Có bắt buộc phải tin phép lạ hay những nơi Đức Mẹ hiện ra hay không?

Thực tế ra, trong đạo Công Giáo, vai trò của Đức Trinh Nữ Maria có một vai trò hết sức quan trọng, được phản ánh qua sự kiện là trong mỗi thánh đường Công giáo đều có một bàn thờ hay là nơi chốn riêng dành để tôn kính Đức Mẹ Maria với nhiều tước hiệu như: Mẹ Thiên Chúa, Đức Nữ Trinh, Đức Mẹ Hòa Bình, Mẹ Mân Côi, v.v... Trong thế kỷ vừa qua có nhiều nơi trên thế giới tường trình về sự kiện Đức Mẹ hiện ra và một số nơi đã được Giáo Hội công nhận và cho phép đến kính viếng cầu nguyện. Dầu vậy, khi cho phép hay công nhận những nơi này có dấu hiệu thiêng liêng hoặc có thể là phép lạ mặc lòng, không bao giờ bắt buộc người tín hữu phải tin hay không tin. Lý do tại sao chúng tôi sẽ từ từ giải thích sau.

Đức Maria có nhiều tước hiệu khác nhau qua các thời đại, nhưng một số những tước hiệu sau đây được thêm vào có ý nói lên vai trò quan trọng của Đức Maria trong việc giúp các tín hữu đạt tới ơn cứu độ. Hiến Chế công Đồng Vatican II về Giáo Hội ban hành ngày 21-11-1964 được các nghị phụ Công Đồng bỏ phiếu chấp thuận đã thêm các tước hiệu này cho Đức Maria, đó là "Đấng Bầu Cử", "Đấng Trợ Giúp" và "Đức Nữ Trung Gian".

Vai trò của Đức Maria trong Đạo Công Giáo

Đang khi có nhiều Giáo Hội thuộc Kitô giáo coi vai trò của Đức Maria chì có tính cách lịch sử và thụ động trong công trình cứu rỗi nhân loại, thì Giáo Hội Công giáo đặt trọng tâm vào vai trò của Đức Maria như là một con người hiện thân sống động có khả năng chuyển cầu ơn thiêng thay cho toàn thể nhân loại với chính con của mình là Đức Giêsu Kitô.

Ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, nền thần học Công giáo đã tin rằng Đức Giêsu Kitô là "Vị Trung gian duy Nhất giữa Thiên Chúa và con người" hầu cho con người được ơn cứu độ (thư Phaolô gửi Timothê 2:5), thế nhưng cũng có những tác nhân và yếu tố khác trợ giúp vào việc cứu độ. Nền Thần học Công giáo đề nghị rằng vì sự vâng lời tuyệt đối của Đức Maria (Lk 1:38) đối lại với sự bất phục tùng của người đàn bà nguyên tổ Eva (Sáng thế 3:6) mà Đức Maria đã được mời gọi trở thành Mẹ Thiên Chúa (theo các Thánh Giáo Phụ).

Dầu vậy theo Thần học Công Giáo, dù Đức Maria có tinh tuyền thế nào chăng nữa, Ngài cũng vẫn là một thụ tạo, và cũng cần được ơn cứu độ. Đức Maria là người duy nhất trọn vẹn thánh thiện, nhưng Đức Maria không bình đẳng với Đáng Kitô Cứu Thế được. Dầu vậy mặc lòng thì các thánh Giáo Phụ đề coi vai trò của Đức Maria là rất quan trọng trong công trình cứu độ loài người của Đức Kitô. Các Thánh Giáo Phụ có thể kể, đó là Thánh Jerome, Thánh Irenaeus (180–199) sử gia Tertullian (212-?). Chính thánh tiến sĩ Ambrosiô coi Đức Maria là mẫu mực khởi đầu của Giáo Hội Chúa Kitô thiết lập.

Sự tôn kính Đức Maria trong truyền thống Công giáo được coi là một trong những phần cốt yếu quan trọng của lễ nghi phụng tự và giáo lý Công giáo. Chúng ta quan sát việc kính Đức Maria qua các ngày lễ kính Mẹ, và các buổi đọc kinh và hát thánh vịnh.

Đức Maria được coi là một trong những trung tâm điểm trong nền thần học Công giáo mà các Giáo hoàng và các Thánh đã từng nhắc tới. Theo thánh Bernard of Clairveaux (1090-1153) thì “Đức Maria được coi là Cửa Thiên Đàng, vì không ai có thể vào qua cửa đó mà không qua Mẹ”. Còn thánh Bonaventura (1221-1274) thì khẳng định về vai trò quan trọng trung gian của Mẹ Maria đối với con người nhân loại.

Việc sùng kính Đức Mẹ được biểu lộ như thế nào?

Đối với người Công giáo, một trong những cách cầu nguyện được ưa chuộng nhất là dùng Tràng Chuỗi Mân Côi. Đây là hình thức tụng kinh lặp đi lập lại như một lời chào liên lỉ dâng lên mẹ, vì đó cũng chính là lời chào ca tụng của Thiên sứ Gabriel kính chào Đức Trinh Nữ Maria và loan báo tin mừng mời gọi Maria làm Mẹ Thiên Chúa. Cách thức đọc kinh Mân Côi gồm việc đọc một Kinh Lậy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, và Kinh Sáng Danh. TRàng Hạt Mân Côi có 50 chục hạt với năm Mầu Nhiệm cho mỗi Mùa Vui, Mùa Thương và Mùa Mừng. Mới đây Đức Gioan Phaolô II thêm sự chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ bằng thêm 5 Mầu Nhiệm Sự Sáng. Khi đọc Kinh Mân Côi là chúng ta hợp ý vào cả cuộc đời của Đức Kitô nơi trần gian trong công trình cứu độ, từ khi được loan báo tin nhập thể cho tới khi về trời.

Những kinh Nguyện Maria quan trọng khác là kinh "Tán Tụng Magnificat, Kinh cầu Đức Mẹ Maria, Kinh Lậy Nữ Vương, v.v..." Trong 12 tháng có ít là 2 tháng dành riêng kính Đức Maria là tháng Hoa (tháng 5) và Tháng Mân Côi (tháng 10).

Còn có nhiều cách tôn kính Mẹ Maria như đi hành hương, đi viếng đền thánh và các việc làm đạo đức khác...

Những nơi nào Đức Mẹ và những nơi Đức Mẹ hiện ra?

Người Công giáo cử hành các lễ kính Đức Mẹ tại những địa danh Đức Mẹ đã hiện ra mà đã được Giáo Hội công nhận. Thường những nơi như vậy các chứng nhân chứng kiến việc hiện ra kể lại tiến trình thị kiến và kèm theo với sứ điệp mà Đức Mẹ muốn nhắn gửi. Trong những địa danh Đức Mẹ hiện ra và được công nhân gồm có:

  • Guadalupe bên Mexicô vào năm 1531
  • LaVang bên Việt Nam vào năm 1798
  • Knock bên Ái nhĩ lan vào năm 1879
  • Lộ Đức Lourdes bên Pháp năm 1858
  • Fatima ở Bồ đào nha và năm 1917
Những nơi thời danh và nói có Đức Mẹ hiện ra nhưng chưa được công nhận đó là:
  • Garabandal ở Tây Ban Nha
  • Medjugorje ở Bosnia-Herzegovina
  • Zeitun ở Ai Cập từ năm 1968-1971
  • Hrushiv nước Ukraine vào năm 1987
Ngày nay chúng ta nhận thấy rằng có rất nhiều tường trình việc Đức Mẹ hiện ra ở nhiều nơi trên thế giới, khi thì xẩy ra nơi này, khi nơi khác, nhất là trong những năm gần đây. Vấn đề này cần nhận định ra sao?

Đa số dân chúng bị lôi cuốn về các hiện tượng phi thường như Đức Mẹ khóc, Đức Mẹ hiện ra...

Khi nghe tin có Đức Mẹ hiện ra ở đâu, hay nghe tin có phép lạ nào đó xẩy ra, không những chỉ người tín hữu Việt Nam vốn rất tình cảm, mà cả số đông người ngoại quốc cũng sẽ vội vã tìm đến nơi cho bằng được, vì tò mò cũng có, nhưng với một số người muốn tìm một niềm tin siêu việt nào đó, một dấu hiệu phi thường mà trong đời thường không có.

Khi tới những nơi như vậy có người tin liền, có người hồ nghi, có người chống đối, có người còn cho là phải phá vỡ những mê tín dị đoan này ngay, kẻo không thì nền đạo giáo sẽ hỏng vì tin như vậy là quá uỷ mị, không có khoa học và còn hạ giá đạo xuống nữa.

Mới hôm qua đây có một người viết email cho tôi và nói rằng “Đức Mẹ không có khóc đâu, vì nếu cần thì Mẹ đã dùng “e-mail internet” để gởi thông điệp cho con cái Việt Nam, vì khóc là kiểu xưa rồi, bây giờ Đức Mẹ sẽ dùng Email - Internet, văn minh và hiệu quả hơn nhiều đỡ tốn tiền của con cái Mẹ”. Anh chàng này với giọng văn châm biếm thực sự đã không hiểu được ý nhiệm mầu của tác dụng truyền thông mà kinh nghiệm ở Lộ Đức hay Fatima đã lội cuốn con cái Mẹ thế nào. Dĩ nhiên có nhiều cách thế văn minh hơn mà Thiên Chúa có thể làm cho con người, nhưng Thiên Chúa đã mặc xác phàm ở cùng con người và dùng “ngôn ngữ loài người” nói với chúng ta.

Không những chỉ có người già hiếu kỳ muốn biết về các phép lạ hay các cuộc hiện ra mà ngay giới trẻ trong các nước văn minh thì đa số cũng tỏ ra quan tâm về các biến cố sự lạ xẩy ra như Đức Mẹ hiện ra chẳng hạn. Sau đây là kết quả về một cuộc nghiên cứu khoa học về vấn đề này.

Vào năm 1994, LM Johann G. Roten, S.M., Giám đốc Thư Viện và Học Viện Nghiên Cứu Maria Quốc Tế đã làm cuộc điều tra nghiên cứu đối với 6000 cá nhân tuổi từ 15 tới 25. Trong đó có đề tài nói về các phép lạ và các cuộc hiện ra.

Câu hỏi là các bạn trẻ nghĩ gì về các cuộc hiện ra?

LM Roten thao thức rằng có phải hình ảnh Mẹ Maria ngày nay thiếu vắng trong trái tim và tâm hồn của giớit rẻ Hoa Kỳ hay không? Và những câu hỏi điều tra nhằm mục đích khám phá xem rằng Mẹ Maria có chỗ nào trong ý thức tôn giáo của các bạn trẻ Hoa Kỳ hay không? Việc điều tra đưa đến câu hỏi thực tế là giới trẻ có thích thú hay là quan tâm về việc Đức Mẹ hiện ra hay không?

Nguyên về câu hỏi liên quan tới sự kiện Đức Mẹ hiện ra, kết quả cuộc điều tra cho biết như sau:

40% người trả lời không có thích thú hay quan tâm về sự kiện Đức Mẹ. Có hiện ra hay không cũng không quan trọng đối với họ.

Trong khi đó 60% tỏ ra có hứng thú phần nào. (Riêng giới trẻ không phải là người Hoa Kỳ số phần trăm có cao hơn chút ít là 65.2%.)

Riêng về câu hỏi các cuộc Đức Mẹ hiện ra bạn có nghĩ là do yếu tố tâm lý chủ yếu hay không? Câu trả lời là 16.3% đồng ý, 43.2% không đồng ý, và 40.5% nói không biết.

Cái nhìn thần học về Đức Mẹ hiện ra hay Đức Mẹ khóc thế nào?

Dĩ nhiên trên phương diện thần học và tính cách xác thực của các sự kiện như Đức Mẹ hiện ra hay Đức Mẹ khóc cần phải đặt dấu hỏi rất lớn rằng: Đâu là giá trị thần học của các biến cố cho rằng nơi nào đó có Đức Mẹ hiện ra?

Nhà thần học Larentin, một người có đóng góp vào Công đồng Vatican II và viết nhiều sách, đặc biệt là về những cuộc Đức mẹ hiện ra, khi đưa ra đầu đề “Đức Maria trong Giáo huấn và Đời sống của giáo Hội” cho cuộc Hội Thảo năm 1955 ông đã cho rằng: “việc học hỏi về các cuộc Đức Mẹ hiện ra phải được coi là một khía cạnh của thần học, nhưng đây lại là một trong những điều it1 được quan tâm nhất và í được đào sâu một cách có khoa học nhất trong nền Thần học Công giáo”. Chỗ đứng của các cuộc “hiện ra” và giá trị của nó xếp ở hạng thấp trong quan tâm của thần học Công giáo.

Thế nhưng, chính thần học gia Laurentin lại nhấn mạnh rằng dù tại Medjugorje hay tại Fatima cả hai nơi đều có “con số kỷ lục những người trở lại”. Và nhà thần học gia này nhận định rằng các cuộc Đức Mẹ hiện ra không được báo cáo đầy đủ và học biết hay nghiên cứu cho tường tận nhất là về phương diện thần học: “Người thị kiến sự việc thấy Đức mẹ hiện ra thường bị dồn vào chân tường, bị sức ép và có khi bị nhục mạ. Việc chấp nhận có cuộc hiện ra không bao giờ là một đ0iều bắt buộc ai phãi tin. Thế nhưng, nếu có những lý do tốt và chính đáng để tin thì sao?”.

Thần học gia Laurentin cũng cho rằng khoa học sẽ không bao giờ có thể xác thực được tính cách chính hiệu của sự hiện ra. Hiện tượng “thị kiến hay hiện ra” vượt khỏi tầm tay của tra tìm khoa học, thế nhưng chính sự khảo nghiệm có tính cách khoa học có thể diễn tả được hiện tượng xẩy ra có lợi ích cho sự nhận định”.

Thần học gia Laurentin cũng chỉ cho thấy là hầu hết các cuộc hiện ra thường luôn mang một “sứ điệp” nào đó. Và thường thì những sứ điệp nhắc nhở về Phúc Âm. Tính cách thiêng liêng của sứ điệp luôn là yếu tố quyết định, vì nếu sứ điệp có tính cách ngôn sứ thì khó mà lượng định được thực hư.

Vì thế khi Giáo Hội có công nhận cuộc hiện ra nơi nào chăng nữa, thì đó chỉ có tính cách cổ động cho người tín hữu biết là không có gì sai trái. Thế nhưng, Giáo Hội không bao giờ đặt vấn đề là phải tin vào cuộc hiện ra hay là phép lạ đó cả.

Trước những sự lạ, tìm hiểu vai trò của Phép Lạ trong Công Giáo. Vậy Phép Lạ là gì?

Nguyên ngữ tiếng la tinh là miraculum, từ động từ mirari, có nghĩa là “làm sửng sốt, việc lạ thường”.

Sự lạ lùng hay việc lạ lùng được Thánh Kinh dùng nhiều lần để diễn tả những kì công, những điều kì diệu, hoặc những phép lạ (việc lạ thường) được thực hiện hay xẩy ra bởi quyền năng siêu nhiên, và có một sứ mạng đặc biệt hay một ân huệ đến từ Thiên Chúa.

Trong Tân Ước bản phổ thông tiếng La tinh Vulgate, phép lạ (miraculum) được dùng để chỉ những việc phi thường và được chính Thiên Chúa hay Chúa Giêsu chấp thuận. Vì thế thánh Phêrô trong bài giảng đầu tiên đã nói: “Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em”. (TĐCV 2:22).

Thánh Phaolô nói về ơn làm Tông Đồ: “Anh em đã thấy thực hiện nơi anh em những dấu chỉ của sứ vụ Tông Đồ: nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng, nào là các phép lạ”. (2 Cor 12:12)

Trong khi loan truyền Tin Mừng và giảng dậy dân chúng, Chúa Giêsu đã dùng các phép lạ để cho dân Do thái nhận định ra Ngài là Đấng Mesiah, tức là Đấng đến cứu độ trần gian.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ lộ chính mình cho con người qua các sự kiện lịch sử và phép lạ

Thánh Kinh tỏ cho thấy là trong mọi thời Thiên Chúa dùng các phép lạ để minh chứng về sự Mạc Khái và Thiên Ý của Ngài cho con người. Các phép lạ trong thời Cựu Ước tỏ lộ Sự Quan Phòng của Thiên Chúa đối với dân tuyển chọn của Ngài. Những phép lạ này là bằng chứng hùng hồn cho sứ mạng mà Moisen đã được chúa trao phó trao phó (Xuất Hành 3:4). Mạc khải cho dân thấy Đức Jehovah là Thiên Chúa Duy Nhất (Dân Số 5:25). Phép lạ là như bàn tay Thiên Chúa dùng trị tội vua Pharaoh cứng lòng không vậng lời sứ giả Thiên Chúa. Phép lạ cũng dùng để tỏ lộ sự bất bình của Thiên Chúa đối với dân Do thái bất trung (Dân số 14).

Trong Phúc Âm, phép lạ có một chỗ đứng và giá trị rất đặc biệt

Chúa Giêsu trong những dòng được ghi lại trong Phúc Âm là một nhân vật đầy sức quyến rũ, tỏa sáng niềm vui an bình từ nhân cách con người, từ tình người ấm áp, từ vẻ đẹp của giáo điều, từ việc nâng dậy cuộc sống, từ sự quan tâm và thân thương yêu mến giới nghèo, người cơ cùng, kẻ cô đơn, người bị hất hủi. Đức Giêsu một mực trung thực với lời mời gọi của mình nên đã dùng quyền năng trong nhiều hoàn cảnh, bằng nhiều cách khác nhau thực hiện những phép lạ phi thường hoán cải đời sống nhân thế và làm cho người ta tin theo sứ điệp và con người của Ngài.

Khi học hỏi kĩ hơn về Phúc Âm, chúng ta bị lội cuốn vì những câu truyện tương quan tới đoàn lũ đông đảo theo Chúa. Chúa đã nuôi họ, cho của ăn phần hồn phần xác và trên hành trình truyền giáo giảng đạo, Ngài đã làm rất nhiều phép lạ từ Galilee tới suốt miền Judea.

Những phép lạ của Chúa Giêsu có tính cách là chứng tá cho Tin Mừng. Phép lạ đầu tay tại Cana được thực hiện là để muốn “biểu lộ vinh quang của Ngài” và như thế các môn đệ “tin vào Ngài”đi theo Ngài " (Gioan 2:11).

Chính Chúa Giêsu vần thường tuyên bố là các công việc Ngài làm là bằng chứng cho sứ mạng và Thiên Tính của Ngài. Ngài cũng nói rằng: “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi”. (Gioan 5:36).

Sự xác tín trên phương diện triết học thần học về thei6n tính của Đức Giêsu đã được Nicodêmô tuyên xưng như sau: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy." (Gioan 3:2).

Bản chất của Phép Lạ:

Phúc Âm thường dùng danh từ terata nguyên ngữ Hy Lạp và mang ý nghĩa “những điều kỳ diệu”. Khi diễn tả như vậy muốn nói lên những cảm nghĩ dấy động lên trong lòng trước sự kiện đang xẩy ra, mà những cảm quan do ngũ giác, như mùi vị, nghe, thấy, v.v... vượt ra ngoài những gì vẫn bình thường xẩy ra trong thiên nhiên. Thí dụ câu truyện Chúa Giêsu chịui phép rửa tại sông Jordan, trời mở ra, tiếng từ trời phán và chim bồ câu đậu trên đầu... Câu truyện cuộc trở lại của thánh Phaolô ghi việc ngã ngựa, tiếng phán ra, mù mắt, được chữa lành.... là những sự kiện được coi là phép lạ vì có bàn tay can thiệp của Thiên Chúa hay là chính công việc của Thiên Chúa muốn cho xẩy ra như vậy.

Sự kiện như vậy vượt quá những gì là thiên nhiên và tự nhiên và tất yếu phải đến từ trên, từ Thiên Chúa, có nghĩa là quyền năng siêu nhiên, tạo ra hiệu quả siêu nhiên phi thường mà danh từ thường dùng là phép lạ. Việc chữa cho kẻ chết sống lại, ơn thông hiểu và ơn nói ngôn ngữ lạ mà Chúa ban cho các tông đồ đó là những phép lạ.

Một trong những ý nghĩa sâu xa về tu đức đó là tính cách kì diệu của Phép Lạ không chỉ là sự kiện những gì phi thường xẩy ra như giác quan đang cảm nhận được, mà chính là những gì tàng ẩn bên trong, cái hậu quả sâu kín và lâu dài mà phép lạ có sức ảnh hưởng trên con người.

Khi so sánh phép lạ với đời thường, phép lạ được gọi là sự kiện phi thường. Khi phân tích sự khác biệt giữa tính cách phi thường của phép lạ với tiến trình bình thường của thiên nhiên vạn vật, thì các Thánh Giáo Phụ và các thần học gia của Giáo Hội dùng những danh từ sau đây: sự kiện “vượt trên”, “chống lại” và “ngoài” thiên nhiên”. Có nghĩa là chỉ cách thế mà phép lạ vượt quá những gì bình thường vẫn thường xẩy ra.

Sự biến nước thành rượu tại Cana được coi là phép lạ vì nó vượt quá quyền hạn thiên nhiên, nước lập tức trở thành rượu mà không qua giai đoạn tiến trình bình thường (qua các giai đoạn bình thường mà quả nho trở thành rượu như thế nào), hay như câu truyện Chúa chữa người mù, dùng bùn đất xoa lên mắt, là đi ngược lại hậu quả bình thường thường ngày.

Triết gia Spinoza nhận định rằng Phép Lạ là một sự vi phạm vào trật tự của thiên nhiên ( xem tác phẩm proeverti, "Tract. Theol. Polit.", quyển VI). Một số các triết gia khác như Hume, Martensen, và Theodore Parker cũng coi phép lạ là sự vi phạm (violation the order of the nature).

Nhưng phép lạ không nhất thiết là phản thiên nhiên, phép lạ chỉ là vượt trên, và ra ngoài biên cương của thiên nhiên mà thôi. Danh từ phản thiên nhiên (contrary to the nature) không có nghĩa là "bất bình thường, không tự nhiên” (unnatural) trong ý nghĩa là gâyu ra sự bất hòa và hỗn độn. Chúng ta nhận định rằng trong thế giới vũ trụ, khoa học cho biết các lực của thiên nhiên khác nhau về khối lượng và sức mạnh và chúng luôn trong tình trạng giao thoa với nhau. Sự kiện này làm phát sinh ra các luồng ảnh hưởng và tạo ra các sức đối kháng luôn mãi triền miên.

Phép lạ được gọi là vượt siêu nhiên, bởi vì hậu qủa của nó vượt ngoài tầm mà lực sản xuất của thiên nhiên có thể phát ra và như vậy ngàm ý là có một động lực siêu nhiên nào đó can thiệp. Thánh Toma, nhà thần học yên thâm kinh viện dậy rằng: “Những hiệu quả có thể danh chính mà gọi là phép lạ là những gì được Quyền Năng Thiên Chúa thực thi vượt ngoài những gì mà ta thấy trong thiên nhiên” (Contra Gent., III, cii) và chúng cũng vượt ngoài trật tự thiên nhiên bởi vì chúng vượt ngoài thứ tự và luật lệ của toàn thiên nhiên đã được tạo dựng” (Suma Theologia I, 102:4). Vì lý do này mà trong Cựu Ước diễn tả việc Chúa dẫn đưa dân Do Thái qua Biển Đỏ đã dùng danh từ “việc làm do ngón tay của Thiên Chúa” (Xuất Hành 8:19).

Quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ trong phép lạ:

  • Cách trực tiếp qua chính hành động của Ngài
  • Cách gián tiếp qua tạo vật và qua các phương tiên hay dụng cụ
Trường hợp Thiên Chúa thi thố phép lạ cách gián tiếp thì hiệu qủa của phép lạ phải qui về thiên Chúa vì chính người mới là tác nhân và Ngài thực hiện qua các dụng cụ của ngài mà thôi. Thánh Augustinô trog sách De Civit. Dei, X, xii) có viết rằng: “Ipso Deo in illis operante” Chinh Thiên Chúa làm phép lạ qua các phương tiện dụng cụ.

Trong Thánh Kinh cũng như trong lịch sử Giáo Hội, ta thấy có những dụng cụ sinh động thuộc quyền lực Thiên Chúa, không phải vì tự nó có quyền lực này, nhưng là qua sự liên kết đặc biệt với Thiên Chúa. Thánh Kinh nói về các dụng cụ như Hòm Bia Thán (Daniel V), chén thánh trong đền thờ, tà áo của tiên tri Elias (2 Các Vua 2), gấu áo của Chúa Giêsu (Matthêu 9), nước dòng sông Jordan (2 các Vua 5), và nước Hồ Bethsaida (Gioan 5).

- Các phép lạ là dấu chỉ của sự quan phòng của Thiên Chúa trên con người, và vì thế các phép lạ có đặc tính luân lý cao, đơn giản, và hiển nhiên, mục đích và đối tượng rõ ràng.

- Chỉ có Thiên Chúa mới thi hành được phép lạ mà hậu quả ta gọi là những phép lạ căn cốt, như cho người chết sống lại.

- Các phép lạ được ghi chép trong Thánh Kinh được các thiên thần thực hiện, nhưng luôn được qui về do ý định của Thiên Chúa, và nói rằng Thánh Thần Chúa ban quyền lực cho thực thi những phép lạ như vậy. Do vậy nguồn gốc cũng là đến từ Thiên Chúa.

Vị thế và giá trị của Phép Lạ trong quan điểm Kitô giáo về thế giới

Kitô giáo dậy rằng Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và điều khiển vũ trụ. Thiên Chúa cũng tiếp tục quan phòng mọi việc xẩy ra và làm cho có sự hòa thuận và ổn định trong thé giới thiên nhiên và sự sáng tạo thể lý và vật lý. Làm cho mọi sự xoay vần theo thứ tự và an bài cho con người trở thành ngưởi thụ hưởng và hưởng dùng những gì mà Chúa dựng lên.

Con người được Thiên Chúa dựng lên với trí khôn và sự tự do, có khả năng biết và phụng thờ Thiên Chúa. Đối với con người, thiên nhiên là cuốn sách mà Thiên Chúa đang mở ra để biểu lộ và khám phá ra Đáng Tạo Thành qua những biểu đồ hữu hình trong trật tự và qua ý thức nhận định mà chính Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng này.

Như vậy theo cái nhìn của Kitô về thế giới vũ trụ thì các phép lạ cũng có một chỗ đứng và một ý nghĩa. Chúng phát sinh trổi lên từ liên hệ cá nhân giữa Thiên Chúa và con người. Tỉ dụ như khi có một niềm sáng tín rằng một trái tim trong sạch làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì cảm xúc này một cách huyền nhiệm nào đó, nó chung cho mọi người trên hoàn vũ. Cái cảm giác được gần gũi với Thiên Chúa có thể đã nảy sinh ra khuynh hướng khắp nơi cho rằng tất cả những hiện tượng phi thường đều có các nguyên nhân siêu nhiên.

Mục tiêu quan trọng đầu tiên của các phép lạ là sự tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa. Cũng có thể còn có những mục tiêu tùy phụ, như phép lạ xẩy ra để minh định một sự thật, một sứ mạng hay chứng giám cho cuộc sống thánh đức nào đó của các tôi tớ của Chúa.

Phải hiểu thế nào về các Phép Lạ hay các Cuộc Hiện Ra của Đức Mẹ Maria?

Trong bài trước, chúng tôi đã trình bày về ý nghỉa của Phép Lạ và vai trò của phép lạ trong sứ mạng mục vụ của Chúa Giêsu như thế nào. Phần sau đây, chúng tôi đi về vấn đề cụ thể hơn là phải hiểu Phép Lạ hay các cuộc hiện ra của Đức Mẹ có ý nghĩa gì đối với người Công giáo chúng ta.

Có người đã phát biểu như sau: vị giảng thuyết thần thế nhất không phải là cố giám mục Fulton Sheen hay mục sư Billy Graham của Hoa Kỳ đã lôi kéo hằng triệu người..., nhưng chính là một Người Nữ, và người nữ vô hình này có sứ điệp vô cùng hấp dẫn trong suốt giòng thời gian 2000 năm qua. Những cuộc hiện ra của người Nữ này xuyên suốt qua lịch sử nhân loại ở nhiều nơi trên thế giới, đã dẫn đưa tới cuộc biến cải trở về của từng triệu triệu con tim, làm say mê và củng cố đức tin của người lương lẫn giáo trên khắp hoàn cầu.

Khi chúng ta nhận danh Người Nữ này chính là Đức Maria mà con của Người là Đức Giêsu Kitô, thì chúng ta không còn lạ gì cho lý do và sự tất yếu là Mẹ sẽ hiện ra hiện diện với chúng ta. Sứ mạng của Mẹ là mang sứ điệp ơn cứu độ của Con Mẹ đến với tất cả mọi người và chính Mẹ sẽ dẫn đưa người ta về với Chúa Giêsu.

Được nhìn trong viễn tượng này thì ta không còn lạ gì nếu Đức Maria có hiện ra và chỉ bảo cho con người về nẻo đường dẫn tới Đức Giêsu. Và chúng ta nhận thực được rằng Đức Maria và Chúa Thánh Thần luôn luôn làm việc mật thiết với nhau.

Truy nguồn về lịch sử Đạo Công Giáo, chúng ta cũng thấy hiển nhiên rằng thời khai sinh của Giáo Hội được chứng thực bằng các phép lạ phi thường. Những sự kiện lạ lùng và phép lạ là những yếu tố rất quan trọng cho sự lớn lên của Kitô giáo thuở ban đầu. Những người theo Chúa Giêsu và tin vào sứ điệp và lời giảng dậy của các môn đệ Ngài, thời kỳ khai sinh Giáo Hội, là phần lớn là tùy thuộc vào các phép lạ của Chúa Giêsu.

Tiếp đến công cuộc truyền bá và mở rộng sứ điệp của Chúa Giêsu và Kitô giáo trong thế giới thí ít nhất tùy thuộc vào nhiều phép lạ mà các thánh Tông Đồ của Chúa đã thực hiện. Chúng ta có thể đọc được những phép lạ thuở ban đầu trong sách Tông Đồ Công Vụ.

Ngày nay cả trào lưu của những người có lập trường Căn Bản và của người có lập trường Tự Do đang muốn chối bỏ sự hiện điện của phép lạ trong đời sống Kitô giáo thuở khởi đầu. Lập luận của họ dựa trên thiên kiến chứ không do bằng chứng xác đáng hiển nhiên.

Những cuộc Hiện Ra của Đức Maria có thể nói là thành phần trong cách thức biểu lộ siêu nhiên và những việc lạ lùng trong Kitô giáo. Bản chất kì diệu của các cuộc hiện ra và những sứ điệp đi kèm theo đã đưa hằng triệu người về với Chúa Kitô. Qua các cuộc hiện ra. Mẹ Maria đã gieo rắc Phúc Âm cho mọi vờ cõi của thế giới. Và sự kiện hiển nhiên không chối cãi được là kết quả của các phép lạ và sự hiện ra đã mang lại ơn trở lại, sự hội cải, thăng tiến đời sống thánh thiện và làm cho đời sống cầu nguyện được khả quan và tốt đẹp hơn.

Nơi đây chúng ta không muốn dài dòng kể lại những kết quả phi thường đã xẩy ra tại những nơi mà Đức Maria đã hiện ra như tại Guadalupe, Lourdes, Fatima, và ngay cả tại La Vang Việt Nam nữa. Nhưng ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua và biết được những việc phi thường Chúa đã làm qua tay Đức Mẹ tại các trung tâm hành hương Thánh Mẫu nêu trên.

Một nhà tâm lý vô thần thời danh, tức ông Sigmund Freud đã có lần phải thốt lên rằng: “Tôi không nghĩ rằng các cuộc chữa bệnh của chúng tôi có thể địch lại được với nơi như Lộ đức. Có quá nhiều người tin tưởng vào phép lạ của Đức Trinh Nữ Maria hơn là vào sự hiện hữu của tiềm thức (1). Tỉ dụ như một trong những kết quả hiển nhiên và tác dụng mãnh liệt nhất trong lịch sử các phép lạ và ảnh hưởng của sự hiện ra của Đức Maria, đó là tại vùng đất Tân Thế Giới ở Guadalupe sau khi Đức Mẹ hiện ra lập tức đã có 9 triệu người Aztecs tin theo đạo Chúa và tôn vinh Mẹ Maria.

Lòng của người Mẹ nào cũng thương yêu con cái và muốn bảo vệ con mình bằng mọi giá, cả về vật chất lẫn tinh thần. Không mộ người nào có lòng sùng kính Mẹ maria với tình mẫu tử mà không cảm nhận được sự yêu thương nồng thắm và niềm tin tưởng phó thác vỗ về của Mẹ, như khi xưa Mẹ đã yêu thương và bảo vệ con mình là chính Đức Giêsu.

Đức Maria không những chỉ hiện ra với đoàn con để lôi kéo chỉ đường cho nhân loại trở vể với Chúa Giêsu mà con ban thêm những phương thức như là vũ khí và thuẫn phòng thân trong cuộc lữ hành trần thế, để đạt tới sự cứu rỗi. Tại Fatima, Đức Maria nhắn nhủ hảy ăn năn đền tội, ăn chay hãm mình, năng rước lễ và lần hạt Mân Côi.

Tại Lộ Đức, Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta sống đời sống cầu nguyện, đức khó nghèo, đền tội và kết hợp với Giáo Hội. Đức Mẹ dậy cho thánh Bernardette khám phá ra “một thế giới khác”, Mẹ nói: ‘Ta không hứa cho con được hạnh phúc trong đời này nhưng là đời sau”. Đức Mẹ mời gọi mọi người sống “sứ điệp Tình Yêu Chúa”.

Mới đây chúng ta mừng kính Đức Mẹ hiện ra ở La Vang 200 năm. La Vang nhắc lại cho người Công giáo Việt Nam với những cuộc bách hại đạo đẫm máu, nhưng con dân Việt đã được Mẹ Maria hiện ra để an ủi cứu chữa trong lúc lầm than.

Trong những năm từ 1886-1928, La Vang thuộc giáo xứ Cổ Vưu, trong tỉnh Quảng Trị. Ðể đáp lại nhu cầu mỗi ngày mỗi nhiều của các đoàn hành hương, năm 1928 Ðức Cha Lý quyết định lập La vang thành một giáo xứ. Năm 1958-1959, Ðại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc được tổ chức tại LaVang, với sự hiện diện của Ðức Hồng Y Agagianian, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo và là Ðặc Sứ của ÐTC Gioan XXIII. Ngày 13.4.1961, Các Giám Mục miền Nam Việt Nam họp nhau tại Huế, Và khấn hứa với Trái Tim Cực Sách Mẹï Maria là sẽ xây cất một Ðền Thánh, khi hoàn cảnh cho phép và khẩn xin Ðức Mẹ ban tự do cho Giáo Hội và ban hòa bình cho hai miền Bắc-Nam. Và trong thư luân lưu ngày 8.08 cùng năm 1961, các giám mục công nhận La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc.

Từ năm 1961, Ðền Thánh La Vang được mở rộng nhiều với các công việc tông đồ và các cơ sở khác nhau như: Quảng Trường Thánh Mân Côi, với các tượng diễn lại 15 Mầu nhiệm Kinh Mân Côi; hai hồ nhỏ trên khu đất khoảng 6 mẩu tây; một bàn thờ bằng đá quí giá của miền núi Non Nước; một tượng Ðức Mẹ; một trung tâm tĩnh tâm được hoàn tất năm 1963; nhà trọ cho các đoàn hành hương, một giếng nước.

Ngày 01.5.1980, các Giám Mục họp nhau tại Hà Nội, long trọng tái xác nhận La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc. Trải dài trên 200 năm qua, và chính thức từ năm 1901, thì các cuộc Đại Hội Hành Hương đến với Mẹ LaVang luôn lôi kéo người Công giáo từ khắp nơi về tung hô Mẹ v2 cầu khẩn với Mẹ. Cuộc hành hương trong Tam Nhật 13-15 tháng 8 năm nay 1998, là một cuộc hành hương đặc biệt, để mừng kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra, một biến cố lịch sử rất quan trọng đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Vì là một biến cố rất quan trọng, ÐTC Gioan Phaolô II đã cử Ðức Hồng Y Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội làm Ðặc Sứ thay mặt ngài và nhân danh ngài để chủ tọa các lễ nghi kỷ niệm.

Nhiều người đến La Vang đã cảm thấy được bàn tay an bình của Mẹ che chở và tìm lại được niềm tin, sức mạnh và an ủi tiếp tục hành trình đức tin của mình dù giữa bao gian lao thử thách cuộc đời.

Hầu hết mọi nơi Đức Mẹ hiện ra với con cái của mình, Mẹ luôn nhắn nhủ sứ điệp Yêu Thương, Canh Tân, Nên Thánh và nhìn về Viễn Tượng Nước Trời.

Phưong thế mà Mẹ Maria dây dỗ cho con cái là: Tràng hạt Mân Côi, Áo Đức Bà, Phép Thánh Thể, và Ăn Chay hãm Mình Đền Tội.

Thiên Chúa sẽ dùng mọi cách thế và sử dụng phương tiện khác nhau để chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống và để được ơn cứu rỗi. Vì lẽ này mà Thiên Chúa đã sai Mẹ Maria đến với chúng ta để nhắc nhở, bảo vệ và dẫn đưa chúng ta về Quê Trời.

Chú thích:

(1) Sigmund Freud, "New Introductory Lectures on Psycho-Analysis," 1933, in The Standard Edition of the Complete Psychological Works of Sigmund Freud (London: Hogarth Press and Institute of Psycho-Analysis: 1953-1974), v.22, 152.

LM Trần Công Nghị
VietCatholic News (03/11/2005)