nhất định không giúp đỡ tài chính cho cậu.

Khi biết tin một linh mục tại Grenoble sẵn sàng dạy Latinh cho những ai bằng lòng giúp ngài làm việc trong nhà xứ, Eymard liền lên đường đến xin học, với hy vọng sẽ có đủ căn bản về Latinh. Khi đến nơi, Eymard mới biết vị linh mục đó là tuyên uý một nhà thương điên nằm bên cạnh nhà xứ. Vị linh mục đã không giữ lời hứa dạy Latinh cho Eymard. Không những thế, ngài còn bắt Eymard bỏ nhiều giờ giúp ngài chăm sóc các bệnh nhân. Nhiều khi, ngài còn để Eymard một mình ở nhà thương lo cho các bệnh nhân, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra. Sau quãng ba tháng tại đây, trong khi nói chuyện với vị giám đốc nhà thương, ông đã an ủi Eymard vì nỗi buồn mất mẹ. Cho tới lúc này, vẫn chưa ai cho Eymard biết tin mẹ cậu qua đời. Eymard vội vã về, nhưng không kịp để dự lễ an táng. Nước mắt của ba giữ Eymard ở lại với gia đình một thời gian. Nhờ cái chết của mẹ cậu, ba cậu đã tìm được một lý do để cản trở ơn gọi của cậu.

Trong năm 1829, một số linh mục thuộc tu hội Đức Mẹ Vô Nhiễm đến giảng truyền giáo. Các vị đó thu hút ông Eymard đến nỗi ông đã cho con trai ông gia nhập tu hội này.

Vì kém về Latinh, Eymard đã phải cố gắng hết sức để học, đến nỗi kiệt sức và bị cho về để chờ chết, và gia đình phải mời cha đến làm phép Xức Dầu cho chàng. Trong lúc chờ chết, Eymard đã xin Chúa ban cho mình ít là được dâng một Thánh lễ trước khi chết. Lời nguyện này chắc đẹp lòng Chúa, vì không bao lâu sau đó Eymard đã bình phục.

Sau khi bình phục, nhờ sự giúp đỡ của vị sáng lập tu hội Đức Mẹ Vô Nhiễm, Eymard đã được nhận vào chủng viện để hoàn tất việc học, và được chịu chức linh mục. Vì không có chỗ nào cần linh mục, Cha Eymard lại xin gia nhập tu hội Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhưng bị từ chối, vì bị coi là không đủ sức khoẻ để chịu đựng những khó khăn của đời truyền giáo. Sau đó, Cha được trao cho một giáo xứ. Cha nêu gương sáng cho giáo dân trong sự tận tụy và đời sống gương mẫu, nhất là Cha dùng nhiều giờ để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Một thời gian sau, Cha Eymard gặp mấy tu sĩ dòng Đức Mẹ. Vì có lòng sùng kính Đức Mẹ, Cha đã xin gia nhập dòng này. Dù không muốn mất một vị linh mục tốt lành, Đức Cha vẫn đồng ý cho Cha gia nhập. Cha Eymard đã sống trong Dòng này 17 năm.

Đến lúc này, Cha Eymard nhận thấy hầu hết các mầu nhiệm Đức Tin đều đã được ít là một Dòng tu để ý đến, trừ Mầu Nhiệm Chúa hiện diện trong phép Thánh Thể. Cha đã được ơn soi sáng thành lập một cộng đoàn tu trì với mục đích chính là dâng hiến cuộc đời để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Lúc đầu, Cha muốn cộng đoàn mới được nằm trong khuôn khổ của Dòng Đức Mẹ, nhưng các vị Bề trên cảm thấy điều này không thể được. Thay vào đó, họ đồng ý cho Cha rời khỏi Dòng để có thể thực hiện ơn gọi của Cha. Sau đó, Cha xin Đức Thánh Cha, và Ngài đã cho phép thành lập tu hội mới.

Trong thời sơ khai, Dòng mới này gặp rất nhiều khó khăn. Không có đủ tài chính để chi phí những điều cần thiết. Dù Cha luôn ước ao bàn thờ phải đẹp như ngai vua, nhưng trong tu viện đầu tiên, bàn thờ chỉ là một tấm ván. Đến một hôm Cha Eymard đem đến cho anh em một tin mừng, "Ngày hôm nay chúng ta đã có vải trải trên bàn thờ, mỗi thước vải là tám xu. Bàn thờ trông khá hơn nhiều". Cha Eymard cũng viết nhiều sách trình bày các khía cạnh của phép Thánh Thể. Và Đức Hồng Y Gibbons có lần đã nói, Cha Eymard chỉ nhìn thế giới qua "lăng kính thần linh của mầu nhiệm Thánh Thể".

Trong thời gian đầu của Dòng, ơn gọi thật là hiếm hoi. Gia nhập không được bao lâu, một vài thanh niên đã rút lui. Dòng cũng gặp nhiều phản đối, từ phía những nhóm chống tôn giáo cũng như những vị lãnh đạo tôn giáo. Nhưng bất chấp mọi khó khăn, Cha Eymard luôn vững niềm xác tín đơn sơ: hễ là điều Chúa muốn, chắc chắn sẽ thành công. Quả thật, sau đó không lâu, văn kiện chấp nhận thành lập Dòng đã được gửi tới từ Rôma, và Dòng bắt đầu từ từ lớn mạnh.

Trong thời gian đó, một nghệ sĩ tài hoa trẻ tuổi, là hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia, sau một thời gian khủng hoảng tinh thần, đã đến xin nhập tu. Khi có dịp nói chuyện với chàng, Cha Eymard nói: "Tôi hy vọng là Chúa sẽ tha cho tôi tội tự phụ hão huyền nếu anh tìm được ơn gọi ở đây". Chàng hoạ sĩ đã thành tâm thưa lại, "Con sẽ cố gắng". Khi được hỏi chàng sẽ tính sao về nghề hội hoạ của mình, anh ta thưa lại là sẵn sàng bỏ hết. "Này thầy Augustinô, đừng vội!" Cha Eymard trả lời, "Không biết thầy có tìm được ơn gọi ở đây hay không; đó còn tuỳ ở Chúa. Dù sao, người ta cũng không được vào Dòng để lẩn trốn, nhưng để hoàn thành một mục đích". Không lâu sau, Cha Thánh đã khuyên chàng thanh niên trẻ tuổi này trở về thế gian để tiếp tục nghề hội hoạ. Cha đã hướng dẫn cho chàng hiểu rằng nghề hội hoạ mới là công việc của đời chàng, chứ không phải đời tu trì. Sau này, một trong những tác phẩm nổi danh nhất của Auguste Rodin, tên người nghệ sĩ, chính là bức tượng Thánh Phêrô Giulianô Eymard bằng đồng.

Ngoài tu hội cho ngành nam, Cha Eymard còn thành lập hội Liên Minh Thánh Thể cho giáo dân, một dòng chiêm niệm dành cho nữ tu, và hội Liên Minh Thánh Thể cho các linh mục coi xứ. Khi bà Marguerite Guillot bàn hỏi với Thánh Gioan Vianney về ý định của Cha Eymard muốn đặt bà làm Bề trên tiên khởi của một hội dành cho phụ nữ, Ngài khuyên bà đừng ngần ngại, nhưng hãy hoàn toàn đặt mình trong tay Cha Eymard. Thánh Gioan Vianney nói: "Ngài là một vị đại thánh. Khi gặp Ngài, xin bà hãy nói với Ngài những gì bạn bè thường nói khi gặp nhau, và tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở trên Thiên Đàng".

Sau khi đã kiệt lực vì mệt mỏi và đền tội, Cha Eymard đã rời Balê vào tháng 7 năm 1868 và đến nghỉ tại thành La Mure để lấy lại sức khoẻ. Trên đường đi, ngài ngồi ghế ngoài, nhường chỗ tốt hơn ở hàng ghế trong cho người khác. Sức nóng bỏng của ánh mặt trời khiến cho ngài bị bất toại. Khi đến La Mure, ngài không còn đủ sức chống lại một số bệnh tật, và Ngài đã êm ái ra đi ngày 1 tháng 8 năm 1868. Những tài liệu để lại sau khi Ngài qua đời cho biết, tất cả những ai đã sống với ngài đều công nhận ngài là một vị thánh.

Chiến tranh bùng nổ vào năm 1870, và đến năm 1880, Dòng của Ngài bị trục xuất khỏi nước Pháp. Các tu sĩ chạy sang Bỉ tị nạn. Không mấy người nghĩ rằng Dòng sẽ tồn tại; nhưng chỉ vài năm sau, một tu viện mới đã được thành lập tại Rôma, và các phần tử tiếp tục sứ mạng của vị Thánh sáng lập. Đến năm 1899, cuộc điều tra về cuộc đời của Cha Phêrô Giulianô Eymard được bắt đầu.

Cha Eymard được Đức Giáo Hoàng Pius XI phong Chân phước năm 1925. Đức Hồng Y Gibbons đã viết về Ngài: "Không một vị tông đồ nào trong thời đại chúng ta thấm nhiễm tinh thần Thánh Thể cho bằng Chân Phước Eymard". Đến ngày 9 tháng 12 năm 1962, Cha Phêrô Giulianô Eymard được Đức Thánh Cha Gioan XXIII tôn lên bậc Hiển Thánh.


(Trích "Chứng Nhân Chúa Kitô" Rev John, CMC biên soạn)
(Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints và Santi-Beati-Testimoni)