Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Phú CườngGP PHÚ CƯỜNG – Trong không khí se lạnh vào buồi sáng tinh mơ của những ngày cuối tháng 11, từng đoàn người trong 7 giáo hạt thuộc giáo phân lũ lượt tuôn về Nhà Chung, với khuôn mặt rạng rỡ in đậm niềm hân hoan hòa niềm vui chung của toàn thể Giáo Hội Việt Nam trong ngày lễ khai mạc năm thánh 2010 kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960–2010). 6g30 ngày 28/11/2009 cả khuôn viên Nhà Chung giáo phận ngập tràn tiếng nói, tiếng cười, tiếng chào nhau của những người con trở về "Nhà Mẹ Giáo phận", hòa lẫn trong dòng người này có đủ mọi thành phần Dân Chúa: linh mục, tu sĩ nam nữ, chúng sinh, giáo dân, có người khỏe mạnh đi bên cạnh những người ngồi trên xe lăn, có những em bé chạy tung tăng bên cạnh những cụ già chống gậy cố bước tới lễ đài cho kịp giờ khai mạc. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động về Giáo Hội Chúa Kitô, một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, một Giáo Hội không phân biệt giai cấp xã hội, tình trạng cuộc sống, không phân biệt người nam hay người nữ, sang hay hèn... Vâng, Giáo Hội Chúa Kitô chì có một thân mình với Chúa Kitô là đầu và mọi tín hữu là chi thể của thân thề mầu nhiệm nầy. Đoàn con cái trong giáo phận về đây không để tham dự một lễ hội, nhưng để cùng với Đức Giám mục giáo phận cử hành Thánh lễ khai mạc năm thánh để ghi nhớ một biến cố trọng đại, biến cố in đậm tình yêu của Thiên Chúa dành tặng cho con dân Việt Nam, đó chính là hồng ân đức tin. Hồng ân đó được trao tặng cho Dân Việt không là một chuyện ngẫu nhiên, nhưng được xuất phát “từ ý định ngàn đời đầy yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chính Đức Kitô chứ không ai khác đã sai các sứ giả của Ngài đến vùng đất thân yêu này để loan truyền Tin Mừng cứu độ” (Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, số 1). Thiên Chúa đã trao ban ân huệ lớn lao này qua những bước chân đầu tiên của các nhà Thừa sai vào năm 1533. Từ những bước chân đó Tin Mừng Chúa Kitô đã bắt đầu được loan báo trên mảnh đất quê hương chúng ta, “để rồi nhờ ơn Chúa, Tin Mừng ấy mỗi ngày mỗi lan rộng cho đến cách đây 350 năm, hai giáo phận Tông toà đầu tiên đã được thiết lập tại Việt Nam. Rồi theo dòng lịch sử, Giáo Hội ngày càng phát triển cho đến năm 1960, vào ngày 24-11, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII đã ký Tông sắc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Chúa Kitô trên đất nước chúng ta.” (Đức cha Nguyễn văn Nhơn, Diễn văn khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện ngày 24/11/2009). Việc cử hành này không đơn thuần để tưởng nhớ đến hồng ân đã lãnh nhận, nhưng còn là dịp để mọi người tín hữu cất vang tiếng tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu Ngài ban tặng. Dĩ nhiên lời tạ ơn luôn là hành vi được biểu tỏ mỗi giây phút trong cuộc sống, tuy nhiên khai mở Năm Thánh trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, các vị chủ chăn muốn mọi tín hữu ý thức rằng: Năm Thánh là thời điểm ân sủng, thời điểm “mở ra cho các tín hữu Việt Nam một cơ hội thuận tiện để củng cố niềm tin của mình vào Thiên Chúa Tình yêu, để từ đó có thể cống hiến cho anh chị em của mình ‘kho tàng duy nhất và lớn lao nhất của mình là Đức Giêsu Kitô’. Đây chính là thời điểm để Giáo Hội tại Việt Nam làm toả sáng hình ảnh Nước Trời như kho tàng vô giá chất chứa mầu nhiệm cao vời của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, như viên ngọc quý mà những ai tìm thấy sẽ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được (x. Mt 13, 44-46). Như thế, trước khi giới thiệu và nói về Thiên Chúa cho người khác, chúng ta được mời gọi sống trọn vẹn căn tính đích thực của các môn đệ Chúa Kitô, những người đươc ủy thác sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho đến tận cùng thế giới… Đây cũng là thời điểm mà lời mời gọi nên thánh vang lên rõ ràng và thúc bách hơn bao giờ hết. Thiên Chúa muốn chúng ta sống thánh thiện (x. 1 Tx 4, 7; 1 Tx 3, 12; 1 Pr 2, 15), Đức Kitô muốn chúng ta phúc âm hóa chính cuộc sống mình trước khi loan báo Tin Mừng cho mọi người chung quanh… Vì thế, sống thánh thiện phải là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người chúng ta, đó sẽ là nguồn khởi hứng sinh động cho toàn thể đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của các môn đệ Đức Kitô trên đất nước Việt Nam này.” (Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, số 1). Khởi đầu thánh lễ khai mạc Năm Thánh, Đức Giám mục mời gọi mọi con cái của mình hướng tới công lao của các bậc tiền nhân đã đổ máu đào để làm chứng cho đức tin. Chính nhờ dòng máu các thánh Tử đạo đổ ra mà hạt giống đức tin đã đâm mầm nẩy lộc. Quả thật, Giáo Hội Chúa Kitô tại Việt Nam được lớn lên xinh đẹp chính nhờ máu của các thánh Tử Đạo tưới gội. Để tỏ bày lòng tri ân sâu xa đối các Thánh tử đạo Việt Nam, Đức Giám mục long trọng cử hành nghi thức tôn vinh các ngài qua cuộc rước kiệu trọng thể. Khuôn viên Nhà Chung giáo phận không thể thiết lập một được kiệu dài với hơn 3.600 tín hữu, 100 tu sĩ nam nữ, 50 chủng sinh và 70 linh mục. Vì thế đoàn kiệu chi có đại diện của 7 giáo hạt, tu sĩ nam nữ và tất cả các linh mục đồng tế. Tuy nhiên không vì sự hạn hẹp con số tham gia vào đoàn kiệu rước mà mất đi sự long trọng, trái lại sự trang trọng và vẻ uy nghi bao trùm lấy không gian Nhà Chung. Điều đó có được không do bởi đoàn trống phách, cờ xí, bởi trang phục của các tu sĩ nam nữ khiêng kiệu hay của các em tung hoa và tiến hương, nhưng do chính gương anh dũng của các Thánh Tử Đạo đã làm nức lòng các tín hữu và tất cả mọi con tim đều hướng về các ngài để tri ân và để cầu xin sao cho ngọn đuốc đức tin mà các ngài chuyển giao luôn được cẩn trọng gìn giữ và được thắp sáng chiếu dọi đến mọi người. Tất cả mọi người có mặt đều mở miệng hòa nhịp với ca đoàn cất cao tiếng hát tôn vinh các thánh Tử đạo, tạo nên bầu khi tôn nghiêm và sốt sắng. Có tận mắt chứng kiến khung cảnh này mới thấy được sức mạnh của đời sống đức tin được biểu lộ qua lòng đạo đức bình dân của người tín hữu. Chính lòng đạo đức bình dân này đã là nguồn động lực và thành lũy bảo vệ đức tin của tiền nhân. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam được viết bằng máu, nước mắt và khổ đau. Gần 300 năm bị bách hại một cách khủng khiếp và dã man, tưởng như hạt giống Phúc Âm không thể tồn tại trên mảnh đất Việt Nam được. Thế nhưng, nhờ đức tin đơn sơ chân thành của người tín hữu Việt Nam, một đức tin được nuôi dưỡng chăm bón bởi những lời kinh đơn sơ mộc mạc, đã giúp người tín hữu Việt Nam càng ngày càng gắn bó trung thành với Đức tin của mình, vượt qua được những thách đố, gian nan, để nhờ đó mà hôm nay Giáo Hội Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thành "cây to lớn chim trời có thể đến ẩn náu được”. Quả thật lòng đạo đức bình dân đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Giáo Hội Việt Nam bước tới chỗ trưởng thành. Sau nghi thức tôn vinh các bậc tiền nhân anh dũng, Thánh lễ khai mạc Năm Thánh được bắt đầu. Trước tiên Cha Tổng đại diện công bố thư Năm Thánh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, sau đó Đức Giám Mục long trọng tuyên bố khai mặc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Phú Cường. Lời công bố của Đức Giám mục được vang đi đến tận các giáo xứ thuộc giáo phận qua biểu tượng thả bong bóng. Những chiếc bóng bóng bay tỏa ra cả một vùng trời như muốn nhắn gởi tới mọi người thuộc giáo phận Phú Cường: Thờ gian ân sủng đã bắt đầu, hãy cất tiếng tạ ơn và sống trọn năm hồng phúc bằng cách canh tân đời sống và thắp sáng ngọn đuốc đức tin. Khởi đầu Năm hồng ân, Đức cha đã thiết tha kêu gọi sám hối và tạ lỗi. Tạ lỗi với Chúa vì những hành vi cố tình hay vô ý đã làm rách nát chiếc áo "duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" của Giáo hội; tạ lỗi với nhau và tạ lỗi với đồng bào, nhất là với những người nghèo, những người bất hạnh, với các tôn giáo bạn. Điều này đã được Đức cha khai triển một cách chi tiết trong bài giảng. Đức cha nhấn mạnh đến hai điểm chính yếu phải thực thi trong Năm Thánh: tạ ơn và tạ lỗi. Tâm tình tạ ơn luôn gắn kết với hành trình đức tin: nhận lãnh – gìn giữ – rao truyền. Tạ ơn vì đức tin là một ân ban của Thiên Chúa, đức tin này được các bậc tiền bối, tổ tiên chuyển giao nên phải gìn giữ các cẩn trọng bằng đời sống chứng nhân và cuối cùng phải loan truyền đức tin bằng chính lối sống công chính của một người công giáo với lương tâm ngay thẳng. Hành vi tạ lỗi được thể hiện qua việc khiêm cung nhận ra những lỗi lầm trong quá khứ để thực thi một sự hòa giải (a) với Chúa qua việc nỗ lực bảo vệ dung mạo hiển thê của Chúa Kitô,tức Giáo Hội của Người, có nghĩa là phải sống sao để cho Giáo Hội luôn là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, duy nhất và tông truyền; (b) với nhau qua việc xin lỗi nhau giữa mọi thành phần Dân Chúa vì những kỳ thị và loại trừ lẫn nhau, nỗ lực kiến tạo một bầu khí hòa thuận trong gia đình, trong các đoàn thể, trong giáo xứ…; (c) với đồng bào vì những lời nói và cử chỉ xúc phạm gây ra sự hiểu lầm, nhất là xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật, đau khổ vì những người tín hữu chúng ta chưa đủ quan tâm đến họ cách đầy đủ. Kết thúc thánh lễ khai mạc là việc công bố chương trình Năm Thánh của giáo phận, bao gồm việc cử hành lễ Năm Thánh cấp giáo hạt, việc hành hương, chương trình sống Năm Thánh: học hỏi, góp ý, thực thi việc bác ái, gia tăng công việc truyền giáo. Phép lành cuối lễ đã được Đức Giám mục trao ban, thế nhưng đoàn người như chưa muốn ra về, có một cái gì đó như cố níu kéo họ lại cho dẫu mặt trời đã bắt đầu lên cao. Một giáo dân tâm tình: "Sao con thấy lưu luyến chưa muốn về, chưa bao giờ con dâng lễ sốt sắng như hôm nay. Nơi đây con cảm nhận được sức sống của Giáo Hội. Con cám ơn Đức cha, cám ơn Ban tổ chức đã tạo cho chúng con có được cảm nhận này, và nhờ đó chúng con yêu mến Giáo Hội nhiều hơn, chúng con sẽ ra sức sống trọn ơn gọi của mình để Giao Hội luôn xinh đẹp như bài giảng Đức cha đã khuyên bảo". Vp TGM Phú Cường Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Phú CườngAnh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, chủng sinh Chúng ta đã bước vào Năm Thánh, Năm Đại xá, Năm hồng ân. Cảm tạ Chúa, chúng ta đã có một lễ khai mạc tại Sở Kiện thật là long trọng và tốt đẹp. Các Hồng y, Giám mục, linh mục, tu sĩ và mọi thành phần Dân Chúa từ khắp các miền đất nước và hải ngoại đã kéo về tham dự với con số sấp xỉ 7 - 8 chục ngàn. Nhiều chức sắc cao cấp thuộc Giáo triều Rôma cũng như những các Giáo Hội liên hệ cũng có mặt, làm cho buổi lễ có một mầu sắc hiệp thông thật đậm đà. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã ưu ái gởi lời huấn từ khích lệ và phép lành Tòa thánh; Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Bộ rao giảng Tin Mừng gởi điện văn ân cần chia vui và cầu phúc cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam trong Năm hồng phúc này; Đức Hồng Y Roger Etchégaray nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, đương kim Phó chủ tịch Hội đồng Hồng y đã đại diện cho các vị khách quý, có bài phát biểu chúc mừng. Bầu khí hòa đồng và tinh thần liên đới của buổi lễ còn được biểu lộ qua sự tham dự của các cấp Chính quyền và Đại biểu của 11 Tòa Đại Sứ tại Việt Nam, cũng như của Giáo Hội Phật giáo. Trước quang cảnh đó, cộng đoàn đã được nghe những lời đầy xúc động trong bài giảng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh: “Chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng và rất cám ơn sự chiếu cố tận tình của đại biểu chính quyền các cấp, ngoại giao đoàn, tôn giáo bạn, bà con lương dân trong dịp đại lễ khai mạc năm thánh của Giáo Hội Công giáo. Nhiều người cho rằng người Công giáo có xu hướng cục bộ, khép kín. Nhưng thực ra, sự hiện diện của quý vị và những gì diễn ra tại đây, đang chứng minh ngược lại. Do hoàn cảnh lịch sử xã hội phức tạp, do vô tình hoặc ác ý từ phía nọ phía kia, có khi do cách sống phần nào lệch lạc của một số tín đồ, mà hình ảnh Thiên Chúa đã bị xuyên tạc méo mó và Giáo Hội Công giáo đã bị ngộ nhận hiểu lầm". Hôm nay, tại Nhà chung của Giáo phận chúng ta, tôi cũng rất vui mừng được thấy anh chị em quy tụ về rất đông đảo. Chúng ta: Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các tín hữu thuộc các giáo xứ trong giáo phận, hân hoan khai mạc Năm Thánh tại giáo phận chúng ta. Tôi tin rằng, sự tích cực tham gia này là điềm tiên báo Năm Thánh 2010 sẽ sinh nhiều hoa trái, giúp chúng ta canh tân đổi mới và đem nhiều người hơn nữa về với Chúa để được hưởng tình thương cứu độ của Chúa. 1. Những điểm nhấn trong lễ khai mạc Nghe những bài diễn văn, tham dự những nghi thức trong chương trình lễ khai mặc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện chúng ta thấy nổi bật lên 2 tâm tình: Tạ ơn và sám hối. a/ Tâm tình tạ ơn Năm Thánh là dịp thuận tiện để chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lời tạ ơn vì hồng ân Đức Tin cũng như tình yêu quan phòng mà Ngài đã ân cần dẫn đưa Giáo Hội Việt Nam qua các chặng đường, tuy đầy chông gai, chướng ngại, nhiều thử thách gian truân, nhưng luôn vững vàng tiến bước suốt gần 5 thế kỷ qua. Từ những bước dò dẫm ban đầu của vị Thừa Sai Inêkhu mạo hiểm đến rao giảng Tin Mừng, quy tụ các tín đồ lại thành những điểm truyền giáo tới thời kỳ thiết lập hai giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Đàng Trong và Đàng Ngoài vào năm 1659 và cuối cùng nâng các các giáo phận tông tòa lên chính tòa với Hàng giáo phẩm riêng cách đây 50 năm. Trong khi tạ ơn Chúa, Giáo Hội Việt Nam cũng tưởng nhớ tới các Vị Thừa Sai. Với bao công khó, các ngài đã bỏ quê hương đất nước đến loan báo Tin Mừng cho con dân đất Việt, mang đến cho chúng ta hồng ân cứu độ, lại còn đem công sức làm cho nền văn hóa của chúng ta được thêm phong phú, mà hệ thống chữ viết của chúng ta hiện nay là một bằng chứng rõ rệt. Hơn thế, nhiều vị còn hy sinh xuơng máu để bảo vệ đức tin và truyền đức tin lại cho chúng ta. Chúng ta cũng không quên công ơn các vị Tiền bối là Tổ tiên, ông bà cha mẹ chúng ta. Các ngài đã sẵn sàng chịu khó chịu cực để giữ vững đức tin, hơn thế còn sẵn sàng đổ máu để bảo vệ và truyền đức tin đó lại cho chúng ta. Nhờ dòng máu thắm các ngài đổ ra và các cực hình các ngài gánh chịu, Giáo Hội Việt Nam mới có bộ mặt ngày nay. Đoàn người đông đảo tham dự cuộc kiệu di hài và ảnh các Thánh Tử đạo và nghi thức kính nhớ Tổ tiên trong đêm diễn nguyện tại Sở Kiện đã muốn nói lên niềm tri ân này. Huấn từ của Đức Thánh Cha, thư chúc mừng của Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ rao giảng Tin Mừng cũng như bài diễn văn khai mạc của Đức cha Chủ tịch Hội Đồng Giám mục cũng như cuộc kiệu long trọng vừa diễn ra trước thánh lễ hôm nay của chúng ta đã chứng minh được tâm tình tri ân và quý mến của chúng ta đối với các Thánh Tử đạo nói riêng và các vị Tiền bối nói chung. b/ Tâm tình thống hối Một trong những nghi thức gây xúc động trong đêm diễn nguyện tại Sở Kiện là nghi thức sám hối. Chúng ta xin lỗi Chúa vì Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội với đặc tính duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, nhưng chúng ta đã xé nát tấm áo hiệp nhất, đã làm hoen ố hình ảnh thánh thiện của Hội Thánh, đã lơ là trong sứ vụ truyền giáo, đã không tôn trọng những truyền thống do các Tông đồ để lại. Đối với anh chị em trong Hội Thánh, chúng ta xin lỗi nhau, vì mặc dầu Chúa dạy chúng ta phải thương yêu nhau, nhưng chúng ta đã nhiều lần khai trừ nhau, kỳ thị nhau, không lắng nghe nhau và chưa đối xử với nhau như Lời Chúa dạy. Vì thế đây là thời gian chúng ta nên công khai xin lỗi nhau: là chủ chăn, tôi xin thành thực xin lỗi anh chị em vì những lỗi lầm thiếu sót của tôi trong khi thi hành phận sự. Xin các linh mục cũng hãy xin lỗi giáo dân và anh chị em giáo dân hãy xin lỗi các linh mục là những chủ chăn của mình. Xin các bề trên hãy xin lỗi những người thuộc quyền, và cấp dưới cũng hãy xin lỗi cấp trên, vợ chồng xin lỗi nhau, con cái xin lỗi cha mẹ và cha mẹ xin lỗi con cái. Đối với anh chị em lương dân nói riêng và xã hội nói chung, nghi thức sám hối đã nói lên những lời rất thống thiết: Thưa bà con anh em lương dân không cùng tôn giáo, Đức Giêsu Đấng sáng lập đạo Công giáo đã dạy chúng tôi yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù. Lẽ ra chúng tôi phải thực hiện tinh thần đó mọi nơi mọi lúc và với mọi người. Nhưng chúng tôi nhận thấy do vô tình hay cố ý, chúng tôi đã làm cho quý vị phiền lòng, chúng tôi đã thiếu sót nhiều trong nghĩa vụ yêu thương. Hôm nay, chúng tôi muốn nói lời xin lỗi về tất cả những điều ấy, với tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh. Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo, vì trong nhiều trường hợp, chúng tôi chưa hòa mình và đồng hành đúng mức. Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật, đau khổ vì chúng tôi chưa đủ quan tâm. Trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Đức cha Chủ tịch HĐGMVN nhân dịp Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, Ngài cũng nhấn mạnh tới tinh thần sám hối và hòa giải. Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Năm Thánh là một thời gian ân sủng, thuận lợi cho việc hoà giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại đối với anh em đồng đạo và đồng bào, hãy xin mọi người tha thứ". 2. Sống Năm Thánh Anh chị em thân mến, Hai tâm tình trên không phải là những gì nhất thời và có tính nghi thức, nhưng phải là những tâm tình trải dài trong Năm Thánh và hằng ngày trong suốt cuộc đời chúng ta. Nếu: "Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai làm theo ý Thiên Chúa, mới được vào Nước Trời", (Mt 7, 21) thì tâm tình tạ ơn và sám hối cũng phải thấm nhuần vào trong mọi hành vi, cử chỉ, lời nói việc làm hằng ngày của chúng ta. Cần chúng ta phải diễn tả hai tâm trình trên bằng lời nói và hành động, bằng cách sống và lối suy nghĩ, đối với Chúa, với anh chị em đồng đạo cũng như mọi người không cùng tín ngưỡng, nhất là những người nghèo hèn thấp bé, thân cô thế cô. Muốn tỏ ra biết ơn Chúa, chúng ta phải tìm hiểu xem Chúa muốn chúng ta làm gì rồi quyết chí tuân theo và xa lánh những gì ngược lại với ý muốn và cách xếp đặt của Ngài. Để thực tình sám hối, chúng ta phải quyết chí hòa giải với mọi người và canh tân bản thân. Ủy Ban Năm Thánh đã soạn thảo cho chúng ta chương trình học tập trong Năm Thánh này, theo đề tài: "Giáo Hội: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ", chúng ta hãy để tâm học hỏi và đem ra thực hành. Giáo Hội là một mầu nhiệm, vì ngoài những tổ chức và cơ cấu hữu hình chúng ta có thể nhìn thấy, Giáo Hội còn có một nguồn gốc siêu nhiên là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã quy tụ chúng ta thành Dân riêng của Ngài, ban cho chúng ta những lề luật, đặt ra cho chúng những mục tiêu, trao cho chúng ta những sứ vụ, vì thế chúng ta phải tuân theo chứ không có quyền sửa đổi. Giáo Hội còn là một mầu nhiệm, vì Chúa Kitô luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội nói chung cũng như mỗi thành phần nói riêng, đặc biệt là trong các thừa tác viên mà Người ban cho họ quyền hành động nhân danh Người, trong tư thế của Người. Chính vì vậy, mà khi linh mục rửa tội, cử hành thánh lễ hay tha tội, thì mặc dầu chúng ta không trông thấy, nhưng chúng ta phải tin rằng chính Chúa Kitô đang rửa tội, đang dâng lễ và đang tha tội. Giáo Hội cũng là một mầu nhiệm, vì bên trong những con người, những cơ cấu hữu hình, còn có Chúa Thánh Thần đang hoạt động và hướng dẫn bên trong Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Có Chúa Thánh Thần soi sáng, chỉ bảo, gìn giữ, nên Giáo Hội không thể sai lầm trong những gì thuộc lãnh vực đức tin và luân lý. Giáo Hội thành nên bởi các tín hữu, nên mỗi tín hữu cũng là đền thờ của Chúa Thánh Thần, do đó cũng cần để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, nếu không muốn bị sai đường lạc lối. Giáo Hội là hiệp thông, vì Chúa đã cho chúng ta được kết hợp với Ngài, khi cho Con Một của Ngài xuống thế làm người để cứu độ chúng ta, liên kết chúng ta lại thành một thân thể duy nhất, mà Người là đầu và chúng ta là chi thể. Vì thế chúng ta phải hiệp thông với Chúa Kitô là đầu và với anh chị em chúng ta là những chi thể của một thân thể. Điều đó cũng có nghĩa là tất cả những ân lộc, những quyền lợi của thân thể, chúng ta có quyền được hưởng, thì ngược lại, mọi công tác, mọi nghĩa vụ của toàn thân chúng ta đều phải tích cực tham gia. Giáo Hội là sứ vụ, vì Giáo Hội đã được thiết lập để tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô. Sứ vụ của Chúa Kitô là rao giảng Tin Mừng để đem mọi người về với Thiên Chúa, nên khi nói tới sứ vụ là chúng ta phải nói đến công cuộc truyền giáo. Công việc này cũng là sứ vụ của mọi tín hữu, tức mọi người chúng ta. Trên phương diện thực hành, để hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh, chúng ta hãy tham dự những cuộc hành hương đến những nhà thờ đã được chỉ định, đó là các nhà thờ của các cha Hạt trưởng trong mỗi hạt; chúng ta hãy tham dự các Thánh lễ do Đức Giám mục cử hành cách trọng thể. Tuy nhiên, để có thể hưởng ân xá, chúng ta luôn phải dự liệu cho mình có những điều kiện thông thường đó là xưng tội, rước lễ vàc cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hòang. Trong Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám mục đã xin và Tòa Ân giải tối cao đã cho chúng được hưởng ơn toàn xá vào 24 ngày lễ có ghi trong các tài liệu về Năm Thánh. Chúng ta hãy lo liệu để có thể hưởng nhờ ơn toàn xá trong những ngày ấy, trước lả để giúp chúng ta canh tân bản thân, sau là cầu nguyện cho các linh hồn nơi lửa luyện tội, đặc biệt là những thân nhân và ân nhân của chúng ta. Và đó là cách thức sống Năm Thánh cách tích cực và hữu hiệu. Thân ái chào toàn thể anh chị em. Gm Phêrô Trần Đình Tứ (Theo Trang Web HÐGMVN) |