Phải hiểu cho đúng việc tôn sùng Đức Mẹ và việc tạc vẽ ảnh tượng của người Công giáo như thế nào?

Một số đông anh em Tin Lành không hiểu rõ ý nghĩa việc người Công giáo tôn kính Đức Mẹ Maria một cách đặc biệt, nên có một số người đã quá găy gắt bình phẩm rằng người Công giáo qùy xụp lạy trước tượng Đức Mẹ có khác nào như thể đang thờ ngẫu tượng! Và họ còn lên án rằng người Công giáo không biết phân biệt giữa Thiên Chúa tối cao và ảnh tượng gỗ đá do con người tạo ra, vậy sự kiện này có thực sự đúng không?

Thưa không. Bởi vì, chẳng hạn người Tin lành cũng từng ôm hôn cây Thánh giá hoặc cuốn Kinh thánh, nhưng có ai dám nói họ đang hôn gỗ, hôn giấy không? Điều quan trọng chúng ta phải ghi nhớ là Sách thánh hay Thánh giá được ôm hôn kia là để tưởng niệm Đức Giêsu và công trình cứu độ của Ngài. Cũng vậy, những hình ảnh của các vị thánh hiển vinh của Thiên Chúa được sùng kính là để nhắc nhớ chúng ta về gương mẫu của các vị thánh đã tận hiến đời mình để đáng được công nghiệp cứu chuộc của Đức Giêsu.

1- Quỳ trước tượng Đức Mẹ không phải là thờ lạy: Người Công giáo không nghĩ rằng họ đang “thờ lạy” Đức Mẹ khi họ quỳ trước các ảnh tượng của Đức Mẹ. Họ chỉ tôn kính Đức Mẹ và qua Đức Mẹ, họ thờ phượng Thiên Chúa, và Chúa Giêsu. Để cứu rỗi nhân loại, Thiên Chúa đã muốn cho Con của Ngài sinh bởi Đức Mẹ đồng trinh, vì thế, người công giáo biệt tôn Đức Mẹ trên hết các thần thánh, nhưng không vì thế mà biến việc tôn kính thành tôn thờ. Có người hỏi: “Thế nhưng tại sao người công giáo lại mộ mến Đức Mẹ một cách say sưa như thể Đức Mẹ là ngôi vị “thứ tư” trong ba ngôi Thiên Chúa?

Xin thưa: người Công giáo, nhất là công giáo Việt nam say sưa yêu mến Đức Mẹ một cách rất đặc biệt. Thiên Chúa chọn Đức Mẹ và ban cho Đức Mẹ vinh dự vô cùng lớn lao được làm Mẹ Thiên Chúa; vì Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu. Đức Mẹ còn là Mẹ nhân loại. Chính Chúa Giêsu yêu kính Mẹ của Ngài một cách hoàn hảo. Chúng ta được kêu gọi để bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm khi thực thi giới răn thứ bốn là: “Các ngươi phải thảo kính cha mẹ”. Lòng thảo kính đặc biệt ấy không phải là sự tâng bốc muốn đưa Đức Mẹ lên ngang hàng với ngôi vị Thiên Chúa. Lòng thảo kính ấy đã được chính Chúa Giêsu cổ võ.

2- Phải hiểu cho đúng ý nghĩa việc tạc vẽ ảnh tượng: Có người trưng đoạn sách Xuất hành (Xh 20:4-5) nói rằng Thiên Chúa đã cấm tạc tượng, vẽ hình, thế mà người công giáo còn tạc tượng Đức Mẹ, như vậy là vi phạm luật Chúa?

Thưa: - Thiên Chúa cấm làm hình tượng với mục đích thờ lạy hình tượng thay vì thờ lạy Thiên Chúa. Vì dân chúng dưới thời Môsê thích tạc ngẫu tượng để thờ, nên Chúa đã truyền lệnh cấm ấy. Thế mà sau đó, chúng đã đúc bò vàng để thờ thay vì thờ Chúa khiến Chúa nổi giận (Xuất hành 32: 7-10). Nhưng Chúa đâu có cấm tạc vẽ ảnh tượng nói chung. Trong sách Xuất hành (Xh 25: 18-19). Chúa truyền cho Môsê làm các tượng thần Chêrubim. Trong sách Dân số, Chúa nói với Môsê đúc con rắn đồng. Người Do thái tạc rất nhiều hình tượng trong đền thờ của họ gồm thiên thần, bò lừa, sư tử, các cây cọ, chà là, hoa lá (Sách các Vua, quyển 1, đoạn 6 và 7). 

Có lẽ ở nhà, chúng ta để hình ảnh của người thân trong phòng khách; lúc đi đường còn mang theo trong ví, trong bóp, hình ảnh những người yêu dấu ấy. Đấy là những hình tượng do con người làm nên. Có phải chúng ta thờ phượng các ảnh tượng đó khi chúng được dùng như biểu tượng nhắc nhở mối liên hệ thâm sâu giữa ta với người trong ảnh tượng? Không ! Thế thì cũng một nguyên tắc ấy được ứng dụng trong việc tôn kính trước các ảnh tượng. Hình tượng Đức Mẹ được trang trọng đặt trên bệ, trên đài là vì lòng mộ mến, tôn kính Đức Mẹ một cách rất đặc biệt của người công giáo. Qua hình tượng Đức Mẹ, người công giáo lúc nào cũng quy hướng tâm hồn về Thiên Chúa tối cao để thần phục, tôn thờ. Người công giáo chỉ dùng những hình tượng Đức Mẹ, các Thánh và các Thiên thần của Thiên Chúa để nhắc nhở cho mình những nhân đức và hành vi thánh thiện của thánh nhân đáng tôn kính mà các ảnh tượng kia biểu hiện.

Lạy Mẹ Maria, con của Mẹ còn nơi dương gian, giữa chốn ba đào hiểm nguy, xin Đức Mẹ thương con và cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho con. Amen!

LM Trần Xuân Lãm
VietCatholic News (10/11/2005)