Kinh nghiệm sa mạc trong tinh thần mùa Chay
Kể từ thứ tư Lễ Tro toàn thể Giáo Hội chính
thức bước vào mùa Chay Thánh. Mùa Chay là thời gian kéo dài 40 ngày,
trong đó tín hữu được mời gọi sám hối, hoán cải tâm lòng,
thay đổi cung cách suy tư hành xử, và sống lòng tin cậy mến
một cách cụ thể sâu đậm hơn. Không phải vô tình mà Phúc Âm
Chúa Nhật thứ I mùa Chay trình thuật biến cố Chúa Giêsu được
Thần Khí thúc đẩy vào trong sa mạc để cầu nguyện và chay
tịnh trong 40 đêm ngày.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, đặc biệt là trong sách Xuất Hành, sa
mạc là nơi của ơn thánh, và dừng lại trong sa mạc là thời gian
khẩn cầu Thiên Chúa và sống kinh nghiệm gần gũi, gặp gỡ Ngài.
Trường hợp gặp gỡ Thiên Chúa điển hình nhất là câu chuyện
ơn gọi của ông Môshê vào khoảng năm 1250 trước công nguyên. Tuy
là con nuôi của công chúa Ai Cập, nhưng vì bênh vực các người
đồng hương Do thái ông Môshê đã lỡ giết chết một cai thợ Ai
Cập, nên phải trốn đi, để khỏi bị Pharaong Ramses báo thù. Ông
gặp gia đình tư tế Giêtrô và trở thành con rể của ông Giêtrô,
ngày ngày chăn đoàn vật cho bố vợ. Khi Môshê đến núi Khorép,
Giavê Thiên Chúa đã gọi ông và giao cho ông sứ mệnh dẫn dắt dân
Do thái ra khỏi Ai Cập để trở về Đất Hứa. Cuộc gặp gỡ đổi
đời ấy đã xảy ra trong sa mạc Sinai, và nó khởi đầu biến
cố Thiên Chúa giải phóng dân Do thái, hướng dẫn họ trong sa
mạc, ký kết giao ước với họ và ban lề Luật cho họ. Nhưng
những nghi ngờ, nổi loạn và bất trung phản bội của họ đã
khiến cho họ phải chịu thanh tẩy, lang thang trong sa mạc 40 năm dài:
chỉ có con cháu họ là thế hệ trẻ không nổi loạn, bất trung là
được vào Đất Hứa mà thôi.
40 năm lang thang trong sa mạc đã là thời gian thanh tẩy dài đối
với dân Do thái. Và đó cũng là ý nghĩa của 40 ngày trong Mùa Chay
Thánh. Trong Kinh Thánh số 40 biểu tượng cho một thời gian có
hạn định: thời gian đánh phạt, thời gian thanh tẩy, thời gian sám
hối lỗi lầm, cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người
mới. Đó là thời gian Thiên Chúa giáo huấn tín hữu, và canh tân
tình yêu của Ngài đối với họ, như ngôn sứ Edêkiel đã viết
trong chương 36: ”Bấy giờ, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân
tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn
các ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh
sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi
sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các
ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.
Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán
quyết của Ta và đem ra thi hành. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá
khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim
bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi”
(Ed 36,24-27).
Thay đổi tâm trí: có được con tim mới, có được tinh thần
mới và tâm thức mới có nghĩa là bước vào sống theo cái luận
lý của Thiên Chúa, trở thành giống Thiên Chúa hơn, như trong
thời tạo dựng: Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình
ảnh Ngài. Biết bao tội lỗi bất trung trong đời đã khiến cho hình
ảnh sáng láng xinh đẹp đó bị lu mờ, hoen úa, nhọ nhem đi. Khi vào
trong sa mạc, khi bước vào hoang địa để sống kinh nghiệm gặp
gỡ thân tình với Chúa, chúng ta được ơn thánh Chúa tắm gội
tẩy rửa để tìm lại được vẻ trong sáng xinh đẹp thánh
thiện xưa kia.
Đây là lý do khiến cho các ngôn sứ, đặc biệt là ngôn sứ Hosea
vẫn coi thời gian sống trong sa mạc là thời gian ân phúc, mặc dù
dân Do thái đã phản bội Chúa, tôn thờ con bò vàng và phạm
biết bao nhiêu tội chống lại tình yêu thương nhân thứ của Chúa.
Hosea là ngôn sứ đầu tiên dùng thứ ngôn ngữ hôn nhân để
diễn tả liên hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Sa
mạc không chỉ trở thành nơi hâm nóng tình yêu ban đầu, trở thành
nơi Thiên Chúa ”hấp hôn” với dân Do thái. Nhưng còn hơn thế
nữa, sa mạc là nơi hẹn hò của một cuộc tình mới, Giavê Thiên
Chúa là hôn phu và và Israel lại là hôn thê của Ngài. Chính vì
thế ngôn sứ Hosea mới diễn tả cuộc tình ấy như sau: ”Ta sẽ
quyến rũ nàng, Ta sẽ đưa nàng vào trong sa mạc và sẽ nói với
con tim nàng” (Hs 2,16).
Tuyệt đỉnh của kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong sa mạc là
ở đó: được sinh ra trong tình yêu. Như thế, cách thức sống Mùa
Chay Thánh sâu đậm và cụ thể nhất là yêu thương nhau, như lời
thánh Gioan nhắn nhủ: ”Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương
nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì
đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không
yêu thương, thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như
thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con
Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều
này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người
đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ
để đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu
thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1
Ga 7-11).
Lậy Chúa, xin giúp chúng con yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương
chúng con.
Linh Tiến Khải
Radio Vatican News
|