Tưởng nhớ Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền
Nhân ngày giỗ thứ 12 của Ngài

Nguyễn Quang Tuyến (Littleton, CO)

Khi còn ở ngoài Bắc, phần đông chỉ quen thuộc tên gọi của các dòng như: Ða Minh, Phanxicô, Chúa Cứu Thế. Khổ tu: Phước Sơn, Châu Sơn, v.v... Dòng nữ như: Dòng Kín, Vincent de Paul, Ða Minh, Mến Thánh Giá v.v... Khi đã di cư vào miền Nam thấy xuất hiện nhiều tên Dòng mới như: Tiểu Ðệ (dòng nam - Faucauld), Tiểu Muội (dòng nữ). Cũng vì có nhiều hội dòng như vậy cũng như nhiều tu hội đời nên Giáo Hội miền Nam rất sinh động và hưng thịnh trong vòng 20 năm, trước khi xảy ra cuộc "tháo chạy" ra nước ngoài.

DÒNG TIỂU ÐỆ CHÚA GIÊSU (Charles de Faucauld)

Kể từ năm 1959, chúng tôi cư ngụ tại đường Phan Ðình Phùng và Nguyễn Thiện Thuật (Chợ Bàn Cờ-Saigon) phía dưới đường Cao Thắng, hoạt động tại Giáo Họ Bàn Cờ (huyện Sĩ-nhà thờ lầu). Phía trên đường Cao Thắng tới Lê Văn Duyệt (chợ Vườn Chuối), vẫn nghe thấy có các Linh Mục, tu sĩ (dòng Tiểu Ðệ) và các "Sơ" (thuộc Tiểu Muội), thuê nhà riêng để sinh hoạt cho mỗi giới. Thường ngày vẫn đi giúp việc cho các tư nhân và xí nghiệp để sinh sống, đồng thời tạo thêm phương tiện cho các môi trường truyền giáo. Trong số các Cha, thầy chúng tôi được biết không rõ lắm là có một Linh Mục ngày nào cũng đi đạp "xích lô", nhưng diện mạo rất đẹp người, tối về lại có giờ Thánh Lễ, kinh nguyện chung cho cả hai ngành.

LINH MỤC ÐẠP XÍCH LÔ ÐÓ LÀ AI?

Lần đầu tiên chúng tôi được ông Ðinh Minh Ngọc, Hội Trưởng Hội Cựu Tu Sĩ mời dự đại hội của các cựu tu sĩ. Xin mở ngoặc - Ông Ðinh Minh Ngọc là chủ cơ sở của Tòa Báo Xây Dựng, sau này đã biến thành "Giáo Xứ Xây Dựng" do Linh Mục Nguyễn Quang Lãm (ký giả Thiên Hổ) coi sóc (trụ trì tại đường Thánh Mẫu, Chí Hòa).

Buổi đại hội được tổ chức tại hội trường Taberd (dòng các Sư Huynh La San). Trước giờ khai mạc đã có đông đủ các thành viên đến dự. Trên những hàng ghế dành cho các quan khách và số đông các Cha được mời, phần đông là các Cha Bùi Chu. Trong số các Cha có một vị không mặc áo chùng thâm hay "bộ clergé" gì cả, nhưng mặc chiếc sơ mi mầu "cháo lòng", quần kaki đã cũ và chân đi xăng đan. Chúng tôi tò mò hỏi thăm mới hay đó là Cha Nguyễn Kim Ðiền, người Anh Cả thuộc Dòng Tiểu Ðệ - Chi Việt nam.

Ðến phần góp ý kiến, xướng ngôn viên đã mời Cha Ðiền lên phát biểu cảm tưởng. Phải thú thật rằng ngay những phút đầu mới nghe giọng nói của Cha ai cũng hơi muốn "buồn ngủ", vì giọng nói chậm rãi, trầm buồn và không mấy hoạt bát. Nhưng, dần dần chính giọng nói hơi buồn lúc đầu đã trở nên sinh động lạ thường. Dần dà ngài tả đến những giờ hoạt động truyền giáo tại Giáo Phận Cần Thơ. Chỉ có một mình ngài và người chở chiếc ghe nhỏ mon men trên sông rạch ngoằn ngoèo đến khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, để thăm dân cho biết sự tình và rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa.

Cha vừa dứt lời thì những tràng pháo tay vang dội cả hội trường, hội trường tự nhiên bừng sáng với những ý định truyền giáo, đã tạo thêm cho những người cựu tu sĩ hiện diện hôm nay, tự nghĩ đến hoàn cảnh đời sống hiện tại, dù còn là những tu sĩ đang rao giảng Nước Chúa hay đã khoác chiếc áo "bố đời", cũng cố tìm những phương cách... mở mang Nước Cháu, để bù lại những ngày tháng đã bước theo Chúa.

CHA PHILIPPÊ NGUYEÃN KIM ÐIỀN ÐƯỠC THĂNG CHỨC GIÁM MỤC

Vì những tăng trưởng lớn mạnh của Giáo Hội Công Giáo Miền Nam Việt Nam, ngày 24 tháng 11 năm 1960, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã ban hành Tông Hiến Venerabilium Nostrotrum thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Từ đây Giáo Hội Mẹ Việt Nam gồm thành ba Giáo Tỉnh và 17 Giáo Phận hiện tại đều trực thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo Roma. Ðồng thời Tòa Thánh cũng thành lập mấy Giáo Phận mới như Long Xuyên, Mỹ Tho, Ðà lạt, và cùng thăng chức một số Tân Giám Mục trong đó có Cha Philippê Nguyễn Kim Ðiền, lễ phong chức Giám Mục tập thể được tổ chức ngay tại vườn hoa cuối Vương Cung Thánh Ðường Nữ Vương Hòa Bình Saigon, mặt tiền khán đài được hướng thẳng ra đường Tự Do.

Sau khi thăng chức Giám Mục, Ðức Cha Ðiền đã trọng nhậm Giáo Phận Cần Thơ thay thế Ðức Cha Nguyễn Văn Bình được cử làm Tổng Giám Mục Giáo Tỉnh Saigon thay thế Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền được cử làm Giám Mục Giáo Phận Ðà Lạt. Sau năm 1963, Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền được thăng chức Tổng Giám Mục và được cử làm Giám Quản Tổng Giáo Phận Huế thay thế Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Ðình Thục đã xuất ngoại đi họp Công Ðồng và ở lại Roma vì tình hình chính trị tại Việt Nam Cộng Hòa sau vụ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị thảm sát ngày 2-11-1963.

HỌA VÔ ÐƠN CHÍ

"...Trong 5 năm trọng nhậm Tổng Giáo Phận Huế, thánh giá đầu tiên mà Chúa gởi đến cho ngài là biến cố Tết Mậu Thân, gây nên cho TGP Huế biết bao cảnh tang tóc đau thương. Nhưng là một phần tử của Dòng Tiểu Ðệ, theo chân Anh Cả Charles de Faucauld, Ðức Tổng đã rất mực khôn ngoan và sáng suốt để lèo lái con thuyền Giáo Phận qua những cơn lốc và các làn sóng ngầm tiếp dần sau này... Ðối với Nhà Nước Cộng Sản lúc bấy giờ, các hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo vẫn là một cái gai đâm vào sườn đảng, đường lối căn bản của các đạo giáo vẫn là mọi đại họa cho tập đoàn phi nhân phản dân tộc của chúng. Riêng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị chúng chiếu cố rất kỹ và tìm mọi cách để phân hóa các cấp điều khiển Giáo Hội. Sau tháng 4-1975, các Giám Mục Việt Nam được Tòa Thánh ban cho đặc quyền củng cố hàng ngũ hầu cứu nguy Giáo Hội.

"Ngày 27-09-1975, ở Huế, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã chọn Linh Mục Nguyễn Như Thể để tấn phong làm Giám Mục Phó với quyền kế vị. Ðức Tân Giám Mục nhãn hiệu Tòa Tipasa di Mauritania. Mấy năm đầu đối với Ðức Tổng Ðiền kể như mọi sự sẽ êm xuôi, nhưng sau khi "Ủy Ban Ðoàn Kết Công Giáo Yêu Nước Việt Nam" ra đời bắt đầu gây chia rẽ nội bộ Công Giáo, nhất là sau khi Ðức TGM Ðiền treo chén (ipso facto) một Linh Mục thuộc Giáo Phận Huế đã không vâng lời ngài cứ đi họp đại hội của Ủy Ban tại Hà Nội, chính quyền Bình Trị Thiên đã theo sát tình hình tìm cơ hội hạ độc thủ. Ðối tượng của chúng là Ðức TGM Ðiền, hằng ngày "được ra làm việc" tại sở Công An Bình Trị Thiên, sáng đi chiều về, ròng rã mấy tháng trời. Trước khi ra tay, chúng tìm cách triệt hạ Ðức Tổng Phó, ép buộc Ðức Cha Thể phải xin từ nhiệm. Ngài đã phải đệ đơn xin Tòa Thánh cho giải nhiệm chức vụ, trước áp lực của Nhà Nước. Tòa Thánh đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Ðức Tổng Phó Nguyễn Như Thể và ngài chỉ còn là một vị Giám Mục nghỉ hưu tại Tòa TGM Huế mà thôi.

"Cô lập xong Ðức Tổng Ðiền, Cộng Sản bèn lợi dụng vụ nữ tu Trương Thị Lý bị bắt quả tang mang những thư luân lưu của ngài chuyển vào Sàigon cho Cộng Ðồng Mến Thánh Giá, để đặt Ðức Tổng Ðiền vào cái thế "cá nằm trên thớt". Trong sự căng thẳng của tình thế, ngài lâm trọng bệnh phải vào điều trị tại Bệnh Viện Huế, rồi được chính quyền cho di chuyển vào Sàigòn chữa trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, Chợ Lớn.

"PHÚC TRÙNG LAI" NHƯNG "BẤT PHÙNG THỜI"

"...Trong khi đó Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam liên lạc xin với Tòa Thánh cho ngài sang Roma điều trị. Tòa Thánh chấp thuận ngay và gởi điện tín "hỏa tốc" về Việt Nam, nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau khi được tin vui này, Ðức TGM Ðiền đã thành người thiên cổ. Ngài mất vào ngày Thứ Bảy 8-6-1988, mười hôm trước ngày Phong Thánh 117 Vị Tử Ðạo VN. Bao nhiêu nghi vấn đã được đặt ra sau cái tang đau dớn này của Tổng Giáo Phận Huế-Chiều trong Thánh Lễ lần thứ hai tại Thánh Ðường Giáng Sinh thuộc Giáo Hội Công Giáo cai quản, Ðức Ông Lê Xuân Thượng chủ tế, Cha Nguyễn Thanh Long đã loan báo với đoàn Hành Hương Phong Thánh tin Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền qua đời tại Sàigon. Thánh lễ tối này đã được chuyển thành Thánh Lễ Phát Tang cầu cho linh hồn Ðức Cố Tổng Giám Mục Philippê Nguyễn Kim Ðiền!!!

"Âm mưu thâm độc của Chính quyền Cộng Sản nói chung và Ủy Ban Nhân Dân Bình Trị Thiên nói riêng, cùng một lúc đã hạ được hai vị chủ chiên của Tổng Giáo Phận Huế, chúng "mở cờ trong bụng" và ăn mừng lớn. Người Việt chúng ta thường nói "Ðã chết thì cho chết luôn", nên sau khi Cộng Sản cho ông Tổng đi luôn, thì chúng cũng không cho ông Phó quay trở lại thay thế điều khiển Giáo Phận Huế nữa..." (Trích trong bài "Một vì sao hôm tái chiếu sáng" (Viết về Ðức TGM Thể) của Nguyễn Quang Tuyến - Dân Chúa tháng 10, 1994- tr.47, 48 và 49. Nguyễn Lý-Tưởng TTK Nguyệt San Hiệp Nhất có hiệu đính và bổ túc những chỗ sai sót nhầm lẫn của tác giả trong bài này trước khi đăng vào Hiệp Nhất số 90 tháng 6-2000).

GIÁO HỘI MẸ VIỆT NAM - MỪNG BA NĂM NGÀY TÔN PHONG YỂN THÁNH

Theo đề bài thơ trên đăng trong Thông Tin Giáo Xứ Nữ Vương Tử Ðạo Việt Nam tại Denver, chúng tôi đã viết:

....

Giáo Tỉnh Huế với cố đô Thành Nội
Tổng Giám Mục Phi-lip Nguyễn Kim Ðiền
Vì Ðạo Chúa đã hết sức trung kiên
Chưa tử đạo nhưng "đã chết vì Ðạo"

Quang Tuyến (1991)

Trong bài "Thương Nhớ Hình hài Mẹ Việt Nam", chúng tôi đã ghi:

...

Thánh đường Phủ Cam chiếu sáng rạng ngời
Nguyễn Kim Ðiền chủ chiên ôi kính nhớ. ...

Quang Tuyến (1992)

Sau năm 1975, Ðức Cha Ðiền được nhiều người nghe danh biết tiếng với thái độ cứng rắn của một vị chủ chiên đã kịch liệt chống đối chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Cùng với sự chống đối mãnh liệt của ngài, nhà cầm quyền Cộng Sản đã có những điểm rất căng thẳng với Linh Mục, tu sĩ và giáo dân Giáo Phận Huế. Riêng với ngài, Cộng Sản Việt Nam đã dùng nhiều biện pháp trả đũa mạnh mẽ như:

- Cho Công An thường xuyên theo dõi và canh chứng các lối ra vào của Tòa TGM Huế cũng như theo dõi nội dung các bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ.

- Không cho ngài tham dự các phiên họp của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

- Không cho ngài đi Roma triều yết Ðức Giáo Hoàng và viếng mộ hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô.

- Là Tổng Giám Mục của TGP Huế gồm thành phố Huế và ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, ngài đã bị cấm không được ra khỏi thành phố Huế mà không có phép.

- Gây khó khăn tối đa trong việc thuyên chuyển nhiệm sở các Cha Sở. Bắt bớ giam cầm các Linh Mục thân tín của Tòa Tổng Giám Mục.

- Các cơ sở của Giáo Phận Huế như Tòa Giám Mục, Ðại Chủng Viện, Nhà Chung, các Dòng Tu v.v.... đều bị phong tỏa và lục soát.

Như đã kể ở đoạn trên, Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền vốn bị bệnh tim và huyết áp. Qua nhiều tháng ngày đương đầu với chính quyền Cộng Sản, Ðức Tổng phát bệnh nặng. Sau khi vào bệnh viện Huế chữa trị không mấy khả quan, ngài đã được chính quyền Bình Trị Thiên cho di chuyển vào Sàigon tại bệnh viện Chợ Rẫy để trị bệnh, nhưng ngài đã qua đời như đã tả ở phần trên.

Thi hài của Ðức Tổng Ðiền được quàn tại Tòa Tổng Giám Mục Sàigon (thời Ðức TGM Bình) trong hai ngày rồi đã được di chuyển bằng đường bộ ra Huế. Linh cữu ngài được quàn tại Tòa TGM Huế suốt từ tối 12 tháng 6 đến chiều 13 tháng 6, đoạn linh cữu được chuyển qua Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam với sự đồng tế của rất đông Giám Mục (Miền Nam và Miền Bắc). Toàn thể các Linh Mục Giáo Phận Huế cũng như các Linh Mục từ các nơi đến, sau đó thi hài ngài được an táng trong Nhà Thờ Chính Tòa.

Ðức Tổng Giám Mục Philippê Nguyễn Kim Ðiền mất đi, Giáo Hội Việt Nam đã thiếu vắng một Giám Mục lỗi lạc, một vị chủ chăn gương mẫu, đất nước đã thiếu đi một công dân quả cảm, một tấm gương sáng chói chống độc tài Cộng Sản. Hội Ðồng Giám Mục Việt nam đã mất một vị Trưởng Hội Thừa Sai Việt Nam để truyền giáo cho các quốc gia lân cận như: Lào, Cao Miên, Thái Lan và các địa phận trong vùng Á Châu.

Ðược tin Ðức Tổng Giám Mục Ðiền qua đời, ngày 10-6-1988, trong điện văn phân ưu với Giáo Phận Huế, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban tặng ngài danh vị "Grand Figure d'Evêque". Cũng như trong năm 1980 trong dịp một số Giám Mục Việt Nam sang Roma viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha đã nồng nhiệt gọi ngài là "Vaillant Confrère", nhân dịp Ngân Khánh Giám Mục của ngài (1960-1985).