Chân dung linh mục Việt NamCha Giuse Maria NGUYỄN VĂN THÍCH (1891–1978) Hai cụ thân sinh Cậu ấm Nguyễn Văn Thích chào đời ngày 22-9-1891, tại Phủ lỵ An Nhơn, tỉnh Bình Định, là con thứ hai của cụ Lô Giang Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, người làng Niêm Phò cũng là làng Kẻ Lừ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ Nguyễn Văn Mại (1858–1945) đỗ thủ khoa thi Hương, rồi phó bảng khoa Kỷ Sửu (1889) Thừa Thiên, được bổ dụng Tri phủ An Nhơn (Bình Định), làm quan đến chức Thượng thư. Cụ Thượng Mại đã từng làm Chánh chủ khảo các khóa thi Hương, thi Hội và Quản giáo môn Hán tự tại trường Quốc Học. Cụ đã tháp tùng vua Khải Định qua Pháp với tư cách là một danh sĩ của Triều đình. Trước khi về hưu, Cụ được thăng tước Hiệp Tá Đại học sĩ. Cụ bà là Thân Thị Vỹ (1862–1946), họ Thân Trọng, ở làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, một dòng họ danh tiếng với các bậc khoa bảng như Cụ Thân Trọng Huề, Thượng thư dưới triều Đồng Khánh, Khải Định. Trường Dòng Pellerin Trường Pellerin gọi là "Trường Dòng", ở Huế, do các sư huynh Lasan (Saint Jean Baptiste de La Salle) điều khiển và giảng dạy. Trường này được thành lập năm 1904 và cậu học sinh Nguyễn Văn Thích thuộc thế hệ đầu tiên được các sư huynh truyền dạy kiến thức cả đời lẫn đạo. Nơi đây cậu ấm được học hỏi, trau dồi tiếng Pháp và đư?c khai tâm về giáo lý Kitô giáo. Tháng 2-1911, với bằng cao đẳng Tiểu học và một năm sư phạm, thầy Thích được bổ làm trợ giáo tại tỉnh Khánh Hòa. Bốn tháng sau, ngày 29 tháng 6 năm 1911, tại nhà thờ Bình Cang, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, cha Charles Eugène Saulcoy, tên Việt là Cố Ngoan, đã ban phép Thánh Tẩy cho thầy giáo Thích với tên thánh là Giuse Maria. Được tin sét đánh này, cụ Thượng thư Bộ Lễ, vốn thâm nho, không cầm nổi tức giận, dùng roi gậy đánh nhừ tử “đứa con bất hiếu”. Mấy chục năm về sau, nhân ngày mừng lễ thất tuần "Anh Thích", bà em gái là Thiếu Hải thuật lại: Trong nhà dùi, gậy, ba toong, Thụ phong linh mục Khi cơn "gia biến" dịu dần với thời gian, Cụ Thượng thân phụ nghĩ đến việc lập gia đình cho con trai đã 26 tuổi. Cụ mời Đức cha Allys (Cố Lý) đến nhà, xin Đức cha can thiệp làm mai mối với con gái Cụ Thượng Công giáo Nguyễn Hữu Bài để con mình yên bề gia thất, không còn gây thêm tai biến nữa. Nào ngờ đâu, khi được “hung tin” nầy, người môn đệ của Chúa Giêsu quyết định từ giã gia đình quý tộc… Một đêm thanh vắng tháng 9-1917, thầy giáo Giuse Maria Nguyễn Văn Thích cải trang làm cô gái đội nón lá, mặc áo dài tha thướt ra đi, trực chỉ đến Tiểu chủng viện An Ninh tại Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Một trường hợp chưa từng có: muốn được nhận vào Tiểu chủng viện thường là 12 đến 14 tuổi, nhưng thầy Thích đã 26 tuổi thì phải làm sao đây? May mắn là Đức cha Lý (Allys) nắm rõ hoàn cảnh nên nhận ngay người chủng sinh rất độc đáo nầy, vừa học tiếng Latinh và chương trình đào tạo linh mục, vừa được mời làm giáo sư Pháp văn, Hán văn, Quốc văn cho chủng sinh. Sau 2 năm tu tập vừa làm trò vừa làm thầy nơi đây, thầy giáo “tiểu chủng sinh” được gửi vào Đại chủng viện Phú Xuân, Huế, và 6 năm sau được thụ phong linh mục ngày 18-12-1926. Một nhà giáo xuất chúng Linh mục Nguyễn Văn Thích là một nhà giáo từ khi còn tuổi đôi mươi cho đến lúc ngoài 80. Ngài đã dạy tiểu học ở Khánh Hòa, rồi Huế (1911–1917), Dòng Thánh Tâm Huế (1927–1933), trường Providence Huế (1933–1937), Tiểu chủng viện An Ninh Quảng Trị (1937-1942), Tuyên úy trường Pellerin lần I và giáo sư Trung Học Khải Định (nay là Quốc Học) (1942–1946). 30-4-1946: quản xứ Kim Long, Huế. giáo sư Quốc Học và các trường tư thục Công Giáo Huế (1950–1958). Từ 1958, cha dạy Đại Học Đà Lạt, Huế, Saigon. 1959–1970: Tuyên úy trường Pellerin lần II. Từ năm 1959, cha dạy Hán văn và Triết Đông tại Viện Hán Học Huế. Năm 1963, cha mở một nhà trẻ ở Việt Nam (có lẽ là nhà trẻ đầu tiên ở đây), với tên gọi là Hương Linh, trong khuôn viên trường Bình Linh (Pellerin). Ngoài ra, cha cũng rất quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu nữ. Một nhà thơ, một nhà báo lỗi lạc Linh mục Nguyễn Văn Thích đã sáng tác thi ca, được sưu tập trong “Sảng Đình Thi tập", gồm 153 bài thơ Việt văn, Hán văn và Pháp văn. Thơ của cha rất đa dạng, từ những câu vè 4 chữ, những câu thơ lục bát, tứ tuyệt và thơ Đường, đến những bài Thánh ca, Thánh thi ca tụng Đức Mẹ. Biệt hiệu Sảng Đình của cha. Sảng: là sáng, đẹp. Đình: đền thờ. Sảng Đình: có thể hiểu là ánh sáng đẹp của Nhà Thờ. Cha còn là sáng lập viên tuần báo "Vì Chúa", xuất bản từ 1936, với tam ngữ Việt-Hán-Pháp, với nhiều cộng tác viên như cụ Ưng Trình, cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn… Ngoài ra, cha còn cộng tác với báo "Nguồn Sống", tạp chí Đại Học Huế, hay "Cổ Học Quí San"… Họa sĩ và nhạc sĩ thời danh Cha Thích có biệt tài về cổ họa. Một vài bức họa trong báo Vì Chúa, được in lại trong Sảng Đình Thi Tập, như bức "Thác Lớn Bạch Mã" rất tinh vi điêu luyện, bức tự họa "Trầm ngâm chiếc bóng dựa bên tường", các bức "Đức Từ Mẫu" (Mater Misericordiae: Tòa Tổng Giám Mục Huế hiện còn trưng bày bức họa này), "Chân dung Thánh Gioan Vi-a-nê", "Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu"... Về âm nhạc, cha Thích sử dụng thành thạo các nhạc khí dân tộc như đàn nhị, đàn cò, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tì bà… kể cả các nhạc cụ Tây phương. Về thánh ca, bài "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa" (Magnificat) hiện vẫn còn được dùng hát trong phụng vụ; bài “Lạy Đức Mẹ La Vang” không mấy ai không biết; ... Linh mục tuyên úy Hướng đạo sinh Từ 1941, cha sinh hoạt với Hướng đạo ở Huế, đến năm 1949, Bản quyền giáo phận Huế bổ nhiệm ngài làm Tuyên úy Hướng đạo Công Giáo Huế. Vào giữa năm 1953, ngài làm Tổng Tuyên úy Hướng đạo Toàn quốc. Ngài đã đóng vai trò tích cực và uyển chuyển giữa nhiều khuynh hướng khác nhau của các Huynh trưởng và Tuyên úy ba miền Trung, Nam, Bắc. Một tâm hồn nghèo khó và yêu thương Cha Thích làm giáo sư lâu năm, dạy đại học nhiều nơi, với lương bổng rất cao, nhưng ngài không giữ lại chút gì cho mình. Khi nhắm mắt lìa đời, ngài chỉ có vài bộ áo đã sờn cũ. Viện Dục Anh nuôi trẻ mồ côi ở Huế luôn được cha quan tâm và trao nhiều tiền bạc cho các nữ tu phụ trách. Cha còn là Tuyên úy Pellerin và Viện Bài Lao. Cha thường đến bệnh viện dâng Thánh lễ, luôn đem tiền và quà đến cho bệnh nhân. Bao nhiêu năm làm giáo sư, cha vẫn đi một chiếc xe đạp duy nhất. Một hôm, cha đạp xe đạp nhà xứ Kim Long đến dạy học tại Đại chủng viện Kim Long, tình cờ bắt gặp một người đàn ông áo quần xơ xác đang chặt trộm buồng chuối của chủng viện. Thấy cha, ông ấy hoảng hốt toan bỏ chạy. Cha ôn tồn gọi người đó lại, móc túi đưa thêm ít tiền rồi nói: “Bác có muốn ăn chuối non nầy thì phải thêm cái gì để nấu ăn chứ. Bác cầm lấy chút tiền nầy mua tôm tép gì thêm vào cho đủ vị”. Vừa nói, cha vừa đưa tiền rồi đi vào dạy học. Một chuyện xảy ra làm rúng động thành phố Huế: Năm 1950, một bác sĩ tổ chức hội chợ từ thiện, với sự cộng tác của cha Thích. Giữa mấy gian hàng bày trò chơi lại có một sòng bạc thu hút nhiều khách. Cha Thích phản đối: “Cờ bạc không thể đi đôi với việc từ thiện”. Trưởng ban tổ chức không chịu nghe, cha Thích liền lấy micro khuyến cáo dẹp sòng bạc đó. Bác sĩ tổ chức giật micro trong tay cha. Trong lúc giằng co, bác sĩ tát vào má cha. Hồn nhiên và khiêm tốn, cha liền đưa má kia và nói: "Còn má này nữa, xin ngài hãy đánh cho đỡ giận”. Mọi người vây quanh đều sửng sốt ngỡ ngàng. Có người đã thốt lên: "Phải là một đấng thánh mới làm được như vậy!" Cuối cùng, ông trưởng ban tổ chức đã cúi đầu xin lỗi cha. Tất cả vì Chúa "Vì Chúa" không phải chỉ là tên tuần báo nổi danh ở cố đô Huế do cha sáng lập, mà chính là châm ngôn cuộc sống của cha, với tôn chỉ: Suy tư vì Chúa, (Số 1, ngày 18-9-1936). Ra đi êm ái Ngày 10-12-1978, linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích với tuổi hạc 87, giã từ trần thế để về cõi trường sinh, về với Thiên Chúa, Đấng mà cha đã hiến thân phục vụ đến trọn đời. Giáo Hội Việt Nam, Giáo phận Huế đã dâng lên Thiên Chúa một người con chí hiếu, một linh mục gương mẫu, một nhân tài sáng giá, một hiền nhân hiếm có. (Theo Trang Web TGP Huế) |