Lễ Tấn Phong Giám Mục Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh Giám Mục Thanh Hóa 04/8/2004

Lễ Thánh Gioan Vianney, gương mẫu các Linh Mục quản xứ, 4/8/2004,
Linh Mục Giuse Nguyễn Chí Linh được tấn phong Giám Mục tại nhà
thờ Chánh tòa Thanh Hóa, vào chín giờ sáng, một ngày trong xanh
nắng chói.
Giáo phận Thanh Hóa được chứng kiến một nghi lễ Tấn phong Giám
Mục hết sức long trọng. Ngày áp lễ Tấn phong, Giáo phận đã có
buổi văn nghệ mừng vị Giám Mục mới của Giáo phận, và các phái
đoàn Trung ương cũng như tỉnh nhà đã đến chúc mừng. Các Giáo
xứ, đoàn thể, cách riêng Ba Làng đã về Nhà chung gặp gỡ vị
chủ chăn. Cả trăm Giáo dân gốc Ba Làng từ các Giáo phận Miền
Nam và cả ở nước ngoài cũng đến Thanh Hóa trong dịp trọng đại
này, vui mừng và hiên ngang vì Giáo phận đã có một vị Giám
Mục xuất thân từ mảnh đất Thanh đầy lịch sử đạo đời,
với văn hóa Đông Sơn, với các di tích lịch sử oai hùng Lê
Lợi, Lê Lai, Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng…. ; với sự kiện muôn đời
ghi nhớ Tin Mừng được Giáo sĩ Đắc Lộ rao giảng lần đầu tiên
tại Cửa Bạng ngày lễ Thánh Cả Giuse, 19-3-1627, để từ đó lan
tràn ra khắp vùng, đến Thăng Long thủ đô. Từ cây Thánh Giá
dấu Cứu Chuộc được dựng lên tại Núi Do vào thứ 6 Tuần Thánh
1627, nhiều Thánh Giá khác lần lượt xuất hiện trên nền trời
Việt Nam và nay đã bao trùm khắp đất nước từ Nam Quan đến Cà
Mau và các Hải đảo.
Cửa Bạng là cái nôi của Giáo Hội Công Giáo Đàng Ngoài, là nơi
đã sản sinh nhiều Linh Mục, Tu sĩ, và ngày nay là chính vị Giám
Mục của Giáo phận.Vào những ngày này, những cuộc họp liên hệ đến Pháp lệnh Tín
ngưỡng Tôn Giáo được nhà nước tổ chức tại một số tỉnh
thành. Nhiều vị Giám Mục được mời tham dự. Nhưng cũng đã có
18 vị Giám Mục hiện diện trong lễ Tấn phong Giám Mục tại Thanh
Hóa:
Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Giáo phận Nha
Trang, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chủ phong; hai Giám
Mục phụ phong là: Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Giám Mục Giáo
phận Lạng Sơn, Giám Quản Hà Nội và nguyên Giám Quản Thanh Hóa và
Giám Mục Phaolô Cao Đình Thuyên, Giám Mục Giáo phận Vinh.
Giám
Mục Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn, Tổng Thư Ký
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; Giám Mục Antôn Vũ Huy Chương, Giám
Mục Giáo phận Hưng Hóa; Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang,
Giám Mục Giáo phận Thái Bình; Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Giám
Mục Giáo phận Hải Phòng; Giám Mục Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám
Mục Giáo phận Bùi Chu; Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám Mục
Giáo phận Phát Diệm.
Giám Mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, Giám
Mục Giáo phận Đà Nẵng; Giám Mục Giuse Nguyễn Tích Đức, Giám
Mục Giáo phận Ban Mê Thuột; Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám
Mục Giáo phận ĐàLạt; Giám Mục Phêrô Trần Đình Tứ, Giám
Mục Giáo phận Phú Cường; Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám
Mục Phó Giáo phận Phan Thiết; Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, Giám
Mục Phụ tá Tổng Giáo phận Saigon-HCM; Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc,
Giám Mục Giáo phận Mỹ Tho; Giám Mục Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám
Mục Giáo phận Long Xuyên; Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám
Mục Phó Giáo phận Cần Thơ.
Hai khán đài phụ đã được dựng lên, đủ chỗ cho số Linh
Mục lên đến trên 500 vị, đến từ khắp các Địa phận và cả
từ nước ngoài.
Đặc biệt có Cha Morisceau, Thừa sai Nước Ngoài Paris. Ngài là
đại diện sống động của tập thể Thừa sai Pháp đã từng đến
Việt Nam, những người đã góp phần tiền của, sức lực, mồ hôi
và cả máu để xây dựng Giáo Hội Việt Nam. Ngài như là vị đại
diện của Hội Truyền giáo nổi tiếng này để chứng kiến
những thành quả, để theo dõi những tiến triển, để tiếp tục
vun trồng cây Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, mặc dầu những người
muốn phục vụ đã được mời rời khỏi Việt Nam mà họ đã
nhận làm quê hương. Còn đó những nắm xương tàn chôn vùi khắp
nơi, lắm khi đã qua cả trăm năm mà vẫn không được “ mồ yên
mả đẹp ” giữa những người con cái tinh thần được cưu mang
trong Đức Tin.
Từ mấy hôm trước, khuôn viên nhà thờ Chánh tòa và Nhà Chung
Tòa Giám Mục Thanh Hóa đã tấp nập người, đông như một ngày
Hội, không khí vui như Tết. Đúng là Tết mới của Giáo phận
Thanh Hóa.
Nhà thờ, khuôn viên nhà thờ, Tòa Giám Mục, các con đường quanh
bờ hồ nay được trang trí bằng chiếc hoa sen khổng lồ, cờ
quạt ngũ sắc, đâu đâu cũng nhìn thấy những khuôn mặt vui tươi
mặc dầu trời oi bức và nắng gắt. Số Giáo dân có mặt tham dự Lễ Tấn Phong phải trên 30.000 người,
trật tự, im lặng và cầu nguyện.
Gần khán đài hành lễ, ở một nơi đặc biệt, có Ông thân
sinh của Đức Tân Giám Mục, Cố Lorensô Nguyễn Xuân Hòa năm nay
98 tuổi. Tai có kém, nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo và đơn sơ khiêm
tốn như những người mà cuộc sống luôn trôi chảy trong niềm
vui tín thác. Bà Cố Marta Nguyễn Thị Thanh hiện diện thiêng liêng.
Bà Cố đã qua đời ngày 25-2-2003.
Những hàng ghế đầu dành cho thân nhân, ân nhân của Đức Tân
Giám Mục. Nhiều ghế được đem thêm. Các quan chức đại diện
chính quyền, các vị lãnh đạo tôn giáo bạn ưu ái đến rất đông
và vui lòng với những chen chúc và bầu khí nóng đã vào lúc mặt
trời lên cao, trên bầu trời trong xanh không vướng mây giảm
nắng.
Người dân gốc Ba Làng từ Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang và cả
ở nước ngoài cũng về họp mặt trong dịp lễ tấn phong một người
con của Ba Làng được trao trách nhiệm hướng dẫn bà con đồng hương
trong phụng sự Thiên Chúa và đạt đến cứu cánh thiêng liêng
của mình.
Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, âm thanh rõ ràng, với phần thánh
ca thích hợp và mọi người đều có thể dễ dàng theo dõi.
Đoàn đồng tế từ Tòa Giám Mục, qua cổng chính, tiến về lễ
đài, qua hàng rào danh dự và bà con Giáo dân hân hoan trong tiếng hát
:
Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường,
Đường đi ta lên Đền Chúa ta.
Lòng hân hoan ta hòa chung tiếng hát nhịp nhàng
Vui hát mừng danh Chúa Cứu độ ta.
Chưa có bao giờ Thanh Hóa được chứng kiến một nghi thức mà đoàn
Linh Mục đồng tế lên đến gần một phần tư tổng số Linh
Mục trên toàn cõi Việt Nam như hôm nay, khi toàn tỉnh Thanh Hóa
chỉ có 45 Linh Mục.
Chưa có bao giờ người Giáo dân Thanh Hóa được thấy lòng ấm
lên vì tình thương đoàn kết của các Giám Mục, Linh Mục, Chủng
sinh, Tu sĩ và đông đảo dân chúng tuôn về chia sẻ niềm vui chung
của Giáo phận.




Giây phút trang trọng là lúc vị chủ phong, Đức Cha Phaolô
Nguyễn Văn Hòa, các vị phụ phong và các Giám Mục hiện diện bước
lên, trong thinh lặng, đặt tay cầu xin và thông ban chức tư tế hoàn
toàn cho người anh em được tuyển chọn.
Đức Giêsu đã từng đặt tay ban Thần khí và quyền lực cho các
tông đồ.
Tiếp nối truyền thống đó, các tông đồ, những Giám Mục tiên
khởi cũng đã đặt tay ban Thần khí và trao chức vụ cho các người
kế vị, các Linh Mục, Phó tế và Tín hữu, theo ân sủng Chúa ban.
Sức mạnh này, trao ban quyền lực này hoàn toàn là do bởi Thiên
Chúa là tác giả, là nguồn gốc của mọi ơn huệ, của mọi
chức vụ, để thánh hóa, dạy dỗ và quản trị Hội Thánh.
Trong thinh lặng, tất cả cộng đoàn nghiêng mình cầu nguyện cho
vị tân chức, tha thiết nài xin Thiên Chúa ban cho Ngài ơn khôn
ngoan, soi sáng, sức mạnh của Thánh Thần, để Ngài chu toàn
nhiệm vụ cao cả vì vinh quang Chúa và lợi ích Dân Chúa.



Các phẩm phục và biểu tượng riêng biệt của Giám Mục được
trao cho tân chức: mũ, gậy, nhẫn, Kinh Thánh. Tất cả đều nhắc
nhở đến một lễ thành hôn mà Trung tín đến chết là đặc điểm
và đòi hỏi cao cả nhất. Từ nay, vị Giám Mục như đã kết hôn
với Giáo phận và khẳng định sẽ trung thành cho đến chết.
Nhưng Giáo Hội Chúa trao phó không phải chỉ là Giáo phận Thanh Hóa.
Đức Giám Mục chủ phong đã ân cần nhận vị Tân Giám Mục vào
Cộng đồng Giám Mục, và trách nhiệm của Giám Mục phải là toàn
thể Hội Thánh. Ngài nói:
“Trong mục vụ, nếu Đức Cha lắng nghe Giáo dân và được
họ cộng tác, mọi việc sẽ đạt được nhiều thành quả tốt
đẹp. Ngoài trách nhiệm là chủ chăn Giáo phận Thanh Hóa, Đức
Cha phải quan tâm và chia sẻ với những công việc chung của Giáo
Hội Việt Nam, của những Giáo phận khác… trong vai là một thành
viên của Giám Mục đoàn.”
Các vị Giám Mục hiện diện đã đón nhận vị Tân chức vào Giám
Mục đoàn trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trong Cộng Đồng Giám
Mục toàn cầu.
Vào cuối buổi lễ, đáp lại những lời chúc nguyện của cộng
đoàn, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã nói lên những tâm tình làm
mọi người xúc động. Sau đây là toàn bản văn lời Ngài:
Bài cảm tạ của Đức Tân Giám Mục Thanh Hóa
Trọng kính Đức Hồng Y Cựu Tổng Giám Mục Hànội,
Trọng kính Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo Phận Thành Phố Hố
Chí Minh,
Trọng kính Đức Cha Nha Trang, đương kim Chủ tịch Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam.
Trọng kính Qúi Đức Cha Thành viên Ban Thường vụ Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam.
Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận và Giáo Tỉnh Huế,
Trọng kính Đức Cha Lạng Sơn, Giám Quản Tông Toà Tổng Giáo
Phận hànội, Kiêm GQTT/Thanh Hóa.
Trọng kính quí Đức Cha, Quí Đức Viện Phụ, đến từ hai mươi
lăm Giáo Phận Việt Nam.
Con thực sự xúc động trước hình ảnh một Hàng Giáo Phẩm
Việt-Nam hiện diện uy nghi, trang trọng giữa một cộng đoàn Dân
Chúa đông đủ khác thường như hôm nay. Có lẽ không riêng gì
con, mọi giáo hữu Việt Nam mục kích cảnh tượng hoành tráng này,
cũng đang cảm thấy con tim rạo rực niềm vui. Họ phấn khởi
nhận ra đây là dấu chỉ Đạo Thánh Chúa, sau bao biến thay thăng
trầm của 470 năm lịch sử, vẫn tồn tại mãnh liệt tại Việt
Nam. Họ sung sướng khi thấy Thiên Chúa, qua việc Đức Thánh Cha ưu
ái bổ nhiệm một người anh em của họ lên hàng Giám Mục,
vẫn quan tâm đặc biệt đến Hội Thánh Việt Nam. Họ hãnh diện
vì các bậc chủ chăn thượng cấp của họ, qua sự có mặt đông
đủ của các ngài trong biến cố này, luôn nêu cao tình hiệp thông
ngàn đời và hoàn vũ của Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập.
Cách riêng đối với con, sự hiện diện quí báu của Quí Đức
cha, quí Đức Viện Phụ hôm nay chỉ là biểu hiện bề ngoài của
một tình thương bên trong muôn lần sâu đậm hơn mà con đã cảm
nhận được trong suốt thời gian qua. Mỗi vị một cách thế riêng
nhưng hết thẩy đều đã để lại nơi con một dấu ấn đáng tri
ân. Đức Cha Chủ Tịch là người đã cưu mang và sinh ra con trong
chúc linh Mục, đã tín nhiệm gửi con đi du học nước ngoài nhưng
đã hết sức quảng đại cho phép con được trở vế nguyên quán
phục vụ Giáo phận Thanh Hóa. Hôm nay, qua bàn tay chủ phong của ngài,
một lần nữa ngài lại sinh ra con trong một thiên chức mới. Con có
mặt nơi đây giờ phút này qủa là do công gầy dựng trường kỳ
của ngài.
Cũng trong tâm tình tạ ơn, con đặc biệt tưởng nhớ hai vị ân
nhân qúa cố : Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, người đã dành
cho con trọn vẹn lòng tin cậy khi đệ bạt và xếp đặt cho con
kế nhiệm ngài; Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Nho, cố Giám Mục
Phó Nha Trang, người cha “hiền lành khiêm nhường” đã luôn cư
xử với con bằng tình phụ tử đơn thành nhưng thâm hậu.
Con cũng không quên công ơn của Đức Cha Lạng Sơn, Giám quản Tông
Toà Giáo Phận Thanh Hóa. Trong gần một năm qua, tuy vẫn phải đảm
đương trọng trách Chủ chăn Lạng Sơn và Giám Quản Hà Nội, Đức
Cha đã hết lòng lo cho Giáo phận Thanh Hóa được an lành, nhất là
đã không nề quản bất cứ điều gì để thu xếp cho ngày lịch
sử hôm nay, thậm chí đã sẵn lòng, cùng với Đức Cha đương
nhiệm Giáo Phận Vinh, làm phụ phong trong thánh lễ vừa qua.
Trọng kính Quí Đức Cha, quí Đức Viện Phụ,
Khuôn khổ một buổi lễ tương đối dài không cho phép con kể
hết công ơn của từng Đấng một. Nhưng con ý thức rằng trong
những ngày qua, cách này hay cách khác, bằng lời cầu nguyện,
bằng động viên khích lệ, bằng chia sẻ kinh nghiệm, bằng quà
hoặc thư chúc mừng, có mặt hay vắng mặt hôm nay, Đấng nào cũng
đã hết lòng nâng đỡ con. Lời cám ơn của con giờ phút này không
thể cân xứng với tấm lòng các Đấng đã dành cho. Hơn nữa,
trong những ngày sắp tới đây, vì không có vị tiền nhiệm bên
cạnh để nương tựa, con còn phải trông cậy rất nhiều vào
sự hỗ trợ của các bậc cha anh trong chúc vụ Giám Mục, một
sự hỗ trợ mà con tin là sẽ giúp con an tâm thực thi sứ mệnh.
Một lần nữa con xin bái tạ Quí Đức Cha và Quí Đức Viện
Phụ. Sau đây, con xin phép được ngỏ lời với các cử tọa khác.
Kính thưa Quí Cha Giám Tỉnh, Tổng đại diện, Bề Trên Chủng
Viện, Đan Viện, Dòng tu, qúi cha, qúi Soeurs Tổng Phụ Trách, nam
nữ tu sĩ và chủng sinh.
Sau Hội Đồng Giám Mục, Linh Mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh là
những người tham gia cuộc lễ này với tỷ lệ hùng hậu nhất. Tôi
tưởng tượng đây là một cuộc hành hương về thánh địa Cửa
Bạng, nơi mà cách đây hơn 377 năm, vào ngày 19-3-1627, một người
trong hàng ngũ chúng ta là Giáo Sĩ Đắc Lộ, đã chính thức khai trương
công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Sự hiện diện của các linh
Mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh hôm nay nói lên rằng, từ đồng
bằng Cửu Long cho đến biên giới cực bắc của đất nước, chúng
ta đang nắm tay nhau tiếp tục sứ mạng Cửa Bạng. Chúng ta cám ơn
nhau và xin Chúa chúc lành cho sứ mệnh của chúng ta.
Lời chào và lời cảm ta tiếp theo, xin được gửi đến cha
Morisceau, đại diện Hội Thừa Sai Paris.
Cha Morisceau thân mến,
Trong bối cảnh hạn chế hôm nay, chúng con chỉ có thể nói một cách
vắn tắt rằng lịch sử Giáo Hội Việt Nam nói chung và Giáo
phận Thanh Hoá nói riêng, không thể tách rời khỏi lịch sử Hội
Thừa Sai Paris. Chính tại đây, Vị Sáng Lập bổn Hội, Đức Cha
Francois Pallu đã làm Giám Mục tiên khởi địa phận Đàng Ngoài;
Đức Cha Lambert de la Motte vị đồng sáng lập thứ hai của Hội, cùng
với hàng trăm vị thừa sai khác, đã ghi lại muôn nghìn dấu chân;
có vị đã hoà máu mình với máu các vị anh hùng tử đạo bản
xứ. Bản thân con đã được đào tạo trong chủng viện của Hội
tại Nha Trang và thời gian gần đây, đã được hội bảo lãnh du
học tại Paris. Sự hiện diện qúi báu của cha hôm nay là bằng
chứng lòng ưu ái của Hội đối với Việt Nam vẫn không thay đổi.
Xin cha chuyển lời cảm ơn chân thành của chúng con đến cha Bề
Trền Tổng Quyền và tất cả các thành viên khác của Hội. Rất
mong một ngày nào đó, các vị thừa sai của Hội trở lại đây,
nối gót các bậc tiền bối năm xưa.
Xin phép được dịch ra tiếng Pháp cho cha Morisceau.
Cher Père Morisceau,
Dans la cadre limité des cérémonies d’aujourd’ui, nous ne pouvons dire
brièvement que l’histoire de l’Eglise Vietnamienne et,en particulier, du
diocèse de Thanh Hóa, est inséparable de celle des Missions Etrangères de
Paris. Mgr Fr. Pallu, le fondateur principal de la Société a été nommé
premier évêque de ce lieu même et Mgr Lambert de la Motte, avec des centaines
de confrères de la Société, a laissé ses traces sur cette terre; parmi eux,
certains ont mêlé leur sang à celui des Martyrs Vietnamiens. Personnellement,
moi-même, j’étais formé par les MEP, d’abord au petit Séminaire de
Nhatrang et tout récemment, hébergé pour faire les études à Paris. Votre présence
précieuse aujourd’hui est porteuse d’un message que la société des MEP ne
change pas sa bienveillance envers l’Eglise au VN. Nous en sommes profondément
reconnaissants et nous vous demandons de transmettre nos remerciements les plus
sincères au Supérieur Général et à tous les autres membres de la Société.
Nous espérons intensément qu’un jour, l’Eglise Vietnamienne pourra vous
accueillir de nouveau dans ce pays.
Kính thưa qúi thân nhân, ân nhân, bạn bè và bà con giáo dân.
Vị Giám Mục mang tên Nguyễn Chí Linh đang đứng trước mặt quí
vị đây, chính là tác phẩm tổng hợp do công lao của quí vị
tạo ra. Công của người bố đã lãng tai, của người mẹ đã
khuất núi, nhưng đã hy sinh cả một đời để dâng con cho Chúa; Công
của nghĩa phụ, anh em ruột thịt, họ hàng, đã miệt mài vun vén;
Công của các vị ân sư đã chia sẻ tâm huyết và kiến thức; Công
của qúi ân nhân, đàn anh đàn em, bạn bè, đã mỗi người một
tay đưa đẩy, tiếp sức … Không thể liệt kê tất cả những đóng
góp quí báu của quí vị một cách tỉ mỉ, nhưng tôi muốn nói lên
rằng tôi mang ơn mọi người. Dọc theo những chặng đường tôi
đã đi qua, từng người quí vị đã đứng sẵn đâu đó để nâng
đỡ, đồng hành, giáo dục và cứu vớt tôi. Xin ngàn lần cảm
tạ và xin Chúa trả công bội hậu cho quí vị.
Kính thưa quí thành viên tổ chức lễ tấn phong, qúi cha, nam nữ
tu sĩ, chủng sinh và bà con giáo dân Giáo phận Thanh Hoá.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta tinh thần đồng tâm
hiệp lực trong những công trình chung của Giáo phận. Chúng ta đặc
biệt ghi ơn quí cha trong ban tổ chức Lễ Tấn Phong, từ hai tháng
qua, đã dầy công thiết kế, phân công, điều động hệ
thống vật lực và nhân sự một cách xuôi chảy. Chúng ta cũng không
quên tất cả các chuyên gia âm thanh, hình ảnh, các đơn vị công
tác của các giáo xứ, ca đoàn, nhạc đoàn, phụ lễ, trật tự,
ẩm thực, trang trí, suốt mấy tuần ròng rã, đã không quản
nắng mưa để viết nên trang sử rực rỡ ngày hôm nay. Đó là
bằng chứng hiển hách nói lên rằng Giáo phận chúng ta đã thực
sự trưởng thành và chúng ta có thể thực hiện được những công
trình lớn lao.
Kính thưa các cấp chính quyền Trung Ương , Tỉnh, Thành phố
Thanh Hoá và địa phương phường phố,
Kính thưa qúi đại biểu các Tôn giáo bạn,
Tôi xin được lợi dụng cơ hội này để kính gửi lời chào
nồng nhiệt nhất của tôi đến quí vị. Tôi rất cảm ơn quí
vị đã đến đây biểu lộ thiện chí và tình đoàn kết. Tôn giáo
và chính quyền, tuy thuộc hai lãnh vực khác nhau, nhưng đều lo cho
dân. Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để hài hòa lợi ích
của quần chúng. Thanh Hóa được tiếng là “địa linh nhân kiệt
“, là chiếc nôi lịch sử của bao anh hùng Việt Nam. Tôi ước mơ
và tôi hy vọng rằng, Thanh Hóa cũng là nơi cống hiến một phương
thức tối ưu cho sự hài hòa giữa tôn giáo và chính quyền.
Lời cám ơn sau cùng, tôi xin được gửi đến tất
cả mọi người đang hiện diện ở đây. Để có mặt tại đây
giờ phút này, nhiều người đã vượt qua những cuộc hành trình
hàng ngàn cây số, từ các Điạ phận miền cực Nam, cực Bắc
trong nước, cho đến những lục địa hải ngoại xa xôi như Mỹ
Châu, Aâu Châu hoặc Uùc Châu. Tất cả đều chứng tỏ rằng tình
nghĩa rộng lớn hơn không gian và thời gian. Đó cũng chính là ước
mơ của tôi khi chọn hiệp nhất làm phương châm hành động cho
sứ mệnh Giám Mục của tôi. Sự hiệp thông không có ranh giới và
không có thời điểm. Chúng ta cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta được
sống trong tình hiệp thông. Chúng ta cám ơn nhau đã chia sẻ tình
hiệp thông và chúng ta hẹn gặp lại nhau để nối dài tình hiệp
thông đến vô tận.
Một lần nữa xin cảm ơn và kính chào mọi người.

Sau Thánh lễ, từ trên sân thượng của Toà Giám
Mục Thanh Hóa, một điệu múa nón được dàn dụng, đón tiếp
mọi người và nói lên niềm vui hiên ngang của Giáo phận trong ngày
lịch sử này.
Một bữa ăn thân mật được tiếp đón những người
tham dự thánh lễ Tấn Phong trong cởi mở và thân tình.
(Theo trang Web GP Thanh Hóa)
|