Truyền thống nghi lễ vọng phục sinhยง Hùng Linh Trước nhà thờ, trong màn đêm bao phủ, một ngọn lửa bắt đầu cháy bập bùng và được vị linh mục làm phép. Sau đó, cây nến Phục Sinh to cao được thắp sáng từ ngọn lửa này. Và rồi, trong thinh lặng một phó tế giơ cao nến Phục Sinh tiến vào nhà thờ lúc này cũng bao trùm bởi bóng tối, dẫn đầu đoàn người đang chuyền cho nhau ngọn lửa thắp sáng từ nến Phục Sinh. Bước đi ít bước, vị phó tế cất giọng sang sảng: "Ánh sáng Chúa Kitô" và được giáo dân đáp lại với lời: "Tạ ơn Chúa." Sau ba lần đáp trả như thế, nến Phục Sinh được đặt trên một giá cao nơi cung thánh. Bây giờ thì cả nhà thờ đang rực sáng với ánh lửa từ những ngọn nến cầm tay của mọi người. Sau đó, vị phó tế cất giọng trang trọng công bố bài Tin mừng Phục Sinh. Tiếp theo là những bài đọc của Cựu Ước kể lại lịch sử cứu độ do Thiên Chúa thực hiện kể từ việc tạo dựng vũ trụ cho đến việc ban giao ước đầu tiên với Abraham và thề hứa về một giao ước mới nơi Ðấng Cứu Thế. Sau những bài đọc trong Cựu Ước, bài hát "Vinh Danh" (Gloria) được cả cộng đoàn dân Chúa cất lên lần đầu tiên sau 6 tuần Mùa Chay. Tất cả đèn điện trong nhà thờ được bật sáng, chuông và chiêng trống được gióng lên, nến trên bàn thờ được thắp cháy, những chậu hoa tươi đặc biệt huệ loa kèn (Easter lily) trắng khiết làm nổi bật gian cung thánh. Thánh Lễ đêm nay thật đặc biệt, có làm phép nước, có nghi thức Thánh tẩy cho những người dự tòng. Ðêm nay quả là một đêm đáng ghi nhớ nhất trong năm Phụng vụ của Hội Thánh hay nói đúng hơn là "đêm của mọi đêm" bởi vì đêm nay toàn thể Kitô hữu mừng kỷ niệm Chúa Giêsu Phục sinh vinh hiển từ cõi chết. Trong đêm nay, những nghi thức và biểu tượng trong Thánh Lễ (lửa, nước, lời Chúa, Kinh Cầu Các Thánh, áo trắng của tân tòng,...) toát lên cốt lõi của niềm tin Kitô giáo: Mầu nhiệm Phục Sinh. Sau đây chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại ý nghĩa của một số truyền thống Mùa Phục Sinh. Nến Phục Sinh Việc thắp nến Phục Sinh xuất phát từ nghi thức đốt các ngọn đèn vào lúc đêm xuống khởi đầu cho ngày Sabát (thứ Bảy) của người Do Thái. Sau đó, nghi thức này trở thành kinh Lên Ðèn trong Kitô giáo vào giờ Kinh Chiều. Kể từ thế kỷ thứ 4, Giáo Hội đã có truyền thống cử hành nghi thức thắp nến Phục Sinh và hát bài bài Công bố Tin mừng Phục Sinh vào đêm canh thức Phục Sinh, đêm canh thức dài nhất của Năm Phụng vụ. Bài công bố Tin mừng Phục Sinh hay còn gọi là bài Exultet, do động từ Latinh Exultare có nghĩa là nhảy mừng, hân hoan vui sướng, được vị phó tế hát lên kết thúc phần Nghi thức thắp nến Phục Sinh để tiến sang phần Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Tẩy và Phụng vụ Thánh Thể. Trong Vương quốc Frankish vào khoảng thế kỷ 6, ngoài nghi thức làm phép lửa mới và thắp nến Phục Sinh, người ta còn thêm vào biểu tượng thánh giá được vẽ trên nến Phục sinh với lời công bố của vị chủ sự: "Ðức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, là khởi nguyên và tận cùng," rồi đánh dấu thêm hai chữ Anpha và Ômêga (2 mẫu tự đầu và cuối của bản mẫu tự Hy lạp nói lên Thiên Chúa là chủ tể của vạn vật). Bốn con số của năm hiện tại được thêm vào 4 góc của hình thánh giá với lời: "Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ. Vạn tuế Ðức Kitô, Ðấng vinh hiển quyền năng. Amen." Năm hạt hương với dấu đinh bằng sáp đỏ được cắm vào thánh giá đã vẽ biểu tượng cho năm dấu thương tích vinh quang của Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn trong khi vị chủ sự đọ?: "Vì năm vết thương chí thánh và vinh hiển, xin Chúa Kitô gìn giữ và bảo vệ chúng ta. Amen." Mùa Phục Sinh Như đêm Vọng Phục Sinh, Chúa Nhật Phục Sinh mừng việc Chúa Giêsu đã sống lại từ trong kẻ chết để rồi những ai tin vào Ngài và chịu phép Thánh tẩy được chia sẻ sự sống vĩnh cửu. Chúa Nhật Phục Sinh gợi lại giây phút linh thiêng khi những môn đệ của Chúa Giêsu cảm nghiệm Ngài đã thật sự sống lại và đang ở giữa họ. Việc Ðức Giêsu Phục Sinh chỉ cho thấy Ngài chính là Chiên Vượt Qua, giải thoát nhân loại khỏi áp bức của xích xiềng tội lỗi và đem lại tự do cũng như khai mào cuộc sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Ngài. Tính cách trọng thể của Chúa Nhật Phục Sinh thường đi kèm với những nghi thức như Ðêm Vọng Phục Sinh: các bài hát Phục Sinh tươi vui với lời Alleluia, làm phép Thánh tẩy hay lập lại lời hứa ngày nhận lãnh bí tích này, rảy nước thánh mới làm phép đêm hôm trước trên cộng đoàn, trưng những chậu hoa tươi thắm... Tuy nhiên, niềm vui Phục Sinh không chỉ kéo dài trong Ðêm Vọng hay Chúa Nhật Phục sinh nhưng kéo dài cả 50 ngày, được gọi là Mùa Phục Sinh, kể từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ðể hiểu được tại sao Giáo Hội mừng Mùa Phục Sinh trong 50 ngày chúng ta phải tìm hiểu nghi lễ của người Do Thái. Người Do Thái đánh dấu mùa Xuân bằng hai ngày lễ lớn là Pesach (lễ Vượt Qua) và Shavuot (lễ Ngũ Tuần). Người Do Thái mừng Lễ Vượt Qua vào ngày trăng tròn sau ngày Xuân Phân đánh dấu mùa Xuân bắt đầu ở Bắc bán cầu (21 tháng Ba). Tại đất Do Thái, lễ Vượt Qua rơi vào mùa gặt lúa mạch. Năm mươi ngày sau đó (tức tuần thứ bảy sau lễ Vượt Qua) là lễ Ngũ Tuần nhằm vào mùa gặt lúa mì. Cả 2 lễ Vượt Qua và Ngũ Tuần có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Do Thái. Lễ Vượt Qua tưởng nhớ lại Thiên Chúa đã ra tay uy quyền của Ngài trong việc đưa người Do Thái ra khỏi đất Ai Cập sau một thời gian dài làm nô lệ. Trong khi đó, lễ Ngũ Tuần là một lễ tạ ơn của người Do Thái được mùa lúa mì. Vào thế kỷ thứ 1, lễ Ngũ Tuần lại được nối kết với biến cố Thiên Chúa ban lề luật cho người Do Thái ở núi Sinai khoảng 50 ngày sau khi họ ra khỏi Ai Cập để ghi nhớ và tái kết giao ước giữa Thiên Chúa và mọi thế hệ dân Do Thái. Từ mối liên hệ với lễ Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, người Kitô hữu ngay từ những thế kỷ đầu đã mừng trọng thể trong 50 ngày của mùa Phục Sinh Mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô và khai mào sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Nếu một năm được xem như là một tuần lễ (mỗi tuần có 50 ngày) thì cả 50 ngày trong Mùa Phục Sinh là một ngày hội kéo dài và vì thế ngày xưa Mùa Phục Sinh còn được gọi là "ngày Chúa Nhật cao trọng". Do đó mà trong cuốn "Bàn về Cầu nguyện" của giáo phụ Tertullian đầu thế kỷ thứ 3 đã nói về Mùa Phục Sinh như là spatium pentecostes (theo tiếng Latinh nghĩa là "thời gian ngũ tuần") để nói về 50 ngày này như là biểu trưng cho cuộc sống hạnh phúc đời đời trong Nước Trời, mà đã được bắt đầu nơi cuộc đời của những người chịu phép Thánh Tẩy nhờ sự sống mới trong Chúa Thánh Thần được khai mào bởi sự thương khó, tử nạn và sống lại của Ðức Kitô. Cho đến đầu thế kỷ thứ 4, trọn 50 ngày của Mùa Phục Sinh được xem là một mùa lễ mà trong đó mỗi ngày người tín hữu đều mừng kính Mầu nhiệm Phục Sinh của Ðức Kitô. Tuy nhiên sau đó, tính chất thống nhất của 50 ngày Phục Sinh được chia ra làm 3 phần: Bát nhật Phục Sinh (8 ngày đầu của Lễ Phục Sinh), Lễ Thăng Thiên (40 ngày sau Lễ Phục Sinh), và Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (50 ngày sau Lễ Phục Sinh). Bát Nhật Phục Sinh Xuất phát từ mối quan tâm của các vị mục tử cần dạy dỗ giáo lý cho những người tân tòng. Vào những thế kỷ đầu tiên, trong 8 ngày thuộc tuần Bát nhật Phục Sinh, các tân tòng hằng ngày tụ họp lại để được giám mục cắt nghĩa thêm về ý nghĩa của các bí tích (Thánh Tẩy, Thêm Sức, và Thánh Thể) cùng những nghi thức mà họ đã được tiếp nhận trong Ðêm Vọng Phục Sinh. Những chỉ dẫn giáo lý này được gọi là mystagogia (trong tiếng Hy lạp có nghĩa là "giải thích mầu nhiệm"). Khác với việc dạy giáo lý trong giai đoạn dự tòng, mystagogia chủ yếu không phải là những cắt nghĩa có tính cách sư phạm về tín lý trong đạo Công Giáo, nhưng được đánh dấu bằng những lời tán tụng hùng hồn (rhetoric), các ẩn dụ (metaphor) và câu chuyện (story) để cho các tân tòng cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của những biểu tượng, cử điệu họ đã nghiệm qua trong Ðêm Vọng Phục Sinh. Sau giai đoạn mystagogia được tiến hành trong Tuần Bát Nhật, người tân tòng trở thành một thành viên trọn vẹn của cộng đoàn Kitô hữu. Vào thời Trung Cổ, giai đoạn mystagogia dành cho tân tòng không còn nữa. Tuy nhiên, với Công đồng Vatican II, thời kỳ mystagogia đã được đưa vào trở lại trong phụng vụ Giáo Hội bắt đầu từ năm 1972. Như thế, Giáo Hội nhận ra giai đoạn mystagogia có tính cách quan trọng trong cuộc hành trình đức tin của những người lớn tân tòng trong thời gian 50 ngày của Mùa Phục Sinh. Lễ Thăng Thiên Trong tiếng Latinh ascensio có nghĩa là việc đi lên do động từ ascendre (ad scandere) tức là đi lên. Ðây là lễ trọng được cử hành vào 40 ngày sau Chúa Nhật Phục Sinh. Giáo Hội mừng lễ này vào ngày thứ Năm của Tuần V Phục Sinh, nhưng ở một số giáo phận lễ này được dời vào Chúa Nhật Tuần VI Mùa Phục Sinh. Vào cuối thế kỷ thứ 4, Lễ Thăng Thiên đã được cử hành tại một số địa phương vào ngày thứ 40 sau khi Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, lúc đầu việc kỷ niệm Chúa Giêsu kết thúc sự hiện diện hữu hình của Ngài ở trần gian với các môn đệ sau khi sống lại từ cõi chết có lẽ được mừng kính như là một phần của ngày Lễ Hiện Xuống. Việc Chúa Giêsu "lên trời" để ngự bên hữu Thiên Chúa Cha là một tín điều trong Kinh Tin Kính, nói lên thần tính của Ðức Kitô. Với mầu nhiệm Thăng Thiên của Ðức Kitô, mọi Kitô hữu được nhắc nhở về sự vinh quang mai sau trong cõi hằng sống với Ba Ngôi Thiên Chúa. Lễ Hiện Xuống Là ngày lễ trọng được cử hành 50 ngày sau Lễ Phục Sinh để mừng việc Thiên Chúa đã đổ Thánh Thần của Ngài trên cộng đoàn tín hữu đầu tiên vào ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái (Công vụ 2:1-4). Ðồng thời lễ này còn được gọi là sinh nhật của Giáo Hội, có ý chỉ chấm dứt Giao Ước Sinai của Thiên Chúa và dân Do Thái để khởi đầu một giao ước mới với Hội Thánh, dân mới của Thiên Chúa. Theo Phụng vụ, Lễ Hiện Xuống kết thúc Mùa Phục Sinh để trở lại mùa thường niên cho đến Mùa Vọng. Một điều quan trọng chúng ta cần biết đó là lễ này không thể tách rời với Mùa Phục Sinh. Trái lại, Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô chỉ đạt được chiều kích trọn vẹn trong ngày Lễ Hiện Xuống khi Hội Thánh nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Trong thời gian 10 ngày giữa Lễ Thăng Thiên và Lễ Hiện Xuống, Hội Thánh cùng chuyên cần cầu nguyện với Mẹ Maria để chuẩn bị đón Chúa Thánh Thần đến. Trứng Phục Sinh Ðây là một biểu tượng phổ thông trong ngày Lễ Phục Sinh. Huyền thoại tạo dựng trời đất của nhiều dân tộc cổ xưa thường đề cập đến một cái trứng khổng lồ từ đó vũ trụ được sinh ra. Vì thế, trứng là một biểu tượng tự nhiên của việc tạo dựng, tái tạo và sống lại. Ở các nước Ai Cập và Ba Tư ngày xưa, thân hữu thường tặng nhau những quả trứng có trang trí vào ngày Xuân Phân (21/3) tức là ngày khởi đầu Mùa Xuân. Những quả trứng này là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở bởi vì một sinh vật chui ra từ quả trứng là điều lạ lùng đối với các dân tộc ngày xưa. Những người Kitô hữu ở Cận Ðông lấy theo truyền thống này và trứng Phục Sinh trở thành một biểu tượng tôn giáo. Do đó, trứng Phục Sinh tiêu biểu cho ngôi mộ Chúa Giêsu ra khỏi trong sự sống mới. Bởi vì có một thời Giáo Hội cấm ăn trứng trong Mùa Chay (như chúng ta kiêng thịt bây giờ), trứng là một thứ thức ăn quí giá trong ngày Lễ Phục Sinh. Những quả trứng Phục Sinh thường được cho trẻ em trong các rổ hoặc dấu đâu đó để các em tìm ra. Những quả trứng này trước hết được luộc đi sau nhuộm với phẩm màu. Ðối với một số sắc dân, họ lấy lòng trứng đi rồi tô màu với những kiểu trang trí công phu. Dân tộc Ðức còn có truyền thống trang trí các cây ngoài trời với những quả trứng Phục Sinh rỗng bên trong nhưng vỏ trứng được trang trí rất đẹp. Hoa Huệ Phục Sinh Cho đến khoảng 100 năm về trước, hoa huệ Phục Sinh không thấy ở Bắc Mỹ. Huệ loa kèn trắng (white trumpet lily) nở ra vào mùa Xuân được ông Thomas P. Sargent nhập từ Bermuda vào Hoa Kỳ. Hoa huệ này thường được biết dưới tên "huệ Phục Sinh" bởi lẽ loại hoa này nở ra vào mùa Phục Sinh. Như loại hoa poinsettia đỏ thường được thấy trưng bày vào dịp Lễ Giáng Sinh, loại hoa huệ kèn trắng này gắn liền với Lễ Phục Sinh. Trong ý niệm truyền thống của Công Giáo, hoa huệ là biểu tượng của sự thanh khiết bởi vì nó mong manh và có màu trắng. Cũng thế, hoa huệ là biểu tượng của sự Phục Sinh. Cuối cùng, Mùa Phục Sinh không được công chúng đón mừng trọng thể bằng so với Mùa Giáng Sinh nếu nói về việc mua bán quà cáp hay trưng bày đèn điện rực sáng ở các cửa tiệm hay các tư gia. Tuy nhiên, việc Giáo Hội mừng Mầu nhiệm Phục Sinh trong 50 ngày nói lên ý nghĩa quan trọng của mùa này. Có thể nói rằng 50 ngày của Mùa Phục Sinh là "tuần trăng mật" của mọi Kitô hữu vì qua phép Thánh Tẩy được mua bằng giá máu của Ðức Giêsu, họ được ẵm lấy trong sự Phục Sinh của Ngài. Vì thế, trong Mùa Phục Sinh, chúng ta không chỉ nhớ lại biến cố Chúa Giêsu sống lại đã xảy ra cách đây 2000 năm, nhưng còn thực sự sống Mầu nhiệm đó trong cuộc sống hôm nay bằng chính ơn Chúa Thánh Thần ban cho. Chúng ta hãy mừng Mùa Phục Sinh qua dấu chỉ tình yêu và bình an chúng ta mang đến cho tha nhân. Chúa đã sống lại thật. Alleluia! Tài liệu tham khảo: Catholic Customs and
Traditions của Greg Dues |